Thể thao và uy tín quốc gia

Thứ Ba, 14/12/2004, 07:19

Việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài thể thao luôn là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc làm đó vì mục đích Kinh tế, chính trị hay một lý do nào khác?

Lịch sử Thế vận hội từng ghi lại trường hợp: Năm 776 trước CN, Tibériade, một vận động viên mới 13 tuổi, đã giành trọn ba phần thưởng cho cả ba môn nhảy cao, đấu quyền và vật. Từ thời Hy Lạp cổ đại, thể thao không chỉ là một hoạt động thể chất mà còn phục vụ cả những ý đồ chính trị: trẻ em và người lớn tập luyện thể thao để tăng cường sức mạnh cơ thể chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh.

Ngày nay, tham gia vào đấu trường thể thao quốc tế chính là đấu tranh vì màu cờ sắc áo. Ngay từ năm 1928, thành phố Moskva đã tổ chức các cuộc thi đấu thể thao trong khuôn khổ học đường nhằm chọn ra nhân tài cho đất nước. Từ đó trở đi, trường học trở thành vườn ươm tài năng cho Liên Xô cũ. Những người có năng khiếu thực sự sau khi được phát hiện sẽ được định hướng vào các “xưởng sản xuất ra các nhà vô địch” ngay từ tuổi mẫu giáo. Những đứa trẻ này buộc phải có chế độ tập luyện thường xuyên.

Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã sử dụng phương pháp này tới năm 1989. Song ở các nước phương Tây, chẳng hạn ở Mỹ, từ năm 1978, đã có nội dung chạy marathon cho những đứa trẻ mới... 4 tuổi. Năm 1994, nước Úc đã khởi xướng một chương trình nhằm phát hiện nhân tài cho lứa tuổi từ 14 đến 16 trong 7 môn: điền kinh, bơi xuồng, đua xe đạp, cử tạ, bơi, bóng nước và thi ba môn phối hợp. Sáu năm sau, đất nước 20 triệu dân này đã gặt hái được 58 huy chương Olympic tại Thế vận hội Sydney 2000, trong đó 33 huy chương thuộc về 7 bộ môn thuộc diện “phát hiện” trên. Học tập mô hình này, Trung Quốc bắt tay vào công cuộc tìm kiếm HCV cho đội bóng tham dự Đại hội thể thao Olympic được tổ chức ở Bắc Kinh năm 2008 bằng cách tuyển chọn một đội hình các cầu thủ từ 30 triệu đứa trẻ ở lứa tuổi trên 12.

Trong cuộc chạy đua giành huy chương này, nước Pháp là một trường hợp ngoại lệ vì việc phát hiện nhân tài ở trong trường học bị cấm triệt để và chỉ được phép tiến hành trong các câu lạc bộ, hiệp hội thể thao... Tuy nhiên, vài năm gần đây, những phương pháp lựa chọn nhân tài của Mỹ đã bắt đầu du nhập vào Pháp. Các thương hiệu thể thao như Reebok, Nike... đã tổ chức các cuộc tuyển chọn ồ ạt trong giới trẻ Pháp, từ đó cho phép phát hiện những ai không thuộc các câu lạc bộ, hiệp hội thể thao...

Phát hiện nhân tài dựa vào đâu?

Trên thực tế, một số bộ môn thể thao có sự liên hệ chặt chẽ giữa năng lực trong thể thao và đặc điểm hình thể. Bằng chứng là đối với tất cả các nữ vận động viên thể dục thẩm mỹ tham dự Olympic đều có chung một số điểm là ít mỡ, cơ thể săn chắc, chân dài, xương chậu hẹp. Như vậy, người ta không phải sinh ra để có thể tham gia tất cả các môn thể thao mà phải tùy thuộc vào cấu trúc hình thể bẩm sinh.

Chính vì vậy, tất cả mọi số đo cơ thể của các ứng cử viên cho các môn thể thao đỉnh cao đều được sàng lọc kỹ lưỡng để từ đó hình thành một mô hình vận động viên lý tưởng về trọng lượng, kích thước,... và sau đó là những bài kiểm tra khả năng thể chất. Các  tiêu chuẩn lựa chọn đó mặc dù rất quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Vấn đề tâm lý vẫn đóng vai trò quyết định.

Jean Claude Pineau cho biết: “Trong số các nhà vô địch trẻ tuổi, một số người có thể nhờ vào những yếu tố thiên bẩm về thể chất để chinh phục những đỉnh cao trong thể thao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được điều đó”. Bằng chứng là sự quyết tâm trong thi đấu, hăng say trong tập luyện mới là những ưu thế của một nhà vô địch tương lai.

Vận động viên golf Endrick Woods bắt đầu sự nghiệp luyện tập môn thể thao quý tộc này từ năm 2 tuổi dưới sự khích lệ và dẫn dắt của cha mình. Năm 15 tuổi, cậu bé đã trở thành nhà vô địch nghiệp dư trẻ nhất nước Mỹ. Năm 16 tuổi, cậu tham gia vào sân chơi của các bậc đàn anh chuyên nghiệp. Thành công đó là nhờ Endrick có một ý chí quyết tâm cao, một động lực mạnh mẽ từ người cha và một cơ thể lý tưởng cho môn thể thao này. Serena và Venus William luôn nhận được sự cổ vũ của cha mình.

Những người hùng của sân vận động và câu lạc bộ là nguồn cổ vũ lớn đầu tiên cho lớp trẻ. Ước mơ của chúng là được bằng những bậc đàn anh, đàn chị và được ghi tên vào danh sách các nhà vô địch trên đấu trường quốc tế. Trong vòng 7 năm trở lại đây, các danh hiệu vô địch thế giới của Pháp đã lôi kéo được sự tham gia của 100.000 đứa trẻ.

Tuy nhiên, không hiếm trường hợp một đứa trẻ không muốn trở thành một nhà vô địch sẽ tìm mọi cách né tránh. Trước 12 tuổi, đứa trẻ chỉ có một mục tiêu là làm hài lòng cha mẹ. Sau 12 tuổi, đứa trẻ sẽ lật lại vấn đề của cha mẹ và khẳng định ước muốn riêng của mình. Nếu thể thao đỉnh cao không phải là mục tiêu của nó thì nó sẽ chững lại, không muốn thi đấu và để mặc cho thất bại mà không có chút cố gắng. Thực tế, rất nhiều đứa trẻ tài năng lại không thể thành công ở tuổi trưởng thành. Những đứa trẻ không đạt được kết quả như người ta dự báo thường sợ thất bại, sợ đối mặt với đối thủ mạnh hơn mình hay đôi khi sợ cánh nhà báo "săn lùng" để viết bài, chụp ảnh

Nguyễn Phương (Theo Science)
.
.