Thách thức của vinh quang

Thứ Năm, 24/06/2021, 08:29
Vẫn sẽ là “cứng chọi cứng”. Thậm chí, tổng thống vừa đắc cử của Iran - ông Ebrahim Raisi sẽ còn quyết liệt gấp bội người tiền nhiệm Hassan Rouhani, trong mối quan hệ với nước Mỹ nói riêng và các cường quốc phương Tây nói chung. Không chỉ bởi ông là một đại biểu của phe cứng rắn trên chính trường Tehran, mà nguyên nhân còn là vì thực ra, ông gần như không thể mạo hiểm tỏ ra mềm mỏng. 


Chiến thắng được tiên liệu

Không phải ngẫu nhiên, chính quyền của tổng thống chuẩn bị chuyển giao quyền lực Hassan Rouhani từ lâu đã muốn gấp rút đẩy mạnh và kết thúc các vòng đàm phán - về sự hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký kết năm 2015 với nhóm P5+1 (bao gồm 5 Thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, cộng thêm Đức) - trước khi kỳ bầu cử Tổng thống Iran năm 2021 này diễn ra.

Họ lo ngại về những thay đổi rất khó tránh sau những cuộc “thay triều đổi đại”, đặc biệt là nếu như một đại diện của phe “chủ chiến” giành thắng lợi. Như giới quan sát quốc tế đều biết, chính trường Tehran bao năm qua đã ngấm ngầm tiềm ẩn những sự xung đột về quan điểm giữa hai luồng tư tưởng. Trong đó, nếu Tổng thống Hassan Rouhani và những người ủng hộ ông chủ trương hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ và phương Tây thì phe đối lập lại luôn sẵn sàng đẩy tâm lý “bài Mỹ” lên đến cực độ.

Cả ông Rouhani và Raisi đều phải chú ý đến quan điểm của thủ lĩnh tinh thần tối cao.

Điều này hiển nhiên là sẽ gây rất nhiều trở ngại cho các cuộc thương thảo trong tiến trình thương lượng về JCPOA. Và, nó lại càng giống một thứ chướng ngại vật không thể vượt qua, khi tâm lý thù địch và không khoan nhượng với nước Mỹ nhận được sự ủng hộ của Đại giáo chủ Ali Khamenei - lãnh tụ tinh thần tối cao ở nước Cộng hòa Hồi giáo ấy.

Những nỗi lo đang trở thành hiện thực, một cách nhanh chóng. Ngày 18-6, cuộc bầu cử được tiến hành. Ngày 19-6, theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, cựu thẩm phán - cựu Bộ trưởng Tư pháp Ebrahim Raisi dễ dàng giành chiến thắng thuyết phục, với 61,95% số phiếu bầu, bỏ xa cả 3 ứng viên còn lại (mà người đứng gần nhất là ông Mohsen Rezaei cũng chỉ đạt 11,8% số phiếu). Đại giáo chủ Ali Khamenei không giấu được sự hân hoan. Ông gọi đây là một chiến thắng của đất nước trước “sự tuyên truyền của kẻ thù” và nhấn mạnh: “Người giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày hôm qua (18-6) chính là dân tộc Iran...”.

Rất nhanh chóng, theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh chiến thắng của ông Ebrahim Raisi, đồng thời bày tỏ hy vọng về “sự phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương mang tính xây dựng” giữa Tehran và Moskva. Nối tiếp, ngày 21-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gửi điện chúc mừng ông Raisi đắc cử Tổng thống Iran. Trong điện mừng, Chủ tịch Tập Cận Bình lưu ý Trung Quốc và Iran là các đối tác chiến lược toàn diện và năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông cũng đánh giá cao sự phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Iran, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Raisi nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Cùng ngày 21-6, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, tân Tổng thống Iran tuyên bố: “Chính sách đối ngoại của chúng tôi sẽ không bị giới hạn bởi JCPOA. Chúng tôi sẽ có sự tương tác với thế giới. Chúng tôi sẽ không ràng buộc lợi ích của người dân Iran với thỏa thuận này”.

Ông Ebrahim Raisi cho rằng Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân, còn Liên minh châu Âu (EU) thì đã không thực hiện các cam kết của mình. Ông hối thúc Mỹ và EU thực thi các cam kết theo thỏa thuận. Ông nhấn mạnh: “Tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Iran phải được dỡ bỏ và phải được Tehran xác nhận”.

Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi - một chính trị gia cứng rắn.

Đó thật sự là những thông điệp thẳng thắn, rõ ràng, rằng chiến lược đối ngoại của Iran đối với Mỹ và phương Tây trong giai đoạn này chẳng những không có nhiều khả năng đạt được thỏa hiệp hơn, mà sẽ còn có thể trở nên không khoan nhượng gấp bội. 

Điều này càng được củng cố bởi tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày có kết quả bầu cử, rằng Ebrahim Raisi đã trở thành tân tổng thống và rằng từ nay, tất cả sẽ phải hợp tác với vị tổng thống mới ấy.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Các cuộc thương thảo về JCPOA đã và đang đạt được những bước tiến đầy khả quan - điều đã tốn rất nhiều công sức của Ngoại trưởng Javad Zarif cũng như các nhân viên ngoại giao.

Ngày 20-6, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU - Josep Borrell - khẳng định: Tehran và các cường quốc thế giới vẫn có thể đạt được một thỏa thuận nhằm khôi phục JCPOA, sau khi ông Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống Iran. Theo ông Borrell, các bên liên quan đang tới “rất gần” một thỏa thuận và có thể giúp khu vực Trung Đông trở nên an toàn hơn, đồng thời giảm bớt những khó khăn với nền kinh tế Iran do các biện pháp trừng phạt dầu mỏ và tài chính mà Mỹ tái áp đặt kể từ khi rời khỏi JCPOA 3 năm trước.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Chúng tôi đang sắp hết thời gian trong tiến trình đàm phán hiện nay. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vốn liếng chính trị... vì vậy, tôi hy vọng rằng kết quả của những cuộc bầu cử (ở Iran) sẽ không phải là trở ngại cuối cùng, vốn sẽ khiến tiến trình đàm phán bị đổ vỡ”.

Hai vị tổng thống và những thách thức chung.

Trước đó 1 ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá: các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna (Áo) giữa Mỹ và Iran, được các nhà ngoại giao châu Âu làm trung gian, đã thu được “tiến triển có ý nghĩa”. Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục thảo luận cùng các đồng minh và đối tác về việc khôi phục JCPOA.

Mặc dù vậy, ai cũng hiểu là chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không thể dễ dàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Iran mà không đòi hỏi những điều kiện mang tính ràng buộc từ Tehran, khi các bên đều thừa nhận vẫn còn một số vấn đề then chốt chưa được giải quyết.

Đến nay, Mỹ vẫn khẳng định lập trường là chỉ tiến hành dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau khi Tehran ngưng làm giàu uranium ở mức độ cao và quay trở về mức 3,67% như cam kết. Giới chức Mỹ luôn bày tỏ quan điểm sẽ theo đuổi tiến trình đàm phán với Iran nhằm hướng tới một thỏa thuận “chặt chẽ và lâu dài hơn” để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như ngăn cản Tehran hậu thuẫn các lực lượng quân sự ở Iraq, Yemen, Liban và Syria. Vấn đề là, theo quan điểm “chính thống” của Iran, Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đơn phương rút khỏi JCPOA năm 2018 - theo quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump. Ngược lại, bởi vậy, Iran có quyền thu hẹp việc thực hiện các cam kết của mình, thậm chí có quyền đẩy mức làm giàu uranium lên đến 80% - mức đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân như hiện tại.

Bên cạnh đó, nỗ lực của Iran nhằm đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân cũng vấp phải không ít trở ngại từ các nước láng giềng trong khu vực. Các quốc gia Arab Vùng Vịnh đã yêu cầu đưa chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vào thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc thế giới đã ký với Tehran, coi đây là một trong những bước thiết thực để xây dựng lòng tin nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang và xung đột trong khu vực. Saudi Arabia và các đồng minh cho rằng JCPOA không giải quyết được những mối quan ngại của những nước này đối với chương trình tên lửa của Tehran, trong khi Iran phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm bổ sung những vấn đề khác vào thỏa thuận hạt nhân.

Bối cảnh này khiến mọi sự cứng rắn quá mức đều có nguy cơ làm đình trệ mọi tiến trình, thậm chí có thể gây ra đổ vỡ. Mà nếu đình trệ hay đổ vỡ, dù thế nào, Iran cũng là phía thiệt thòi. Họ đang thực sự cần những động lực mới cho nền kinh tế của mình.

Trước chính sách “gây sức ép tối đa” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nền kinh tế trị giá gần 475 tỷ USD (năm 2019) của Iran đã không thể tham gia các thị trường quốc tế cũng như nền kinh tế toàn cầu, với nguồn ngân sách giảm đáng kể và dự trữ ngoại tệ ngày càng khan kiếm.

Nền kinh tế Iran chịu những tổn hại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran đã giảm 6,8% trong năm 2018-2019 và giảm 6% năm ngoái. Lạm phát tăng vọt và luôn ở mức trên 45%, trong khi đồng nội tệ rial suy yếu mạnh so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 11,2%. Sản lượng khai thác dầu thô của Iran giảm mạnh từ 3,9 triệu thùng/ngày ở thời điểm Mỹ chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (tháng 5-2018) xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày hiện nay. Xuất khẩu dầu thô cũng giảm sâu từ khoảng 2,5 triệu thùng/ngày xuống khoảng 650.000 thùng/ngày. Iran hiện có khoảng 20 tỷ USD tiền bán dầu bị phong tỏa tại Hàn Quốc, Iraq và Trung Quốc từ năm 2018 theo các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bên cạnh đó, Iran cũng đang phải gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19. Iran là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus SARS-CoV-2 với hơn 3,08 triệu ca mắc, trong đó có hơn 82.850 trường hợp tử vong.

Do đó, chính quyền tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani hy vọng việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận này và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ tạo các cơ hội để kinh tế Iran hồi phục. Một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran - quốc gia có trữ lượng dầu thô qua kiểm chứng lớn thứ tư thế giới với khoảng 158 tỷ thùng - có thể sẽ tăng mạnh sản lượng khai thác lên khoảng 4 triệu thùng/ngày chỉ trong vòng 1-3 tháng. Bên cạnh đó, quốc gia Trung Đông sẽ nâng mức xuất khẩu dầu thô lên hơn 2,5 triệu thùng/ngày.

Thỏa hiệp là điểm mấu chốt của mọi cuộc đàm phán. Song, dường như tân Tổng thống Iran, dù hiểu rõ những sự bức bách về kinh tế - xã hội, cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận thỏa hiệp một chút nào. 
Mây Linh
.
.