Thế giới 2019: Những biến động khó lường

Thứ Tư, 02/01/2019, 13:52
Nước Mỹ sẽ biến động, thế giới diễn tiến thế nào trong năm 2019 trước cách hành xử có phần “bất thường” của chủ nhân Nhà Trắng?

Đây là vấn đề đang được cả thế giới quan tâm và đặt câu hỏi là nước Mỹ của ông chủ Nhà trắng đang bất thường hay thế giới bất thường, nhất là khi mọi hoạt động ngoại giao, chính trị, quân sự... của thế giới đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới nước Mỹ.

Chuỗi nguyên tắc bị đảo lộn

Rõ ràng là kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, thế giới luôn phải chuẩn bị tinh thần cho một thời kỳ mà ở đó các nguyên tắc và cam kết chiến lược bị đảo lộn bởi nhiều nguyên tắc truyền thống được xây dựng từ nhiều năm qua sẽ nhường chỗ cho cách tiếp cận chính sách đối ngoại của một ông chủ Nhà Trắng quyền lực luôn đặt tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” lên hàng đầu. Và cách hành xử quốc tế có phần bất thường của ông cũng là một vấn đề với Nhà Trắng và thế giới.

Chỉ mới tuần trước thôi, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đệ đơn từ chức do bất đồng với quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump về việc rút quân Mỹ khỏi Syria cũng như cắt giảm phần lớn lực lượng triển khai tại Afghanistan đã khiến cả thế giới xôn xao. Việc ông Trump vội vàng tuyên bố chiến thắng và rút quân khỏi 2 quốc gia này làm ảnh hưởng tới lợi ích toàn cầu cũng như hòa bình và an ninh của một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới.

Quan hệ Nga - Mỹ và căng thẳng liên quan tới Ukraine được dự báo là điểm nóng trong năm 2019. Ảnh: PBS.

Theo các báo cáo tình báo của Mỹ và các nước đồng minh tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, vẫn có tới 11.000 tay súng của tổ chức này hoạt động tại Syria. Tại Afghanistan, hơn 1/2 lãnh thổ nước này bị kiểm soát bởi các tay súng Taliban, IS và các lực lượng đối lập. Việc Mattis - nhân vật quân sự cấp cao thứ 3 - rời khỏi chính quyền Tổng thống Trump sau sự ra đi của tướng HR McMaster và John Kelly đã lấy đi của Nhà Trắng những nhân vật có nhiều kinh nghiệm. Họ là những chiến lược gia có khả năng đưa ra những ý kiến tư vấn kiên định cho chính sách đối ngoại thất thường của Mỹ.

Không chỉ có vậy, thông báo rút quân khỏi Syria của ông Trump khiến các đồng minh bị tổn thương, làm suy yếu khả năng của Washington trong việc tác động và gây ảnh hưởng đến bất kỳ sự dàn xếp lâu dài nào trong các khu vực xung đột. Rõ ràng, đây là một khu vực rất cần sự can dự lâu dài và ổn định để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột.

Những chính sách “khó đoán”

Thế giới sẽ phải nín thở chờ xem những bất ổn gì sẽ xảy ra trong năm 2019. Nước Mỹ trong cơn biến động bởi những chính sách “khó đoán” của ông chủ Nhà Trắng ngay những ngày cuối năm 2018 là chủ đề hao tốn giấy mực trên các báo khắp thế giới. "Phương pháp của Trump làm đất nước bị đóng cửa" và "Mattis ra đi gây rúng động NATO" là 2 tít bài lớn của tờ Le Monde. Tờ Les Echos có thêm bài "Donald Trump cô đơn hơn bao giờ hết"...

Tờ Le Monde một lần nữa nhấn mạnh thái độ khó hiểu của chủ nhân Nhà Trắng với những phân tích: Thứ nhất là “ương ngạnh”, muốn xây bức tường biên giới; thứ hai là thay đổi quan điểm như chong chóng mà không hề tham khảo ý kiến ban lãnh đạo đảng Cộng hòa. Hệ quả đầu tiên về đối nội là khiến guồng máy chính phủ liên bang bị tê liệt. Về đối ngoại, nước Mỹ mất uy tín với đồng minh và tạo ra những hệ quả khó lường cho cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và cho an ninh tại châu Âu, nằm sát sườn với Trung Đông.

Các chuyên gia phân tích: Có lẽ ông Donald Trump muốn một mình quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ? Vậy chiến lược của Tổng thống Mỹ như thế nào và hệ quả ra sao? Trả lời phỏng vấn của tờ Les Echos, chuyên gia Mỹ về quan hệ quốc tế James Lindsay nói: "Ông Trump muốn tự mình định đoạt chính sách ngoại giao. Quan điểm của Tổng thống Mỹ rất đơn giản: Mỹ không nên can dự vào tình hình Trung Đông.

Trong 23 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Trump đã để cho đội ngũ cố vấn duy trì các chiến dịch quân sự chống khủng bố. Giờ đây, ông ngưng tất cả và tuyên bố chiến thắng, để rồi sau đó ông giải thích rằng “để cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đối phó với các lực lượng thánh chiến”. Vấn đề là chiến lược này không được ông đưa ra thảo luận, cân nhắc lợi hại với các chuyên gia an ninh Mỹ, đồng thời ông Trump cũng không báo trước chiến lược này cho các đồng minh".

Đã nảy sinh những quan điểm khác nhau trong nội bộ nước Mỹ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút quân đội nước này khỏi Syria. Ảnh: Countercurrents.

Giải thích nguyên nhân, theo phân tích của chuyên gia James Lindsay, sở dĩ ông Trump làm như vậy là bởi quan niệm về quan hệ quốc tế của ông rất đơn giản: Không thắng thì không tiếp tục chiến tranh, còn đồng minh thực ra là kẻ thù chứ không phải là bạn. Trái lại, các đồng minh sẽ được “giúp đỡ” để thi hành chính sách mà ông Trump lựa chọn. Nước Mỹ của ông sẽ mang hình ảnh của một "siêu cường con buôn".

Đối ngoại là lĩnh vực thấy rõ nhất. Ông Trump đã gây ra một tình trạng bất trắc khó lường. Nhìn vào những điểm nóng của thế giới có thể thấy rõ hầu hết những điểm nóng nhất đều có “dấu ấn” bàn tay của ông Trump. Đầu tiên, trong số tất cả những tranh chấp địa chính trị ngày càng tăng giữa các cường quốc, năm 2019, xếp ở mức ưu tiên cao nhất đó là tranh chấp xung quanh khu vực Biển Đông, liên quan trực tiếp tới Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai, hai sự kiện có nhiều khả năng nhất dẫn tới một cuộc xung đột giữa Mỹ và Nga tại Đông Âu đánh giá ở mức ưu tiên thấp hơn nhưng cũng nguy hiểm không kém và có khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự, rất có thể bắt nguồn từ các sự kiện liên quan tới vụ Nga đã bắt giữ 3 tàu chiến của Ukraine ở biển Azov vào cuối tháng 11/2018.

Điểm nóng thứ ba có liên quan trực tiếp tới các điều hành của Tổng thống Mỹ trong năm 2019 này chính là các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục gây nhiều lo ngại. Có 8 vấn đề của 2 khu vực này được xem xét trong cuộc khảo sát năm nay và 3 trong tổng số 8 vấn đề này được đánh giá cần đặt ở mức ưu tiên hàng đầu, đó là: một cuộc xung đột có vũ trang giữa Mỹ và Iran.

Ngoài ra, trong vài ngày gần đây, có vẻ như chiến lược của Mỹ tại Syria đã thay đổi khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi quốc gia này.

Bóp nghẹt yết hầu đối thủ

Một câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu ông Trump có thể thắng trong cuộc bầu cử 2020 nhờ giữ lời hứa rút quân khỏi Syria? Các chuyên gia nhận định cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã qua và ông Trump đang trở lại với những cam kết trong chiến dịch tranh cử là chấm dứt các cuộc chiến tranh và rút quân khỏi Trung Đông. Ông không quan tâm nhiều đến Trung Đông mà quan tâm đến việc làm cách nào để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, ông đã có một số động thái nhằm tạo ấn tượng tốt với cử tri Mỹ. Quyết định rút quân khỏi Syria mà chưa cảnh báo trước Quốc hội được cho là một phần trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Một số nhà phân tích cho rằng quyết định này của ông Trump là khôn ngoan, đặc biệt là trong bối cảnh ông đang tìm cách thuyết phục đảng Dân chủ đồng ý chi tiền xây bức tường biên giới với Mexico, thậm chí ông từng hé lộ rằng quân đội có thể đóng vai trò trong việc xây dựng công trình này.

Ông Trump lo ngại các nước ở Trung, Nam Mỹ là bởi rất có thể các khu vực này có thể trở thành điểm nóng bùng phát trong năm 2019. Dự báo ông Trump sẽ có nhiều chính sách “ưu tiên” để can thiệp sâu vào cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Venezuela. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiến hành các bước đi quyết liệt tại Mexico và Nicaragua, cũng như sự bất ổn tiềm tàng tại Brazil. Nước Mỹ dưới thời ông Trump muốn giải quyết dứt điểm tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng tại khu vực được dự báo sẽ gây ra những hậu quả to lớn cho Mỹ trong tương lai gần.

Và cuối cùng, mối đe dọa về một cuộc tấn công mạng nhằm vào các mạng lưới và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ là vấn đề an ninh trong nước quan trọng hàng đầu trong năm 2019. Đáng chú ý, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố gây thương vong lớn nhằm vào nước Mỹ vẫn được đánh giá là một trong số những lo ngại lớn nhất, mặc dù đã 17 năm trôi qua kể từ sự kiện 9-11.

Nội bộ nước Mỹ năm 2019 được dự báo có nhiều biến động bất thường bởi các quyết định của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Business Insider.

Ở những vùng đất xa hơn, năm 2019 ông Trump chắc chắn sẽ triển khai binh lực, tài chính để “khuấy đảo” cả một khu vực rộng lớn trải dài Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu toàn cầu mà ông muốn đạt được. Có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ vẫn sẽ duy trì các biện pháp tăng cường vai trò của mình và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ không chỉ khớp nối một cách sáng tạo việc mở rộng địa lý cho khu vực “châu Á-Thái Bình Dương” bằng cách đặt lại tên cho nó là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và nhấn mạnh trung tâm của Ấn Độ đối với khu vực này mà còn kiềm chế Trung Quốc và hình thành một nhóm đồng minh trở thành trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Cần phải nói rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ giàu có về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hydrocarbons để tiếp nhiên liệu cho các đầu máy công nghiệp của các nền kinh tế thế giới. Khu vực này cũng đang nổi lên là trọng tâm của đầu tư và thương mại quốc tế, một thị trường rộng lớn chiếm gần 1/2 dân số thế giới.

Thực tế, có nhiều báo cáo dự đoán rằng đến năm 2050, một nửa trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản sẽ nằm trong nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tất cả những gì nước Mỹ đang làm đã cho thấy rõ nước Mỹ trong năm 2019 quyết tâm ngăn chặn các toan tính của Trung Quốc.

Không chỉ với Trung Quốc, năm 2019 được dự báo nước Mỹ khó tránh được những căng thẳng với Nga nếu quan hệ của ông Trump với nước Nga không đi tới hòa dịu để tránh xung đột, bởi cả hai nước dường như đang ở trong một quá trình va chạm nguy hiểm do thiếu trao đổi thông tin để hiểu nhau. Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho rằng Washington và các đồng minh của họ "bị ám ảnh bởi tham vọng địa chính trị của chính họ" và "không sẵn sàng thích nghi với thực tế toàn cầu không thay đổi theo hướng có lợi cho họ".

Do đó, theo ông, cuộc đối thoại đã bị đóng băng và các thỏa thuận quốc tế như Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có nguy cơ bị hủy bỏ, tạo ra một tình thế thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Ngoại trưởng Nga nêu rõ: "Một cuộc xung đột như vậy, dựa trên các công cụ quyền lực chắc chắn sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa của kiến trúc an ninh toàn cầu và góp phần vào một cuộc chạy đua vũ trang". Và "một tình huống xấu có thể phát sinh khi cái giá của một sai lầm hoặc sự hiểu lầm trở nên nghiêm trọng". Xét cho cùng, với lập trường rất khác nhau, cả Nga và các nước phương Tây đều cùng chịu trách nhiệm rất lớn đối với tương lai của nhân loại, cũng như trong việc tìm kiếm câu trả lời hiệu quả cho những thách thức và mối đe dọa trong thời đại chúng ta".

Câu hỏi là ông Trump sẽ thay đổi Washington và mọi việc đến đâu trong năm 2019 này? Trong 2 năm đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã viết lại các quy tắc, tiểu chuẩn của chức vụ tổng thống và thủ đô Washington, đồng thời gạt bỏ các quy tắc ứng xử và thói quen truyền thống có từ nhiều thế hệ nay. Vậy Washington làm việc ra sao? Phần còn lại của quốc gia và thế giới đánh giá việc thay đổi này như thế nào?

Ông Douglas Brinkley, nhà nghiên cứu lịch sử tổng thống thuộc Đại học Rice nói: "Ông Trump không xem mình là người tiếp nối các đời tổng thống. Thay vào đó, ông ta sử dụng chức vụ tổng thống để mở rộng tính cách cá nhân của mình". Có phải Nhà Trắng đã thay đổi vĩnh viễn hay chỉ bị ảnh hưởng bởi một cá nhân? Liệu những xu hướng này có tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của ông Trump hay không vẫn là một câu hỏi sẽ không có câu trả lời cho đến khi có một nhân vật mới trong phòng Bầu Dục.

Hoa Huyền
.
.