Thách thức mới của an ninh Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Năm, 11/06/2009, 15:35
Châu Á - Thái Bình Dương đang mùa mưa bão phải đối mặt với những cơn biển động và những đợt sóng gió bất thường. Đó là điều có thể hiểu được theo quy luật tự nhiên. Nhưng những thách thức mới trên lĩnh vực an ninh đối với khu vực này mới đáng lo ngại, bởi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh... trên thế giới.

Chưa tính đến những ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tới tổng thể nền an ninh của nhiều nước, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối đầu với những vấn đề an ninh theo cách hiểu truyền thống. Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự và chiến tranh có thể nổ ra là có thật. Và cũng không quên những tranh chấp trên biển Đông như những đợt sóng ngầm có thể gây nên biển động dữ dội.

Chiều 4/6 vừa qua, báo chí Hàn Quốc đưa tin một tàu hải quân của CHDCND Triều Tiên đã đi vào lãnh hải của Hàn Quốc và chỉ trở ra sau khi có cảnh báo từ miền Nam. Theo nhiều nguồn tin nước ngoài rộ lên trong những ngày qua, CHDCND Triều Tiên chuẩn bị bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào khoảng giữa tháng 6 tới. Các hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng đã chuyển một tên lửa đạn đạo tầm xa tới địa điểm Dongchang-ri mới xây dựng ở bờ biển phía tây nước này.

Không chỉ miền Bắc bán đảo Triều Tiên phóng vệ tinh mà miền Nam bán đảo này cũng dự kiến sẽ phóng vệ tinh đầu tiên của nước này lên vũ trụ. Theo tuyên bố ngày 2/6 của Chính phủ Hàn Quốc, vụ phóng được tạm thời ấn định vào ngày 30/7 tới từ Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung, cách thủ đô Seoul khoảng 475km về phía nam.

Quan hệ Bắc - Nam bán đảo Triều Tiên vốn căng thẳng đã đột ngột nóng lên sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân và bắn một loạt tên lửa. Bầu không khí nóng bỏng vẫn tiếp tục bao phủ khu vực Đông Bắc Á. Tiếp đó, ngày 28/5/2009, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp định đình chiến 1953 và cảnh báo có thể mở cuộc tấn công quân sự vào Hàn Quốc. Đây là sự đáp trả việc Hàn Quốc tuyên bố chính thức gia nhập Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí (PSI) do Mỹ khởi xướng.

Triều Tiên cho rằng, hành động của Hàn Quốc là "lời tuyên chiến" và không đảm bảo an toàn cho tàu Mỹ và Hàn Quốc ở vùng biển phía tây nước này.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yoo Myung-hwan sang Mỹ ngày 4/6 để thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về các biện pháp đối phó với việc Triều Tiên thử hạt nhân và bắn tên lửa.

Cho đến nay, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang đặt quân đội của họ ở Đông Bắc Á trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Những động thái đó đã làm bật lên những thách thức lớn về an ninh đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bất kỳ một động thái cực đoan từ phía nào cũng có thể đốt cháy những thùng thuốc súng trong khu vực. Và nếu xảy ra chiến tranh, dù chiến tranh thông thường thôi chứ chưa phải chiến tranh hạt nhân thì cũng khó có thể lường trước những tổn thất to lớn.

Lính Hàn Quốc tập trận.

Theo tạp chí quốc phòng Jane's Defense, với hệ thống tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và pháo các loại của CHDCND Triều Tiên, nhiều mục tiêu ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều nằm trong tầm công phá khủng khiếp. Cơ quan nghiên cứu quân sự này cho biết, Triều Tiên có thể nã 500 nghìn quả đạn pháo sang Hàn Quốc trong vòng một tiếng đồng hồ trong khi thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách biên giới giữa hai miền khoảng 50 km!

Chính vì lo ngại những hành động quá tay của các bên liên quan và trước những diễn biến căng thẳng nói trên, Trung Quốc bày tỏ lo ngại đối với PSI do Mỹ đề xuất và Hàn Quốc là thành viên chính thức.

Đồng thời, Bắc Kinh công khai phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên trong bản dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Trong khi đó, do chưa thu hẹp được bất đồng, nhóm P5+2 (gồm các nước thành viên thường trực HĐBA và Hàn Quốc, Nhật Bản) đã hoãn vòng thảo luận thứ năm về một nghị quyết mới đối với Bình Nhưỡng. 

HĐBA cũng đang xem xét kế hoạch ấn định một khoảng thời gian tạm ngừng các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên và các biện pháp trừng phạt sẽ được hủy bỏ nếu Bình Nhưỡng trở lại đàm phán sáu bên trong khoảng thời gian này.

Các nhà phân tích cũng đưa ra nhận định hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc thử hạt nhân và bắn tên lửa của Triều Tiên thúc đẩy thêm cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á và điều đó sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với toàn khu vực.

Tập đoàn Boeing, nhà cung cấp vũ khí quốc phòng lớn thứ 2 của Lầu Năm Góc, dự đoán châu Á - Thái Bình Dương sẽ đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng trong 2 thập niên nữa để đối phó với tình trạng căng thẳng tăng cao trong khu vực.

Jim Albaugh, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Các hệ thống quốc phòng kết hợp Boeing (IDS), cho biết nhu cầu trang bị quân sự của khu vực trên đang gia tăng về mọi mặt, từ máy bay chiến đấu đến tàu ngầm, trong nỗ lực bảo vệ các tuyến đường thương mại và lãnh hải.

Theo AFP, Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Hàn Quốc bom "xuyên phá" boongke ("bunker-buster" bomb) GBU-28, có khả năng phá hủy các cơ sở nằm sâu dưới lòng đất. 

Ngay tại Hội nghị An ninh châu Á vừa mới diễn ra ở Singapore cuối tuần qua, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã trở thành chủ đề chính của hội nghị. Vấn đề biển Đông cũng trở nên nóng khi Hội nghị An ninh châu Á - Thái Bình Dương bàn về vấn đề minh bạch và ngoại giao quốc phòng. Những vụ tranh chấp về biển, đảo giữa các nước ở khu vực Đông Bắc Á vẫn tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng trong các mối quan hệ song phương hoặc đa phương về an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Để vượt qua những thách thức, tạo ra môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, các nước trong vùng cần thực sự có thiện chí, coi trọng biện pháp thương lượng, đàm phán, không có những hành động đi ngược lại với những lời tuyên bố hòa bình, không làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.

Nhiều nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã kêu gọi các nước tôn trọng Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) vì UNCLOS đã được xây dựng khá hợp lý với những điều định nghĩa ranh giới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của những quốc gia ven biển, cũng như quyền sử dụng, khai thác vùng lãnh hải của mỗi quốc gia và quyền sử dụng chung của cộng đồng quốc tế... Tuy UNCLOS là văn bản pháp lý phức tạp, một số định nghĩa có thể tạo ra những vùng chồng lấn nên các quốc gia liên quan có thể cùng nhau hành xử một cách văn minh và thiện chí để Thái Bình Dương không nổi sóng dữ.

Quan điểm của Việt Nam về biển Đông đã được khẳng định ở nhiều cấp độ khác nhau, nhưng tựu trung là, đối với những tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại, Việt Nam chủ trương giải quyết bằng giải pháp chính trị thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về biển năm 1982. Việt Nam đã cùng các bên liên quan ký tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông và đang tiếp tục xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, để đưa khu vực này, vùng biển này trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển

Nguyễn Khắc Đức
.
.