Thẻ an toàn trên mạng cho trẻ em

Thứ Sáu, 11/08/2006, 08:15

Một loại thẻ nhận dạng ảo có tên gọi NetIDMe, được thiết kế nhằm mục đích bảo vệ cho trẻ em khi lên mạng được an toàn và tốt hơn, vừa được giới thiệu tại Anh, Mỹ, Canada và Australia. Loại thẻ mới phát hành này có thể được trẻ em trực tuyến trao đổi với nhau trong khi chat, nhắn tin và các dịch vụ mang tính xã hội trên Internet.

 

Một số thử nghiệm ban đầu cho kết quả khả quan: Người lớn không dễ gì giả dạng làm trẻ con khi lên mạng. Công ty sản xuất NetIDMe mang tên Bảo vệ trẻ trực tuyến khỏi nạn khai thác trẻ em (Ceop) cho biết thông thường cứ 12 đứa trẻ lên mạng thì có 1 em thích gặp gỡ và trò chuyện với ai đó trên mạng.

Chương trình làm thẻ nhận dạng trực tuyến này được doanh nhân người Anh Alex Hewitt thiết lập sau khi ông phát hiện con gái ông chỉ có thể minh chứng tuổi và nhân dạng của 1/3 trong số 150 người bạn trực tuyến của nó. Ông nói: “Nhiều người muốn cảm thấy an toàn trên mạng và nhất là biết rõ người mà mình đang trò chuyện thực sự là ai”.

Công ty Ceop cho biết họ cũng sẽ dùng những kỹ thuật phần mềm tương tự như những kỹ thuật tân tiến của các cơ quan cấp hộ chiếu để chứng thực những ứng dụng có trong thẻ nhận dạng mới này. Hệ thống này chỉ phát huy tác dụng khi 2 đứa trẻ nhắn tin cho nhau trên mạng đều có đăng ký sử dụng chương trình này. Khi lên mạng, trẻ em đăng ký nickname có trong thẻ nhận dạng NetID của chúng để được vào địa chỉ mạng của dịch vụ này. Thẻ ID chỉ được xác nhận chỉ khi cả 2 bên nhập đúng địa chỉ e-mail và mật khẩu vào dịch vụ. Mỗi năm người có thẻ đóng phí khoảng 10 bảng Anh.

Ông Hewitt hy vọng thẻ NetIDMe sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ trẻ vị thành niên bị người lớn dụ dỗ làm chuyện xấu. Tuy nhiên, Chánh thanh tra hình sự Tom Porter, Trưởng ban Phòng chống và can thiệp của Cục Bài trừ ma túy và tội phạm Scotland, tin rằng công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng khó bảo đảm bảo vệ trẻ em hoàn chỉnh. Ông nói: “Chúng tôi khuyên tất cả các bậc cha mẹ và các bạn trẻ phải luôn nâng cao cảnh giác trước những nguy cơ tiềm ẩn. Phải luôn nhớ rằng không bao giờ để lọt thông tin cá nhân ra bên ngoài, nhất là cho  người lạ biết”

Lê Đoàn (Theo BBC News)
.
.