Tài chính – Cản trở lớn nhất chống biến đổi khí hậu

Thứ Ba, 08/12/2015, 17:20
Chưa bao giờ quyết tâm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho ngôi nhà Trái Đất lại cao đến thế và cũng chưa bao giờ một hội nghị quốc tế về khí hậu lại có tầm quan trọng lớn như vậy. Có lẽ bởi vì nó liên quan trực tiếp tới tương lai của hành tinh, tương lai sự sống, nên con người mới nhận thức được trách nhiệm lớn lao của mình. Song khi phải hy sinh đến lợi ích cá nhân, những toan tính “được mất” lại trỗi dậy.

Điều khác biệt tại cuộc họp thượng đỉnh lần này là ngay từ đầu, mỗi nước đã đề ra kế hoạch và cam kết để đạt mục tiêu về khí thải carbon. Quốc gia phát thải khí CO2 nhiều nhất thế giới là Trung Quốc đã cam kết hoàn thành mục tiêu hạn chế lượng khí thải này trước năm 2030. Với quyết tâm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cũng như thiết lập những mối quan hệ quốc tế mới mang tính hợp tác cùng có lợi, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định công tác giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu là sứ mệnh chung mà nhân loại phải cùng nhau chia sẻ.

Thừa nhận Mỹ cũng là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai trên thế giới, Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ làm phải làm một điều gì đó để giải quyết. Hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới nhất trí đề cao sự phối hợp trong việc đối phó với biến đổi khí hậu .

Năng lượng hóa thạch là nguồn gây phát thải khí CO2 lớn, tuy nhiên, việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh trên thực tế lại rất tốn kém, và đó sẽ càng trở thành gánh nặng lớn đối với các nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Nga trước đây từng khá miễn cưỡng trong vấn đề này, song tại hội nghị, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố: "Nga sẽ tiếp tục góp phần vào các nỗ lực chung để ngăn chặn đà tăng nhiệt toàn cầu. “Đến năm 2030, chúng tôi hy vọng sẽ cắt giảm 70% lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính so với năm cột mốc 1990".

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc lại mục tiêu của COP21 là phải đạt được một thỏa thuận khung và một cơ chế xem xét mang tính ràng buộc. Theo bà, cả hai sẽ giúp hiện thức hóa và đẩy nhanh những biện pháp đã được đề ra nhằm hạn chế tình trạng ấm lên trên toàn cầu.

New Delhi cũng cam kết tăng gấp 20 lần năng lực khai thác năng lượng từ Mặt trời, và dùng 40% năng lượng sạch để sản xuất điện từ nay cho tới năm 2030.

Trong khi đó, Tổng thống Rafael Correa của Ecuador kêu gọi cần thành lập một tòa án công lý quốc tế về môi trường, đồng thời nhấn mạnh những "món nợ" môi trường - các hoạt động tổn hại môi trường - cần phải được giải quyết triệt để.

Giới chuyên gia cho rằng tốc độ đàm phán của COP 21 đang bị chậm lại khi những tranh cãi xung quanh việc thực hiện mục tiêu trở nên gay gắt, khiến thời hạn chót cho thỏa thuận đầy tham vọng là vào ngày 11-12 đang bị đe dọa.

Trong khi nước chủ nhà khẳng định phải đẩy nhanh  tiến trình đàm phán nhằm đạt được một thỏa hiệp nhanh nhất bởi còn quá nhiều việc để làm, các nhà đàm phán cho rằng những cuộc thảo luận xung quanh dự thảo dài 54 trang với quá nhiều vấn đề phức tạp đang gặp khó khăn khi nhiều khúc mắc chưa được khai thông.

Một trong những vấn đề được cho là hóc búa nhất cản trở nỗ lực ngoại giao kéo dài 25 năm qua nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề chống biến đổi khí hậu là tranh cãi liên quan đến trách nhiệm của các nước giàu cũng như số tiền phải chi để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà phần lớncác nước này thải ra. Các quốc gia đang phát triển khẳng định: Những nước phát triển phải bỏ ra nguồn tài chính lớn cho "cuộc cách mạng" dự báo tốn kém hàng trăm tỷ USD chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh.

Lãnh đạo các nước tham dự COP21 tại Paris ngày 30-11.

Cho đến nay, nhóm đại diện cho 134 quốc gia đang phát triển (G77) và Trung Quốc kêu gọi nhóm nước phát triển thực hiện nghĩa vụ cung cấp nguồn tài chính, trong đó bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ cho tất cả các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuyên bố của nhóm G77 và Trung Quốc tại Hội nghị COP 21 dứt khoát rằng: "Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đây là nghĩa vụ pháp lý, không phải viện trợ cũng không phải từ thiện, thậm chí không phải khoản hỗ  trợ phát triển". Trong khi đó, các nước phát triển lại tỏ ra lưỡng lự, thậm chí làm ngơ trước những lời kêu gọi tăng nguồn hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển sau năm 2020 (thời điểm Thỏa thuận khí hậu toàn cầu bắt đầu có hiệu lực), từ mức sàn 100 tỉ USD/năm như đã cam kết hồi năm 2009.

Mặc dù thừa nhận tầm quan trọng của việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, song các nước phát triển rất mập mờ trong thỏa thuận khí hậu khi không đưa ra một con số cụ thể về số tiền họ chi cho kế hoạch này. Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu, ông Todd Stern  cũng thừa nhận Washington đã nhất trí với khái niệm "tăng nguồn tài chính" trong giai đoạn sau năm 2020, nhưng không đề cập đến số tiền này là bao nhiêu.

Hiện cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn né tránh con số 100 tỉ USD/năm kể từ thời điểm Thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu có hiệu lực, cho rằng hỗ trợ tài chính sẽ phụ thuộc vào những gì cộng đồng quốc tế làm được trước thời điểm 2020.

Vẫn biết trong bối cảnh Trái Đất đang bị tàn phá bởi hàng loạt thiên tai nghiêm trọng và con người trở thành nạn nhân trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, quyết tâm chính trị của cộng đồng thế giới phải cao  hơn bao giờ hết, thậm chí lợi ích quốc gia phải hy sinh một phần. Song trên thực tế ở những nước mà hàng trăm triệu hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh, không có đủ điện nước để sinh hoạt, thu nhập không đủ sống, thì việc chống biến đổi khí hậu vẫn là một điều gì đó còn trừu tượng và xa vời.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.