Thách thức an ninh cho châu Âu sau vụ tấn công khủng bố

Thứ Năm, 26/11/2015, 11:10
Cảnh sát và lực lượng an ninh Pháp vừa được tôn vinh và hoan nghênh nhiệt liệt tại Quốc hội nước này sau chiến tích đã tiêu diệt được Abdelhamid Abaaoud - kẻ chủ mưu và lên kế hoạch cho những vụ tấn công khủng bố đẫm máu giữa thủ đô Paris tối 13-11. Thế nhưng, sự tập trung vào chiến dịch săn người vẫn khiến mọi người không quên đặt ra nhiều câu hỏi lớn liên quan đến việc liệu nước Pháp - cũng như châu Âu nói chung - thật sự có khả năng phát hiện sớm một âm mưu khủng bố kinh hoàng như thế hay không trong tương lai?

Mọi người đang nghi ngờ về tình trạng an ninh và sự ổn định ở châu Âu mà các chính quyền thường lên tiếng bảo đảm. Các chuyên gia cho rằng những vụ khủng bố diễn ra liên tục ở nước Pháp trong thời gian qua được cho là đã bộc lộ rõ tình trạng mạng lưới an ninh của châu Âu trở nên dễ chọc thủng nhất.

Hoa và dòng chữ tưởng nhớ những nạn nhân vụ khủng bố ở Paris.

Châu Âu như... có biến

Chính quyền thủ đô Rome của Italia vừa ra lệnh lắp đặt những thiết bị dò kim loại tại đấu trường La Mã Coliseum sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khuyến cáo rằng, những di tích lịch sử của Italia là mục tiêu hấp dẫn sắp tới của bọn khủng bố. Chính quyền thủ đô Brussels của Bỉ quyết định hủy bỏ sự kiện Festival sinh viên hàng năm được tổ chức tại trung tâm thành phố cũng do lo ngại về an ninh. Sân bay Copenhagen ở Đan Mạch cho đóng cửa các nhà khách sau báo động về một gói hành lý đáng ngờ. Thụy Điển phát lệnh báo động toàn quốc sau khi nhận được thông tin tình báo về một âm mưu tấn công khủng bố.

Và cũng vì lý do tương tự mà trận bóng đá giao hữu giữa Hà Lan và nước chủ nhà Đức dự kiến diễn ra ngày 17-11 tại sân vận động thành phố Hanover bị hủy vào phút chót… Cũng như những hoạt động quân sự đang diễn ra tại Paris và Brussels, chiến dịch săn lùng những tay súng khủng bố và tòng phạm liên quan đến các vụ tấn công ở Paris vẫn tiếp tục. Người dân châu Âu đang lo sợ sự hỗn loạn và máu đổ tương tự như những hình ảnh đáng sợ ở Trung Đông.

Tất cả giới chức chính quyền châu Âu đều tập trung về thành phố Schengen - Luxembourg nơi diễn ra cuộc họp giữa 26 quốc gia châu Âu để ký kết hiệp ước cho phép lưu thông hàng hóa tự do và tự do đi lại cho người dân trên khắp châu lục. Sau thảm kịch khiến hàng trăm người thương vong ở Paris, người ta buộc tội Hiệp ước Schengen đã tạo điều kiện cho bọn khủng bố bước vào châu Âu một cách quá dễ dàng, ví dụ trường hợp công dân Bỉ Abdelhamid Abaaoud đi từ Syria đến Pháp mà không bị phát hiện!

Mới đây, nước Pháp yêu cầu việc sử dụng hiệu quả hơn Hệ thống Thông tin Schengen (SIS) - cơ sở dữ liệu chia sẻ cho phép các lực lượng an ninh phát đi cảnh báo giữa các quốc gia trong khối Hiệp ước Schengen về các cá nhân, vật thể và xe cộ. Các chính quyền cũng kêu gọi chia sẻ thông tin rộng rãi hơn về dữ liệu hành khách đi máy bay và thành lập một cơ quan quy mô châu Âu để giám sát những biên giới bên ngoài khối Schengen.

Tuy nhiên, hiện nay các bộ trưởng vẫn đang bác bỏ đề nghị về một cơ quan như thế. Theo một cố vấn an ninh cấp cao của Anh, trở ngại lớn nhất là các cơ quan mật vụ bao giờ cũng muốn bảo mật thông tin tình báo của họ.

Trong những năm gần đây, điều hết sức đau buồn là châu Âu hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố từ nhỏ đến lớn. Sau vụ khủng bố ở thành phố Madrid của Tây Ban Nha năm 2004, London của Anh năm 2007 và vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp; những cam kết hợp tác an ninh xuyên biên giới bắt đầu được chính quyền các nước quan tâm.

Nhưng, những cam kết như thế cũng dễ dàng bị hủy bỏ sau những cuộc tranh cãi "xuyên biên giới". Vấn đề bọn khủng bố sử dụng nước Bỉ làm căn cứ là một thách thức khác cho châu Âu. Bởi vì Bỉ yếu kém hơn so với các nước khác và lực lượng an ninh nước này cũng thiếu kinh nghiệm chống khủng bố.

Cảnh sát thắt chặt an ninh trên đường phố Rome.

Pháp "đơn độc" trong cuộc chiến chống IS?

Sau loạt khủng bố ở Paris, Tổng thống Francois Hollande cam kết sẽ tiêu diệt nhóm IS. Nhưng để chiến thắng 30.000 tay súng của IS đang kiểm soát một phần Iraq và Syria, cần phải huy động một "liên minh rộng lớn và duy nhất". Lãnh đạo Pháp đang nỗ lực thuyết phục các cường quốc thế giới với lập luận là nếu IS đã chọn Pháp để tấn công thì các nền dân chủ trên thế giới cũng nằm trong mục tiêu của khủng bố.

Nằm trong khuôn khổ cuộc vận động này, trong 4 ngày kể từ 23-11, tiếp Thủ tướng Anh tại Paris, bay sang Washington gặp Tổng thống Mỹ, trở về Paris thảo luận với Thủ thướng Đức rồi sau đó sang Moscow gặp Tổng thống Nga ngày 26-11, Tổng thống Francois Hollande muốn hoàn tất một chiến lược chung.

Trước khi cuộc chạy "việt dã" của ông Hollande bắt đầu, bài xã luận của tờ Le Figaro hôm 21-11 nhận định: Dường như nước Pháp đang đơn độc trong cuộc chiến chống IS. Bị truy đuổi trên khắp mặt trận, thậm chí ngay trên lãnh thổ Pháp, và mới đây là trên vùng đất châu Phi, nước Pháp nhận ra là quốc gia này đang bị lún sâu trong một cuộc chiến toàn diện: từ thô sơ tới phức tạp, từ quân sự tới hệ tư tưởng, trên quy mô thế giới hay ngay trên lãnh thổ. Thế nhưng, nước Pháp đang đơn độc trên cuộc chiến chống lại một kẻ thù "muôn hình vạn trạng", một hiểm họa vượt quá khả năng của nước Pháp về quy mô và bản chất.

Các nước châu Âu tuyên bố sẽ sánh vai cùng với nước Pháp, cùng đưa ra những quyết định hợp lý. Họ hứa kiểm tra đường biên giới bên ngoài, phối hợp các cơ quan tình báo thường bị quá tải, chống tình trạng buôn lậu vũ khí từng bị lơ là và cuối cùng là lập danh sách hành khách đi đường hàng không, dự án này bị ngừng từ 4 năm nay vì những lý do tư pháp…

Song, tờ Le Figaro nhấn mạnh rằng, các nước láng giềng hay đối tác của Pháp không ở trong tình trạng chiến tranh. Rất nhiều nước tin là có thể tránh được hành động khủng bố của tổ chức IS  hay Al-Qaeda nếu can thiệp ít nhất có thể được. Họ không đưa quân tới nước Trung Phi hay khu vực sa mạc Sahel, bất chấp "điều khoản tương trợ" mà Paris kêu gọi.

Sau vụ khủng bố tại thủ đô Bamako, Mali, các nước này sẽ còn nhụt chí hơn. Sau gần 3 năm chiến đấu ác liệt, hòa bình vẫn chưa được vãn hồi tại Mali. Còn nước Pháp, vì tham chiến tại đây, lại trở thành kẻ thù trong con mắt của lực lượng thánh chiến Hồi giáo trên toàn thế giới. Nước Pháp đang phải trả giá cho việc quân đội Mỹ rút lui tại đây mà chẳng mất mát gì. Ngoài nguy cơ khủng bố, Paris còn đang hứng thêm sự đơn độc trong cuộc chiến này.

Xét về quan điểm của các nước mà Pháp đang muốn vận động, cho đến nay, Nga can thiệp vào Syria nhưng theo một chiến lược riêng, yểm trợ cho quân đội Damascus trong khi liên quân do Mỹ lãnh đạo hậu thuẫn cho lực lượng Kurdistan và phe nổi dậy do phương Tây vũ trang. Trong liên quân phương Tây, không quân Anh chỉ thực hiện một vài phi vụ ở Iraq còn Đức chỉ giới hạn ở vai trò huấn luyện và cung cấp thiết bị quân sự.

Tuy nhiên, từ khi xảy ra khủng bố tại Pháp, London có dấu hiệu thay đổi. Ngày 23-11, tại Paris, Thủ tướng David Cameron tuyên bố cam kết hậu thuẫn mạnh mẽ Paris và cho Pháp sử dụng căn cứ không quân Anh tại đảo Chypres cũng như sẽ tiếp xăng cho chiến đấu cơ Pháp oanh kích IS tại Syria.

Phát biểu tại Malaysia nơi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: "Đồng thời với việc triệt hạ IS trên chiến trường, chúng tôi sẽ triệt hạ chúng và lấy lại đất đai mà chúng chiếm; chúng tôi sẽ cắt đứt nguồn tài chính; chúng tôi sẽ truy lùng đội ngũ lãnh đạo của chúng; chúng tôi sẽ phá hủy mạng lưới của chúng và đường dây cung cấp cho chúng; và chúng tôi rốt cuộc sẽ triệt hạ chúng, và trong khi thực hiện điều đó, chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ không đánh mất các giá trị và nguyên tắc của chúng tôi". Tổng thống Mỹ cảnh báo mọi người không nên chìm trong sợ hãi, vì ông cho rằng "đó là điều chủ yếu mà chúng muốn".

Có lẽ phải chờ đến ngày 26-11 tới đây, sau cuộc trao đổi giữa Tổng thống Hollande và Tổng thống Putin tại Kremlin mới có thể biết rõ hơn về dự án "Đại liên quân". Theo nhận định của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius: IS là một con quỷ dữ có đến 30 nghìn chiến binh. Nhưng lẽ nào một liên quân gồm Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác không thắng nổi hay sao? Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Pierre de Villiers, cảnh báo không thể đạt được chiến thắng quân sự trong ngắn hạn.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng không thể thắng IS nếu không dùng đến lục quân. Vấn đề là chưa có quốc gia phương Tây nào, kể cả Pháp, sẵn sàng gửi quân tác chiến trên bộ. Giới phân tích không tin chỉ với sức mạnh quân sự có thể dẹp yên IS, một tổ chức khủng bố lắm bạc nhiều tiền có tài khoản bạc tỉ cất giấu ở các thiên đường thuế. Chưa kể vấn đề là IS đã thâm nhập được vào các xã hội phương Tây rồi, rồi vấn đề kiểm soát biên giới giữa các nước châu Âu đã lộ rõ những điểm yếu sau các vụ tấn công Pháp mới đây.

Một số các chuyên gia nghiên cứu về khủng bố nói rằng nguyên nhân chính của tình trạng khủng bố đang hoạt động mạnh ở Pháp là do số cư dân Pháp trốn qua Syria gia nhập IS. Dân số Pháp bằng 1/8 dân số EU nhưng cư dân Pháp trốn sang Syria, khoảng 1.550 tính cho đến tháng 8-2015, chiếm  đến 1/3 con số toàn EU.  Cơ quan an ninh Pháp bị tràn ngập với hàng ngàn người tình nghi cần phải theo dõi, bao gồm những kẻ từ Pháp đã qua Syria, một số kẻ từ Syria trở về, những người dường như đang chuẩn bị đi và những kẻ hoạt động đáng nghi ngờ tại Pháp.

Một yếu tố quan trọng khác, Pháp là nơi có nhiều súng hơn hết so với mọi nước thành viên EU. Để so sánh: 89% dân Mỹ có súng, ở châu Âu Thụy Sĩ 46%, Phần Lan 45%, Cyprus 36%, Thụy Điển 32%, Pháp 31% nhưng Pháp đông dân hơn nhiều so với bốn nước kia. Vũ khí của Liên bang Nam Tư sau khi tan rã lọt vào tay các nhóm buôn lậu và các nhóm khủng bố có thể dễ dàng mua được.

Tổng thống Pháp Francois Hollande gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 24-11 để họp bàn chống IS.

Những biện pháp mới chỉ tóm được những kẻ khù khờ!

Một trong những biện pháp mà Pháp đang tiến hành cùng với các nước châu Âu là kiểm soát chặt chẽ đường biên giới. Ngày 20-11, với đề nghị của Paris, EU đã có quyết định "ngay lập tức" tăng cường biện pháp kiểm soát trên đường biên giới bên ngoài của khối này đối với tất cả đối tượng, kể cả cư dân những quốc gia thành viên EU.

Tại cuộc họp ở Brussels cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ 28 quốc gia EU cũng hưởng ứng sự kêu gọi của Pháp về việc xem xét lại Hiệp ước Schengen để có sự giám sát "hệ thống" xuất nhập cảnh của tất cả công dân EU.

Nhưng vấn đề đặt ra là liệu những biện pháp đóng cửa biên giới có giúp EU tránh xa được khủng bố? Theo các chuyên gia, cho dù có nhất trí đẩy mạnh việc hợp tác, trong đó có việc thiết lập một hệ thống cung cấp, báo hiệu thông tin nhanh giữa các nước, thì các nước EU cũng không đặt nhiều hy vọng sẽ kiểm soát một cách có hiệu quả cửa ngõ ra vào của mình để truy tìm dấu vết của những đối tượng bị tình nghi. Một chuyên gia cao cấp chống khủng bố của Pháp, nhận định: "Cần phải nói, với những biện pháp mới, dẫu là cần thiết, nhưng ta sẽ chỉ tóm được  những kẻ khù khờ thôi".

Thực tế cho thấy, những đối tượng lớn chỉ cần thận trọng tránh dùng máy bay, làm nhiễu loạn hướng theo dõi bằng cách thay đổi đường đi liên tục, chọn điểm nhập cảnh lỏng lẻo hay sử dụng giấy tờ giả tinh vi, là chúng có thể di chuyển ngoài tầm theo dõi của lực lượng an ninh. Chẳng hạn, với một tấm bản đồ, đối tượng có thể dùng xe hơi, chạy xuyên đêm qua các vùng làng quê, hay trên những con đường đất tới biên giới Rumani hay Hungary mà không hề gặp bất cứ lực lượng kiểm tra kiểm soát nào.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 21-11, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đóng cửa biên giới với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ gần như là cánh cửa để đi vào châu Âu. Hàng nghìn người theo thánh chiến cũng như phần đông thủ phạm các vụ tấn công khủng bố, như Abdelhamid Abaaoud đều phải đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập tổ chức IS và cũng từ ngả này để về lại châu Âu mà không bị chú ý.

Theo giới chuyên gia, việc đóng cửa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ khiến quân thánh chiến khó đi qua hơn, nhưng chắc chắn IS cũng sẽ có những phương cách khác, như là trà trộn vào dòng người tị nạn. Lúc này vấn đề lại càng khó hơn cho các cơ quan chống khủng bố ở châu Âu.

Mộc Thạch - Duy Minh (tổng hợp)
.
.