Taliban “không giữ lời hứa” hay Mỹ quá vội vàng?

Thứ Năm, 12/09/2019, 11:28
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc đàm phán với Taliban cho thấy ông vẫn chưa thực sự tin vào “lời Taliban đã hứa”, ông Trump cần một Taliban thiện chí hơn nữa với hòa bình.

Lỡ hẹn tại trại David

“Có thể mọi người không biết, các thủ lĩnh của Taliban, Tổng thống Afghanistan và tôi dự định sẽ gặp mặt ở Trại David vào hôm nay. Họ đã tới Mỹ vào tối qua nhưng thật không may, Taliban đã thừa nhận tấn công khủng bố ở Kabul, vì vậy tôi đã hủy cuộc gặp và đàm phán hòa bình ngay lập tức”, ông Trump viết trên Twitter cuối tuần qua.

Như vậy, ông Trump đã tuyên bố hủy cuộc đàm phán với phong trào Hồi giáo Taliban, khiến hy vọng lâu nay về việc đạt được mục tiêu đem lại sự an toàn cho người Mỹ tan vỡ. Vẫn duy trì các cuộc tấn công khủng bố chính là những gì mà Taliban đã làm trong suốt hơn một năm đàm phán. Họ chỉ cam kết ngừng bắn mang tính chất tượng trưng trong khi vẫn giết hại dân thường và các lực lượng cảnh sát, quốc phòng Afghanistan.

Theo dự thảo thỏa thuận hòa bình đã nhất trí với lực lượng phiến quân Taliban, Mỹ có kế hoạch rút hơn 5.000 binh lính khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm “bàn đạp” để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những đồng minh. Tuy nhiên, khi người đứng đầu Nhà Trắng hành xử theo đúng “phong cách Trump” thì tương lai của thỏa thuận vẫn rất xa vời.

Phản ứng trước động thái này của ông Trump, ngày 8-9, phiến quân Taliban cho biết quyết định của Tổng thống Trump hủy bỏ các cuộc hòa đàm với lãnh đạo của nhóm này sẽ dẫn tới nhiều mất mát về sinh mạng và tài sản của Mỹ hơn nữa. Trong một thông báo, người phát ngôn của nhóm phiến quân cực đoan này - Zabihullah Mujahid nêu rõ: “Những người Mỹ sẽ chịu thiệt hại hơn những người khác vì đã hủy bỏ các cuộc hội đàm”.

Đáp lại, nhằm xoa dịu tình hình, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẵn sàng nối lại các cuộc hội đàm với Taliban sau khi hủy một cuộc gặp kín với Tổng thống Donald Trump nếu nhóm phiến quân này tôn trọng những lời hứa.

Phát biểu trong chương trình “Tuần này” của đài truyền hình ABC, ông Pompeo nêu rõ: “Tôi hy vọng đó là khi Taliban sẽ thay đổi cách hành xử của họ và tái cam kết với những gì họ nói tới. Cuối cùng, việc này sẽ được gải quyết thông qua một loạt đối thoại”.

Một cuộc tấn công khủng bố của phiến quân Taliban.

Chưa đủ lòng tin

Sau gần 18 năm hao người tốn của cho cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ hiện đang tìm cách thoát khỏi tình trạng sa lầy về chính trị, an ninh và quân sự ở nơi đây trong danh dự. Đối với Mỹ, mong muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến kéo dài tại Afghanistan là điều dễ hiểu. Phải chăng, ông Trump đã có phần nóng vội khi chỉ vì một cuộc tấn công khủng bố mà bỏ lỡ cả một cơ hội chiến lược có thể đi vào lịch sử ở Trại David. Nếu thành công, Mỹ có thể an nhiên rời khỏi “vũng lầy” Afghanistan.

Dự kiến, Mỹ sẽ rút toàn bộ lực lượng đồn trú về nước, có thể diễn ra vào đúng dịp bầu cử năm 2020. Đáp lại những nỗ lực hòa đàm từ phía Washington, ông Khalilzad, chuyên gia Mỹ về đàm phán với Taliban cho biết, Taliban đã nhất trí không để cho IS hay nhóm khủng bố al-Qaeda sử dụng Afghanistan làm căn cứ địa.

Tuy nhiên, điều này rất khó khiến Mỹ tin tưởng. Hoạt động của IS trong lãnh thổ do Taliban kiểm soát chỉ bị hạn chế khi Mỹ tiến hành các cuộc tấn công vào tổ chức này. Cựu Tổng thống George W. Bush đã từng cho Taliban một cơ hội khi yêu cầu Taliban trục xuất al-Qaeda sau vụ khủng bố 11-9 nhưng Taliban đã từ chối. Do đó, chẳng người Mỹ nào có thể dễ dàng tin tưởng vào những gì mà Taliban đang hứa hẹn.

Mong muốn lâu nay của Mỹ là ngăn chặn các tổ chức khủng bố tái thiết việc lập căn cứ ở Afghanistan, nơi chúng sẽ lên kế hoạch tấn công Mỹ và các đồng minh. Điều tốt nhất mà Mỹ đã làm là hợp tác hành động cùng các đồng minh của Afghanistan, những quốc gia đã thực hiện hầu hết các cuộc chiến chống khủng bố. Chắc hẳn, việc Mỹ triển khai lực lượng quân đội của mình cùng với các đồng minh tại Afghanistan chính là lý do khiến Mỹ không bị tấn công khủng bố kể từ ngày 11-9-2001.

Việc triển khai quân đội giúp duy trì hòa bình và giảm thương vong của Mỹ. Chính vì vậy, trong tư duy của nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ, Mỹ nên triển khai quân đội lâu dài ở Afghanistan và có thể giảm bớt số lượng binh lính khi quân đội Afghanistan có được kinh nghiệm và sức mạnh.

Mặc dù có nhiều sự phản đối nhằm gây sức ép khiến Mỹ phải rút quân khỏi Afghanistan nhưng có lẽ Tổng thống Donad Trump sẽ phải đối mặt với hậu quả chính trị nặng nề hơn nhiều nếu việc rút quân khiến Chính phủ Afghanistan sụp đổ và xảy ra thảm kịch nhân đạo.

Sự hồi sinh của các nhóm khủng bố ở Afghanistan cũng sẽ xóa sạch những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc phá hủy lãnh thổ cai trị của IS ở Syria và phong trào thánh chiến trên toàn thế giới sẽ giành được một chiến thắng vĩ đại. Chính vì vậy, tốt nhất là nên tiếp tục tấn công trên lãnh địa của chúng hơn là rút về phòng thủ trên đất Mỹ.

Tổng thống Trump có thể muốn nối lại các cuộc đàm phán với Taliban nhưng với những gì đang diễn ra, ông Trump đã cho thấy Mỹ không nên dễ dàng tin vào Taliban. Đàm phán hòa bình sẽ không thành công nếu như một bên không thực lòng hướng tới hòa bình. Có lẽ, Taliban cần hành động thiện chí nhiều hơn là những cam kết miệng hoặc những cuộc tấn công khủng bố bất ngờ.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.