Thế giới 72 giờ qua

Chủ Nhật, 10/01/2010, 10:15
Ngoại trưởng Iran sang Iraq bàn về xung đột biên giới
Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki ngày 7/1 đã tới thăm thủ đô Baghdad, Iraq nhằm đối thoại với lãnh đạo Iraq về quan hệ song phương, chỉ một vài tuần sau vụ tranh chấp giữa hai nước tại khu vực biên giới.

Theo các quan chức Iraq, ông Mottaki, người có chuyến thăm Iraq gần đây nhất vào tháng 9/2009, sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Jalal Talabani. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Iran thường xuyên bị lãnh đạo quân sự Mỹ - lực lượng hiện vẫn đang duy trì sự hiện diện lớn tại Iraq - cáo buộc hỗ trợ và đào tạo những nhóm tay súng dòng Shiite và làm suy giảm tình hình an ninh tại đất nước Iraq. Mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng này cũng chưa hẳn đã tốt đẹp kể cả sau khi chính quyền của ông Saddam Hussein bị liên quân lật đổ.

Tuyên bố của ngoại trưởng 2 nước Iran, Iraq sau cuộc hội đàm song phương cho thấy vấn đề cốt lõi của vụ tranh chấp này đã không được giải quyết. Ông Mottaki cho biết quân đội Iran đã được ra lệnh rút về "những vị trí ban đầu của họ," nhưng Ngoại trưởng Iraq Zebari cho rằng họ đã rút đi không đủ xa. "Quân đội Iran đã hạ cờ Iran và chỉ rút lui với một khoảng cách nhất định", ông Zebari nói và cho biết hai bên đã đồng ý "bình thường hóa các vấn đề biên giới và đưa mọi việc trở lại như trước kia".

Quan chức 2 nước đã thống nhất tổ chức các hội nghị song phương vào tuần tới nhằm giải quyết vấn đề biên giới chung. Trong thời gian tới, các ủy ban liên hợp giữa 2 bên sẽ tiếp tục thảo luận về việc phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa 2 nước.

"Trong" đã không "ấm", "ngoài" cũng chẳng "êm", ông Ngoại trưởng Iran lo sốt vó là phải. Chuyến thăm mới nhất này của ông Mottaki diễn ra chỉ vài tuần sau khi lực lượng Iran kiểm soát một giếng dầu dọc biên giới tranh chấp giữa hai nước, đẩy giá dầu thế giới tăng cao. Vào tháng 12-2009, binh lính Iran và các kỹ thuật viên đã tới khu vực khai thác dầu bên trong lãnh thổ Iraq và kiểm soát giếng dầu số 4, căng cờ Iran. Giếng dầu thứ 4 tại mỏ dầu Fakkah, tọa lạc tại tỉnh Maysan cách thủ đô Baghdad khoảng 320km về phía đông nam. Dù sau đó, các binh sĩ phải rút khỏi giếng dầu này nhưng cuộc chiếm đóng chớp nhoáng này đã "ghi dấu" là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia láng giềng kể từ khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003.

Tổng thống Obama yêu cầu cải cách hoạt động tình báo

Tổng thống Obama phiền lòng về hoạt động của các cơ quan tình báo.
Sau những chỉ trích, đổ lỗi qua lại về trách nhiệm sau vụ đánh bom máy bay bất thành vào Giáng sinh 2009. Hôm 7/1, Tổng thống Obama đã phác thảo những cải cách đối với ngành tình báo nước này. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, vụ đánh bom không chỉ cho thấy "thất bại trong việc thu thập và chia sẻ thông tin tình báo mà cao hơn đây là thất bại trong việc kết nối, tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan thuộc hệ thống tình báo Mỹ". Do vậy ông Obama yêu cầu ngành tình báo Mỹ phải thực hiện 4 cải cách chính:

Thứ nhất, ông Obama yêu cầu hệ thống cơ quan tình báo có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng để sẵn sàng cao độ ứng phó với những mối hiểm nguy.

Thứ hai, các báo cáo tình báo cần được chia sẻ nhanh và rộng rãi hơn.

Thứ ba, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dennis Blair phải đánh giá lại toàn bộ hoạt động phân tích tình báo.

Thứ tư, chính phủ đồng ý tiếp tục mở rộng danh sách theo dõi nghi can khủng bố đặc biệt là danh sách cấm bay (vào Mỹ).

"Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa", cái câu thành ngữ này rất chi là hợp với tình cảnh hiện nay của lực lượng an ninh Mỹ. Ông Tổng thống Mỹ lo là phải. "Thực hiện đồng thời những cải cách này sẽ tăng cường khả năng thu thập, chia sẻ, tổng hợp, phân tích thông tin tình báo nhanh hơn, hiệu quả hơn", ông Obama khẳng định. Ông Obama cho biết, ông đã chỉ đạo Bộ An ninh nội địa tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đảm bảo an ninh hàng không cũng như đề nghị các sân bay quốc tế thiết lập hệ thống máy quét cơ thể để kiểm tra hành khách. Bộ Năng lượng cũng phải "xắn tay" nghiên cứu những công nghệ quét cơ thể hiện đại hơn.

CHDCND Triều Tiên mong cải thiện quan hệ với "quốc gia thù địch"

CHDNND Triều Tiên khẳng định việc củng cố Quốc phòng nhằm đảm bảo hoà bình.
Tờ nhật báo Rodong Sinmun ngày 7/1 đã đăng tải một bài báo khẳng định Chính phủ CHDCND Triều Tiên luôn sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với các quốc gia thù địch "với điều kiện các nước này phải chấm dứt chính sách thù địch và tôn trọng Triều Tiên".

Bài báo trên khẳng định, việc củng cố lực lượng quốc phòng của nước này là nhằm mục đích đảm bảo hòa bình cho công cuộc xây dựng nền kinh tế quốc dân. "Gần đây, Bình Nhưỡng đã có nhiều nỗ lực tích cực nhằm thiết lập và phát triển các mối quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia trên cơ sở tôn trọng sự độc lập và luật pháp quốc tế", bài báo viết.

"Khi thời thế thay đổi, quan hệ giữa các quốc gia cũng có những thay đổi cơ bản", bài báo khẳng định.

Một bài bình luận đầu năm mới trên 3 tờ báo chính thống của CHDCND Triều Tiên viết "nhiệm vụ cơ bản để bảo vệ hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và toàn châu Á là kết thúc những căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ". Bài bình luận này cũng thể hiện sự việc CHDCND Triều Tiên sẵn sàng "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán"

Hùng - Tú
.
.