Thế giới 72 giờ qua

Thứ Năm, 07/01/2010, 08:45
Hàn Quốc muốn "sưởi" quan hệ, Triều Tiên vẫn “lạnh”
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm 4/1 vừa qua hứa hẹn nước này sẽ mở rộng và tăng cường bang giao với các quốc gia khác, bao gồm CHDCND Triều Tiên. "Năm nay sẽ báo hiệu một chương mới trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tôi đề nghị phía CHDCND Triều Tiên sớm trở lại cuộc hội đàm sáu bên", Tổng thống Lee nhấn mạnh trong bài diễn văn trên truyền hình về chính sách năm 2010.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Hàn Quốc không quên nhắc đến sự hợp tác giữa 2 nước nhằm tìm kiếm hài cốt những binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Năm nay là năm kỷ niệm 60 năm cuộc chiến giữa 2 miền Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc cũng cam kết tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quốc tế như tăng cường viện trợ, mở rộng các chiến dịch gìn giữ hòa bình tại nước ngoài, và tham gia công cuộc tái thiết do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan.

"Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm". Hàn Quốc muốn "ấm", Triều Tiên  vẫn "lạnh", rõ buồn! Ngay trong Thông điệp năm mới của mình, CHDCND Triều Tiên vẫn  phớt lờ vai trò của láng giềng Hàn Quốc trong khi chỉ nhắc tới việc sẵn sàng "làm ấm lại" quan hệ ngoại giao với Mỹ, cho dù thông điệp của CHDCND Triều Tiên cũng đã cho thấy những chỉ dấu rằng nước này sẵn sàng trở lại bàn đàm phán sau lần cuối cùng được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 12-2008. Thông điệp năm mới này kêu gọi thiết lập "hệ thống hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên" để "làm cho bán đảo này trở thành khu vực phi hạt nhân thông qua đối thoại".

Iran tìm đồng minh từ các nước Trung Á

Một cơ sở hạt nhân của Iran.

Hôm 4/1, phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang ở thăm Tajikistan, Tổng thống nước chủ nhà Emomali Rakhmon khẳng định, Tajikistan hoàn toàn ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran.

"Chúng tôi ủng hộ chương trình hạt nhân vì hòa bình của Iran trên mọi cấp độ chúng tôi là quốc gia đối tác của Iran. Những khác biệt giữa Iran với các nước khác (bao gồm cả chương trình hạt nhân của quốc gia này) cần phải được giải quyết bằng con đường đối thoại và ngoại giao, Tổng thống Tajikistan nói.

Về phần mình, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước IranTajikistan sẽ vững mạnh và có nhiều triển vọng. "Không có bất kỳ nhân tố nào có thể làm suy yếu mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc anh em. Hai nước IranTajikistan là một, chúng tôi có chung một ngôn ngữ, chung nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống", ông Ahmadinejad khẳng định.

Nhân dịp này, như thường lệ, Tổng thống Ahmadinejad tiếp tục hối thúc việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi AfghanistanPakistan dù rằng giọng điệu của ông có nhẹ nhàng hơn khi không nêu tên Mỹ hay quốc gia nào. Ông Ahmadinejad cho rằng sự hiện diện của một lực lượng lớn quân đội nước ngoài chính là nguyên nhân tạo ra tình trạng bất ổn trong khu vực.

"Bán anh em xa mua láng giềng gần", cuối cùng thì người Iran đã thấm thía điều đó sau những loay hoay khắp chân trời góc bể để tìm kiếm đồng minh. Iran đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước láng giềng thân cận nhất là các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Tehran mong muốn rằng, sự gần gũi về mặt văn hóa lịch sử sẽ giúp nước này tiếp cận nhanh hơn với các nước Trung Á đặc biệt là trong các dự án hạ tầng và giao thông.

Mỹ giám sát chặt công dân "một số quốc gia"

Kiểm tra an ninh tại một sân bay ở Mỹ.
Các quan chức tình báo và an ninh nội địa Mỹ cho hay họ đã mở rộng việc giám sát những người nước ngoài trong danh sách nghi vấn và có thể cấm những người này nhập cảnh vào Mỹ. Đây là một động thái sau khi một vụ đánh bom máy bay suýt nữa xảy ra ngay trong ngày Giáng sinh. Trong tuần này, kế hoạch thắt chặt an ninh mới được báo cáo lên Tổng thống Obama.

Trước đó, một số quan chức an ninh Mỹ đã nói trắng ra rằng, hành khách đến từ "một số quốc gia nhất định" sẽ bị kiểm tra kỹ càng hơn trước khi được lên máy bay vào Mỹ. Các cơ quan an ninh Mỹ, thậm chí còn đưa tất cả những người thuộc một số quốc tịch hoặc có liên quan đến những nghi can khủng bố vào một "danh sách đen" để kiểm tra gắt gao nếu họ muốn đến Mỹ. Còn những người có tên trong danh sách liên quan đến các hoạt động khủng bố có thể bị điều tra kỹ lưỡng đặc biệt là những thanh niên hoặc những người xuất phát từ những khu vực mà Mỹ nghi là "tụ điểm khủng bố".

Phó phát ngôn viên của Nhà Trắng, Bill Burton khẳng định vào ngày 4/1 rằng sau vụ đánh bom bất thành của Umar Farouk Abdulmutallab, hàng nghìn cái tên trong dữ liệu những người liên quan đến hoạt động khủng bố đã được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau để có biện pháp điều tra hoặc từ chối cho nhập cảnh vào Mỹ.

Sau vụ đánh bom trong ngày Giáng sinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đổ lỗi cho các cơ quan tình báo, an ninh nội địa và coi đây là một "thất bại hệ thống" tình báo và an ninh Mỹ. Ông Obama từng tuyên bố vào cuối năm 2009 rằng, thất bại về an ninh và tình báo là "không thể chấp nhận được", và "Mỹ cần phải học bài học kinh nghiệm để sửa chữa những lỗ hổng hệ thống".

Đúng là "mất bò mới lo làm chuồng"! Trang bị tận răng, tối tân thiết bị, ầm ĩ quảng cáo, nhưng vỡ ra rằng trách nhiệm của các nhân viên công lực, nôm na là yếu tố con người,  mới là và vẫn là quan trọng nhất. Bởi vì từ mấy tuần trước, cha của nghi can đánh bom Umar Farouk Abdul Mutallab đã đến Đại sứ quán Mỹ ở Nigeria để cảnh báo các quan chức Mỹ về con trai mình. Khi đó, cha của Abdul có gặp một nhân viên của CIA. Thông tin tình báo khác từ Yemen cũng cho thấy chuẩn bị có một "người Nigeria" tham gia một vụ tấn công. Các thông tin này đã không được xem xét, đánh giá đúng mức cũng như chia sẻ giữa các cơ quan tình báo, an ninh Mỹ vốn chẳng ưa nhau nên đã dẫn đến vụ không tặc

Hùng - Tú
.
.