Thế giới bối rối với cuộc khủng hoảng di dân

Thứ Năm, 17/03/2011, 20:50
Làn sóng người lao động nước ngoài tháo chạy cùng tình trạng bỏ xứ hàng loạt của người dân bản địa sau các cuộc khủng hoảng tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi từ hơn một tháng qua đang tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có. Theo các tổ chức quốc tế, nếu không sớm có một phương hướng giải quyết ổn thỏa thì tình hình sẽ khó kiểm soát, trước mắt có thể xảy ra khủng hoảng nhân đạo, bệnh dịch và về lâu về dài, sẽ tạo ra những vấn đề lớn cho các nước tiếp nhận.

Tâm điểm số một của làn sóng di dân hiện nay là biên giới giữa Tunisia với Libya. Theo tuyên bố của Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) thì hiện nay đã có đến 150.000 người tị nạn đến từ các nước Arập đang tràn ngập các trại tị nạn ở Tunisia, và con số người tị nạn vẫn tiếp tục gia tăng với vận tốc là 10.000 người mỗi ngày. Đặc biệt tại biên giới giữa Tunisia với Libya, nơi đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị gần đây nhất so với các nước Trung Đông và Bắc Phi, cảnh tượng người lao động nước ngoài tháo chạy cộng thêm với làn sóng di dân của người bản xứ những ngày này đang tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có.

Từ những ngày qua, tình hình bạo loạn tại Libya, nơi có trên dưới 1 triệu lao động nhập cư sinh sống, đã buộc hàng trăm nghìn người phải di tản, tìm cách chạy về nước. Ngoài lao động đến từ châu Á như người Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, đa số vẫn là dân các nước láng giềng là Ai Cập và Tunisia. Sự kiện khoảng 100.000 người bị chủ hãng bỏ rơi phải tự tìm đường hồi hương kẹt ở biên giới Tunisia và biên giới Ai Cập được LHQ mô tả là "khủng hoảng nhân đạo". Các quan chức Tunisia cho biết, trong tuần qua ít nhất 80.000 người tị nạn đã đổ về biên giới Tunisia - Libya.

Để giải quyết tình hình tại khu vực này, hiện chính phủ một số nước có người lao động tại Libya đã sang tận nơi để đưa người về nước, một số khác phải nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo, tổ chức quốc tế... Ngày 2/3, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi cần thực thi các biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng hiện nay và cho biết trong những ngày tới, LHQ sẽ triển khai các biện pháp nhằm giúp đỡ người tị nạn ở những khu vực phía đông và tây của Libya.

UNHCR cũng đã yêu cầu các quốc gia phương Tây cùng phối hợp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng ở biên giới Libya - Tunisia. Hiện UNHCR có khoảng 1.500 căn lều ở khu vực này với mục đích ban đầu nhằm cung cấp nơi nương náu cho 15.000 người tị nạn. Tuy nhiên, các lều này đã trở nên quá tải vì mỗi ngày lại có thêm nhiều người ồ ạt đổ tới khu vực biên giới. Do đó, hàng nghìn người buộc phải qua đêm trong cảnh màn trời chiếu đất và thời tiết lạnh giá để chờ đợi được di tản. Bên cạnh đó, theo ông Hovig Etyemezian thuộc UNHCR, nước và các thiết bị vệ sinh cá nhân cho họ đang là một vấn đề hết sức nan giải hiện nay.

Theo lời Bộ trưởng Y tế Tunisia, Sélim Guetari, cho tới giờ phút này dòng người chạy loạn này vẫn chưa gây ra những vấn đề bất an nào. Tuy nhiên, ông quan ngại mối nguy cơ về vấn đề an toàn vệ sinh, theo ông là cần phải giám sát chặt chẽ, mặc dù cho tới giờ phút này chưa có biểu hiện nào về dịch bệnh. Hiện tại, tình hình vẫn trong trật tự. Những người điều hành ở đây, kiệt sức sau nhiều ngày dài dằng dặc, vẫn đang cố gắng sàng lọc hành khách bằng cách dùng dây phân chia hành khách thành từng tốp 100 người.

Trước tình hình khủng hoảng ở biên giới vẫn đang tiếp diễn, ông Hovig Etyemezian nhận định: "Giải pháp duy nhất trong tình thế hiện nay là huy động thêm nhiều tàu, thuyền cũng như máy bay quân sự để sơ tán người tị nạn".

Tâm điểm thứ hai của làn sóng di dân từ cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Bắc Phi trong những ngày qua là châu Âu, mà cụ thể là Italia.

Từ nhiều năm gần đây châu Âu đã phải chứng kiến hiện tượng làn sóng di dân từ Bắc Phi bằng cách vượt biển Địa Trung Hải để đổ bộ lên một số đảo cực nam của nước Italia, nơi được coi như là điểm tiếp cận gần nhất để thâm nhập vào châu Âu. Thông thường những người vượt biển nhập cư bất hợp pháp vào các đảo miền nam nước Italia phần lớn thuộc các nước châu Phi như Somalia, Tunisia, Libya, Nigeria, nhưng cũng có khi có những người lặn lội từ các khu vực Trung Đông, hay thậm chí từ Pakistan. Nói chung đây là hiện tượng di dân để tránh nghèo đói và chiến tranh.

Nghèo đói vì họ đến từ những khu vực không phát triển và đời sống quá khó khăn, trong khi đó, qua những kênh truyền hình vệ tinh, họ cảm nhận châu Âu như là một vùng đất hứa, nơi mà hình như cuộc sống tràn ngập hàng hóa tiêu thụ và đầy hưởng thụ dễ dãi , nơi mà họ tin rằng sẽ có cơ hội đổi đời. Do đó có rất nhiều người phải bán ruộng vườn nhà cửa hay vay nợ nần để chi trả cho các băng đảng tổ chức vượt biển với hy vọng làm lại cuộc đời trên đất hứa châu Âu.

Nguyên nhân thứ hai là chiến tranh. Rất nhiều người đến từ những khu vực đầy mùi súng đạn, nơi mà cuộc sống hầu như không có ngày mai. Và họ di dân sang châu Âu chỉ với hy vọng tìm được một cuộc sống bình thường không phải chịu hãi hùng từng giây từng phút như ở đất nước của họ.

Nhìn chung thì hiện tượng di dân từ các khu vực nghèo đói và chiến tranh sang các nước Tây Âu, bằng đường hợp pháp cũng như bất hợp pháp, là một hiện tượng xã hội toàn cầu mà nguyên nhân là chính sự phân chia nguồn tài nguyên thiên nhiên (như nguồn nước, đất canh tác, dầu khí) hoặc thu nhập kinh tế bất bình đẳng giữa hai khu vực: một bên là các nước thuộc khu vực công nghệ tiên tiến và một bên là các nước kém phát triển, người lao động làm bao nhiêu cũng vẫn không đủ sống.

Nhưng trong thời gian gần đây, trước những biến cố về chính trị ở một số nước như ở Tunisia, ở Ai Cập, và gần đây nhất là ở Libya, tạo ra tình trạng xã hội bất ổn định, hiện tượng di dân từ các vùng Bắc Phi vào châu Âu đã "tăng tốc" một cách đáng ngại.

Cuộc bạo động ở Libya đã khiến cho hàng chục nghìn lao động nước ngoài phải tháo chạy đến khu vực biên giới Libya - Tunisia.

Trong vài tuần qua, gần 8.000 người Tunisia đổ bộ bất hợp pháp lên Italia. Libya, chiến lũy bảo vệ châu Âu chống nạn di dân bất hợp pháp đang bị lung lay trước sức ép của phong trào nổi dậy chống chế độ Kadhafi. Thủ tướng Pháp tuyên bố là "Pháp sẽ cứng rắn" với người nhập cư bất hợp pháp. Theo giới phân tích, mối lo ngại này nói lên sự yếu kém của châu Âu trong việc tiếp đón người di tản. Nhưng trước khi xảy ra biến cố tại Tunisia, đã có một đợt 6.000 người Tunisia, đổ lên đảo Lampedusa của Italia với hy vọng sang Pháp sau đó.

Tối 1/3, có thêm 500 thuyền nhân cập bến trong lúc còn 3 chiếc tàu khác xuất hiện ngoài khơi. Từ nhiều tuần nay, Italia cũng báo động nguy cơ xảy ra "thảm nạn nhân đạo" và làn sóng thuyền nhân Libya. Sau Italia, đến lượt Pháp kêu gọi triệu tập hội nghị thượng đỉnh tìm giải pháp chung.

Vấn đề giải quyết chuyện di tản đang là mối lo hàng đầu của chính phủ Italia. Hiện nay, Roma đang đề ra song song hai hướng giải quyết. Hướng thứ nhất là phải tìm cách làm giảm áp lực vượt biển. Để làm điều này, chính phủ Italia sẽ cho mở một ủy ban chuyên trách về vấn đề di tản có mặt ngay tại biên giới Tunisia và Libya nhằm tìm cách hỗ trợ tại chỗ người di tản. Với phương hướng này, Roma hy vọng có thể làm giảm áp lực vượt biển để tràn vào nước Italia. Phương hướng thứ hai là Italia đang kêu gọi trách nhiệm và sự cộng tác của toàn thể châu Âu trước sự báo động di tản. Để làm điều này, Italia đề nghị các nước châu Âu ngồi chung với nhau, đưa ra một phương hướng giải quyết chung và cùng trách nhiệm đóng góp thay vì chỉ để Italia một mình đứng mũi chịu sào.

Phía chính phủ Italia sẵn sàng cho phép tất cả các nước châu Âu sử dụng các căn cứ hậu cần và quân sự của Italia để cùng nhau hợp lực giải quyết vấn đề di tản. Chính phủ Italia cũng đề nghị một giải pháp dùng hải quân của các nước chung quanh Địa Trung Hải để kiểm soát các tuyến đường vượt biển nhập cư bất hợp pháp lên các đảo cực nam của Italia. Theo tính toán thì một cuộc họp châu Âu về vấn đề này sẽ được tổ chức vào ngày 11/3 này.

Thực ra thì vấn đề nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển từ Bắc Phi vào châu Âu xuyên qua các đảo cực nam của Italia cũng đã nhiều năm nay được các chính phủ Italia coi như là vấn đề chung của cả châu Âu, vì Italia được xem như là điểm tiếp cận để đổ bộ lên châu Âu. Cách đánh giá như thế cũng đã từng được các chính phủ Italia đưa ra trước Hội đồng châu Âu để bàn thảo, nhưng từ trước đến nay, nói chung, cả khối châu Âu cũng vẫn chưa có một đường hướng giải quyết cụ thể nào cả. Phía các chính phủ Italia thì phê phán châu Âu vẫn chưa thực tâm muốn lấy giải quyết, mà mọi chuyện vẫn muốn để chính phủ Italia một mình đứng mũi chịu sào.

Theo ông Nguyễn Xuân Tạo, Phó Trưởng phòng Quản lý Lao động, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho đến ngày 6/3, toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya (10.334 người) đã ra khỏi biên giới nước này. Trong đó có hơn 7.600 lao động đã về nước an toàn. Hiện số lao động Việt Nam đang tập kết tại các nước lân cận, chờ về nước là 1.200 người tại Tunisia; 650 người tại Thổ Nhĩ Kỳ; 292 người tại Algeria; 150 người tại Hy Lạp; 65 người vừa nhập cảnh Ai Cập; riêng số lao động Việt Nam sơ tán sang Malta đã về nước hết.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, dự kiến đến ngày 9/3, toàn bộ số lao động Việt Nam đang ở nước thứ ba sẽ được đưa về nước bằng đường hàng không.  Ngoài ra, hơn 1.117 lao động vẫn đang trên đường về nước bằng tàu biển, dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng trong những ngày tới.

Mộc Thạch - Hà Ninh (tổng hợp)
.
.