Tại nạn do thi công công trình công cộng: Nạn nhân có thể khởi kiện

Thứ Bảy, 25/04/2009, 10:15
“Cần thiết phải kiện để lấy lại sự công bằng cho mình. Quan trọng hơn hết là cần phải buộc các đơn vị thi công hoặc quản lý công trình công cộng chịu trách nhiệm với những gì mình đang làm, đang quản lý. Thậm chí khi lưu thông bị cây xanh đỗ đè lên người hoặc phương tiện, người ta cũng có thể khởi kiện đơn vị quản lý cây xanh tại địa bàn xảy ra tai nạn lên tòa” - luật sư Hoàng Cao Sang, cho biết.

Hàng loạt vụ tai nạn liên tiếp dẫn đến chết người do các công trình công cộng thi công không có rào chắn an toàn, biển cảnh báo nguy hiểm… xảy ra trên địa bàn TP HCM đã khiến dư luận thực sự quan ngại trước tình trạng “thi công thiếu lương tâm” của các đơn vị.

Thêm vào đó, thời gian gần đây, những cơn mưa trái mùa ở thành phố càng làm tăng thêm sự nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Việc cây xanh đổ chưa giải quyết xong thì đến lượt, “dây điện đứt do mưa” khiến một người tham gia giao thông bị điện giật chết tại chỗ.

Điều khá ngạc nhiên là những nạn nhân (cũng như thân nhân người bị nạn) trong các trường hợp này lại có vẻ không quan tâm đến việc đòi lại công bằng cho người thân của mình theo đúng quy định của pháp luật. Dẫu rằng, nếu khởi kiện, họ hoàn toàn có đủ cơ sở để thắng kiện.

Từ một cái chết oan uổng...

Cơn mưa lớn vào sáng ngày 13/4/2009 khiến nhiều tuyến đường tại TP HCM trở thành sông. Sau khi mưa tạnh, vào giờ cao điểm từ 7 đến 8h sáng, tình hình giao thông trở nên cực kỳ hỗn loạn. Tại các giao lộ vốn là điểm nóng về ngập như: Trần Hưng Đạo – Nguyễn Biểu, Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong – Ba Tháng Hai... nước ngập quá bánh xe hai bánh. Người dân TP HCM đã thật sự hoảng sợ vì mức độ ngập khủng khiếp của cơn mưa kéo dài mấy tiếng đồng hồ này. Nghiêm trọng hơn, đường ngập đã làm một cô gái chết vì... điện giật.

7h30’ sáng hôm đó,  trên đường Âu Cơ thuộc phường Tân Thành, Tân Phú, TP HCM, người tham gia giao thông phát hiện đường dây điện trung thế đang bốc cháy và loại dây điện VXAS 240 bị đứt ngang, rơi xuống mặt đường. Đám đông nháo nhào trước sự cố trên, mặc cho ngập nước, hàng trăm người vẫn quăng xe tìm cách chạy thoát thân.

Lúc này, chị Hoàng Thị Thanh Truyền (22 tuổi, là nhân công của Công ty Kềm Nghĩa), đi xe Wave biển số 50T2-4830 sau khi bị điện giật ngã đã cố gắng bỏ xe chạy lên vỉa hè để tránh tai nạn. Cùng lúc với tai nạn mà chị Truyền gặp phải, một chiếc xe buýt đang lưu thông vào đoạn đường này. Nhiều người dân đã cố gắng phát đi tín hiệu bằng tay báo cho tài xế xe buýt biết rằng đang có tai nạn, và xe cần di chuyển sang trục đường khác. Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo đó chiếc xe buýt vẫn thản nhiên lao đến.

Do bị tác động bởi xe buýt, làn nước ngập té nước lên vỉa hè chạm vào dây điện khiến chị Truyền bị điện giật và chết ngay tại chỗ. Ngoài chị Truyền, dây điện còn văng trúng người đàn ông đi xe gắn máy hiệu Attila. May mắn người đàn ông này chạy thoát thân nhưng xe bị cháy xém phía sau. Một người đàn ông khác cũng bị điện giật làm té ngã xuống đường, sau đó được người dân cứu thoát.

Ngay khi nhận được tin báo, xe cứu hỏa Trung tâm PCCC quận 11 có mặt sau đó dập tắt đám cháy, cơ quan điện lực cũng cắt nguồn điện. Đường dây trung thế bị sự cố thuộc trụ điện số 37-39, do Điện lực quận Tân Phú quản lý.

Sau khi tai nạn xảy ra, phía Điện lực Tân Phú cho rằng dây điện đứt đột ngột là bởi do sét đánh. Dẫu vậy, nguyên nhân này không thuyết phục bởi nếu dây đứt đột ngột thì rơ-le đầu nguồn điện vẫn có thể tự động ngắt để đảm bảo an toàn. Vì rơ-le chính là thiết bị điện dùng để đóng cắt mạch điện điều khiển, bảo vệ và điều khiển sự làm việc của mạch điện.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực TP HCM vào ngày 15/4 gửi Thành Ủy, HĐND TP về nguyên nhân dẫn đến việc chị Hoàng Thị Thanh Truyền bị điện giật chết tại đường Âu Cơ sở dĩ rơ-le không truyền tín hiệu cắt điện là khi dây điện bị đứt, vị trí dây rơi xuống nền xi măng cao, các yếu tố khác làm cho dòng điện bị sự cố quá nhỏ, không đủ để tác động cho rơ-le ngắt điện. Dĩ nhiên, đây chỉ là nhận định của Công ty Điện lực TP HCM, mọi việc phải chờ quyết định cuối cùng của Cơ quan điều tra.

... đến chuyện phải khởi kiện để đòi lại sự công bằng

Tuy vậy, theo trao đổi của PV Chuyên đề ANTG với luật sư Hoàng Cao Sang – Trưởng VPLS Hoàng Việt Luật có trụ sở số 370 tại Điện Biên Phủ, quận 10, TP HCM, thì gia đình của nạn nhân Hoàng Thị Thanh Truyền hoàn toàn có thể khởi kiện Điện lực quận Tân Phú, và khả năng thắng kiện là rất cao.

Theo luật sư Hoàng Cao Sang, Luật Dân sự quy định rất rõ ở Điều 623 về “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” thì dẫu có người bị tai nạn có lỗi đi chăng nữa thì cơ quan quản lý “nguồn nguy hiểm cao độ” vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn, nếu vụ việc được khởi kiện ra tòa án.

Riêng về trường hợp của chị Truyền, gia đình chị Truyền hoàn toàn có đủ cơ sở để kiện Điện lực Tân Phú lên Tòa án quận Tân Phú, địa điểm xảy ra tai nạn theo quy định xác định thẩm quyền theo lãnh thổ. Và phía Điện lực Tân Phú, cơ quan quản lý đường điện có trách nhiệm phải hồi thường thỏa đáng cho gia đình nạn nhân.

Luật sư Hoàng Cao Sang đồng ý với nhận định rằng, theo quy định, không cần chờ đến kết luận của Cơ quan điều tra mà người nhà nạn nhân có thể khởi kiện ngay khi vụ việc vừa mới xảy ra. Khi Cơ quan điều tra có kết luận cuối cùng, thì kết luận này sẽ được Tòa án quận Tân Phú yêu cầu bổ sung sau.

Hiện trường vụ điện giật sau cơn mưa lớn ngày 13/4.

Nếu như gia đình chị Truyền khởi kiện, người đứng đầu Điện lực Tân Phú có khả năng bị truy tố hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Dĩ nhiên, tội danh này chỉ được xem xét đến nếu Cơ quan điều tra phát hiện ra được đường dây điện do phía Điện lực Tân Phú quản lý bị sai về mặt kỹ thuật, hư hỏng không được sửa chữa kịp thời... Và mức án nhẹ nhất cho tội danh này là bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Điều làm luật sư Hoàng Cao Sang rất băn khoăn là cho đến thời điểm hiện nay, dẫu hàng loạt tai nạn liên quan đến các công trình phúc lợi, những công trình công cộng đang thi công... liên tiếp xảy ra, nhưng người bị tai nạn vẫn không chịu đứng ra khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình. Cho dù, việc khởi kiện rất đơn giản.

Luật sư Sang nói, không cần đến sự giúp đỡ của luật sư, người bị tai nạn hoặc thân nhân hoàn toàn có thể tự soạn thảo đơn, trình bày rõ nội dung vụ việc và mức đề xuất bồi thường sau đó nộp lên tòa án tại địa phương xảy ra tai nạn. Sau khi nhận được đơn, khoảng 1 tuần sau tòa sẽ có giấy phúc đáp thụ lý vụ việc.

Trở lại trường hợp tai nạn thương tâm của chị Truyền, luật sư Sang cho biết không thể để những cái chết oan uổng này bị cho qua theo kiểu “Ai xui rủi thì người ấy chịu”.

Ngay ngày đầu năm 2009, một vụ tai nạn thương tâm khác khiến một xiếc nhí tử vong do lọt vào miệng cống thoát nước không có nắp đậy tại khu vực dưới chân cầu Trần Khánh Dư (phường 2, quận Phú Nhuận). Nơi xảy ra tai nạn là hố cống sâu thuộc gói thầu số 7, công trình Dự án vệ sinh môi trường thành phố. Một cán bộ của nhà thầu cho biết, hố ga này làm xong cách nay gần hai năm và nhà thầu có lắp nắp hố ga tạm bằng bêtông. Khi nhận được tin báo về vụ việc, nhà thầu mới biết nắp hố ga đã bị mất cắp(?).

Trước đó ít lâu, cháu P.N.N.P. đang chơi đùa trước nhà với bạn. Nhưng đến trưa, người nhà cháu không thấy con em mình đâu nên đổ xô đi tìm. Sau một hồi tìm kiếm, họ đau đớn thấy thi thể của P.N.N.P. đang nằm trong hố ga bơm thoát nước chống ngập đường 65 (khu phố 5, phường Thảo Điền, quận 2). Bên cạnh thi thể cháu P.N.N.P., còn có quả bóng nhựa của cháu.

Hố ga này vốn là điểm đặt máy bơm hút nước từ hệ thống cống xả ra kênh gần đó để chống ngập cho khu vực Thảo Điền. Đơn vị quản lý hố ga này là Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 và đơn vị thi công công trình là Xí nghiệp Công trình công cộng (thuộc Công ty Quản lý và phát triển nhà quận 2). Do thường xuyên phải bơm xả nước tại hố ga này, nên đơn vị thi công công trình đã tiết kiệm thời gian bằng cách chỉ che đậy sơ sài hai bên cống chứ không đậy nắp kỹ. Chính cái kiểu làm cẩu thả này đã khiến cháu P.N.N.P. gặp tai nạn và tử vong.

Với những trường hợp gặp tai nạn này, luật sư Hoàng Cao Sang cho biết người nhà của nạn nhân có thể khởi kiện đơn vị thi công và đơn vị quản lý công trình.

Đối với trường hợp của xiếc nhí do gia cảnh khó khăn thì người nhà của em hoàn toàn có thể nhờ Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước (tại 25-5 đường Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình) tư vấn về mặt pháp luật, soạn thảo đơn kiện và sẽ có luật sư tranh tụng tại phiên tòa miễn phí nếu như cần thiết.

Chỉ cần gia đình của xiếc nhí làm đơn xin xác nhận gia đình khó khăn có sự chấp nhận của UBND phường nơi gia đình cư trú là có thể được hỗ trợ miễn phí tại Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước. Nếu như cảm thấy việc giấy tờ là quá phiền phức, gia đình có thể liên lạc với Văn phòng Luật sư Người nghèo của luật sư Trịnh Thanh tại đường Hòa Hưng, quận 10.

Còn trường hợp của em P.N.N.P., cha mẹ em có thể khởi kiện Đơn vị quản lý hố ga. Và với những chứng cứ không thể chối cãi, khả năng gia đình thắng kiện là gần như tuyệt đối. Nếu tòa tuyên thắng kiện, ngoài khoản tiền hỗ trợ ban đầu, các đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư bị buộc phải bồi thường cho gia đình nạn nhân nhiều khoản tiền khác tùy theo mức đề nghị bồi thường và khả năng chứng minh tổn thất của gia đình nạn nhân.

Một trong những nguyên nhân, mà theo luật sư Sang, khiến người bị tai nạn do những công trình công cộng gây ra không tiến hành khởi kiện là bởi tâm lý e ngại về mặt thủ tục giấy tờ theo luật định. Tuy nhiên, đây là thủ tục rất đơn giản. Vấn đề nữa, chính là sự am hiểu về pháp luật của phần đông người bị tai nạn hạn chế, hầu như họ không nghĩ đến chuyện khởi kiện để đòi lại công bằng cho bản thân mình hoặc cho người thân của mình.

“Cần thiết phải kiện để lấy lại sự công bằng cho mình. Quan trọng hơn hết là cần phải buộc các đơn vị thi công hoặc quản lý công trình công cộng chịu trách nhiệm với những gì mình đang làm, đang quản lý. Thậm chí khi lưu thông bị cây xanh đỗ đè lên người hoặc phương tiện, người ta cũng có thể khởi kiện đơn vị quản lý cây xanh tại địa bàn xảy ra tai nạn lên tòa”, luật sư Sang cho biết.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của luật sư Hoàng Cao Sang. Cần phải có những động thái rõ ràng từ phía những người bị nạn (hay gia đình họ) khi mà họ phải gánh chịu hậu quả do sự yếu kém trong công tác quản lý công trình, thái độ thi công nhẫn tâm gây nên. Đã đến lúc rất cần thiết phải nhờ sự can thiệp của pháp luật để lấy lại sự công bằng cho những cái chết oan uổng, chứ không chỉ dừng lại ở câu cửa miệng của các đơn vị thi công hay quản lý ẩu là “Chúng tôi rất tiếc...” hoặc chỉ là vài chục triệu đồng gọi là tiền hỗ trợ

Ngô Nguyệt Hữu
.
.