Syria sẵn sàng ứng phó cho điều tồi tệ nhất

Thứ Hai, 09/09/2013, 17:45

Trong khi chính quyền các nước Phương Tây đang dọn đường cho một cuộc tấn công quân sự vào Syria, chính quyền Damascus cũng đang bắt đầu mọi kế hoạch phòng ngự và phản công.

Lá chắn phòng không và 8.000 phi công cảm tử

Dõi theo những gì phương Tây chuẩn bị, giới quan sát khẳng định gần như chắc chắn rằng vũ khí chủ lực của họ dùng để tấn công Syria sẽ là tên lửa hành trình.

Trước khả năng này, các trang mạng quân sự nước ngoài đã có nhiều bài phân tích khả năng phòng thủ của chính quyền Damascus. Theo trang mạng Aus Airpower, lực lượng phòng không Syria được bố trí theo 6 khu vực phòng thủ chiến lược, trong đó thủ đô Damascus được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. 6 khu vực đó là các thành phố lớn Homs, Halab, thủ đô Damascus, căn cứ không quân Tiyas, khu vực ven biển Địa Trung Hải, và các khu vực tiếp giáp với cao nguyên Golan. Các trận địa phòng không được bố trí ở những địa điểm này nhằm mục tiêu ngăn chặn các cuộc tập kích đường không bất ngờ từ các hướng tấn công tiềm tàng. Mà mối đe dọa lớn nhất, theo quan điểm của chính quyền Syria, là không quân Israel.

Syria có mối quan hệ tin cậy với Iraq nên khu vực biên giới phía đông của nước này với Iraq hầu như không bố trí tổ hợp phòng không nào. Khu vực này được tuần tra bởi các máy bay MiG-23, MiG-25, MiG-29 và có thể huy động thêm máy bay đánh chặn nếu có sự cố xảy ra. Theo Aus Airpower, Damascus được bảo vệ bởi 10 trận địa tên lửa phòng không S-75, 8 trận địa S-125 và 28 trận địa tên lửa tầm trung 2K12. Hai trong 5 trận địa phòng không S-200 cũng là một lá chắn phòng không ở đây. Khu vực tây nam Syria cũng là nơi trọng yếu được bố phòng chặt chẽ, một phần vì đây là nơi tiếp giáp với cao nguyên Golan mà Israel kiểm soát. Khu vực này có 7 trận địa S-75, 6 trận địa S-125 và 9 trận địa 2K12 và một trạm radar cảnh báo sớm.

Khu vực biển Địa Trung Hải (kéo dài từ Al Lathqiyah đến Tartus) có 5 trận địa S-75, 12 trận địa S-125 và được hỗ trợ bởi 2 hệ thống cảnh báo sớm. Ngoài ra còn có 2 hệ thống phòng không tầm xa S-200 và 16 trận địa phòng không dự bị. Đây chính là bức tường thành vô hình ngăn với biển của Syria.

Tên lửa hành trình Tomahawk, át chủ bài của Mỹ và đồng minh khi tấn công Syria.

Lầu Năm Góc ước tính số lượng hệ thống phòng không của Syria gấp 5 lần Lybia cũng như có tên lửa tầm xa và phức tạp hơn nhiều. Đã có rất nhiều đồn đoán xung quanh việc Syria có trong tay 2 hệ thống phòng không tầm xa siêu hiện đại là S-300 của Nga và HQ-9 của Trung Quốc. Nhưng không thể tìm thấy một bằng chứng xác thực nhất. Tuy nhiên, dù chính quyền ông Assad không có trong tay S-300 (hay bản nhái HQ-9) thì khả năng phòng không của Syria cũng thực sự rất đáng gờm.

Theo các chuyên gia quân sự, nếu đánh Syria lần này, Mỹ và đồng minh sẽ triển khai chiến thuật SEAD (Suppression of Enemy Air Defenses) tức chiến thuật "áp chế phòng không đối phương". Đây là một khái niệm chiến thuật chiến tranh hiện đại được bắt nguồn từ các phi vụ Wild Weasel săn lùng các bệ phóng tên lửa và radar của phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Ngày nay, SEAD đã trở thành một chiến thuật tiêu biểu cho chiến tranh hiện đại, thắng hay thua cho bên tấn công hay bên phòng thủ phụ thuộc rất lớn vào sự thắng bại trong chiến thuật SEAD.

Kinh nghiệm chiến trường khoảng hơn một thập niên trở lại đây cho thấy nếu không thể cầm cự sau chiến thuật SEAD thì khả năng bị đánh bại là gần như 100%. Từ Nam Tư, Iraq đến Libya đều bại trận sau khi không thể chống lại chiến thuật SEAD của Mỹ. SEAD ngày trước thường giới hạn trong các nhiệm vụ săn lùng các bệ phóng tên lửa, radar... Nhưng ngày nay, chiến thuật SEAD trở nên đa dạng hơn với sự góp mặt của tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk đã trở thành vũ khí tiêu chuẩn khai hỏa cho các cuộc tấn công quân sự trong suốt hơn một thập niên qua. Vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là quân đội chính phủ Syria có trong tay những vũ khí nào có thể chống chọi lại một chiến thuật SEAD của Mỹ nhắm vào đây. Thực tế thì Tomahawk quả thật là một vũ khí cực kỳ lợi hại nhưng nó cũng có không ít những điểm yếu có thể bị khuất phục.

SEAD tại Syria thực sự là một thách thức lớn đối với Mỹ và các đồng minh, ngón đòn tấn công phủ đầu bằng Tomahawk vốn đã thành công rực rỡ trước đây có thể không đạt được kết quả mong muốn tại Syria. Sau thất bại của Iraq, Libya, có lẽ Damascus đã rút ra được bài học cho riêng mình, việc họ đầu tư rất nhiều vào các hệ thống phòng không di động cho thấy họ đã sẵn sàng để "tiếp chiêu" SEAD của Mỹ.

Hệ thống Pantsir S1 được coi là khắc tinh của tên lửa Tomahawk.

Các tướng lĩnh Mỹ biết rõ điều này, bất chấp sự kiện không quân Israel thực hiện thành công phi vụ tập kích nhắm vào kho vũ khí trong lãnh thổ Syria hồi tháng 7 vừa qua cũng như nhiều lần họ đã làm trước kia với quốc gia này. "Những sự kiện gần đây đã không thay đổi đánh giá của chúng ta về sự sắc bén của các hệ thống phòng không Syria", một quan chức cấp cao Mỹ cho biết.

Chưa kể hôm 29/8, quân đội Syria cho biết đã chuẩn bị 8.000 phi công cảm tử, sẵn sàng lao thẳng máy bay vào các tàu chiến neo đậu ngoài khơi Syria trong trường hợp họ bị tấn công. Các tên lửa hành trình Tomahawk phần lớn được phóng từ các tàu này, cho nên kế hoạch tiêu diệt các bệ phóng tên lửa cũng khiến Mỹ và đồng minh phải suy nghĩ về khả năng tấn công.

Lá bài chính trị

Một bộ phận giới phân tích cho rằng, nếu Washington tiến hành các cuộc không kích có chủ đích, ông Assad có thể sẽ sử dụng lá bài chính trị thay vì lựa chọn đáp trả bằng quân sự. Salman Shaikh - Giám đốc Trung tâm Brookings Doha - nói: "Lựa chọn đầu tiên của ông ta (Assad) là giá trị tuyên truyền".

Theo ông Shaikh, Tổng thống Assad có thể sẽ nỗ lực củng cố quan điểm cho rằng "phương Tây một lần nữa lại tấn công một quốc gia Trung Đông, một quốc gia Arập, mà không có sự đồng thuận của quốc tế. Và ông ấy có thể tăng tính thuyết phục cho điều này bằng cách viện dẫn rằng cuộc tấn công đã khiến không ít dân thường thiệt mạng... Và nếu ông Assad có thể thực sự ghi điểm bằng cách này, ông ta sẽ cảm thấy mình đã thực sự chiến thắng mà không cần phải sử dụng các biện pháp quân sự để đáp trả".

Nếu lựa chọn đáp trả bằng các biện pháp quân sự, chính quyền Assad có thể triển khai tên lửa nhằm vào các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan hay Israel. Tuy nhiên, lựa chọn này có thể làm bùng phát một cuộc xung đột quân sự kéo dài với các lực lượng bên ngoài trong bối cảnh chính quyền Damascus cũng đang phải vật lộn để duy trì quyền lực.

Một cuộc tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - có thể khiến các nước đồng minh tức giận và triển khai một chiến dịch trả đũa. Được biết, tại Jordan hiện đang có 12 máy bay F-16, một đơn vị tên lửa Patriot và khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ đồn trú.

Chính quyền Assad cũng có thể bắn tên lửa tấn công nhà nước Do Thái hoặc để Hezbollah làm điều này. Lực lượng Hezbollah, từng tham gia cuộc chiến kéo dài 34 ngày hồi năm 2006 và đã đẩy quân đội Israel vào ngõ cụt, được cho là sở hữu một kho tên lửa đủ sức tấn công các thành phố lớn của quốc gia Do Thái.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ít có khả năng Syria sẽ lựa chọn giải pháp này trừ khi các cuộc không kích của Mỹ đe dọa trực tiếp đến quyền lực của ông Assad. Trong khi đó, nếu tiến hành tấn công, Hezbollah có thể sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Bản thân lực lượng này hiện đang hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận khi quyết định "kề vai sát cánh" cùng chính quyền Syria để chống lại quân nổi dậy. Một cuộc đối đầu toàn diện với Israel trên danh nghĩa Syria có thể sẽ khiến các cử tri Shiite tại Liban, chứ chưa nói đến toàn bộ dư luận nước này, thất vọng.

Chris Phillips, chuyên gia về Syria tại Đại học Queen Mary ở London, nói: "Tôi không thấy có lý do nào để Hezbollah nên nghe theo Assad và tấn công Israel hoặc các kẻ thù trong khu vực. Bởi điều đó có thể sẽ đe dọa nghiêm trọng tới vị thế của họ".

Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Israel cho rằng lợi thế của Syria hay Hezbollah trong các cuộc tấn công trả đũa là rất thấp. Israel đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tại thủ đô Tel Aviv và hướng về phía biên giới phía Bắc giáp Syria

M.T. - Đ.K. (tổng hợp)
.
.