TP HCM: Báo động tai nạn giao thông đường thủy

Thứ Tư, 29/04/2009, 18:15
Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn TP HCM xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nghiêm trọng trên hệ thống sông rạch, luồng hàng hải, làm 1 người chết, vụ va chạm giữa tàu cánh ngầm với phao báo hiệu thủy khiến người dân hoảng loạn. Cơ quan CSGT đường thủy TP HCM (PC25 - CATP HCM) đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng đáng lo ngại về loại tai nạn này.

Người dân thành phố lại lo sợ về một tai nạn giống như vụ Hoàng Đạt - Lotus làm 8 người thiệt mạng cách đây không lâu...

Những vụ tai nạn liên tiếp

PV Chuyên đề ANTG đã có cuộc trao đổi với Trung tá Phạm Văn Mẫn - Đội phó Đội Xử lý tai nạn (PC25 - CATP HCM), Trung tá Mẫn cho biết: thời gian gần đây, giao thông đường thủy trên địa bàn TP HCM đang diễn biến phức tạp và đã xảy ra những vụ TNGT đường thủy liên tiếp...

2h sáng ngày 17/3, tại ngã 3 đèn đỏ sông Sài Gòn (thuộc quận 2), tàu biển vận chuyển container đã va vào tàu kéo SG-1027 đang trên đường đẩy sà lan SG-1944 làm cho chiếc tàu kéo chìm tại chỗ. Thủy thủ đoàn gồm 4 người, 3 người được cứu vớt kịp thời, nhưng Thuyền trưởng Đặng Minh Mẫn (27 tuổi, ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đã chết. Hiện vụ việc này vẫn đang được PC25 tiến hành điều tra làm rõ...

18h ngày 8/4, tàu cánh ngầm Greenlines số hiệu 2246 thuộc Công ty Cổ phần Dòng Sông Xanh, do ông Nguyễn Đình Đức (40 tuổi, ngụ đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM) làm thuyền trưởng, chở 79 hành khách, trong đó có cả khách nước ngoài và 5 thủy thủ đoàn, khởi hành từ Vũng Tàu đi TP HCM, khi tàu đến lưu vực sông Sài Gòn thuộc địa phận phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM thì bất ngờ va chạm vào phao neo tàu số 23, khiến tàu bị rách ở phần mũi tàu và trầy xước ở đoạn giữa thân tàu, nước nhanh chóng tràn vào tàu, làm cho hành khách trên tàu nhốn nháo, lo sợ.

Ngay sau khi nhận được tin báo về sự cố, PC25 đã phối hợp với lực lượng cứu hộ của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên sông (Sở Cảnh sát PCCC TP HCM) và Bộ đội Biên phòng đã đến ngay hiện trường khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố, ngăn chặn việc tàu có nguy cơ bị chìm và rà soát khả năng có nạn nhân nào bị mất tích hay không.

May mắn hiện trường vụ tai nạn nằm cạnh chốt biên phòng số 13 nên lực lượng tại đây đã huy động các phương tiện tàu thuyền ở gần đó kịp thời đến ứng cứu, đưa 79 hành khách và các thủy thủ đoàn vào bờ an toàn. Hiện nay, PC25 vẫn đang phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam (khu vực phía Nam) điều tra xử lý vụ tàu cánh ngầm gặp nạn trên sông Sài Gòn này.

Thuyền trưởng của tàu cánh ngầm Nguyễn Đình Đức tường trình rằng: Tàu rời cảng Vũng Tàu lúc 17h và dự định đến 18h 30’ sẽ cập Bến Bạch Đằng (TP HCM). Khi tàu chỉ còn cách cảng Bạch Đằng khoảng 2km, đến trước cảng Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7, tốc độ di chuyển của tàu là 53km/giờ.

Do tránh một chiếc ghe băng ngang sông, tàu cánh ngầm đã va chạm vào góc phao neo tàu số 23 làm thủng hai lỗ phía mũi ở mạn phải tàu cánh ngầm...

Cơ quan điều tra nhận định, nếu vụ tai nạn xảy ra ở khu vực khác, xa khu vực chốt biên phòng, các cơ quan chức năng không kịp ứng cứu, khả năng xảy ra chết người là rất lớn.

Liên quan đến tàu cánh ngầm, vào ngày 22/9/2008, tại khu vực sông Nhà Bè, địa bàn xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, tàu cánh ngầm mang biển số SG-3837 Vina Express và một chiếc ghe gỗ loại nhỏ đâm vào nhau.

Tai nạn khiến một nạn nhân ngồi trên ghe bị hất tung xuống sông và bị cánh quạt tàu cánh ngầm chém đứt lìa thân thể. Cảng vụ TP HCM cho biết tàu cánh ngầm SG-3837 xuất phát từ Vũng Tàu về TP HCM, còn chiếc ghe di chuyển theo chiều ngược lại.

Mới đây nhất, ngày 11/4, thêm một vụ TNGT đường thủy đã xảy ra trên đoạn sông Nhà Bè, thuộc huyện Nhà Bè, TP HCM. Chiếc sà lan tải trọng 490 tấn số hiệu BT-4177 do ông Nguyễn Văn Hải (43 tuổi, ngụ ở Bến Tre làm chủ) chở khoảng 350m3 cát lưu thông trên sông Nhà Bè, hướng từ huyện Nhà Bè về TP HCM. 

Khi đến khu vực ngã ba nơi giao nhau giữa sông Nhà Bè với sông Soài Rạp thì bất ngờ bị tàu lớn lưu thông ngược chiều đâm trực diện. Cú va chạm làm cho sà lan bị đánh úp, toàn bộ số cát bị đổ ụp xuống sông. Lúc này, trên sà lan có 4 người (3 nam, 1 nữ) đã nhanh chóng mặc áo phao, nhảy xuống sông và được những thuyền bè qua lại phát hiện cứu vớt kịp thời.

Hiện trường vụ tàu đụng sà lan ngày 1/4/2009.

Sà lan bị tàu biển đâm vào mạn trái, vết rách dài khoảng 3m. Sau đó, sà lan trôi tự do khoảng 1km về phía thượng nguồn, tàu cứu hộ của phà Bình Khánh, cảng vụ đường thủy nội địa TP HCM, Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 đã đến phối hợp kéo sà lan neo đậu vào bờ phía xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.--PageBreak--

Tại Cần Thơ, vào khoảng 8h15’ ngày 21/3/2009, tại đoạn sông Cái Răng (chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ) cũng đã xảy ra một vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng làm 2 người chết.

Phương tiện vỏ lãi (không BKS) do ông Hồ Trung Nam (47 tuổi, ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, Cần Thơ) điều khiển, chở 12 khách du lịch tham quan trên chợ nổi Cái Răng, đã va chạm mạnh với sà lan mang BKS TV-3989, trọng tải 625 tấn, do anh Bùi Quốc Nghĩa (30 tuổi, ngụ ấp An Trãi, xã Phú Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) điều khiển, chạy từ hướng huyện Phong Điền đến Cần Thơ.

Vụ tai nạn đã làm vỏ lãi chìm giữa sông. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng Công an TP Cần Thơ và các lực lượng khác khẩn trương tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Đến 12h30’ cùng ngày, lực lượng cứu nạn đã tìm vớt được thi thể 2 nạn nhân xấu số.

Sẽ tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông đường thủy

Mỗi năm, số lượng tàu biển chuyên chở hàng triệu tấn hàng hóa ra vào các cảng tại TP HCM và hoạt động của sà lan chuyên chở nguyên vật liệu; phương tiện thủy nhỏ, thô sơ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lên TP HCM và ngược lại rất tấp nập.

Chính mật độ lưu thông dày đặc ở các tuyến đường thủy nội địa đi qua địa bàn TP HCM làm cho tình hình giao thông đường thủy tại đây tiềm tàng nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Đáng lo ngại hơn là không hiếm trường hợp thuyền viên điều khiển phương tiện thuyền, ghe thô sơ có trọng tải dưới 1 tấn chưa từng tham gia lớp huấn luyện pháp luật về giao thông đường thủy. Việc điều khiển phương tiện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian hoặc theo kiểu "cha truyền con nối".

Có trường hợp các thành viên trong một gia đình cùng sinh sống trên chiếc thuyền nhỏ, lênh đênh trên sông nước, chồng làm "thuyền trưởng", vợ, con làm "thợ máy". Thậm chí, có "thuyền trưởng" khi bị Cảnh sát giao thông đường thủy lập biên bản cũng không thể ký tên vì... không biết chữ.

Theo số liệu của PC25 CATP HCM, trong năm 2008, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 32 vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng làm chết 2 người, thiệt hại về kinh tế không dưới 500 triệu đồng mỗi vụ. Năm 2008, PC25 cũng phát hiện xử lý trên 56.000 vụ vi phạm Luật Giao thông đường thủy, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng 188 trường hợp, tịch thu 73 bằng giả, giam giữ hàng trăm tàu thuyền.

Khi nghe tin ban đầu về vụ TNGT đường thủy của tàu cánh ngầm, nhiều người đã liên tưởng ngay đến vụ TNGT đường thủy thảm khốc đã xảy ra vào tháng 5/2008 tại khu vực cảng Lotus (quận 7, TP HCM).

13h 30’ ngày 15/5/2008, chiếc tàu Hoàng Đạt 36, tải trọng 2.200 tấn, thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Hoàng Đạt, cùng 16 thủy thủ chuẩn bị cập bến cảng để thả hàng đã không may bị một chiếc tàu lớn hơn đụng phải nên bị chìm nghỉm giữa lòng sông.

"Thủ phạm" là chiếc tàu chở gas tải trọng 4.000 tấn có tên Shanghai, quốc tịch Mashall Island. 8 người đã chết, đây là vụ tai nạn đường thủy được xác định là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua trên luồng sông Sài Gòn.

Trung tá Phạm Văn Mẫn cho biết, trong thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5/2009, theo chỉ đạo của CATP HCM, để giảm thiểu những vụ TNGT đường thủy, ngoài công tác tuyên truyền, PC25 sẽ có đợt tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thủy trên địa bàn TP HCM; vi phạm quy tắc tránh vượt, quy tắc âm tín hiệu, thuyền trưởng không bằng cấp, chở quá trọng tải quy định, đây là những nguyên nhân chính dẫn đến những TNGT đường thủy nghiêm trọng diễn ra trong thời gian gần đây...

Th.Yên
.
.