Tại sao nguy cơ chiến tranh ở Mỹ Latinh được hóa giải nhanh chóng?

Thứ Hai, 17/03/2008, 09:30
Ngày 8/3/2008, cả thế giới nhìn thấy hình ảnh Tổng thống Colombia Alvaro Uribe, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Ecuador Correa bắt tay nhau. Những cái bắt tay này đã được phát sóng trực tiếp trên truyền hình toàn Mỹ Latinh để đáp lại yêu cầu đặc biệt của Tổng thống nước chủ nhà Dominica Leonel Fernandez.

Ngày 8/3/2008, cả thế giới nhìn thấy hình ảnh Tổng thống Colombia Alvaro Uribe, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Ecuador Correa bắt tay nhau. Sẽ là bình thường vì đây là những cái bắt tay giữa các nhà lãnh đạo các quốc gia tại một hội nghị thượng đỉnh nhóm Rio, một tổ chức quốc tế của khu vực Mỹ Latinh, nếu trước đó không diễn ra một cuộc tấn công của lực lượng quân sự Colombia vào lãnh thổ Ecuador và các nhà lãnh đạo này đã to tiếng với nhau qua hệ thống truyền thông như là sắp nổ ra một cuộc chiến tranh.

Những cái bắt tay này đã được phát sóng trực tiếp trên truyền hình toàn Mỹ Latinh để đáp lại yêu cầu đặc biệt của Tổng thống nước chủ nhà Dominica Leonel Fernandez. Hầu hết đài truyền hình các nước đều phát lại cảnh này trong phần tin quốc tế.

Trước khi bắt tay Tổng thống Colombia Uribe, Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói: "Với cam kết không bao giờ tấn công một nước anh em và việc đề nghị tha thứ của Colombia, chúng ta có thể coi vụ việc rất nghiêm trọng này đã được giải quyết".

Đó là một sự kiện có thể nói là tích cực trong bối cảnh an ninh quốc tế có nhiều biến động hiện nay.

Trước đó một tuần, ngày 1/3, quân đội Colombia tiến hành một cuộc tập kích bất ngờ vào một vài lán trại tạm thời nằm sâu 2 km trong lãnh thổ Ecuador được cho là của lực lượng có tên là “Mặt trận vũ trang cách mạng Colombia” (FARC), một nhóm quân nổi dậy chống Chính phủ Colombia, làm khoảng 25 người chết, trong đó có nhân vật thứ hai của FARC là Tư lệnh Raul Reyes.

Ngay lập tức, Tổng thống Ecuador Rafael Correa tuyên bố coi cuộc tiến công của quân đội Colombia trong lãnh thổ Ecuador là một cuộc xâm lược vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước này. Ông Correa yêu cầu khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và Cộng đồng các quốc gia vùng Anders (CAN) can thiệp sau hành động vi phạm chủ quyền nghiêm trọng của Colombia.

Venezuela, nước láng giềng của Colombia và là đồng minh của Ecuador lập tức có những phản ứng quyết liệt. Tổng thống Chavez ngày 3/3 ra lệnh trục xuất Đại sứ Colombia và tất cả nhân viên đại sứ quán nước này ở thủ đô Caracas. Ông cũng ra lệnh cho xe tăng và hàng nghìn binh sĩ tiến sát biên giới Colombia, đồng thời cáo buộc nước này đang đẩy Nam Mỹ đến bên bờ vực chiến tranh bằng việc tiến hành hoạt động quân sự trên lãnh thổ một nước khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, Gustavo Rangel tuyên bố việc điều động binh lính, xe tăng và máy bay chiến đấu đã gần hoàn tất tại các bang Zulia, Tachira và Apure, giáp ranh với Colombia. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, đường biên giới giữa hai nước kéo dài 2.200km đã được đặt trong tình trạng báo động. Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố, nếu Colombia xâm phạm lãnh thổ Venezuela, một cuộc chiến tranh khu vực sẽ xảy ra.

Các nước Mỹ Latinh cũng lên tiếng phản đối hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Colombia và có những phản ứng mạnh mẽ. Brazil, Argentina, Chile... lên án việc Colombia xâm phạm lãnh thổ Ecuador. Nicaragua tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia...

Phía Colombia thì cáo buộc EcuadorVenezuela hậu thuẫn cho nhóm FARC vốn bị Mỹ và Colombia cho là lực lượng “khủng bố”. Tất nhiên là EcuadorVenezuela bác bỏ điều đó. Một số nhà lãnh đạo các nước Mỹ Latinh còn cho rằng, Mỹ có dính líu đến cuộc đột kích của 60 binh lính đặc nhiệm Colombia vào Ecuador.

Theo AP, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ G. W. Bush “bày tỏ sự ủng hộ” đối với Tổng thống Colombia Uribe. Đó cũng là điều dễ hiểu khi chính phủ của Tổng thống Uribe được Mỹ hậu thuẫn và là một trong vài đồng minh ít ỏi tại khu vực Mỹ Latinh kể từ khi làn sóng cánh tả phát triển mạnh mẽ ở khu vực này.

Ngày 4/3, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã nhóm họp khẩn cấp trong một nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ ngòi nổ cuộc khủng hoảng. OAS đã thông qua nghị quyết khẳng định Colombia xâm phạm lãnh thổ Ecuador.

Tuy nhiên, các bên liên quan nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị này bằng biện pháp hòa bình. Nhiều người lo ngại nếu cuộc đối đầu Colombia - Venezuela ngày càng diễn biến nghiêm trọng, kể cả việc chiến tranh nổ ra thì khu vực Nam Mỹ sẽ rơi vào một cuộc xung đột lớn giữa một bên là đồng minh chủ chốt của Mỹ với một bên là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất khu vực.

Trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc xung đột đang có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh khu vực - giữa Colombia với Ecuador và Venezuela, ngày 3/3, Tổng thống Brazil L.Silva đã điện đàm trao đổi quan điểm với những người đồng cấp Argentina và Chile. Tổng thống Mexico F.Calderon khẳng định chính phủ của ông ủng hộ việc giải quyết cuộc xung đột thông qua đối thoại...

Tiếp đó, ngày 7/3, Hội nghị thượng đỉnh nhóm Rio, một tổ chức quốc tế gồm 20 nước của khu vực Mỹ Latinh vốn được lập ra để xử lý các cuộc khủng hoảng trong quan hệ ở vùng này đã được nhóm họp tại Dominica. Và cuộc hòa giải đã thành công tại hội nghị này sau khi đại diện Colombia xin lỗi về việc tấn công Ecuador và cam kết không xâm phạm lãnh thổ “các nước anh em”...

Rõ ràng là các nước trong khu vực, trong đó có Colombia nhận thấy rất rõ, nếu một cuộc chiến tranh nổ ra là hết sức vô nghĩa và bất lợi cho tất cả các bên liên quan. Tổng thống Colombia Uribe nói rằng, ông ta sẽ không đẩy Colombia vào một cuộc chiến tranh mở rộng.

Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh nổ ra không chỉ bất lợi riêng Colombia mà còn cho cả các nước trong khu vực và đặc biệt là đối với Mỹ. Mặt khác, nếu chiến tranh nổ ra, phong trào chống Mỹ của các nước Mỹ Latinh sẽ mạnh lên trong tình hình cánh tả đang chiếm ưu thế, là lực lượng đang cầm quyền hiện nay ở hầu hết các nước tại khu vực này

Nguyễn Khắc Đức
.
.