Thăm Thái Lan sau ngày bầu cử

Thứ Ba, 25/02/2014, 16:35

Vừa đón Tết Giáp Ngọ xong, nhận lời mời của Trung tướng Sakda Techakriengkrai, Giám đốc Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RPCA), chúng tôi sang Thái Lan dự lễ bế giảng của Khóa đào tạo đại học cảnh sát 2009-2013, trong đó có 4 học viên của Học viện Cảnh sát nhân dân gửi đào tạo tại nước bạn.

Trước ngày bầu cử 2/2/2014, phe đối lập do đảng Dân chủ Thái Lan lãnh đạo đã phát động các cuộc biểu tình lớn ở Thủ đô Bangkok và một số tỉnh, thành phố. Họ đã bao vây trụ sở các bộ, kể cả Tổng hành dinh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Chị Karuna, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Học viện bạn đã thông báo tình hình đất nước đang được kiểm soát tốt và phía bạn hứa sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng nghiệp Việt Nam và tại lễ tốt nghiệp sẽ có mặt của Đại tướng 4 sao Adul Sangsingkeo, Tổng tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.

Học viện RCPA vẫn đặt phòng ở cho Đoàn Việt Nam tại trung tâm Bangkok, nhưng vẫn có một phương án dự phòng: nếu tình hình xấu và an ninh, trật tự khó kiểm soát, Đoàn chúng tôi sẽ về ở tại một khu vực gần Học viện, cách thủ đô Bangkok 50 km.

Tổng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan tặng quà kỷ niệm cho Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

Cảnh sát và kiểm soát xã hội

Cũng may mắn cho chúng tôi là sau bầu cử và nhất là sau khi Chính phủ Thái Lan thiết lập tình trạng khẩn cấp, phe đối lập Thái Lan đã thay đổi chiến thuật. Thay vì biểu tình, vây hãm các cơ quan Chính phủ, phe đối lập quay ra tìm kiếm các hỗ trợ pháp lý để kiện Chính phủ nhằm hạ bệ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Chính vì vậy nên trên các đường phố Bangkok đã vắng bóng người biểu tình, mọi người dân và khách du lịch nước ngoài đi lại tự do không hề gặp một trở ngại nào.

Chính phủ còn quy định: người biểu tình phải tập trung vào khu Công viên Lumpini. Thượng tướng Aek Angsananont, Phó tổng tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cho biết, đến ngày 6/2/2014 chỉ còn khoảng 700 người biểu tình tại khu Công viên Lumpini.

Tuy nhiên vì quân đội Thái Lan chỉ đứng ở "vòng ngoài" nên gần như toàn bộ việc đảm bảo an ninh cho đất nước và thủ đô Bangkok, Chính phủ Thái Lan giao trách nhiệm cho Cảnh sát Hoàng gia.

Cũng giống như nhiều nước, Thái Lan có hai cơ quan lớn trực thuộc Chính phủ là Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh từ biên giới quốc gia trở vào nội địa và Cơ quan Tình báo Hoàng gia làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh bên ngoài biên giới. Tổ chức Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (Thai Royal Police) được tổ chức thành 6 cấp. Tổng nha Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan trước đây trực thuộc Bộ Nội vụ, nay tách ra trực thuộc Thủ tướng Chính phủ do đại tướng 4 sao hàm Bộ trưởng Adul Sangsingkeo chỉ huy gồm nhiều Cục, Bộ Tư lệnh trực thuộc.

Bên dưới Tổng nha Cảnh sát Hoàng gia là 9 Quân khu Cảnh sát Hoàng gia, kế đó là Cơ quan Cảnh sát Hoàng  gia cấp tỉnh, thành phố, Cảnh sát Hoàng gia cấp quận, đồn cảnh sát, Trạm cảnh sát. Thái Lan có 76 cơ quan Cảnh sát Hoàng gia cấp tỉnh.

Ngoài ra, trực thuộc Tổng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan còn có Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (The Royal Police Cadet Academy - RPCA) đặt tại Sampran, tỉnh Nakornpathom, cách Thủ đô Bangkok 50 km.

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được tổ chức theo mô hình chung của Cảnh sát thế giới, bao gồm toàn bộ các lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự từ biên giới quốc gia vào trong nội địa và gồm nhiều lực lượng như Cảnh sát biên phòng (Cảnh sát bảo vệ biên giới), Cảnh sát biển, Cảnh sát đặc biệt (làm nhiệm vụ như Cơ quan an ninh của nước ta), Cảnh sát xuất nhập cảnh, Cảnh sát phòng chống tội phạm, Cảnh sát quản lý hành chính, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động đặc nhiệm, v.v...

Cơ cấu tổ chức cảnh sát rất ít phụ thuộc vào chính quyền địa phương và chịu sự chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Cảnh sát quốc gia. Tuy nhiên, cũng giống nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á khác, Chính phủ Thái Lan phân cấp rất rõ. Cảnh sát trung ương chỉ tiến hành các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự có quy mô quốc gia, còn các công tác khác như bảo vệ trật tự giao thông, điều tra tội phạm thường v.v... giao cho cảnh sát địa phương, cơ sở giải quyết hoàn toàn.

Cấp cơ sở thấp nhất của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan là đồn cảnh sát. Đồn có biên chế khoảng 500 - 600 người và có đủ các thẩm quyền pháp lý như Công an cấp huyện ở Việt Nam, có cả nhà tạm giữ.  Trưởng đồn Cảnh sát cơ sở có toàn quyền giải quyết các tội phạm, vi phạm pháp luật thuộc địa bàn mình phụ trách và chỉ chịu sự chỉ huy của Cảnh sát trưởng cấp trên.

Chính vì vậy nên việc đảm bảo an ninh cho đất nước và Thủ đô Bangkok vừa qua, Tổng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan chủ yếu giao cho các Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát Bangkok, các đồn Cảnh sát và lực lượng Cảnh sát cơ động đặc nhiệm. Gần 30 vạn sĩ quan, chiến sĩ cảnh sát đã được tăng cường khắp đất nước để đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử và họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ do Chính phủ giao cho.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Vì sao Cảnh sát Thái Lan không bắt giữ những người lãnh đạo biểu tình mà cứ để họ phát biểu thách thức chính quyền như vậy, Tiến sĩ Krisanaphong Poothakool cười và trả lời: đây là một trong những hạn chế của nền dân chủ đang hoàn thiện của xã hội nước bạn. Trong một xã hội đa đảng, đảng "Vì nước Thái" - Pheu Thai của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra mặc dù chiếm đa số trong Quốc hội nhưng chưa đủ lực lượng áp đảo các đảng đối lập, trong đó có đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Chính vì vậy mà "những người dân chủ" vẫn có chỗ dựa khá vững chắc, thách thức chính quyền, trong khi quân đội đóng vai trò "trung lập".

Tổng tư lệnh và Phó Tổng tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn Việt Nam.

Nhiệm vụ trung tâm của Cải cách ngành Cảnh sát Thái Lan

Tổng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Đại tướng 4 sao Adul Sangsingkeo là một người dễ gần và có nhiều thiện cảm với Việt Nam. Trước đây khi nhà vua Thái Lan còn khỏe mạnh, các lễ tốt nghiệp ra trường của học viên Học viện RCPA đều do nhà vua trực tiếp chủ trì. Nay nhà vua tuổi cao, sức yếu, nhiệm vụ chủ trì lễ tốt nghiệp này được giao cho Tổng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Mặc dù đang làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đất nước và thủ đô Bangkok, nhưng ông vẫn đáp máy bay trực thăng xuống dự lễ tốt nghiệp tại Học viện.

Tuy mới nhậm chức hơn 1 năm, nhưng các dấu ấn chỉ đạo đầu tư, đổi mới công tác đào tạo cảnh sát ở nước bạn của ông đã thể hiện khá đậm nét. Sau hai năm quay lại RCPA, tôi thấy hàng loạt công trình mới đã hoàn thành đưa vào sử dụng như nhà Hiệu bộ và các khu giảng đường mới, Trung tâm chỉ huy của Học viện kết nối với 76 tỉnh, thành phố của Thái Lan và trong trường hợp Thủ đô Bangkok mất quyền kiểm soát, Tổng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan có thể về Học viện Cảnh sát Hoàng gia chỉ huy tác chiến trên phạm vi toàn quốc, Khách sạn 8 tầng đạt tiêu chuẩn 4 sao, Trường bắn, Bảo tàng Cảnh sát v.v...

Lễ tốt nghiệp của học viên đông như ngày hội. 100% học viên đều được mời bố mẹ, anh chị em, bạn bè đến dự buổi lễ trang trọng và đáng nhớ này. RCPA quy định học viên chỉ được đi vào cổng chính ngày nhập trường. Suốt 4 năm học ở trường, học viên phải đi cổng phụ. Chỉ ngày tốt nghiệp ra trường, học viên mới lại được đi ra cổng chính. Vì vậy sau khi nhận bằng tốt nghiệp, hàng trăm học viên, nay đã là thiếu úy cảnh sát, ùa ra cổng chính cùng người thân của mình.

Bốn học viên của Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam được chọn lựa từ lớp chất lượng cao Khóa D34 vào trường năm 2008. Khi sang Thái Lan các em chưa biết một từ tiếng Thái nào, vậy mà sau 5 năm học tập, trong đó có 1 năm học tiếng, giờ các em đã thông thạo ngôn ngữ nước bạn mà các thầy cô giáo nói rằng nghe các em nói không thể phân biệt là người nước ngoài. Sau 4 năm học đại học, các em đã được cấp bằng cử nhân hành chính, chuyên ngành Khoa học cảnh sát và đạt kết quả xuất sắc. Trường bạn có nhiều biện pháp quản lý rất cần nghiên cứu, học tập.

Chương trình đào tạo đại học cảnh sát nước bạn nặng về các phương án tác chiến, rèn luyện các kỹ năng cảnh sát. Mỗi tuần học viên được bắn 30 viên đạn. Vì vậy khi ra trường, học viên bắn súng rất giỏi. 4 học viên Việt Nam thi bắn súng đạt 360/400 điểm. Nếu bịt mắt các em vẫn có thể bắn súng đạt 8, 9, 10 điểm. Các em học viên được học cả môn nhảy dù từ máy bay trực thăng và nhiều môn học tác chiến hiện đại khác.

Trong nhà trường, mỗi khóa, học viên đội một loại mũ khác khau. Lớp dưới gặp lớp trên phải đứng lại chào lễ phép. Đi ăn cơm toàn bộ học viên phải xếp hàng. Khi ngồi vào mâm, tất cả học viên chắp tay sau lưng và khi trưởng bàn hô ăn cơm mới được ăn. Những lớp trên có trách nhiệm quản lý, giúp đỡ các lớp dưới, vì vậy Học viện bạn sử dụng rất ít giáo viên chủ nhiệm.

Mỗi học viên Cảnh sát vào trường sau khi đi thực tế 3 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc" với nhân dân ở cơ sở, phải nhận làm con nuôi một gia đình. Học viện bạn quy định chỉ được làm con nuôi người nghèo chứ không được nhận làm con nuôi nhà giàu để hiểu và thông cảm sự nghèo khổ của nhân dân. Chính vì vậy nên chúng ta cũng dễ hiểu vì sao Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan rất gắn bó với nhân dân, nhất là dân nghèo và rất ít đàn áp người nghèo.

Thái Lan còn có phương thức tuyển sinh cảnh sát rất hay: mỗi năm RCPA tuyển sinh 400 chỉ tiêu. Nhà trường tổ chức thi văn hóa và chọn lấy 800 em điểm cao. Sau đó sẽ thi 5 môn: nhảy cao, nhảy xa, chạy 1.500 mét, co xà đơn, võ Muay Thái để chọn ra những thí sinh đã đạt tiêu chuẩn văn hóa và đủ sức khỏe để học tập. Nước bạn có gần 70 triệu dân, nhưng cả nước chỉ có một Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan với khoảng 2.000 học viên các hệ và mỗi năm chỉ tuyển 400 học viên đại học.

RCPA  bằng 7 trường nước ta cộng lại: Học viện CSND, Học viện ANND, Trường đại học ANND, Trường đại học CSND, Trường đại học PCCC, Học viện Biên phòng, Trung tâm Đào tạo Cảnh sát biển. Chính vì vậy nên nước bạn có điều kiện tập trung nguồn nhân lực, vật lực cho công tác đào tạo cán bộ. Trước năm 2007, Học viện bạn không tuyển học viên nữ. Năm 2007, khi sang thăm Học viện CSND Việt Nam, thấy Việt Nam tuyển học viên nữ, Trung tướng Amarrin Akaravong, Giám đốc Học viện đã quyết định tuyển học viên nữ. Vì vậy từ 2008 đến nay mỗi năm nước bạn tuyển sinh 60-70 học viên nữ vào Trường Cảnh sát.

Mặc dù là một nước có hàng chục triệu khách du lịch đến hàng năm, nhất là  những năm qua lại có sự bất đồng xã hội lớn, nhưng Thái Lan vẫn được Cơ quan Kiểm soát ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) đánh giá có tình hình an ninh, trật tự vào loại tốt ở châu Á và thế giới. Đi tàu điện ngầm hay đi taxi vào lúc nửa đêm ở Thủ đô Bangkok hay bất cứ thành phố nào của nước bạn những ngày sau biểu tình, bạn vẫn có thể hoàn toàn yên tâm về tình hình an ninh trật tự.

Giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan từ năm 1991 đã bắt đầu trao đổi các thông tin phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm. Ủy ban Quốc gia Phòng chống ma túy Thái Lan và Cơ quan Cảnh sát quốc gia Thái Lan đã giúp đỡ Việt Nam tập huấn, đào tạo cán bộ, trao đổi các kinh nghiệm phòng chống tội phạm và phòng chống ma túy, bảo vệ an ninh nội địa, chống khủng bố, không cho phép các tổ chức khủng bố, phản động mượn địa bàn Thái Lan để chống phá Việt Nam.

Và đầu năm 2014 này, 4 học viên Cảnh sát Việt Nam đã tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy dài hạn tại nước bạn. Trung tướng Sakda Techakriengkrai, Giám đốc RPCA - đã cho dịch cuốn sách "Cẩm nang điều tra tội phạm" mà ông là tác giả ra tiếng Việt để tặng Học viện CSND Việt Nam.

Tạm biệt đất nước Chùa Vàng, chúng tôi tin tưởng và mong rằng nhịp cầu hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan ngày càng phát triển.

Bangkok - Hà Nội đầu xuân Giáp Ngọ

N.X.Y.
.
.