Thế giới trước nguy cơ bất ổn vì đói nghèo

Thứ Sáu, 21/01/2011, 16:50
Liên tiếp trong những tuần lễ vừa qua, bạo loạn đã diễn ra tại Algeria và Tunisia vì giá lương thực gia tăng. Đúng lúc này, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo: Tình trạng giá cả lương thực trong những tháng gần đây không ngừng gia tăng đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái xuất hiện những vụ bạo loạn vì đói như đã từng xảy ra cách đây 2 năm ở nhiều nước đang phát triển.

Ngày 8/1 vừa qua, truyền thông Nhà nước Algeria loan báo có ít nhất 2 người thiệt mạng và 300 người bị thương trong những vụ bạo loạn vì giá lương thực gia tăng. Bạo loạn bắt đầu vào chiều ngày 6 và 7/1. Thông tấn xã Nhà nước Algeria, APS, cho biết vụ chết người đầu tiên xảy ra hôm 7/1 tại vùng M'Sila, phía đông nam thủ đô Algiers. Một người biểu tình bị cảnh sát bắn khi những người bạo loạn cướp phá các tòa nhà chính phủ, ngân hàng, bưu điện... Một người biểu tình thứ hai bị thiệt mạng trong vụ bạo loạn xảy ra tại thị trấn Bou Smail, cách thủ đô 40km về phía tây.

Xáo trộn tại Algeria bắt đầu sau khi giá cả các loại hàng thông dụng như bột mỳ, đường và dầu gia tăng đột ngột. Những người biểu tình cũng đổ lỗi cho chính sách của chính phủ làm gia tăng thất nghiệp và những vấn đề kinh tế khác dù Algeria giàu về dầu mỏ và khí đốt.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Tunisia, những cuộc biểu tình bạo động về thất nghiệp đã làm nhiều người thiệt mạng. Chính phủ Tunisia cho hay 14 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh. Tunisia đang hứng chịu một làn sóng bạo động chưa từng có trước đây do nạn thất nghiệp và giá lương thực tăng cao.

Bạo loạn tại quốc gia Bắc Phi này đã bột phát vào tháng trước khi một sinh viên 26 tuổi tốt nghiệp cao học ở thành phố miền Trung Sidi Bouzid không thể tìm được việc làm đành phải đi bán hàng rong lại còn bị cảnh sát tịch thu hàng hóa nên đã tự thiêu. Những vụ xuống đường phản kháng của giới học sinh, sinh viên, và giới trẻ phẫn nộ đã bột phát mạnh và lan rộng thành phong trào chống đối Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali trong 23 năm cầm quyền của ông tại nước này.

Theo FAO, tình hình ngũ cốc chưa đến mức độ căng thẳng như thời kỳ 2007-2008. Vào lúc đó, giá cả lương thực tăng nhanh đã là nguyên nhân của các vụ bạo loạn chống lại giá cả đời sống đắt đỏ và nạn lạm phát, ở khoảng 30 quốc gia trên thế giới, chủ yếu ở châu Phi và Haiti. Mọi chuyện sẽ tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, không nên loại trừ những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra trong những tháng tới. Thời tiết thất thường ảnh hưởng đến các vụ thu hoạch tại nhiều nước sản xuất lương thực chủ chốt là nguyên nhân hàng đầu làm cho giá cả tăng nhanh.

Ông Jean Denis Crola, phụ trách vấn đề lương thực và nông nghiệp của Tổ chức Oxfam, Pháp, nói với Hãng tin AFP rằng, tình hình cực kỳ căng thẳng và có thể nhanh chóng xấu đi. Tất cả các chỉ số đều ở tín hiệu đỏ.

Công ty Thẩm định rủi ro thị trường nông sản quốc tế (Agritel) cho rằng, tình trạng ngập lụt chưa từng thấy tại Australia ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến chất lượng ngũ cốc và giá 1 tấn ngũ cốc có thể sẽ lên tới 300 euro trong năm nay. Trong khi đó, Nga, một trong những nước sản xuất lúa mỳ nhiều nhất thế giới, lại đình chỉ xuất khẩu, sau những vụ hỏa hoạn hồi mùa hè vừa qua.

Còn tại Canada, trời giá rét làm sản xuất nông nghiệp giảm đến hơn 17%. Các chuyên gia của Agritel thẩm định: giá nguyên liệu lương thực, thực phẩm có xu hướng tiếp tục tăng ngay từ đầu năm 2011. Hiện tượng này một phần là do nhu cầu của Trung Quốc không hề giảm và những lo ngại về hạn hán tại Argentina. Do đó, tình trạng giá cả lương thực cao tiếp tục kéo dài có thể tạo nên những căng thẳng trong dân chúng ở những nước nghèo.

Bạo loạn vì giá lương thực tăng ở thủ đô Algiers.

Nếu như hoạt động nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết thì giá cả lương thực trên thị trường quốc tế còn bị chi phối mạnh mẽ bởi hoạt động đầu cơ. Theo ông Ambroise Mazal, thuộc Ủy ban Công giáo chống nạn đói, vì sự phát triển (CCFD), được báo Le Monde, Pháp, trích dẫn, nạn đầu cơ tại các thị trường nông sản là một thực tế: "Chỉ cần có một sự kiện thời tiết nào đó xảy ra, thì các đối tác trên thị trường tiến hành đầu cơ ngay".

Trong khi đó, chính quyền các nước lại phó mặc cho thị trường điều tiết. Ngoại trừ Trung Quốc, hầu như không có một quốc gia nào lập các kho dự trữ để phòng ngừa các cú sốc. Chuyên gia này nhắc lại rằng, vào năm 2008, do dự trữ không đủ nên đã không thể kìm giữ được giá cả lương thực tăng nhanh.

Trong cương vị Chủ tịch G20, Pháp đặt vấn đề điều tiết nguồn nguyên liệu trên thị trường là một trong những ưu tiên của mình. Paris muốn thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc xây dựng các kho dự trữ tối thiểu và phải minh bạch hóa tình trạng dự trữ, qua đó, ngăn chặn nạn đầu cơ. Rhee Chang-yong, người đại diện của Hàn Quốc tại cuộc họp mới đây của khối G20 nói rằng, các cuộc thảo luận hiện đang diễn ra nhằm mục đích cải thiện sự hợp tác toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm trước một hội nghị thượng đỉnh do Pháp tổ chức vào thời gian tới đây.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vừa yêu cầu Ngân hàng Thế giới hãy nhanh chóng có cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng giá cả thực phẩm. Thế nhưng, giới chuyên gia cảnh báo, không thể chi phối thị trường nông sản bằng những quy định. Vấn đề cơ bản là phải thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo và các nước đang phát triển

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.