Thái Lan: Không khí bạo lực chưa tan

Thứ Năm, 03/09/2015, 15:05
Hai tuần sau vụ nổ bom kinh hoàng tại ngôi đền Erawan ở trung tâm Bangkok làm chết 22 người, 123 người bị thương, thủ đô Thái Lan lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ bất ổn an ninh mới sau khi cảnh sát phát hiện thêm những vật liệu có khả năng gây nổ mới, trong khi nghi can chính vụ nổ trước vẫn chưa được tìm thấy.

Bangkok tiếp tục bị đe dọa đánh bom

Ngày 31/8, báo chí, thông tấn dẫn lời người phát ngôn Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Prawut Thavornsiri cho biết, cảnh sát đang truy tìm một người phụ nữ tên Wanna Suansant, khoảng 26 tuổi, và một người đàn ông nước ngoài trên 40 tuổi sau khi cuộc điều tra mở rộng vụ nổ bom ở Bangkok ngày 17/8 đã dẫn đến việc phát hiện thêm những manh mối mới.

Khám xét nơi thuê trọ của 2 người này ở quận Min Buri hôm 30/8, cảnh sát đã phát hiện những vật liệu chế tạo bom như phân bón, đồng hồ điện tử và một kíp nổ. Hình ảnh phác họa của cảnh sát cho thấy người phụ nữ trẻ choàng khăn trùm đầu, còn người đàn ông ngoại quốc có râu quai nón và tóc cắt ngắn. Gã này đã bị cảnh sát Thái Lan phát lệnh bắt nhưng trốn thoát.

Cảnh sát Thái Lan thu gom tang vật tại nơi ở của nghi can Karadag.

Ông Prawut cho biết, cảnh sát đã truy tìm đến quê nhà của người phụ nữ ở tỉnh Phangna, miền Nam Thái Lan, hỏi thăm người thân và được trả lời rằng cô ta đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với bạn tình của cô ta. Trong cuộc điều tra vụ đánh bom đền Erawan, Cảnh sát Thái Lan đã mở một hướng điều tra vào mối liên hệ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, và manh mối về cô gái này cùng với những vụ bố ráp, bắt người khác xảy ra hôm trước đã khẳng định chắc chắn thêm mối liên hệ này.

Trong cuộc bố ráp khác vào chiều tối 29/8 tại một căn hộ ở quận Nong Chok, nơi có nhiều người Hồi giáo và người nước ngoài cư trú, cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông nước ngoài cùng với tang vật là 200 hộ chiếu giả và một số vật liệu nổ. Người đàn ông này mang một hộ chiếu ghi quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, tên họ trong hộ chiếu là Adem Karadag, khoảng 28 tuổi.

Cảnh sát nghi ngờ người đàn ông này cũng có liên quan đến vụ đánh bom ở đền Erawan và vụ nổ ở cầu Taksin ngày 17 và 18/8, vì thế đã thuê một phiên dịch tiếng Thổ Nhĩ Kỳ để hỏi cung. Nghi can Karadag hiện đã được chuyển sang tạm giam trong một nhà tù do quân đội kiểm soát, và bị buộc tội “sở hữu trái phép vật liệu chế tạo bom”.

Hiện Cảnh sát Thái Lan đã phát thêm một số lệnh bắt và truy nã để truy tìm thêm những đầu mối có liên quan nhằm làm sáng tỏ một mạng lưới hành động có tổ chức mà cảnh sát nghi ngờ đứng sau vụ đánh bom đền Erawan. Từ sau khi xảy ra vụ đánh bom đền Erawan, Cảnh sát Thái Lan đã bị dư luận chỉ trích là làm việc kém hiệu quả và tiến hành cách thức điều tra “được chăng hay chớ”, thiếu tập trung, cho đến nay đã tìm ra rất ít manh mối của mạng lưới hung thủ đứng sau vụ đánh bom.

Hai nghi can bị truy nã, gồm cô gái 26 tuổi ở miền Nam Thái Lan và người tình người Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho đến nay, không nhóm chống đối nào ở Thái Lan đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom, khiến cho việc xác định hung thủ và động cơ gây ra vụ nổ càng thêm khó khăn. Manh mối duy nhất mà cảnh sát có được vẫn là những đoạn ghi hình từ các camera an ninh quanh khu vực đền Erawan, theo đó cảnh sát tạm thời xác định một thanh niên mặc áo vàng mang túi xách đen để lại trong khuôn viên đền Erawan, nơi xảy ra vụ nổ. Manh mối này đã được một người lái xe tuk-tuk xác nhận là chính xác. Một bức họa chân dung hung thủ đã được cảnh sát tung ra, báo chí đăng tải nhằm phục vụ công tác điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa có manh mối nào.

Cách đây vài ngày, đã có thông tin nhận định của các chuyên gia cho rằng, rất có thể hung thủ bị ghi hình mặc áo vàng đã trốn thoát ra nước ngoài trước khi cảnh sát kịp khoanh vùng chặn bắt y. Điều này vẫn chưa được xác nhận chính xác hay không, nhưng nó chứng minh sự chậm chạp và kém hiệu quả của cơ quan điều tra.

Việc xác định động cơ gây ra vụ nổ bom cũng rơi vào tình trạng “mù mờ” tương tự như hung thủ. Ban đầu, cảnh sát đưa ra một số giả thuyết cho rằng hung thủ đánh bom vì động cơ chống phá chính phủ, phá hoại ngành du lịch nhằm làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, từ đó khiến chính phủ mất uy tín. Nhưng khoảng 10 ngày sau, động cơ gây án đã được thay đổi.

Nghi can bị bắt hôm 29/8 với hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ, tên Adem Karadag.

Sau khi nghi can người Thổ Nhĩ Kỳ tên Karadag bị bắt hôm 29/8, Cảnh sát Thái Lan lại đưa ra giả thuyết động cơ có thể là tư thù cá nhân. Ban đầu, người Duy Ngô Nhĩ được xác định là nhóm đối tượng tình nghi hàng đầu, nhưng ngay sau đó nhóm đối tượng này đã nhanh chóng bị gạt ra khỏi danh sách. Còn lại được xác định là các nhóm đối tượng trong nước, chống đối chính trị và phần tử Hồi giáo cực đoan miền Nam. Nhưng khi xuất hiện manh mối đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, với đối tượng Karadag bị bắt hôm 29/8 và các đối tượng bị truy nã, thật sự đối tượng tình nghi và mạng lưới hung thủ đã trở nên mù mờ hơn.

Sự lúng túng trong việc xác định động cơ và nhóm đối tượng gây ra vụ nổ chính là thất bại lớn nhất của cơ quan điều tra trong việc truy tìm hung thủ vụ đánh bom đền Erawan, tính đến thời điểm hiện nay. Và việc yêu cầu Cảnh sát Quốc tế (Interpol) vào cuộc hỗ trợ truy tìm thủ phạm vụ đánh bom là động thái thể hiện rõ sự lúng túng trong việc xác định hướng điều tra của Cảnh sát Thái Lan.

Báo chí Australia (trang news.com.au) cho rằng, manh mối Karadag bị bắt hôm 29/8 và 2 kẻ bị truy nã hôm 30/8 rất có giá trị để lần ra mạng lưới hung thủ. Trang báo mạng này phân tích: Người Duy Ngô Nhĩ là cộng đồng Hồi giáo ở Tân Cương - Trung Quốc có mối quan hệ sắc tộc và tôn giáo với người Thổ Nhĩ Kỳ, và nhóm người này có động cơ trả thù Thái Lan vì đã trục xuất 109 người tị nạn của họ vào tháng 7/2015.

Việc cô gái 26 tuổi người Hồi giáo miền Nam theo “chồng” sang Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống là chi tiết quan trọng. Kết hợp 2 chi tiết này có thể nhận ra một mạng lưới phối hợp của các nghi can.

Tội phạm sử dụng súng gia tăng

Một buổi chiều đầu tháng 3/2015, Rungrat Rungsuwan đang trông coi cửa hiệu nhỏ bán đồ nữ trang rẻ tiền trên con đường đông du khách ở đảo du lịch Koh Samui nổi tiếng của Thái Lan thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng súng nổ chát chúa. Nằm cách cửa hiệu của Rungsuwan chừng vài mét là thi thể của doanh nhân nổi tiếng địa phương Panas Khao-uthai với 6 viên đạn cắm vào người.

Vụ giết người được cảnh sát báo cáo là bắt nguồn từ mâu thuẫn trong kinh doanh. Ở đất nước tràn ngập súng như Thái Lan, những xích mích hay mâu thuẫn nhỏ nhất trong sinh hoạt thường ngày cũng dẫn đến giết người. Trong những vụ gần đây nhất, một phụ nữ bị bắn vào cổ trong khu mua sắm do người tình lên cơn giận dữ, một người đàn ông bị bắn gục bên ngoài khu chung cư ở Bangkok sau khi cãi vã với nhân viên bảo vệ.

Một cửa hàng bán súng ở Bangkok.

Trong một vụ khác, tài xế xe buýt bắn chết một hành khách do người này chỉ trích cách lái xe của ông ta! Một sĩ quan cảnh sát người phương Tây bảo vệ Đại sứ quán ở Bangkok cho biết: "Dường như một nền văn hóa súng đang tồn tại ở Thái Lan. Đó là nền văn hóa theo kiểu quân sự, nơi của sắc phục và quyền lực đàn ông".

Trong một báo cáo về an ninh đội ngũ nhân viên hải ngoại, Cơ quan An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: "Thái Lan có nền văn hóa sử dụng súng ngang ngửa với Mỹ và trở thành quốc gia nổi tiếng thế giới với những vụ giết người bằng súng". Nhưng trong khi Mỹ đã trải qua thời gian dài tranh cãi gay gắt về hoạt động kiểm soát súng đạn thì ở Thái Lan, mọi người chẳng mấy quan tâm đến những thiệt hại nhân mạng do súng gây ra.

"Không ai chịu trách nhiệm. Không ai thực sự lên tiếng về vấn đề này" - cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya than thở. Ông Kasit cho rằng nỗ lực thắt chặt kiểm soát súng đạn là điều cần thiết, cũng như nên cân nhắc việc ân xá cho tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp.

Trên thực tế, Thái Lan cũng có luật kiểm soát súng đạn nhưng việc lách luật không mấy khó khăn. Sĩ quan cảnh sát Akaradet Pimolsri, lãnh đạo đơn vị cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ trấn áp tội phạm của Thái Lan, bày tỏ mối lo lắng mỗi khi nhân viên của ông thực hiện nhiệm vụ trên đường phố. Akaradet Pimolsri cho rằng, chính quyền Bangkok cần thành lập một cơ sở dữ liệu về "dấu vết đạn đạo" của mọi loại súng tấn công.

Cuối tháng 7 vừa qua, đại tá Akaradet Pimolsri cùng với 200 cảnh sát đặc nhiệm tiến hành đột kích Uthai Thani - tỉnh miền Bắc Thái Lan nổi tiếng với những băng nhóm tội phạm có tổ chức. Mục tiêu của họ là nghi phạm trong vụ giết người bằng súng xảy ra vào hồi năm 2011, trong vụ đó, một sĩ quan cảnh sát bị bắn chết. Nhưng nhóm của Akaradet Pimolsri không tìm thấy nghi phạm mà chỉ tịch thu được 20 khẩu súng, đạn dược và áo chống đạn sau khi lục soát các khu nhà.

Cảnh sát chuyển thi thể hành khách bị tài xế xe buýt bắn chết ở Bangkok vào tháng 7/2015.

Trở lại đảo du lịch nghỉ dưỡng Koh Samui, cảnh sát đã phản ứng mạnh mẽ với vụ bắn chết Panas Khao-uthai và sau đó bắt giữ một nghi phạm. Tiếp theo, cảnh sát tiến hành hàng loạt các cuộc đột kích và thu giữ gần 100 khẩu súng bất hợp pháp. Sau án mạng 3 tháng, tại một nhà hàng, nơi xảy ra vụ giết doanh nhân Panas, du khách vẫn tụ tập ăn uống như không có chuyện gì xảy ra. Ông chủ người Pháp Laurent Haroutinian cho biết nhà hàng mở cửa phục vụ lại sau vụ bắn chết người chỉ sau 2 ngày.

Chính quyền Thái Lan không cung cấp số liệu thống kê chính thức về những vụ án mạng do tội phạm sử dụng súng gây ra hàng năm bên ngoài khu vực miền Nam nhiều bất ổn (nơi các cuộc nổi dậy đòi ly khai của cộng đồng người Hồi giáo đã cướp đi sinh mạng của 6.400 người). Nhưng trang web Gunpolicy.org - cơ sở dữ liệu trực tuyến các số liệu thống kê về súng trên toàn cầu của Trường Y - Đại học Sydney (Canada) - tin rằng án mạng do súng ở Thái Lan chiếm tỷ lệ thuộc hàng cao nhất châu Á. Ước tính có khoảng 3,48 án mạng trong số 100 người ở Thái Lan - tức gấp 3 lần Campuchia và ngang ngửa với Mỹ.

Theo Bộ Nội vụ Thái Lan, có 6,1 triệu khẩu súng có đăng ký hợp pháp ở đất nước 67 triệu dân này. Trong khi đó, GunPolicy.org cho rằng thực tế có đến 10 triệu khẩu súng được sử dụng ở Thái Lan do sự bùng nổ của thị trường đen.

An Châu - Diên San (tổng hợp)
.
.