Thế giới trong “bóng ma Delta”

Thứ Năm, 22/07/2021, 22:30
Các loại vaccine cũng như tốc độ tiêm chủng vaccine không còn là “tấm bùa hộ mệnh” hữu hiệu dành cho các quốc gia nữa, trước sức lây lan chóng mặt của biến thể Delta virus SARS-CoV-2. Mọi kết cấu kinh tế - xã hội lại một lần nữa đứng trước nguy cơ sụp đổ và bởi vậy, những nhà lãnh đạo các quốc gia một lần nữa đứng trước lựa chọn cực kỳ khó khăn.

“Sóng thần” trở lại

Các loại vaccine chắc chắn làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong. Song, kể cả khi khẳng định như vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn buộc phải đưa ra những cảnh báo hết sức nghiêm khắc.

Nói như Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesu: “Biến thể Delta đang tấn công khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng, gây gia tăng đột biến về số ca mắc và tử vong. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng chịu những đòn tấn công giống nhau”. Ông nhận định: “Chúng ta đang ở giữa một đại dịch 2 chiều, nơi sự khác biệt - giữa những người được tiêm và chưa được tiêm vaccine, ở trong cùng một quốc gia cũng như từ quốc gia này tới quốc gia khác - là rất rõ rệt”.

Nước Pháp để ngỏ khả năng tái phong tỏa.

Diễn giải rõ hơn những gì ông nói, nữ tiến sĩ Soumya Swaminathan - một nhà khoa học thuộc WHO - phân tích: “Các báo cáo cho biết: Nhiều người tiêm chủng đầy đủ vẫn nhiễm virus, đặc biệt là nhiễm biến thể Delta. Phần lớn trong số này mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng”. Bởi vậy, WHO vẫn kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Đại dịch COVID-19, với những đặc tính này của biến thể Delta (được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và có tốc độ lây nhiễm cao hơn 40-60% so với virus gốc), gần như chắc chắn khiến thế giới không bao giờ còn có thể trở lại vận hành theo cách cũ. Khó có thể từ bỏ những chiếc khẩu trang và cũng sẽ phải hạn chế tối thiểu những lễ hội tụ tập đông người.

Bằng chứng ư? Ngay sau khi trận chung kết EURO 2020 khép lại tại sân vận động Wembley chật cứng khán giả, nước Anh thông báo có 36.660 ca nhiễm mới cùng hơn 50 ca tử vong, trong vòng 24 giờ. Những thông số liên tục duy trì ở mức ấy và đến ngày 19-7, Chính phủ Anh buộc phải nhận định rằng “làn sóng lây nhiễm thứ ba” ở đảo quốc sương mù sẽ khó có thể đạt đỉnh trước cuối tháng 8, thậm chí là kéo dài đến tận đầu tháng 9. Mặc dù, chúng ta đều biết rằng Anh - một trong những quốc gia giàu mạnh và phát triển nhất thế giới - đã có vaccine cũng như tiến hành tiêm chủng sớm như thế nào. Trước khi EURO diễn ra, đã có tới 62% công dân Anh được tiêm ít nhất 1 liều, và khoảng 45% được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ.

Sau trận chung kết EURO 2020 ở sân Wembley, nước Anh thông báo đã có 36.660 ca nhiễm mới và hơn 50 ca tử vong, trong vòng 24 giờ.

Cũng trong ngày 19-7, toàn châu Âu lần đầu tiên vượt mốc 50 triệu ca mắc COVID-19 (số liệu từ hãng thông tấn Reuters). Trong chu kỳ 8 ngày vừa qua, châu Âu ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới mỗi ngày và đã có tổng cộng 1,3 triệu ca tử vong. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định: Từ cuối tháng 9 tới, các cơ sở giải trí ban đêm và những địa điểm thu hút đông người tại Anh sẽ yêu cầu khách phải trình chứng nhận đã tiêm đủ vaccine. Trong khi đó, Chính phủ Pháp xác nhận nước Pháp đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. Tính đến thời điểm đó, Pháp đã có hơn 12.500 ca mới, trong ngày thứ ba liên tiếp số ca mới trên 10.000 trường hợp do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Nước Pháp để ngỏ khả năng tái áp đặt lệnh giới nghiêm.

Đến ngày 19-7, Indonesia - tâm dịch mới của thế giới - đã có tổng cộng 2,9 triệu ca mắc COVID-19 cùng 74.920 ca tử vong. Cho dù cũng có tới gần 2,3 triệu ca đã phục hồi thì bối cảnh tại “quốc gia vạn đảo” - nước đông dân thứ tư thế giới - hiện tại vẫn là vô cùng bi đát. Không chỉ Indonesia, toàn khối ASEAN cũng ở trong tình trạng rất đáng quan ngại. Malaysia đã phải phong tỏa toàn quốc từ một tuần trước ngày 19-7, còn Myanmar, Thái Lan và Campuchia đều liên tục ghi nhận những thông số “nguy hiểm”.

Iran lần đầu tiên phải tuyên bố: Từ 18h ngày 19-7 đến 8h ngày 26-7, toàn bộ văn phòng chính phủ và hệ thống các ngân hàng tại Tehran và tỉnh Alborz sẽ đóng cửa; giao thông vận tải bằng ô tô đến và đi từ hai địa phương nói trên đều bị cấm, trong khi các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao trên khắp cả nước cũng phải đóng cửa theo biện pháp mới ban hành. Đến nay, Iran có hơn 3,5 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 87.370 ca tử vong.

Australia tiến hành phong tỏa hai bang lớn nhất: New South Wales và Victoria, nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ. Còn ở Nhật Bản, Thế vận hội không khán giả sẽ tiếp tục diễn ra trong lo âu, khi đã có những vận động viên đầu tiên cho kết quả dương tính khi xét nghiệm COVID-19.

Nhìn toàn cảnh, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 19-7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 191.395.179 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.109.043 ca tử vong. Hơn 174,3 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 12,98 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Indonesia vượt Ấn Độ, trở thành tâm dịch lớn nhất châu Á.

Phương trình hóc búa

Ngày 19-7 cũng là một dấu mốc buồn đối với thị trường chứng khoán châu Âu, khi giá cổ phiếu giảm hơn 2%  - phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 9 tháng qua - xuất phát từ tâm trạng lo ngại của các nhà đầu tư về việc biến thể Delta dễ lây lan có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đó cũng chính là một điểm then chốt đối với các nhà lãnh đạo quốc gia toàn cầu, khi vừa phải xử lý các vấn đề nguy cấp trước mắt liên quan đến hệ lụy của bệnh dịch, vừa phải tính toán và hoạch địch những dự án chống đỡ cho các nền kinh tế không tê liệt (hoặc thậm chí là sụp đổ), như những ký ức u ám trong quá khứ gần của năm 2020.

Tất cả đều nhìn sang Mỹ - cường quốc số 1 thế giới đang được tận hưởng quãng thời gian “ung dung thư thả”, khi tình hình đại dịch COVID-19 có chiều hướng hạ nhiệt và đang hướng đến việc mở cửa trở lại cho các ngành kinh doanh trên toàn lãnh thổ.

Song, cũng chính ở nước Mỹ, giới chức y tế Mỹ vẫn cảnh giác cao độ trước một cạm bẫy, đối với mục tiêu khống chế dịch bệnh: Những người chưa được tiêm chủng có thể cho phép virus đột biến thêm, cũng như có khả năng sinh ra nhiều biến thể lây truyền nguy hiểm hơn.

Israel đã triển khai tiêm liều vaccine thứ ba cho công dân.

Theo tiến sĩ Michael Saag, giáo sư y khoa và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama: “Những người chưa được tiêm chủng, về cơ bản, là bia đỡ đạn của virus SARS-CoV-2. Virus cần người lây nhiễm để nhân rộng và càng có nhiều người dễ bị tổn thương hoặc dễ bị lây nhiễm, nó càng có nhiều khả năng đột biến”. Theo hãng CNN, tính đến ngày 14-7, có 46 bang ở Mỹ ghi nhận sự gia tăng ít nhất 10% các trường hợp mắc COVID-19. Giới chức Mỹ đã đưa ra khuyến cáo về hoạt động đi lại tại một số tiểu bang, trong đó có Nevada và Florida, vì số ca nhiễm virus gia tăng, cảnh báo những người muốn đến đây nghỉ hè hãy cân nhắc.

Cũng chính vì vậy, nước Anh - một hình mẫu khác của thế giới - lại đang trở thành tâm điểm chỉ trích của giới khoa học quốc tế. Ngày 16-7, các nhà khoa học hàng đầu thế giới cùng cố vấn chính phủ của các nước đã lên tiếng cảnh báo Anh đang đi tới thảm họa khi dự định cho dỡ bỏ toàn bộ các lệnh hạn chế chống COVID-19. 1.200 nhà khoa học cùng ký vào một bức thư được đăng tải trên tạp chí y học danh tiếng Lancet. Trong thư, giới khoa học khẳng định kế hoạch mở cửa ồ ạt của Thủ tướng Boris Johnson là “quá sớm và nguy hiểm”.

Trước đó, chuyên gia dịch tễ lâm sàng Deepti Gurdasani khẳng định: Cả thế giới đang dõi theo một cuộc khủng hoảng bùng phát ở Anh mà “đáng lẽ đã có thể tránh được”. Cùng chung quan điểm, giáo sư Michael Baker, thành viên nhóm cố vấn của Bộ Y tế New Zealand khẳng định ông “ngạc nhiên” khi biết thông tin về kế hoạch của Anh dỡ mọi lệnh hạn chế COVID-19 từ ngày 19-7. Theo ông Baker, có vẻ như Chính phủ Anh đã dịch chuyển hẳn sang cách tiếp cận về miễn dịch cộng đồng, điều mà ông cho là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi chiến lược này đã thất bại thảm hại trên phạm vi toàn cầu.

“Ngày Tự do” 19-7 của nước Anh - “thảm họa” trong mắt giới khoa học quốc tế.

Bất chấp, London vẫn theo đuổi kế hoạch và ngày 19-7 vẫn trở thành “Ngày tự do”. Từ 23h ngày 18-7 theo giờ GMT (tức 6h ngày 19-7 giờ Việt Nam), các hộp đêm ở Anh được mở cửa trở lại và những cơ sở kinh doanh trong nhà khác được phép hoạt động đủ công suất. Các quy định bắt buộc đeo khẩu trang và làm việc tại nhà cũng được dỡ bỏ. Chính quyền các khu vực còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh (United Kingdom) là Scotland, Wales và Bắc Ireland sẽ đưa ra những chính sách riêng.

Như vậy, đi theo tiếng gọi của lợi ích kinh tế, nước Anh đã chấp nhận mạo hiểm. Chính phủ Anh khẳng định họ có thể xử lý được bất cứ rủi ro nào đối với hệ thống y tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo số ca mắc mới tại Anh có thể tăng lên mức cao kỷ lục 100.000 ca/ngày, bởi sức lây lan của biến thể Delta là khôn lường.

Chiếc phao cuối cùng để Anh, cũng như những quốc gia hay vùng lãnh thổ lựa chọn đi theo con đường ấy của nước Anh, cuối cùng cũng vẫn chỉ là việc đẩy mạnh và hoàn tất tiến trình tiêm chủng vaccine. Vấn đề là, không ai dám chắc rằng việc một cá nhân tiêm đủ hai liều vaccine như hiện tại đã có thể được xem là tuyệt đối an toàn hay chưa. Thực tế, Israel hoặc Brazil, quá lo lắng về bối cảnh dịch bệnh hiện tại, đã bắt đầu lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ ba cho các công dân mắc bệnh nền phức tạp của mình…
Mây Linh
.
.