Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani: Mang luồng gió của tinh thần ôn hoà

Thứ Sáu, 21/06/2013, 17:45

Ứng cử viên ôn hòa Hassan Rowhani giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran vừa qua khiến các nước phương Tây có liên quan trong cuộc đối đầu hạt nhân với Iran đều cảm thấy vui mừng và lóe lên niềm hy vọng rằng, tiến trình đàm phán xung quanh chương trình hạt nhân của Iran có thể tìm ra một lối thoát. Giới phân tích nhận định, Rowhani có thể mang lại hy vọng, nhưng ông cũng là người rất thận trọng. Tổng thống mới của Iran sẽ nhậm chức vào ngày 3/8 tới, thay thế Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.

Thông báo kết quả bầu cử ngay lập tức khiến cho nhiều người dân tràn cả ra các đường phố Tehran và nhiều thành phố khác để ăn mừng. Người ra vui mừng vì mong đợi bắt đầu được thể hiện: thay đổi điều kiện, hoàn cảnh sống đang ngày càng hết sức khó khăn do tác động nặng nề từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc trong cuộc đối đầu với chính sách cứng rắn của Tổng thống Ahmadinejad.

Rowhani đã gieo vào lòng cử tri Iran một tia hy vọng, một niềm tin vào tương lai tươi sáng, cuộc sống dễ chịu hơn, tự do và thoải mái hơn bằng những ngôn từ khẩu hiệu tranh cử ôn hòa, khéo léo, cởi mở nhưng cũng không quá mức đến độ làm mất lòng giới giáo sĩ bảo thủ.

Hassan Rowhani năm nay 65 tuổi, được biết trước hết là một giáo sĩ Iran kỳ cựu, một trong những người trung thành với các đại giáo chủ Iran, là một trong những công thần của thời kỳ cách mạng Hồi giáo Iran cho đến tận ngày nay. Ngay từ thời còn trẻ, Rowhani đã đi theo phụng sự Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini, khi đó còn đang lưu vong ở nước ngoài, trong cuộc cách mạng Hồi giáo Iran bắt đầu từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX. Tuy còn trẻ, nhưng Rowhani đã là một trong những trụ cột tuyên truyền đi khắp Iran, kể cả ở nước ngoài, đến tận Paris (Pháp), để tuyên truyền cho cách mạng Hồi giáo, chống lại chính quyền Hoàng gia Iran.

Sau cách mạng thành công vào tháng 2/1978, các giáo sĩ Hồi giáo lên nắm quyền, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời, Rowhani tiếp tục giữ vai trò là một trong những trụ cột quan trọng ổn định trật tự, trị an xã hội Iran, với việc ra tay tổ chức lại lực lượng quân sự, lập lại trật tự các doanh trại quân đội trên toàn quốc. Năm 1980, Rowhani được bầu vào Hội đồng Cố vấn (Maijis) của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Và suốt hơn 30 năm sau cách mạng Hồi giáo, Rowhani luôn nắm những vị trí lãnh đạo cấp cao trong các giáo sĩ Hồi giáo ở Iran, dưới trướng các Đại giáo chủ Khomeini và sau này là Ali Khamenei.

Những vị trí ông từng nắm bao gồm Chủ tịch Hội đồng giám sát Hội đồng Cách mạng Iran (IRIB), rồi khi chiến tranh Iran-Iraq xảy ra, Rowhani được giao lãnh đạo Hội đồng Quốc phòng tối cao chỉ huy cuộc chiến giành thắng lợi, được thưởng Huy chương Fath (Chiến thắng). Rowhani là người đại diện cho Đại giáo chủ Khamenei tại Hội đồng Tối cao An ninh Quốc gia (SNSC), và từ năm 1989 được giao làm Tổng thư ký SNSC cho đến năm 2005, trở thành Tổng thư ký tại vị lâu nhất.

Rowhani cũng từng 13 năm làm Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời các Tổng thống Mohammad Hashemi Rafsanjani (1989-1997) và Mohammad Khatami (2000-2005). Rowhani chủ trương nên mềm dẻo trước các cường quốc để làm giảm nhẹ những chế tài đã gây ra khủng hoảng kinh tế trong nước. Nhưng những lần thương thuyết đó khiến cho Rowhani bị xem như là kẻ phản quốc và tạo dễ dàng cho Ahmadinejad lên nắm quyền. Tuy nhiên ông không phải là kẻ chống đối hệ thống, vì nếu không, ông đã không thể là tổng thư ký SNSC trong suốt 16 năm và lãnh đạo cuộc thương thuyết với phương Tây.

Rowhani thực sự là một người của quyền lực, một chức sắc tôn giáo nối gót theo Khomeini trong cuộc cách mạng Hồi giáo, và sau đó bước vào chính quyền phụng sự một cách trung thành. Nói chính xác ông không phải là một nhà cải cách mà đúng hơn là một người bảo thủ ôn hòa. Điều nghịch lý ông là ứng viên của phần lớn giới thanh niên Iran ở thành thị, một tầng lớp khao khát sự thay đổi mà ông khó thể thỏa mãn.

Ông Hassan Rowhani trong ngày bầu cử 14/6.

Ông cũng là thành viên Hội đồng chuyên gia (chuyên chọn lựa ứng cử viên tổng thống Iran) trong 3 nhiệm kỳ và cũng từng làm Bộ trưởng Bộ Tình báo Iran.

Với bảng lý lịch trích ngang như thế, phương Tây đón tin chiến thắng của ông Rowhani có phần mừng nhưng không vui lắm. Mừng bởi vì ông là người có quan điểm ôn hòa, có thể chủ trương giải quyết dứt điểm cuộc đối đầu quanh chương trình hạt nhân của Iran theo cách mà phương Tây có thể chấp nhận được. "Điều tôi mong muốn là tinh thần ôn hòa trở lại đất nước này" - Rowhani phát biểu trên nhật báo Sharq (chủ trương cải cách). Còn "không vui lắm" chính là ở chỗ, Rowhani dù có quan điểm ôn hòa nhưngvẫn là người trung thành với các đại giáo sĩ  Iran.

Theo giới truyền thông Iran, chiến thắng của Rowhani nhờ rất nhiều vào sự ủng hộ của 2 vị Tổng thống tiền nhiệm là Ali Akbar Hashemi Rafsanjani và Mohammad Khatami. Ba ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra, 2 người đó đã kêu gọi cử tri dồn phiếu cho Rowhani với tư cách là người đại diện duy nhất của phe cải cách. Về phía phe bảo thủ, báo chí cho rằng, đây là chiến thắng của nhân dân Iran.

Tờ "Rooz" cho rằng "Rowhani đắc cử là một cuộc bầu cử-chế tài chống lại chính sách hạt nhân của Teheran. Người dân Iran không còn chịu đựng được các khó khăn về kinh tế, kết quả của chính sách hạt nhân. Đây là một sự phản bác Said Jalili, người thương thuyết hiện nay về vấn đề hạt nhân vốn chiếm được rất ít phiếu. Liệu phương Tây sẽ lắng nghe người dân Iran hay tiếp tục chính sách trừng phạt ?" Tuy nhiên bài báo cũng nhắc nhở rằng, tại Iran, phạm vi hành động của tân Tổng thống rất hạn hẹp trước quyền lực của Giáo chủ Ali Khamenei, người thật sự đang điều hành đất nước.

Nhà báo Mỹ gốc Iran Omid Memarian khẳng định trên tờ "Daily Beast" rằng "cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran thực chất là một cuộc trưng cầu dân ý về chương trình hạt nhân. Xã hội Iran chưa bao giờ có dịp bày tỏ trên truyền thông về vấn đề này. Nhưng cuộc bầu cử đã cho thấy rằng xã hội dân sự phản bác diễn tiến của những cuộc thương thuyết. Chính phủ Mỹ đã vuột mất cơ hội đưa tay ra với Tổng thống cải cách Khatami (trong thời gian từ 2000 đến 2005), người ta hy vọng rằng lần này Mỹ sẽ không đánh mất cơ may lần nữa".

Với cái nhìn tích cực về quan điểm cởi mở của ông Rowhani, phương Tây đánh giá việc ông giành chiến thắng là một giải pháp vừa đủ để tháo gỡ nút thắt ngoại giao xung quanh chương trình hạt nhân Iran hiện nay. Việc tháo gỡ nút thắt này xuất phát từ tình hình khó khăn về kinh tế mà người dân cũng như ban lãnh đạo Iran đang cảm nhận rõ rệt do tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đang áp đặt. Và phương Tây hy vọng ông Rowhani sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn cho kinh tế đất nước thông qua con đường đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1 để tìm kiếm giải pháp tốt nhất, gần nhất với các điều kiện phương Tây đặt ra.

Ngay trong động thái đầu tiên sau bầu cử, ông Rowhani đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc với ông Ali Larijani - Chủ tịch Quốc hội Iran, vào ngày 16-6 về tình hình khó khăn kinh tế, điều kiện sống của nhân dân Iran và các giải pháp làm thế nào để cải thiện tình hình này. Hôm sau, ngày 17/6, Rowhani tổ chức buổi họp báo đầu tiên sau khi thắng cử, và ông đã hé lộ những tín hiệu ban đầu về những chính sách mà ông sẽ theo đuổi đối với việc đàm phán hạt nhân với phương Tây.

Rowhani đã khiến phương Tây "vui mừng" với "mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ", xem 34 năm đóng băng quan hệ ngoại giao Mỹ-Iran là một "vết thương cũ cần phải chữa trị", đồng thời phác thảo sơ bộ một số điều kiện cần thiết để tiến hành "đối thoại xây dựng".

Vấn đề còn lại là, Rowhani cũng phản ánh quan điểm của Đại giáo chủ Khamenei rằng, Iran sẵn sàng đối thoại với Mỹ, đàm phán với P5+1 và đi đến thỏa thuận chung về các vấn đề gút mắc giữa 2 bên, nhưng với điều kiện Mỹ và phương Tây cần dẹp bỏ các chính sách đối xử thô bạo, "thừa nhận quyền phát triển hạt nhân của Iran"

Trương Hùng - Mặc Lâm (tổng hợp)
.
.