Tây Ban Nha: Dậy sóng chuyện tham nhũng

Thứ Ba, 23/07/2013, 19:35

Trong khi tình hình khủng hoảng kinh tế chưa có dấu hiệu thuyên giảm, tham nhũng đã làm trầm trọng thêm những khó khăn mà Thủ tướng Mariano Rajoy đang phải đối mặt.

Hàng ngàn người dân Tây Ban Nha đã giận dữ biểu tình liên tiếp trong những ngày qua tại khu vực trung tâm thủ đô Madrid để phản đối Chính phủ và đòi Thủ tướng Mariano Rajoy từ chức.

Theo báo chí Tây Ban Nha, cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình từ ngày 15/7 sau khi truyền thông đưa tin chi tiết về lời khai của nghi phạm chính trong vụ án tham nhũng đang điều tra, và các nghị sĩ đối lập giận dữ kêu gọi Thủ tướng Mariano Rajoy từ chức. Nhưng đến đêm 18/7, biểu tình đã biến thành vụ bạo động sau khi một số cảnh sát làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự va chạm với người biểu tình. Dùi cui và đá, chai lọ, gậy gộc đã được tận dụng làm vũ khí "chiến đấu" tại chỗ. Máu đã đổ, một vài người bị thương, 2 người bị cảnh sát bắt.

Cuộc biểu tình rầm rộ chống tham nhũng, đòi Thủ tướng Rajoy từ chức là sự kiện không có gì đáng ngạc nhiên đối với dư luận trong bối cảnh tình hình kinh tế khủng hoảng chưa có dấu hiệu chấm dứt, đất nước Tây Ban Nha vẫn trong tình trạng khó khăn và người dân Tây Ban Nha vẫn phải chịu đựng các biện pháp thắt chặt chi tiêu nhằm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) để đổi lấy việc giải cứu hệ thống ngân hàng đang chết đuối của nước này. Đó là điều tất yếu xảy ra, khi vụ bê bối tham nhũng trong đảng cầm quyền PP đã âm ỉ từ nhiều tháng qua và sắp được xét xử tại tòa án Madrid. Đây được xem là "ung nhọt" có nguy cơ gây đổ vỡ Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy, vốn đã phải đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình của người dân khắp đất nước phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng.

Người dân Tây Ban Nha biểu tình đòi Thủ tướng Mariano Rajoy từ chức.

Theo báo chí Tây Ban Nha, nghi phạm chính trong vụ án tham nhũng đang thụ lý là Luis Barcenas, một cựu thủ quỹ của đảng Nhân dân cầm quyền (PP) bị nhà chức trách Tây Ban Nha phát hiện tuồn hàng triệu USD vào các tài khoản bí mật ở các ngân hàng Thụy Sĩ. Sau tiến trình điều tra sơ bộ, Barcenas đã bị bắt tạm giam vào tháng 6/2013 để điều tra hoàn tất hồ sơ chuẩn bị đưa ra tòa án xét xử. Và cơ quan điều tra đã phát hiện số tiền gửi vào các tài khoản ở Thụy Sĩ gia tăng lên đến 61 triệu USD.

Ban đầu, Barcenas một mực không nhận tội, không thừa nhận việc mình làm sai, thế nhưng ngày 15/7, trong một phiên thẩm vấn tại Tòa án Tối cao Tây Ban Nha, Barcenas bất ngờ "thành khẩn khai báo" với thẩm phán Pablo Ruz - người thụ lý chính của vụ án - rằng anh ta đã từng chi trả tiền mặt cho Thủ tướng Rajoy số tiền tương đương 33.000 USD vào năm 2010.

Theo báo chí Tây Ban Nha, Barcenas đã khai rằng số tiền đã chi cho Thủ tướng Rajoy có nguồn gốc từ một "quỹ đen" của đảng PP, vì thế đây là khoản chi ngoài sổ sách, không tuyên bố. Ngoài ra, Barcenas còn trao cho tòa án những tài liệu ghi chép chi tiết về nguồn gốc và các khoản chi tiêu của quỹ đen và thừa nhận mình chính là tác giả ghi chép và soạn ra những tài liệu đó.

Các tài liệu được báo chí Tây Ban Nha đăng tải cho thấy số tiền từ quỹ đen chi cho Thủ tướng Rajoy giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2000, tức là một thời gian dài trước khi bị phát hiện. Barcenas khai với thẩm phán Ruz rằng không chỉ Thủ tướng Rajoy mà toàn bộ ban lãnh đạo đảng PP đều có nhận các phong bì quỹ đen.

Từ đầu vụ án, Thủ tướng Rajoy đã cố gắng không can dự vào nhằm tránh những vấn đề rắc rối có thể ảnh hưởng đến bản thân ông cũng như Chính phủ do ông lãnh đạo. Tuy nhiên, các nguồn tin trên báo Tây Ban Nha cho biết, dù cho Thủ tướng Rajoy không thừa nhận mình làm gì sai, nhưng việc ông và ban lãnh đạo đảng cầm quyền nhận phong bì tiền quỹ đen là điều không thể phủ nhận, và đó là điều dư luận công chúng cũng như các chính đảng đối lập không chấp nhận. Vụ việc có thể đã diễn ra một thời gian dài, nhưng việc nó được phanh phui vào đúng thời điểm kinh tế Tây Ban Nha đang gặp khó khăn càng dễ tạo nên cơn thịnh nộ của công chúng.

"Vấn đề nghiêm trọng ở đây là các cáo buộc tham nhũng đã tạo nên bối cảnh hoang mang và lo lắng. Điều mỉa mai là nó đã làm tăng sự bất ổn chính trị ở một đất nước đang được xem là có sự ổn định tốt nhất trong khối EU đang lâm vào khủng hoảng vì có được một đảng cầm quyền nắm đa số áp đảo trong Quốc hội" - phân tích của giáo sư chính trị học Jaime Pastor tại Đại học Sư phạm Quốc gia Madrid.

Thật vậy, từ vụ việc bê bối và những lời khai tai hại của Barcenas, đảng cầm quyền PP bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nội bộ đảng này đang mâu thuẫn và chia rẽ. Một bộ phận trong đảng này xem Barcenas như một người can đảm đứng ra công khai những hoạt động tài chính bất minh của thành phần lãnh đạo chóp bu của đảng. Đối chọi với họ là thành phần lãnh đão cấp cao và những người có lợi ích "ăn theo".

Đây cũng là một thách thức đối với Thủ tướng Rajoy, bên cạnh sự công kích từ các đảng phái đối lập và cuộc biểu tình phản đối của dân chúng. Mặt khác, ngay cả lãnh đạo các đảng phái đối lập, dù công kích đảng PP về vụ bê bối này, cũng nơm nớp lo lắng về những vụ việc đổ bể tương tự cũng có thể xảy ra với đảng mình, và khi đó cái giá phải trả về mặt chính trị sẽ rất lớn.

Những nguy hại từ vụ bê bối Barcenas chưa thể lường hết từ bây giờ, vì vụ việc vẫn đang trong vòng điều tra. Nguy cơ lớn nhất là liệu Thủ tướng Rajoy và đảng PP của ông có giữ được thế cầm quyền hay không từ nay cho đến năm 2015. Giáo sư Pastor bình luận rằng, cho dù ông Rajoy cố gắng giữ được ghế thì vẫn chưa biết được điều gì sẽ xảy ra vào năm 2015

Nợ công của Tây Ban Nha đã lên mức kỷ lục mới tương đương 84,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tính đến cuối năm 2012, do sự gia tăng ở cả khu vực Nhà nước và 17 vùng tự trị.

Nợ công trong năm 2012 của Tây Ban Nha đã tăng từ 14,8% lên 884,4 tỉ euro (tương đương 1.150 tỉ USD), vượt mức trần 60% của Liên minh châu Âu (EU), song thấp hơn mức dự báo 85,3% đưa ra trước đó. Trong số nợ công này, Chính phủ và hệ thống an sinh chiếm 760,3 tỉ euro (72,3%), phần còn lại thuộc về các vùng tự trị và chính quyền khu vực.

Tính riêng trong ba tháng cuối năm, nợ công của Tây Ban Nha đã tăng 6,8%. Các con số thống kê này chưa tính đến khoản vay 41,3 tỉ euro (tương đương 53,8 tỉ USD) mà Khu vực Đồng tiền chung châu Âu dành cho khu vực ngân hàng của Tây Ban Nha.

Chính phủ Tây Ban Nha dự báo nợ công của nước này trong năm nay sẽ tương đương 90,5% GDP, thách thức lòng tin của thị trường, vốn vừa được cải thiện, đối với nền kinh tế khó khăn của "xứ sở bò tót".

 (TTXVN)

An Châu (tổng hợp)
.
.