Syria và canh bạc của các nước lớn

Thứ Hai, 08/08/2011, 16:00

Những ngày gần đây tình hình tại Syria nóng bỏng y như tại Libya những ngày trước cuộc chiến của phương Tây do Anh, Pháp và Mỹ khởi xướng. Một kịch bản Libya cho Syria vào lúc này và trong thời gian tới chưa thể được thực hiện bởi lẽ những mặc cả của các nước lớn tại "chiếu bạc" Liên Hiệp Quốc chưa ngã ngũ.

Gần 2 tháng trở lại đây, tình hình tại Syria xuất hiện liên tục trên các trang báo quốc tế. Thế lực phương Tây thì chỉ đưa thông tin về "tình trạng đàn áp" của phe chính phủ đối với phe chống đối và kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad phải tiến hành đa đảng, và nếu chính quyền Damas không "nghe lời", họ sẽ kêu gọi Liên Hiệp Quốc ra lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, một số quốc gia lớn khác lại cho rằng, không nên chỉ nhắm vào chế độ Bashar al-Assad mà cần yêu cầu cả hai bên (gồm phe chống đối và phe nắm chính quyền) ngồi vào bàn đàm phán, tránh thương vong cho người dân.

Một thực tế là kể từ đầu tháng 7 đến nay, giao tranh giữa các phe phái ở Syria đã làm gần 2.000 người chết (trong đó có 1.600 thường dân - số liệu của Liên đoàn Bảo vệ Nhân quyền Syria). Xung đột chủ yếu diễn ra tại những thành phố như Hama, Deir ez-Zor và Dera, những thành phố mà phe đối lập tiến hành biểu tình chống chế độ Assad.

Kể từ khi xảy ra xung đột cho đến nay, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã có rất nhiều nhượng bộ trước yêu cầu của phe đối lập. Khi mới bắt đầu cuộc xung đột với phe đối lập, Bashar al-Assad đã tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp với họ và tiến hành cải cách. Trước hết, ông tuyên bố hủy bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước, vốn là yêu cầu chính của phe biểu tình. Vào cuối tháng 7 vừa qua, Chính phủ Syria thông qua một dự thảo luật về hoạt động của các đảng chính trị, và theo văn kiện này, trong nước cho phép hệ thống đa đảng. Đã thông qua được một dự luật về bầu cử chung: sẽ tiến hành bầu Hội đồng nhân dân Syria vào cuối năm nay. Nhưng điểm mấu chốt nằm ở chỗ, phe đối lập được những thế lực ngầm hỗ trợ và đòi chính quyền Assad phải giải thể bằng được.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chia rẽ về vấn đề Syria.

Cuộc "nội chiến" tại Syria vì thế đã được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) vào ngày 1/8 vừa qua. Tuy nhiên, sau vài ngày thảo luận nhằm đạt được một biện pháp trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad (như phương Tây mong muốn), các thành viên trong HĐBA đã chia rẽ sâu sắc. Anh, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha, được Mỹ hỗ trợ, muốn thúc đẩy việc thông qua một nghị quyết lên án sự đàn áp của chính quyền Syria chống lại những người tổ chức các cuộc bạo loạn cuối tuần qua. Nga, Trung Quốc, Brazil, ấn Độ và Nam Phi trước đó đã tuyên bố áp dụng quyền phủ quyết về giải pháp như vậy.

Vitaly Churkin, đại diện thường trực của Nga tại LHQ nói với các phóng viên, các nước phương Tây cho rằng, tất cả do lỗi của chính quyền Damas và cách tốt nhất là gây áp lực tối đa với chính quyền Syria. Những quốc gia khác, trong đó có Nga, thì cho rằng nhiệm vụ bây giờ là khuyến khích tất cả các bên ở Syria tiến tới đối thoại, tạo điều kiện vượt qua khủng hoảng. Hiện thời HĐBA không thể thống nhất ý kiến thậm chí cả về hình thức của văn kiện thể hiện thái độ của HĐBA trước các sự kiện ở Syria.

Ngày 3/8, Trung tâm Thông tin LHQ cho biết, HĐBA cũng kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực chống lại thường dân ở nước này. Chủ tịch HĐBA đương nhiệm, đại sứ thường trực của ấn Độ tại LHQ, Hardeep Singh Puri, đã thay mặt HĐBA đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước tình hình đang xấu đi ở Syria và cái chết của hàng ngàn người. HĐBA LHQ nhận định, biện pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại là tiến trình chính trị được tiến hành theo sáng kiến của Syria và cởi mở đối với tất cả các bên tham gia. Mục đích của quá trình này nên đáp ứng hiệu quả những nguyện vọng chính đáng của nhân dân - tài liệu của HĐBA viết.

Nga và các nước phản đối "biện pháp cứng rắn" đã đạt được một phản ứng cân bằng của HĐBA trước những sự kiện ở Syria; tuyên bố của Hội đồng không những chứa đựng yêu cầu với Chính phủ Syria mà cả đòi hỏi đối với phe đối lập. Một số nước phương Tây đã đề xuất những phản ứng gay gắt bằng cách thông qua nghị quyết. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi Damas lắng nghe phản ứng của HĐBA trong việc sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình ở Syria.

Lệnh trừng phạt mà HĐBA LHQ có thể đưa ra nhằm chống lại Syria không nên lặp lại kịch bản Libya. Hơn nữa, biện pháp trừng phạt chống Chính phủ Bashar Assad sẽ không giúp giải quyết tình hình ở đất nước này. Đây là tuyên bố của Sergey Vershinin, Vụ trưởng Vụ Trung Đông và Bắc Phi thuộc Bộ Ngoại giao Nga. Bình luận về tình hình ở Damas, các nhà phân tích chính trị tin tưởng chắc chắn rằng phương Tây không từ bỏ nỗ lực để ép HĐBA đưa ra nghị quyết về Syria, tương tự như văn kiện đáng buồn nổi tiếng mang số 1973.

Những cảnh như thế này tiếp diễn không dứt ở Syria.

Moskva không biện minh cho hành động của quân đội trung thành với Tổng thống Syria. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng Bashar al-Assad đã nhiều lần kêu gọi phe đối lập đối thoại, nhưng họ từ chối đàm phán. Sergey Vershinin, Đại sứ Nga tại Syria, đã tiếp xúc với cả hai bên xung đột. Moskva vẫn bảo lưu quan điểm của mình: không thể chấp nhận bất cứ hành động bạo lực nào đối với người biểu tình hòa bình hoặc chống lại chính quyền. Đặc phái viên của Tổng thống Nga về các vấn đề châu Phi đã cảnh báo về các nguy cơ mà một nghị quyết về Syria tương tự như về Libya trước đây sẽ tái diễn.

Theo ông Mikhail Margelov, cấm vận không phận toàn quốc sẽ dẫn đến chiến tranh quy mô lớn. Phe đối lập Syria là lực lượng không phải hoàn toàn thế tục, mặc dù hoạt động dưới ngọn cờ của chế độ dân chủ. Phe phái này đã tồn tại từ lâu, trong số những người ủng hộ có các nhóm chính trị gần với phong trào "Anh em Hồi giáo" cấp tiến. Tình hình càng phức tạp thêm bởi cuộc đối đầu mới đây giữa những người Alavi (các vị lãnh đạo hiện tại của đất nước thuộc số này), và người Sunni, gồm đại đa số dân cư. Trong tình hình như vậy, sự can thiệp quân sự của phương Tây ủng hộ phe đối lập sẽ giáng một đòn mạnh vào lực lượng dân chủ trong nước.

Hiện tại, NATO tuyên bố rằng chưa có đủ các điều kiện để can thiệp quân sự vào Syria. Theo Tổng thư ký  Anders Fogh Rasmussen, tại Libya, liên minh dựa vào ủy nhiệm của LHQ và sự hỗ trợ của các nước khác trong khu vực. ở Syria, không có những điều kiện như vậy. Ngoại trưởng Anh  William Hague cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, ông ta tiết lộ rằng, các nước phương Tây "cần xử phạt bổ sung chống lại chế độ Syria". Xem ra, tuyên bố của Ngoại trưởng Anh gần với sự thật hơn so với tuyên bố có vẻ hòa bình của Tổng thư ký NATO.

Phó Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị Vladimir Anokhin nhận xét: "Nếu xét từ cách NATO đã áp dụng Nghị quyết HĐBA đối với Libya, bất kỳ văn kiện nào được HĐBA thông qua sẽ được sử dụng như vậy để chống lại Syria. Vì vậy, lối thoát duy nhất ra khỏi tình hình là ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào của HĐBA chống lại Syria. Tôi tin rằng trong vấn đề này, Nga sẽ không đơn độc".

Có vẻ như trong vấn đề Syria, phương Tây chọn con đường áp lực. Trong khi LHQ đang bàn luận, EU đã sử dụng các biện pháp cầm chừng chống một số quan chức cấp cao của Syria, trong đó có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Một gói trừng phạt nữa đang được soạn thảo.

Có thể kết luận như sau: trong khi mọi quân bài trong cuộc khủng hoảng Libya đã được mở gần hết thì phương Tây lại đang chuẩn bị trải chiếu bạc mới tại Syria. Vẫn chiêu bài cũ. Tập một: Anh và Pháp, sau khi phong tỏa tài khoản ngân hàng và cấm nhập cảnh đối với nhiều thành viên Chính phủ Syria, đã đệ trình dự thảo nghị quyết LHQ lên án Damas đàn áp thường dân. Tập hai: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) thông qua nghị quyết yêu cầu HĐBA LHQ trừng phạt Syria để hưởng ứng quan điểm của Mỹ, theo đó Damas "thiếu trách nhiệm" trong quá trình hợp tác với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân.

Chìa khóa của tập ba hiện đang nằm trong tay Nga và Trung Quốc. Nếu hai thành viên trong HĐBA này bỏ phiếu thuận, Syria khó tránh khỏi một sự can thiệp quân sự kiểu ở Libya. Trước mắt, Syria tạm thời an toàn vì Moskva và Bắc Kinh vẫn đang trong quá trình mặc cả với phương Tây, và món cược mà Nga và Trung Quốc đặt ra trong ván bài này là khá lớn bởi lẽ Syria vốn là một đồng minh thân cận của Nga ở Trung Đông. Hải quân Nga có một căn cứ tại Tartus ở Syria. Còn với Trung Quốc, Syria là một trong ba đối tác chiến lược trong khu vực Trung Đông cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.