Dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an về vấn đề hạt nhân Triều Tiên:

Thắt chặt cấm vận trên quan điểm kiềm chế

Thứ Năm, 18/06/2009, 16:30
Hôm 10/6 vừa qua, 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc về cơ bản đã nhất trí về một bản dự thảo nghị quyết nhằm trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Nội dung chính của nghị quyết lần này sẽ tập trung vào các biện pháp cấm vận chặt chẽ hơn nữa về tài chính và vũ khí, trong đó có cả việc cho phép kiểm tra các tàu chở hàng trên biển.

Ngoài 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an - Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp - tham gia vào quá trình đàm phán và thông qua dự thảo nghị quyết trên còn có các quan chức đại diện của Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia láng giềng thường xuyên có những lo ngại về an ninh liên quan đến chương trình hạt nhân này.

Hội đồng Bảo an đã trải qua 2 tuần tranh luận căng thẳng, bắt đầu ngay sau vụ CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân ngầm dưới đất vào ngày 25/5 vừa qua. Hành động trên của Bình Nhưỡng đã phải đón nhận những chỉ trích khá quyết liệt của các cường quốc, kể cả từ Nga và Trung Quốc. Tuy vậy, những quan điểm về các biện pháp đáp trả vẫn có nhiều điểm khác biệt, thậm chí bất đồng.

Từ trước đó, báo chí đã có thông tin cho rằng, phía Nga chính thức phản đối "phương án đen" của dự thảo nghị quyết mới do Mỹ và Nhật soạn thảo với một loạt những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn. Moskva cho rằng, việc triển khai những biện pháp trừng phạt bổ sung quá nặng nề sẽ càng khiến Bình Nhưỡng đẩy mạnh hơn nữa tiến trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Theo nhận định chung của các nhà quan sát, nội dung của dự thảo nghị quyết này chủ yếu vẫn tập trung việc áp dụng một số biện pháp cấm vận chặt chẽ hơn, nhưng tựu trung vẫn trên quan điểm của "chính sách kiềm chế". Phần đầu của dự thảo nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu Bình Nhưỡng "không được tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân, cũng như thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo".

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Dự thảo cũng nhắc nhở CHDCND Triều Tiên phải ngay lập tức tuân thủ các yêu cầu trong những nghị quyết trước đó của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là Nghị quyết số 1718.

Được biết là nghị quyết trước đây của LHQ về CHDCND Triều Tiên đã được thông qua vào năm 2006, trong đó có điều khoản cấm các vụ thử vũ khí trong tương lai, kèm theo đó là một loạt biện pháp trừng phạt khác, trong đó đáng chú ý có lệnh cấm bán các loại vũ khí tấn công, nhập khẩu và xuất khẩu các nguyên liệu và trang bị có thể sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa v.v...

Ngoài ra, nội dung dự thảo nghị quyết mới còn thắt chặt hơn một số biện pháp cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu ra khỏi quốc gia này tất cả các loại vũ khí (theo đánh giá của các chuyên gia, điều khoản trừng phạt này sẽ khiến Bình Nhưỡng bị mất một nguồn thu nhập khá lớn). CHDCND Triều Tiên cũng bị cấm nhập khẩu tất cả các loại vũ khí, ngoại trừ vũ khí bộ binh hạng nhẹ.

Văn bản mới này cũng xem xét việc triển khai một loạt những hạn chế tài chính khác, trong đó có cả phong tỏa các tài khoản của CHDCND Triều Tiên có thể được sử dụng để cung cấp tài chính cho chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Còn có một biện pháp mới đáng chú ý nữa trong dự thảo nghị quyết, đó là kêu gọi tất cả các quốc gia cùng khám xét các tàu biển ra vào CHDCND Triều Tiên, nhằm giám sát xem trên đó có chở nguyên liệu hạt nhân hay các loại vũ khí bị cấm không. Biện pháp này, theo một số nguồn tin, đã được tranh cãi rất lâu trong khuôn khổ "nhóm G-7" tại Hội đồng Bảo an trước khi đi đến thống nhất.

Theo đánh giá, những nội dung trong dự thảo nghị quyết mới dù đã siết chặt hơn nhưng chưa thể coi là một chiến dịch cấm vận kinh tế toàn diện của cộng đồng quốc tế đối với CHDCND Triều Tiên. Đó cũng là khẳng định của Steven Bosworth, phái viên đặc biệt của Mỹ về vấn đề CHDCND Triều Tiên.

"Các tuyên bố của chính quyền CHDCND Triều Tiên về việc họ sẽ sẵn sàng đáp trả những mối đe dọa hay chính sách thù địch từ Mỹ là hoàn toàn không có cơ sở. Ngược lại, chúng tôi không hề lập kế hoạch tấn công CHDCND Triều Tiên hay sử dụng sức mạnh để thay đổi chính quyền tại đây. Chúng tôi đã thông báo về quan điểm này nhiều lần với các quan chức đại diện của CHDCND Triều Tiên" - ông Bosworth phát biểu.

Cũng theo các quan chức tham gia đàm phán, dự thảo nghị quyết mới này có thể coi là một bước gây sức ép mới nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên quay trở lại với các vòng đàm phán 6 bên. Chẳng hạn như trong dự thảo có điều khoản xem xét khả năng Hội đồng Bảo an có thể tạm ngừng hay thậm chí bãi bỏ các biện pháp cấm vận, nếu như có những phản ứng tích cực từ phía Bình Nhưỡng.

Hiện chưa rõ phản ứng chính thức của Bình Nhưỡng về nội dung bản dự thảo nghị quyết mới này. Nhưng từ trước đó, tuyên bố của giới chức lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã tỏ ra hết sức cứng rắn về khả năng sẵn sàng đáp trả bất cứ một âm mưu nào nhằm "xâm phạm tới chủ quyền" của họ.

Bình Nhưỡng còn tuyên bố rằng, họ sẽ rút khỏi thỏa thuận đình chiến ký kết hồi năm 1953 và trong trường hợp cần thiết có thể triển khai các đòn đánh quân sự nhằm vào Hàn Quốc và các đồng minh của nước này.

Theo kế hoạch, bản dự thảo nghị quyết mới được trình lên cho tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an xem xét, trước khi Hội đồng với đầy đủ thành phần bỏ phiếu thông qua

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.