Tân Giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc

Thứ Hai, 21/04/2008, 13:30
Gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã bổ nhiệm ông Kim Sung-ho, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp giữ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (National Intelligence Service - viết tắt là NIS) thay ông Kim Man-bok đã từ chức cuối năm 2007, do bị cáo buộc đã tiết lộ tài liệu bí mật quốc gia về quan hệ liên Triều cho báo giới.

Ông Kim Sung-ho, sinh năm 1950, tại tỉnh Gyeong Sang là đồng hương của đương kim Tổng thống Lee Myung-bak. Ông Kim Sung-ho tốt nghiệp Đại học quốc gia Hàn Quốc năm 1972, sau đó vượt qua kỳ thi tuyển công chức ngành tư pháp và được bổ nhiệm làm công tố viên vào năm 1974.

Trong thời gian làm việc tại Văn phòng tòa án tối cao và Văn phòng tòa án thành phố Seoul, ông Kim Sung-ho nổi tiếng là người đã đương đầu với các cuộc điều tra những vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao, trong đó có một vụ dính vào “quỹ đen” của cựu Tổng thống Chun Doo-hwan. Giới bảo vệ pháp luật Hàn Quốc còn mệnh danh ông Kim Sung-ho là “Chuyên viên điều tra về các hành vi sai quy định”.

Tháng 1/2004, ông Kim Sung-ho được bổ nhiệm giữ chức Tổng thư ký Ủy ban Chống tham nhũng Hàn Quốc (KICAC).

Tháng 8/8/2006, ông Kim Sung-ho được Tổng thống Roh Moo-hyun bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong thời kỳ giữ cương vị này, ông Kim đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trên chính trường Hàn Quốc, qua việc phản đối đề nghị của tổng thống đương nhiệm đòi sửa đổi một số điều luật về bầu cử tổng thống và phản đối các chương trình hành động chính trị của Tổng thống Roh Moo-hyun, đặc biệt là công khai chỉ trích đảng đối lập và ứng cử viên Tổng thống của đảng này.

Chính vì những bất đồng đó, ngày 7/8/2007, ông Kim Sung-ho đã nộp đơn xin từ chức và đã được Tổng thống Roh Moo-hyun chấp nhận. Trong thời gian diễn ra bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2007, ông Kim Sung-ho tỏ rõ lập trường phản đối quyết liệt việc điều tra về những nghi vấn tham nhũng liên quan đến Tổng thống mới đắc cử Lee Myung-bak. Ông Kim Sung-ho cho rằng: “Cơ quan tư pháp không nên can thiệp sâu vào các cuộc bầu cử tổng thống”.

Giới chức Hàn Quốc nhận xét: Ông Kim Sung-ho là người có quan điểm thân Mỹ và có lập trường cứng rắn trong quan hệ với CHDCDN Triều Tiên. Việc cải tổ bộ máy NIS sẽ được ông Kim Sung-ho trình lên Tổng thống Hàn Quốc sau một tháng sắp xếp bộ máy nhân sự.

Từ khi Tổng thống Lee Myung-bak tuyên thệ nhậm chức (25/2/2008), dư luận chính giới Hàn Quốc cho rằng, ông sẽ đẩy mạnh cải cách các cơ quan của chính phủ. Việc bổ nhiệm tân Giám đốc NIS nằm trong kế hoạch cải tổ nhằm nâng cao vai trò hiệu quả của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc.

Dư luận cho rằng, thời gian tới, nhiều khả năng Cục tình báo chuyên về Triều Tiên sẽ được sáp nhập vào Cục Tình báo đối ngoại, trong khi đó Cục Tình báo đối nội vẫn giữ nguyên. Tổng thống Lee Myung-bak sẽ đưa ra những sửa đổi về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của NIS theo hướng thu hẹp, mang tính chuyên sâu hơn và giảm bớt sự can thiệp vào quan hệ liên Triều; đồng thời tăng cường hoạt động tình báo đối ngoại, chú trọng thu thập tin về Triều Tiên.

Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc thành lập ngày 19/6/1961, theo Quyết định của Hội đồng tối cao tái thiết quốc gia ngay sau cuộc đảo chính quân sự ngày 16/5/1961 kết thúc. Tháng 5/1980, sau sự biến Kwangju  (sinh viên biểu tình) đòi dỡ bỏ lệnh giới nghiêm được áp dụng từ sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee và đòi tăng cường cải tổ chính phủ, xô xát giữa lực lượng biểu tình và Cơ quan chính phủ đã khiến gần 200 người thiệt mạng).

Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc được đổi tên thành Cục Kế hoạch An ninh quốc gia (ANSP) và chức năng, nhiệm vụ bị giới hạn theo pháp luật và các sắc luật của tổng thống. Từ khi đảng Chính quyền nhân dân lên nắm quyền ngày 22/1/1989, ANSP đổi tên thành Cục Tình báo quốc gia (NIS) do Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông Chun Yong-taek kiêm nhiệm chức giám đốc.

Ông này từng là nghị sĩ, thành viên đảng Chính quyền nhân dân, Bộ trưởng Quốc phòng mang quân hàm thiếu tướng. Hiện nay, Trụ sở của NIS đóng tại Naegok Dong, ở Nam thủ đô Seoul, là một trong những cơ quan tình báo hiện đại, tiên tiến trên thế giới trong thế kỷ XXI

Thi Nga
.
.