Syria và chiến lược Trung Đông của Tổng thống Putin

Thứ Năm, 01/10/2015, 16:00
Bất ngờ tăng cường nhân sự và khí tài quân sự sang Syria để giúp Tổng thống Bashar al-Assad chống cự với các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); tiếp tục khẳng định ủng hộ Tổng thống Assad và xây dựng liên quân tại chỗ chống IS một cách hiệu quả. Những động thái đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm cho Mỹ và phương Tây hoàn toàn bất ngờ, không kịp phản ứng.

Theo dự kiến, sáng 29/9 (giờ Việt Nam), Tổng thống Putin có bài phát biểu trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ). Giới quan sát dự đoán, trọng tâm bài phát biểu của Tổng thống Putin sẽ là vấn đề Syria với những diễn biến xảy ra trong thời gian qua. Chắc chắn Tổng thống Putin sẽ tiếp tục kêu gọi phương Tây, nhất là Mỹ cùng hợp tác trong liên minh mới chống IS một cách hiệu quả hơn. Ông cũng sẽ tuyên bố sự thành lập một liên minh chống IS do Nga chủ trì, đồng thời đưa ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Trong khi đó, theo Hãng tin NBS News, bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc gặp đặc biệt để bàn về vấn đề Syria. Hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã đưa ra kế hoạch riêng của mình cho Syria, nhưng vẫn còn nhiều điểm khác nhau, đặc biệt là điểm bất đồng lớn nhất về tương lai Tổng thống Assad vẫn chưa thể được giải quyết. Tổng thống Mỹ Obama vẫn tiếp tục duy trì quan điểm “Assad phải ra đi” trong khi kế hoạch của Nga là ông Assad tiếp tục nắm quyền làm cho hy vọng về một sự phối hợp giữa Nga và phương Tây để mang lại hiệu quả tốt hơn cho cuộc chiến chống IS trở nên xa vời.

Thật ra, mong đợi một sự bắt tay giữa Mỹ và Nga ngay lúc này cũng hơi khó, bởi những căng thẳng trong quan hệ hai nước vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Người Mỹ vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Nga. Trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Obama tiếp tục yêu cầu nước Nga chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine và những hệ quả bạo lực nếu có sau khi nước Nga tăng cường quân sự cho Syria.

Trước khi có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc nói chuyện trên chương trình 60 Minutes của Đài CBS phát sóng vào chủ nhật 27/9 (giờ địa phương), tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của nước Nga dành cho ông Assad, đồng thời chỉ trích hoạt động “tuyên truyền chống Syria” một cách thái quá về tình hình bạo lực tại Syria theo hướng đổ tội cho quân đội chính phủ của Tổng thống Assad, bác bỏ các cáo buộc “tội phạm chiến tranh” mà Mỹ và phương Tây đang cố gán cho Tổng thống Assad.

Tổng thống Putin tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Nga dành cho Chính phủ Syria, cho rằng “không có giải pháp nào khác ngoài việc củng cố sức mạnh cho cơ cấu chính phủ hiện hữu và trợ giúp họ chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời thúc giục họ đối thoại với phe đối lập chân chính và tiến hành cải cách”.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Những động thái liên tiếp trong vòng một tháng trở lại đây cho thấy Nga đang triển khai một chiến lược táo bạo nhằm từng bước mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Trung Đông. Đầu tiên là việc triển khai thêm khoảng 1.700 quân nhân và hàng chục chiến đấu cơ cùng các khí tài hạng nặng khác sang Syria để xây dựng thêm căn cứ quân sự tại tỉnh Latakia, miền Tây nước này nhằm chuẩn bị cho chiến lược quân sự sắp tới hỗ trợ Chính phủ Syria chống IS và phiến quân Hồi giáo cực đoan, trong đó có các nhóm liên quan đến Al-Qaeda. Động thái đó đã tạo nên phản ứng ráo riết từ phía Mỹ (và cả Israel do lo ngại đụng độ quân sự với Nga tại Syria), vì nó cho thấy Washington đang bị Moscow qua mặt trong việc đưa quân vào Syria.

Lợi thế của Nga chính là căn cứ quân sự hiện hữu tại cảng Tartus, thuộc tỉnh Latakia, và việc tăng cường quân sự được xem là động thái thực hiện các thỏa thuận hợp tác quân sự đã ký kết từ lâu giữa Nga và Syria. Đi xa hơn một bước, Nga kêu gọi Mỹ và phương Tây hợp tác chống IS tại Syria, nhưng Nhà Trắng vẫn khư khư  “giữ thế”, chưa chịu hợp tác. Tính đến thời điểm hiện nay, nước Nga đã thực hiện đúng như những gì Tổng thống Putin đã tuyên bố, đó là tăng cường, củng cố sức mạnh cho Chính phủ Syria.

Ngày 27/9, Tổng thống Putin tiếp tục đi thêm một bước khiến cả Mỹ và phương Tây hoàn toàn bị bất ngờ: Đó là việc xây dựng liên minh tại chỗ chống IS với sự tham gia trực tiếp của quân đội Nga. Bước đầu, liên minh bao gồm Nga, Iran, Iraq và Syria. Có thể quân đội Nga sẽ không trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt đất, như lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, nhưng Nga sẽ tham gia với tư cách là cố vấn quân sự cho quân đội Syria chống IS tại Syria, trong khi Iran sẽ cung cấp cố vấn quân sự cho Iraq (việc này đã diễn ra từ hơn một năm qua).

Mục tiêu của Iran khi tham gia liên minh là để cùng với nước Nga bảo vệ Chính phủ Syria, để Assad tiếp tục nắm quyền, vì nếu Assad ra đi sẽ tạo cơ hội cho IS mạnh thêm nữa, một điều không ai muốn. Còn mục tiêu của Iraq khi tham gia liên minh với Nga cũng là để giải quyết vấn đề riêng của mình, đó là ngăn chặn các phiến quân từ khu vực Kavkaz gia nhập IS tại Iraq.

Với việc xây dựng liên minh tại chỗ chống IS, Nga đang xúc tiến một giải pháp hiệu quả hơn Mỹ nhằm thật sự giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria. Việc này cùng với các động thái chính trị khác đang giúp Tổng thống Nga Putin thực hiện thành công chiến lược của mình tại Trung Đông, được giới phân tích đánh giá là “thần tốc”, hiệu quả và táo bạo mà Mỹ và các đồng minh không ngờ tới.

An Châu (tổng hợp)
.
.