Thế chân vạc trên chính trường Đức

Chủ Nhật, 28/08/2005, 09:21

Gần đến ngày bầu cử Quốc hội, chính trường  Đức vừa đón nhận thêm một "chấn động" bởi cuộc ra mắt rôm rả của đảng Die Linkspartei (DLP), tức đảng cánh tả. Một thế chân vạc đang hình thành bao gồm Die Linkspartei và các liên minh đảng phái lớn hiện nay là SPD của Thủ tướng Gerhard Schroeder và CDU của ngôi sao đang lên Angela Merkel.

Người Đông Đức sẽ lại cất tiếng nói để mọi người nghe thấy”, cựu Chủ tịch PDS Lothar Bisky nay là Chủ tịch đảng Die Linkspartei tuyên bố đầy tự tin trước đông đảo người ủng hộ và báo giới tại buổi lễ ra mắt cuộc vận động tranh cử của đảng này ở khu nghỉ dưỡng Glowe trên hòn đảo Ruegen ngoài khơi biển Baltic thuộc Đức hôm 5/8. Sự kiện này thu hút hầu hết báo chí và thông tấn không chỉ của Đức mà cả châu Âu lẫn Mỹ quan tâm theo dõi. “Đây là một cơ hội hết sức quan trọng cho chúng tôi”, Gregor Gysi, một lãnh đạo đầy uy tín của PDS nói. Đó chính là cơ hội để PDS tái gia nhập Quốc hội Đức, để cho những tâm nguyện của người dân Đông Đức được lắng nghe ở cấp lãnh đạo cao nhất ở miền Tây.

Die Linkspartei được thành lập vào khoảng trung tuần tháng 6/2005 và chính thức ra mắt vào trung tuần tháng 7 trên cơ sở sáp nhập nhóm Election Alternative for Social Justice (WASP) bao gồm các thành viên "nổi loạn" tách ra khỏi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Schroeder với đảng Xã hội chủ nghĩa Dân chủ (PDS), hậu thân của Đảng Cộng sản Đông Đức cũ (SED). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức hậu thống nhất, những người cánh tả hai miền Đông - Tây kết hợp lại với nhau để đi theo đường lối chung. Ngoài ra, các thủ lĩnh công đoàn toàn nước Đức - những người đấu tranh vì quyền lợi công nhân Đức - cũng hào hứng tham gia để góp thêm lực lượng cử tri ủng hộ DLP.

Nhóm chính khách “nổi loạn” của WASP từng gây khó khăn cho ông Schroeder trong việc thông qua nhiều chính sách cải cách kinh tế xã hội suốt 7 năm cầm quyền của ông. Khi ông Schroeder công bố quyết định bầu cử sớm hồi cuối tháng 5/2005, nhóm này đã không còn kiên nhẫn với ông nữa. Và việc họ sáp nhập với PDS để hình thành DLP được xem như lời thách thức rõ ràng nhất đối với người mà họ từng chung vai sát cánh cách nay 7 năm.

Nhân vật đáng chú ý nhất trong thành phần WASP là thủ lĩnh Oskar Lafontaine, từng là Chủ tịch SPD và làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các Schroeder được gần 2 năm (1998 - 1999). Tính cách và quan điểm thiên tả của ông đã trở thành tiêu điểm mâu thuẫn giữa ông với phái bảo thủ trong SPD. Cách nay 7 năm, Lafontaine từng là đối thủ cạnh tranh quyết liệt với ông Schroeder để giành quyền ứng cử chức thủ tướng, nhưng cuối cùng đã thất bại. Trong nhiều năm liền sau đó, Lafontaine hầu như rút lui vào ở ẩn và chỉ thật sự quay trở lại thời gian gần đây. Lafontaine hiện được xem là một trong những nhân tố quan trọng lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trong thành phần Die Linkspartei, đồng thời đây cũng là dịp để ông “báo thù” Schroeder.

Điều gây chấn động chính là việc Die Linkspartei đạt tỉ lệ ủng hộ 12%, xếp thứ 3 sau CDU và SPD. Richard Hilmer, Giám đốc điều hành Tổ chức thăm dò dư luận Infratest ở Berlin cho rằng, một trong những điều giúp Die Linkspartei đạt tỉ lệ ủng hộ cao như thế chỉ trong một thời gian ngắn thể hiện một sự uể oải của hệ thống chính trị truyền thống, đồng thời nó cũng cho thấy dân chúng Đức đang mất niềm tin vào các đảng phái lớn do các chính sách cải cách kinh tế xã hội nhiều năm qua, từ thời Thủ tướng Helmut Kohl, không hề giúp cho bộ mặt xã hội thay đổi đi chút nào, mà ngược lại chỉ khiến cho cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, dân chúng Đức hy vọng vào một sự thay đổi khả dĩ với sự góp mặt của Die Linkspartei.

Mặt khác, nếu như WASP dựa vào các cơ sở cử tri thiên tả của Lafontaine là chính, thì PDS dựa vào sức mạnh tập thể, và miền đông nước Đức hầu như là “căn cứ địa” bất khả chiến bại của họ. Trong nhiều năm liền sau khi nước Đức thống nhất, PDS giữ vững tỉ lệ ủng hộ khá cao; hơn 33% dân chúng miền Đông nước Đức vẫn ủng hộ PDS. Sức mạnh của PDS nằm ở đường lối chính trị xã hội chủ nghĩa, theo đuổi công bằng xã hội và bảo vệ quyền lợi người lao động. Đó cũng chính là cơ sở cho đường lối chung của Die Linkspartei khi đưa ra khẩu hiệu “phân chia lại tài sản xã hội, thực thi công lý cho người lao động” trong cuộc vận động tranh cử.

Sự xuất hiện của Die Linkspartei đã khiến cho cục diện chính trường Đức trước cuộc bầu cử 18/9 trở nên gay cấn hơn, đồng thời cuộc đua tranh của các đảng phái cũng trở nên mở rộng hơn, để ngỏ khả năng giành chiến thắng của các đảng phái lớn. Vì vậy, mọi tính toán ban đầu của CDU lẫn SPD đều phải được xem xét lại. Cho đến trước tháng 8, bà Angela Merkel và đảng CDU của bà gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trước SPD của ông Schroeder, và người Đức hầu như đã sẵn sàng đón nhận nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử.

Các nhà phân tích cho rằng có đến 50% khả năng bà Merkel hoặc ông Schroeder phải cần đến một “đại liên minh” mới có đủ tỉ lệ đa số cần thiết để lập chính phủ. Đó chính là điều tệ hại nhất cho chính trường Đức, nếu nó thật sự xảy ra. Vì vậy, CDU lẫn SPD đều cảm thấy cần thiết gấp rút tiến hành các điều chỉnh trong chính sách lẫn các phương án riêng biệt để vận động cử tri, nhất là cử tri miền Đông

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.