Thế giới Arập sục sôi chống IS

Thứ Hai, 09/02/2015, 20:15
Vụ sát hại con tin phi công người Jordan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm 3/2 vừa qua đã châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ mới và một loạt hành động đang được tiến hành chống tổ chức khủng bố man rợ này.

Jordan đang là quốc gia đi đầu trong khối Arập chống IS. Tờ New York Times dẫn lời giới chức quân sự Jordan hôm 5/2 tuyên bố nước này đã tăng cường các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu IS ở Syria.

Giới chức Mỹ cho biết, Jordan đã tiến hành khoảng 24 cuộc không kích chỉ trong ngày 5/2. Đây là một hành động chưa từng có của một quốc gia Arập trong cuộc chiến chống IS.

Việc Jordan tăng cường không kích IS quyết liệt thể hiện đúng như lời tuyên bố của Quốc vương Abdullah II hôm 4/2 rằng "Jordan sẽ triển khai cuộc chiến long trời lở đất chống IS" để trả thù cho phi công Muath al-Kasasbeh, một trong những con tin Hồi giáo bị IS bắt giữ.

Hàng ngàn người Jordan xuống đường biểu tình với di ảnh viên phi công vừa bị IS thiêu sống.

Al-Kasasbeh đã bị IS hành quyết hôm 3/2 một cách rất dã man: chúng để anh đứng trong một chiếc lồng bằng sắt, tưới xăng xung quanh và mồi lửa cho cháy từ xa.

Chúng ghi hình lại cảnh hành quyết và sau đó tung đoạn video lên mạng Internet.

Al-Kasasbeh trở thành người Hồi giáo đầu tiên bị IS sát hại. Anh bị các tay súng IS sát hại sau khi mọi nỗ lực trao đổi tù nhân với IS không thành.

Trước đó, ngày 1/2, nhà báo Nhật Bản Kenji Goto cũng đã bị IS sát hại.

Đất nước Jordan đã thể hiện sự đau đớn tột cùng. Hàng ngàn người dân đã xuống đường biểu tình chống IS. Người ta mang di ảnh của Al-Kasasbeh thể hiện sự phẫn nộ đối với IS.

Sáng sớm ngày 4/2, chính quyền Jordan đã ra lệnh treo cổ 2 tù nhân khủng bố mà IS đã yêu cầu trao đổi trước đó là Sajida al-Rishawi và Ziyad al-Karbouti.

Al-Rishawi là nữ khủng bố khét tiếng từng gây ra 3 vụ đánh bom khủng bố tại các khách sạn ở Jordan năm 2005, giết chết nhiều người. Ả bị bắt và bị kết tội, chờ ngày hành quyết.

Còn Al-Karbouti từng là trợ thủ đắc lực của trùm khủng bố Musab al-Zarqawi ở Iraq. Chính quyền Jordan tuyên bố việc hành quyết 2 tên khủng bố này là hành động bước đầu trả thù cho phi công Al-Kasasbeh.

Bên cạnh Jordan, vụ hành quyết cũng đã gây nên cú sốc cho các quốc gia Hồi giáo.

Các quốc gia Hồi giáo trong khu vực như Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Arập Xêút, Qatar cũng bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành động giết người không thể biện minh của IS.

Biểu tình đã diễn ra khắp nơi trong khối Arập Hồi giáo để kêu gọi chống IS, diệt trừ IS để trả lại sự bình yên cho thế giới.

Như vậy, sau khi sát hại 2 con tin người Nhật và con tin người Jordan một cách man rợ, IS đang thổi bùng ngọn lửa chống lại mình trên khắp thế giới. Bây giờ, không chỉ trong nhóm quốc gia liên minh chống IS tham gia cuộc chiến, mà cả thế giới đang sẵn sàng vào cuộc chống IS.

Hôm 3/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thể hiện quyết tâm chống khủng bố bằng việc chi viện 200 triệu USD cho chiến dịch chống IS.

Ông Abe tuyên bố, Nhật Bản chi số tiền đó cho chiến dịch còn hơn là trả cho IS. Báo Wall Street Journal của Mỹ hôm 4/2 cho biết, ngoài khối Arập Hồi giáo, cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Iraq cũng đang bắt đầu đứng lên chống IS, với 4.000 quân huy động, sẽ đóng góp đáng kể vào lực lượng chống IS trên mặt trận Iraq.

Bộ trưởng Ngoại giao UAE Zayed al-Nahyan, nói "đây là thời điểm quyết định" trong cuộc chiến chống IS, do IS đang leo thang các vụ hành quyết và giết chóc.

Nhưng vấn đề luôn được giới phân tích đặt ra là làm sao để liên minh chống IS hoạt động hiệu quả hơn, quyết liệt hơn nữa, để chiến dịch không kích thật sự tạo ra kết quả rõ rệt trước IS; cụ thể hơn là: Liệu các quốc gia Hồi giáo có thật sự "quyết tâm cao" khi tiếp tục tham gia chiến dịch hay không?

Lý do là, sự an toàn cho các phi công đang được đặt ra sau vụ hành quyết phi công Al-Kasasbeh.

UAE là một trong những quốc gia Arập Hồi giáo ở Trung Đông trực tiếp tham gia chiến dịch không kích chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Nhưng từ tháng 12/2014, quốc gia này đã tạm ngưng tham gia không kích IS. Lý do được đưa ra là do lo ngại cho sự an toàn của các phi công người UAE trong khi hệ thống cứu hộ để bảo vệ phi công khi máy bay bị bắn rơi không được bảo đảm, điển hình như phi công Al-Kasasbeh của Jordan đã bị các tay súng IS bắt sống chỉ vài phút sau khi máy bay rơi, khi lực lượng cứu hộ chưa kịp triển khai.

Quốc vương Abdullah của Jordan tuyêt bố quyết tâm chiến đấu chống IS.

UAE yêu cầu Mỹ phải cho tăng cường lực lượng cứu hộ thì mới tiếp tục tham gia không kích. Ngoài UAE, các quốc gia còn lại tham gia chiến dịch không kích vẫn tiếp tục.

Giới phân tích cho rằng, sự thiếu thống nhất trong liên minh chính là lý do quan trọng nhất khiến IS không ngần ngại hành quyết các con tin.

Mặt khác, mỗi quốc gia ở Trung Đông đều có khá đông công dân tham gia chiến đấu cùng IS ở Syria và Iraq, chẳng hạn như Jordan có 1.500 tay súng chiến đấu ở Syria, và điều này đặt ra vấn đề an ninh nghiêm trọng cho các quốc gia, có thể gây nên những cuộc tranh luận xã hội gay gắt.

Chẳng hạn, Jordan là một quốc gia Hồi giáo thân phương Tây, nhưng kể từ khi Al-Kasasbeh bị bắt đã dấy lên cuộc tranh cãi xã hội về cái giá cho việc tham gia chiến dịch quân sự chống tổ chức IS - tổ chức đang thu hút khá đông giới trẻ nước này.

Đó là chưa kể nhiều người Jordan đang lo ngại cuộc chiến mà Chính phủ Jordan tham gia sẽ tạo nên những "đám cháy" ngay trong "nhà".

Chuyện tiền bạc, chi phí cũng không thể không tính đến. Thế giới cần chi bao nhiêu tiền để có thể đánh bại được IS?

Theo tờ Newsweek, cho đến nay tổng số chi phí cho hoạt động ném bom và bắn tên lửa vào IS đã lên đến hàng tỉ USD. Con số này là không nhỏ đối với nhiều quốc gia.

Mỹ là nước dẫn đầu cuộc chiến, nhưng số tiền 5,3 tỉ USD mà Tổng thống Barack Obama yêu cầu dành cho chiến dịch chống IS trong năm 2016 vẫn đang bị tranh cãi ở Quốc hội do ông Obama chưa thể chứng minh một cách chắc chắn cho các vị nghị sĩ thấy hiệu quả mà chiến dịch có thể mang lại.

Những vấn đề đó khiến cho cuộc chiến chống IS, dù đang được "đun sôi" bởi vụ hành quyết con tin người Jordan, cũng khó đạt được mức độ hiệu quả như mong muốn.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.