Thái Lan: Khủng hoảng đến bao giờ?

Thứ Năm, 12/12/2013, 18:45

Quốc hội Thái Lan chính thức vừa giải tán, người dân Thái sẽ đi bầu cử sớm trong 2 tháng nữa trong bối cảnh làn sóng biểu tình chống chính phủ ngày càng gia tăng… Những diễn biến mới nhất tại Thái Lan đều xoay quanh mâu thuẫn cốt lõi giữa phe Áo Đỏ và Áo Vàng. Phân tích chiến thuật của các bên sẽ cho ta phần nào câu trả lời về hồi kết của cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan hiện nay.

Chỉ ít giờ sau khi phe đối lập rút khỏi Quốc hội, hôm 9/12, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi cử tri đi bầu vào tháng 2/2014.

Theo giới quan sát, đảng cầm quyền Puea Thai của bà Yingluck có nhiều triển vọng vẫn chiếm được đa số rộng rãi, do đảng này được thành phần cử tri ở các tỉnh, thành và nông thôn ủng hộ. Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập,  do cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva lãnh đạo, chỉ có sức thuyết phục các thành phần trí thức và tầng lớp trung lưu chủ yếu sống ở thành phố.

Theo phân tích của chuyên gia về Thái Lan Pavin Chachavalpongun, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Tokyo, việc giải tán Quốc hội chỉ là một lối thoát tạm thời bởi không có gì bảo đảm là đảng Dân chủ sẽ tuân thủ luật chơi và chấp nhận kết quả cuộc bầu cử sắp tới. Cũng chưa ai biết là đảng đối lập sẽ tẩy chay cuộc bầu cử được dự trù vào đầu tháng 2/2014 hay không.

Quyết định giải tán Quốc hội của bà Yingluck chưa xoa dịu tình hình. Ngày 9/12, Cảnh sát Bangkok cho biết khoảng 100.000 người biểu tình tại thủ đô Thái Lan. Họ tiếp tục đòi trục xuất gia đình Shinawatra ra khỏi guồng máy quyền lực. Phe Đối lập đưa ra con số 140.000 người xuống đường chỉ riêng tại Bangkok.

Lãnh đạo phong trào nổi dậy, ông Suthep Thaugsauban, tuyên bố mục tiêu cuối cùng vẫn là lật đổ nội các Yingluck. Và như vậy, các cuộc biểu tình còn lâu mới kết thúc. Nhìn lại chiến thuật của hai phe kình chống tại Thái Lan hiện nay, ta sẽ thấy hai trường phái đối kháng rõ rệt.

Từ nhiều ngày qua, phe đối lập chống chính phủ Thái Lan đã liên tục biểu tình ở thủ đô Bangkok, chiếm giữ trụ sở nhiều cơ quan, kể cả tổng hành dinh lục quân mà không vấp phải sự chống đối và trấn áp của lực lượng an ninh. Rõ ràng, chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra chủ trương không can thiệp mạnh tay và hy vọng là cùng với thời gian, phong trào biểu tình sẽ hụt hơi.

Câu hỏi đặt ra là liệu thái độ mềm mỏng, cam chịu này có thành công hay không? Bởi vì, mọi việc có thể thay đổi nhanh chóng. Thủ lĩnh phong trào biểu tình là ông Suthep Thaugsuban, mặc dù đang bị tư pháp truy nã với tội danh chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính, nhưng nhân vật này vẫn xuất hiện liên tục trong các cuộc biểu tình, công khai kêu gọi lật đổ chính phủ, mà không bị bắt.

Andrew Walker, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Đại học Quốc gia Australia, được AFP trích dẫn, giải thích: "Chính phủ Thái Lan muốn tránh phản ứng mạnh, bởi vì đó chính là điều mà những người biểu tình muốn. Chiến lược của bà Yingluck là cố gắng tránh xung đột bằng mọi giá".

Jatuporn Prompan, thủ lĩnh phe Áo Đỏ, ủng hộ chính phủ, nhấn mạnh: "Chiến thuật của ông Suthep là khiêu khích chính phủ để chính phủ sử dụng bạo lực chống lại họ và như vậy, quân đội sẽ can thiệp".

Người biểu tình vẫn xuống đường bất chấp lời kêu gọi “trở về nhà” của Chính phủ Thái Lan.

Theo giới quan sát, chính phủ của bà Yingluck cũng như phe thân Thaksin đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2010, không muốn lặp lại sai lầm của chính phủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, và phe Áo Vàng, nay ở trong hàng ngũ đối lập. Vào thời điểm đó, theo lệnh của chính phủ, quân đội đã thẳng tay trấn áp và giải tán các cuộc biểu tình kéo dài của phe Áo Đỏ, tại thủ đô Bangkok, làm 90 người thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương.

Chuyên gia về Thái Lan, Chris Baker, giải thích: Với số lượng người biểu tình đông đảo như vậy, chỉ cần một hành động bạo lực là tất cả có thể bùng nổ, khó kiểm soát. Chính vì thế, cho đến nay, ngoài việc cảnh sát tỏ thái độ kiềm chế, nhận hoa hồng từ người biểu tình, thì phe Áo Đỏ thân chính quyền cũng tránh xung đột, chỉ biểu tình tập trung ở ngoại ô Bangkok. Ngoại trừ trụ sở Bộ Nội vụ và Văn phòng chính phủ được cảnh sát bảo vệ chặt chẽ, đẩy lùi mọi ý định thâm nhập, dường như chính phủ của bà Yingluck chấp nhận "hy sinh" trụ sở các bộ khác, chờ đợi phong trào phản kháng sẽ tự xẹp xuống.

Tuy nhiên, chính phủ của bà Yingluck có thể lại mắc vào cái bẫy mà họ đặt ra, khi để cho những người biểu tình chiếm đóng các công sở. Ông Michael Montesano, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, tại Singapore nhắc lại là "một khi các công sở bị chiếm giữ, rất khó đuổi được những người biểu tình ra khỏi nơi đây. Đó là bài học năm 2008".

140.000 người biểu tình bao vây tòa nhà Chính phủ ngày 9/12.

Trong khi đó, lãnh đạo biểu tình muốn được ăn cả, ngã về không. Theo nhận định của báo chí Pháp, lãnh đạo phe biểu tình Suthep Thaugsuban là một nhà hùng biện mà thâm ý vẫn chưa thấy rõ. Có điều là nhân vật này tỏ ra rất liều lĩnh. Hôm 2/12, ông Suthep lại bị lệnh truy bắt về tội "nổi dậy", có thể bị án tử hình hay tù chung thân. Ông Suthep đã bị truy tố trước đó trong vụ chiếm Bộ Tài chính nhưng tỏ ra không nao núng, vẫn dẫn đầu các vụ xuống đường.

Tờ Le Figaro nhìn thấy ông Suthep đang "đánh cuộc một cách nguy hiểm". Theo tờ báo, nhân vật 64 tuổi - có sức thu hút mạnh mẽ đám đông với tài hùng biện - đang sống những giờ phút huy hoàng và cũng đang chơi ván bài được ăn cả ngã về không. Theo phân tích của tờ báo, Suthep là người miền Nam Thái Lan, tôn sùng nhà vua, đã trở thành người đấu tranh cho tầng lớp ưu tú thủ đô và các thành phố lớn Thái Lan, đang bị lép vế trước những biến đổi kinh tế xã hội và trước sự kiện nông dân miền Đông Bắc Thái Lan bước vào đấu trường chính trị.

Ông Suthep, trong mắt tác giả bài báo, là người kiên quyết, mạnh bạo hơn cựu Thủ tướng Abhisit. Để đạt mục tiêu buộc em gái ông Thaksin - Thủ tướng Yingluck từ chức - ông Suthep đang cố đẩy chính phủ phạm sai lầm. Ông Suthep cố gây phản ứng mạnh của cảnh sát dẫn đến can thiệp của quân đội. Có điều theo nhận định của tờ báo, chính quyền Thái đã rút ra được bài học từ sự can thiệp của quân đội năm 2010.

Le Figaro kết luận là một mình ở "chiến tuyến", nhà hùng biện Suthep đang "đánh cược" trên vận mệnh của mình. Những kẻ mạnh trong đảng Dân chủ đang theo dõi: nếu ông thắng họ sẽ hưởng lợi, trường hợp ngược lại, thì họ sẽ giữ khoảng cách với người thua cuộc.

Với tình hình hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế Thái Lan thì thấy rõ. Khủng hoảng chính trị hiện nay có nguy cơ làm suy yếu một đất nước đang mất sức cạnh tranh so với các láng giềng. Cho dù Thái Lan đã có một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhưng đã không giải quyết các vấn đề cơ bản: hệ thống giáo dục yếu, và nhất là hầu như thiếu nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển. Thái Lan đã đón đầu tư ồ ạt trong lĩnh vực lắp ráp xe hơi, Bangkok chuyển mình thành một Detroit của vùng Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nước này cũng đứng trước nguy cơ là trong vài năm nữa thôi, các xưởng lắp ráp này sẽ di dời sang các nước châu Á khác, chi phí thấp hơn và hoạt động cũng tốt như thế. Các nhà đầu tư còn đi tìm một nơi ổn định hơn về phương diện chính trị. Còn trong lĩnh vực du lịch, nguồn lợi tức lớn của Thái Lan, thì do khủng hoảng chính trị, nước này sẽ dần dần bị Campuchia và nhất là Myanmar - ngày càng thu hút nhiều du khách - qua mặt

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.