Tân Chính phủ Đức: Liên minh Vàng - Đen trước những thách thức mới

Thứ Ba, 03/11/2009, 20:50
Berlin vừa hoàn tất quá trình thành lập một chính phủ mới, sau khi thủ lĩnh các đảng phái trong liên minh - Angela Merkel của Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), Horst Seehofer của Liên minh xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) và Guido Westerwelle của đảng Dân chủ tự do (FDP) - đã chính thức đặt bút ký vào một thỏa thuận liên minh.

Ngay sau đó, Quốc hội với đa số nghị sĩ thuộc liên minh "vàng - đen" mới đã chính thức bầu lại bà Angela Merkel vào cương vị Thủ tướng liên bang. Chính phủ mới của bà Angela Merkel theo đánh giá sẽ phải đương đầu với không ít thách thức xuất phát từ quyền lợi nội bộ của các phe phái trong liên minh cầm quyền, cũng như sự chống đối của phe đối lập...

Nội các tiềm ẩn… mâu thuẫn

Công bằng mà nói, đã có không ít những ý kiến lo ngại về những khó khăn trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới, khi các bên từ trước đó đều tỏ ra cố tình "giương oai", nhắc nhở các đối tác tương lai rằng họ sẽ cương quyết không nhượng bộ để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài những tranh cãi về việc phân chia ghế trong nội các, còn phải kể tới những bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề như cải cách y tế, giảm thuế, tuân thủ các quyền công dân và tự do cơ bản v.v... 

Nhưng trên thực tế, quá trình đàm phán thành lập liên minh đã diễn ra tương đối "xuôi chèo mát mái". Nếu điểm qua về thành phần cụ thể, nội các mới có vẻ tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, đặc biệt nếu đánh giá về từng cá nhân. Một trong những bất ngờ đầu tiên là thủ lĩnh Guido Westerwelle của FDP ngoài cương vị Phó thủ tướng còn kiêm luôn chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao.

Theo nguyên tắc truyền thống trước đây, những vị trí trên luôn là sự phân chia giữa phe Bảo thủ và phe Tự do. Chưa kể trong quá trình tranh cử, phe Tự do luôn đặc biệt nhấn mạnh tới cải cách kinh tế. Chính vì vậy nhiều người đã đương nhiên cho rằng, Westerwelle sẽ nắm ghế Bộ trưởng Tài chính, hay thậm chí cả vai trò "siêu bộ trưởng" điều hành cả hai bộ Kinh tế và Tài chính. Trong khi việc thể hiện quan điểm đối ngoại của Westerwelle lại tỏ ra tương đối mờ nhạt. Nếu tính tới việc những xu hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại sẽ do Thủ tướng quyết định, vai trò Ngoại trưởng của Westerwelle rất có thể sẽ không để lại nhiều dấu ấn. 

Cương vị Bộ trưởng Tài chính rốt cuộc cũng không thuộc về phe Tự do, khi ứng cử viên được đánh giá cao nhất là Hermann Otto Solms - người từ giữa những năm 90  của thế kỷ XX đã rất tích cực vận động cho ý tưởng hệ thống thuế theo ba bậc - đã không có mặt trong thành phần tân nội các. Thay vào đó lại là một đại diện của CDU Wolfgang Schauble, từng đảm đương vai trò Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ tiền nhiệm.

Để bù lại, phe Tự do nhận được chiếc ghế Bộ trưởng Kinh tế, khi vị trí này được giao cho Rainer Bruederle. Tờ Spiegel đã nhận xét rằng, việc bổ nhiệm Bruederle thật ra chỉ là một hình thức "cân bằng số học trong liên minh", chứ không phải bằng những công lao của chính trị gia này. Kinh nghiệm điều hành cấp quốc gia của Bruederle từ trước chỉ giới hạn ở vị trí Bộ trưởng Tài chính của bang Rheinland-Pfalz, trong khi nhiệm kỳ của ông này đã kết thúc từ năm 1998.

Người tiền nhiệm của Bruederle trên cương vị này là Karl-Theodor zu Guttenberg (từ CSU) - theo kết quả thăm dò công luận đang được đánh giá là một trong những chính trị gia có chỉ số uy tín cao nhất tại Đức - còn có thay đổi "ấn tượng" hơn khi được nhận chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức nổi tiếng là "người quen" ở bên kia bờ Đại Tây Dương, khi ông có nhiều mối quan hệ thân thiện tại cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ. Guttenberg có mức độ thăng tiến rất nhanh và với bổ nhiệm mới này đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trẻ nhất trong lịch sử nước Đức (mới 37 tuổi).

Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc bổ nhiệm một chính trị gia trẻ tuổi, đầy tham vọng, đồng thời cũng là chuyên gia về chính sách đối ngoại như Guttenberg vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng là một cách để "hạn chế tầm ảnh hưởng" của Bộ trưởng Ngoại giao. Bản thân Guttenberg vẫn được coi là "đối thủ cạnh tranh nguy hiểm" cho chiếc ghế Ngoại trưởng của Westerwelle trong tương lai.

Dù có được những chiếc ghế được coi là có ảnh hưởng hơn, nhưng chưa thể nói phe Bảo thủ thắng thế phe Tự do trong liên minh cầm quyền. FDP vẫn giành được cho mình những vị trí quan trọng khác như Bộ trưởng Y tế (thuộc về  Philipp Roesler, một người Đức gốc Việt), hay Bộ trưởng Tư pháp (dành cho Sabine Leutheusser-Schnarrenberger, thủ lĩnh của FDP tại Bavaria).

Nhìn chung, cơ cấu của chính phủ liên bang mới vẫn không có gì thay đổi khi vẫn bao gồm 15 chiếc ghế bộ trưởng. Còn tỉ lệ phân chia giữa các đảng phái vẫn được tuân thủ đúng: ½ số ghế bộ trưởng thuộc về CDU, 3 ghế thuộc về CSU và 4 ghế dành cho FDP.

Những chính sách và thách thức với chính phủ mới

Ngay sau khi đặt bút ký vào thỏa thuận liên minh, bà Angela Merkel đã tuyên bố, những nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ mới là phải cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, giảm áp lực thuế và tăng trợ cấp cho trẻ nhỏ cùng một số đối tượng xã hội khác. Vấn đề phức tạp và gây tranh cãi nhất được đặt lên hàng đầu vẫn là thuế. Cam kết chính của phe Tự do trong quá trình tranh cử chính là giảm thuế cho người dân.

Nhưng giờ đây, việc thực hiện lời hứa này được đánh giá là không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và thâm hụt ngân sách trầm trọng. Dù sao, thỏa hiệp cuối cùng trong liên minh cầm quyền cũng được đưa ra với kế hoạch giảm 24 tỉ euro tiền thuế dự kiến sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2011.

"Chúng tôi không tăng thuế và các khoản thu khác để làm cơ sở cho tăng trưởng. Mục tiêu của chúng tôi là làm giảm nhẹ những khó khăn trong cuộc sống của người dân" - bà Merkel tuyên bố như vậy về chính sách thuế mới.

Thỏa thuận trong liên minh mới còn hứa hẹn tăng thêm nhiều khoản chi phí về phúc lợi xã hội như trợ cấp cho trẻ nhỏ, bảo hiểm thất nghiệp, y tế, xã hội v.v... Chính quyền mới cam kết tăng thêm 12 tỉ euro chi phí cho lĩnh vực giáo dục và khoa học, 750 triệu euro cho nông nghiệp v.v...

Một tuyên bố đáng chú ý khác của tân Ngoại trưởng Westerwelle khi ông này khẳng định, nước Đức trong tương lai sẽ phải từ bỏ tất cả các nguồn vũ khí hạt nhân (tất nhiên là của Mỹ) được bố trí trên lãnh thổ của mình. Mặt khác, trong các cam kết của nội các mới không nhắc tới thời hạn cụ thể trong việc rút khoảng 4.000 binh sĩ Đức ra khỏi Afghanistan.

Thách thức từ việc thực thi những cam kết của tân nội các theo nhận định sẽ không hề đơn giản. Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, việc triển khai chương trình trên sẽ dẫn tới hậu quả tăng nhanh khoản nợ quốc gia của Đức, hiện đã lên tới 1.500 tỉ euro. Trong bối cảnh kinh tế Đức còn đang khủng hoảng - GDP trong năm nay dự kiến giảm 5%, còn trong năm tới cũng ở mức giảm 1,2% - việc giảm thuế đương nhiên sẽ tạo thêm một gánh nặng bổ sung đối với ngân sách quốc gia.

Không thể không kể tới những khó khăn từ sự chống đối của phe đối lập. Như cựu Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier, đồng thời là thủ lĩnh phe đối lập trong Quốc hội đã gọi thỏa thuận của chính phủ liên minh mới là "trò gian lận vĩ đại". Theo ông này, phe đối lập sẽ chống đối đến cùng những chính sách trên, do hậu quả của nó có thể gây chia rẽ trong xã hội, có lợi cho giới chủ trong khi lại làm ảnh hưởng tới tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình trở xuống

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.