Tái bùng phát cơn khủng hoảng “áo gilê vàng”

Thứ Tư, 20/03/2019, 13:49
Khói lửa ngập trời Paris, cướp bóc, đập phá tràn lan là cảnh tượng mà phong trào “Áo gilê vàng” (Gilets Jaunes) gây ra hôm Thứ bảy tuần trước. Chính phủ Pháp bắt đầu cho rà soát lại tính hiệu quả của hệ thống cảnh sát và an ninh sau thất bại ngày 16-3 và chuẩn bị ban bố những biện pháp mạnh nhất từ trước tới nay với quyết tâm dập tắt phong trào ngày càng trở nên bạo lực này.

Sau hơn 4 tháng đấu tranh, phong trào “Áo gilê vàng” được tạm đánh giá đã bị hụt hơi. Thứ bảy tuần trước chỉ còn 32.000 người tuần hành trên toàn quốc, theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp. Con số này chỉ bằng 1/10 so với khởi điểm ban đầu ngày 17-11-2018. Mặc dù không đông bằng những lần tập hợp trước nhưng cuộc xuống đường của những người “Gilets Jaunes” hôm 16-3 lại được cho là có tính bạo lực nhất từ trước đến nay.

Riêng tại Paris, Bộ Nội vụ Pháp cho biết trong số 10.000 người biểu tình có khoảng 1.500 phần tử cực kỳ bạo lực trà trộn, với mục tiêu duy nhất là bạo động. Tuy lên án bạo động nhưng không ít người “Áo gilê vàng” cho rằng “cần phải đập phá thì chính phủ mới lắng nghe”.

Kết quả là trong ngày 16-3, trung tâm Paris trải qua một ngày bạo lực cao độ. Quảng trường Etoile nơi đặt công trình Khải Hoàn Môn nổi tiếng chìm trong khói lựu đạn cay, trong lúc từng nhóm người áo đen bịt mặt cạy đá tấn công cảnh sát và thiết giáp bảo vệ. Nhiều nhóm khác chia nhau tấn công vào các cửa hiệu quần áo, mỹ phẩm, trang sức. Nhà hàng Fouquet’s danh tiếng từ 100 năm nay bị cướp phá. 4 sạp báo và hàng loạt biển gỗ bị thiêu hủy, khói lửa bốc ngập trời.

Nghiêm trọng nhất là vụ một chi nhánh ngân hàng bị đốt, cảnh sát và nhân viên cứu hỏa phải chấp nhận hiểm nguy để cứu hộ các nạn nhân ở các tầng trên, trong đó có nhiều trẻ nhỏ bị lửa khói vây hãm. Theo ghi nhận của hãng tin AFP, có 237 người bị câu lưu, trong số này có 64 người bị tạm giam.

Tổng thống Pháp Macron thông báo về các biện pháp mạnh tay với những hành động bạo lực của phe “Áo gilê vàng”.

Theo một số nhân vật nay được xem là thành phần lãnh đạo phong trào Gilets Jaunes, ngày hành động hôm 16-3 là “lời cảnh cáo sau cùng” nhắn gửi Chính phủ Pháp. Tình hình ở Paris trong Thứ bảy vừa qua càng thêm phức tạp do một số cuộc tuần hành khác cũng diễn ra. Đáng chú ý nhất là cuộc tuần hành mang tên “Tuần hành của thế kỷ” với hàng chục ngàn người tham gia đòi chính phủ phải có những hành động cụ thể và năng động hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo cảnh sát, 36.000 người đã tuần hành trong bầu không khí thân thiện. Còn theo ban tổ chức, “Tuần hành của thế kỷ” đã được 106.000 người hưởng ứng. Ngoài Paris, nhiều cuộc tuần hành vì môi trường và khí hậu cũng được tổ chức tại các thành phố lớn như Marseille, Lyon hay Bordeaux.

Cảnh sát Paris đã phải huy động 5.000 nhân viên, 6 xe bọc thép của hiến binh để đối phó với phong trào biểu tình “Áo gilê vàng” ngày 16-3 nhưng việc để nhiều cửa hàng, cửa hiệu sang trọng bị cướp phá, lực lượng an ninh bị những người quá khích ném đá đã khiến dư luận Pháp đặt câu hỏi về tính hiệu quả của lực lượng an ninh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Pháp, ông Laurent Nunez, ngày 18-3 tuyên bố sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống chỉ huy lực lượng an ninh cho đến cấp cao nhất. Phát biểu trên đài RTL, ông Laurent Nunez thừa nhận chính sách phát huy tính cơ động của cảnh sát và hiến binh, vốn được triển khai từ ngày 1-12-2018 để bảo đảm an ninh trật tự trong những ngày biểu tình của “Áo gilê vàng”, đã rối loạn trong ngày Thứ bảy vừa qua.

Cảnh tượng trên Đại lộ Champs-Elysées (Paris) trong cuộc biểu tình của phong trào “Áo gilê vàng” tại Pháp ngày 16-3.

Theo AFP, chính quyền Pháp cũng hứa sẽ cho áp dụng những biện pháp an ninh mới kể từ ngày 18-3 để khắc phục tình trạng thiếu hiệu quả của hệ thống chỉ huy an ninh. Phủ Thủ tướng cho biết Thủ tướng Edouard Philippe, Bộ trưởng Nội vụ Christiphe Castaner và Thứ trưởng Laurent Nunez sẽ trình lên Tổng thống Emmanuel Macron các đề xuất mới về sử dụng lực lượng an ninh và bảo đảm cho các quy định được thực hiện kiên quyết bất kể thời điểm nào.

Trong khi bị lực lượng đối lập và công luận chỉ trích là thiếu cảnh giác, Tổng thống Pháp tuyên bố: “Chính phủ đã thực hiện nhiều việc từ tháng 11-2018 nhưng rõ ràng là những sự kiện và những trường hợp xảy ra trong ngày Thứ bảy vừa qua cho thấy rằng chúng ta chưa đáp ứng đủ”. Ông khẳng định “sẽ có hành động mạnh mẽ để bạo lực do “Áo gilê vàng” gây ra không thể tái diễn”. Trong khi đó, theo thăm dò của Elabe ngày 14-3, khoảng 56% người dân Pháp muốn phong trào “Áo gilê vàng” chấm dứt.

Báo chí Pháp cũng không đồng tình với tình hình bạo lực của phong trào này. Trong bài xã luận ngày 18-3, Le Figaro nhấn mạnh: “Nước Pháp không thể tha thứ cho những hành động bạo lực. Những người “Áo gilê vàng” mà nghĩ rằng cần phải đập phá thì chính phủ mới lắng nghe đã thực sự đi lầm đường”. Bởi “bạo lực đang làm mất đi tính chính đáng của những đòi hỏi rất chính đáng của một thành phần trong xã hội”. Đó là những đòi hỏi được tăng mãi lực, được sống trong những điều kiện tử tế hơn.

Một tiền đề khác tạo bệ phóng cho việc chính quyền Pháp sẽ mạnh tay với hành động bạo lực của phong trào “Áo gilê vàng” sắp tới là cuộc thảo luận toàn quốc do chính quyền đề xướng nhằm thoát khỏi khủng hoảng chính thức kết thúc vào hôm 15-3.

Theo AFP, có 10.335 cuộc hội thảo đã diễn ra trên toàn quốc và trên mạng có 1.750.108 góp ý. Tranh luận xong rồi, bây giờ phải làm gì? Vấn đề “Áo gilê vàng” chưa thể được giải quyết sớm mà phải chờ một tháng nữa vì từng vùng phải tổng kết các cuộc thảo luận rồi đưa ra tranh luận tại quốc hội, trước khi Tổng thống Macron phát biểu và có những quyết định quan trọng vào giữa tháng 4.

Tuy nhiên, báo chí Pháp cảnh báo việc sử dụng bạo lực của cảnh sát với người biểu tình “Áo gilê vàng” coi chừng sẽ kích động làn sóng biểu tình lan rộng. Lời cảnh báo này không thừa vì vào đầu tháng 3, trong một bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, bà Michelle Bachelet, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Chính phủ Pháp tiếp tục đối thoại, yêu cầu Paris điều tra khẩn cấp về tất cả các vụ sử dụng vũ lực thái quá nhắm vào người biểu tình “Áo gilê vàng”.

Bà Michelle Bachelet còn tố cáo Pháp là nước phát triển nhưng đã trấn áp quá đáng các cuộc biểu tình giống như ở các nước Sudan, Zimbabwe và Haiti gần đây. Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã ngạc nhiên về việc Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc xếp Pháp vào danh sách chung với các nước như Haiti.

Trong một phản ứng mới nhất, ngày 18-3, Thủ tướng Pháp tuyên bố sa thải Cảnh sát trưởng Paris Michel Delpuech. Thủ tướng Edouard Philippe cho rằng việc chỉ đạo lực lượng an ninh dùng đạn cao su là "không phù hợp". Tuy nhiên, theo AFP, việc ông Delpuech bị sa thải phần nhiều vì sự thất bại của lực lượng cảnh sát trong việc kiểm soát người biểu tình “Áo gilê vàng” cuối tuần trước.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.