Thế trận Nga - phương Tây

Thứ Ba, 06/05/2014, 15:05

Xem xét những chuẩn bị trên tất cả các mặt trận từ cả phía Nga và phương Tây có thể thấy cuộc đối đầu Đông - Tây tại Ukraina trong thời gian tới sẽ vô cùng gay cấn và dai dẳng.

Ukraina chìm sâu trong bạo động

Trong hai ngày 23 và 24/4, bạo động đã bùng phát dữ dội tại miền Đông Ukraina sau khi Chính phủ Kiev mở lại chiến dịch đàn áp người biểu tình thân Nga đang trấn giữ các cơ sở công quyền trong nhiều ngày qua.

Theo AFP, an ninh Ukraina đã lấy lại được Tòa thị chính thành phố cảng Marioupol. Cuộc tấn công diễn ra vào 3h sáng ngày 24/4, vụ đụng độ khiến 5 người bị thương.

Còn tại miền Đông Ukraina, quân đội chính phủ bắt đầu cuộc tiến công lấy lại thành phố Slaviansk, có hơn 100.000 dân, nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai thân Nga từ vài ngày nay. Tờ mờ sáng 24/4, khoảng 100 người đã tấn công vào một căn cứ quân sự Ukraina tại Artemivsk, một thị xã 80.000 dân, thuộc vùng Donetsk. Cuộc tấn công đã bị lực lượng an ninh Ukraina đẩy lui.

Trong khi đó, cuộc tấn công vào thành phố Straviansk của quân đội Ukraina khiến 5 thành viên lực lượng ly khai thân Nga thiệt mạng.

Đến tối ngày 24/4, báo Kiev Post dẫn lời một nguồn tin từ Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraina đưa tin: Lãnh đạo Ukraina đã quyết định tạm ngừng chiến dịch chống khủng bố tại Slaviansk, do có thông tin Nga đưa quân áp sát biên giới. Nga đang tiến hành một đợt tập trận mới ở biên giới với miền Đông Ukraina, để đáp trả việc Kiev mở chiến dịch tái chiếm lại cơ sở công quyền ở miền Đông nước này. Trước đó, Tổng thống Nga tuyên bố chiến dịch của Kiev tại miền Đông là "một tội ác nghiêm trọng" và điều này sẽ để lại "các hậu quả".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoygu tuyên bố, do chính quyền Ukraina triển khai chiến dịch chống lại các lợi ích của Nga tại miền Đông, các đơn vị chiến thuật của quân đội Nga thuộc hai Quân khu Tây và Nam đã bắt đầu các cuộc tập trận tại vùng giáp ranh biên giới với Ukraina.

"Nếu ngày hôm nay cỗ máy quân sự này không dừng lại, sẽ có nhiều người chết và bị thương. Chúng tôi sẽ buộc phải có phản ứng trước diễn biến tình hình như vậy" - Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố.

Thủ tướng Medvedev tuyên bố tại Duma quốc gia: Nga đủ khả năng đối phó với cấm vận của phương Tây.

Chiến dịch "chống khủng bố" tại khu vực Đông Nam Ukraina được mở lại từ đêm 22/4 theo lệnh của quyền Tổng thống Alexandr Turchynov. Quyết định trên của chính quyền Kiev đồng nghĩa với việc thỏa thuận Geneve ký giữa Nga, EU, Mỹ và Ukraina cách đây một tuần đã tan thành mây khói. Chiến dịch "chống khủng bố" là cách mà chính quyền Ukraina dùng để trấn áp những người biểu tình thân Nga đang trấn giữ các trụ sở chính quyền ở một số tỉnh miền Đông Nam Ukraina.

Chiến dịch này mở màn từ ngày 13/4 sau khi người biểu tình quyết không rời bỏ những nơi chiếm đóng bất chấp tối hậu thư của Tổng thống Alexandr Turchynov. Đến ngày 17/4, sau khi thỏa thuận Geneve được ký kết, hoạt động "chống khủng bố" này tạm ngưng vì lý do… nghỉ Lễ Phục sinh.

Sự quyết tâm của chính quyền Kiev trong chiến dịch đàn áp người biểu tình thân Nga được giải thích bằng tuyên bố ủng hộ toàn diện đối với chính quyền Ukraina của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang ở thăm Kiev.

Phát biểu trước Quốc hội Ukraina ngày 22/4, Phó Tổng thống Joe Biden nói: "Chúng tôi không dám quả quyết sẽ đáp ứng tất cả cho quý vị. Nhưng chúng tôi muốn đứng bên cạnh quý vị để đối phó với những mối đe dọa nhục nhã nhằm chia cắt Ukraina".

Trước đó ngày 16/4, Hãng tin Nga Itar-tass đưa tin FBI, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử chuyên gia tới Ukraina giúp Kiev về an ninh, cảnh sát, nội vụ và quan hệ quốc tế. Theo Itar-tass, do lực lượng an ninh Ukraina không có khả năng thu thập thông tin tại khu vực Đông Nam nên vấn đề này hiện do Phòng Tùy viên quân sự Mỹ tại Ukraina đảm trách.

Trong một cuộc phỏng vấn với Truyền hình Czech (CT24,) cựu Tổng thống Czech Vaclav Klaus phát biểu rằng, cuộc khủng hoảng Ukraina được Mỹ và EU kích động do họ quá sốt sắng trong việc lôi kéo quốc gia này về phía phương Tây.

Ông Vaclav Klaus tin rằng, lúc này cần phải ngừng gây áp lực với Ukraina để đất nước này có cơ hội tự quyết định vận mệnh tương lai. Nếu không, cái mà châu Âu nhận được sẽ là một cuộc nội chiến lớn kề sát mình. Chuyện như vậy hoàn toàn không nằm trong sự mong đợi của phương Tây.

Phương Tây dàn trận chống Nga

Trước sự đổ vỡ của thỏa thuận Geneve và sự gia tăng đối đầu tại Ukraina, phương Tây đang chuẩn bị mọi phương án cho một cuộc đối đầu sẽ có phần cam go và dai dẳng với Nga trong thời gian tới.

Ngày 20/4, tờ New York Times đưa tin: Tổng thống Barack Obama cùng các cố vấn an ninh quốc gia đang xét đến một sách lược lâu dài đối với Nga. Theo tờ báo, đây là một phiên bản cập nhật của chiến lược ngăn chặn thời Chiến tranh lạnh. Cụ thể giống như quyết định của Mỹ nhằm ngăn chặn sự mở rộng của Liên Xô sau Thế chiến II.

Tổng thống Obama đang tập trung vào việc cô lập nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, bằng cách cắt các quan hệ kinh tế lẫn chính trị của Nga với thế giới. Sách lược này cũng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga với các nước láng giềng, đồng thời làm cho Nga trở nên suy yếu.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk trong cuộc họp ở Kiev ngày 22/4.

Một phụ tá của ông Obama được New York Times dẫn lời cho biết, cho dù đạt được một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề Ukraina hiện nay, Tổng thống Obama sẽ không còn duy trì mối quan hệ xây dựng với ông Putin nữa. Minh chứng cho suy nghĩ này có thể thấy được trong việc Tổng thống Obama sắp chọn một tân đại sứ của Mỹ ở Moskva.

Tuy chưa chính thức, nhưng Nhà Trắng đang chuẩn bị bổ nhiệm ông John F. Tefft, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trước đây từng làm đại sứ ở Ukraina, Georgia và Lithuania, vốn là những quốc gia thuộc Liên Xô cũ và sẽ làm Nga tức giận không ít. Ðồng thời, Nhà Trắng cũng sẵn sàng với danh sách các nhân vật và định chế khác của Nga sẽ chịu biện pháp chế tài, và sẽ đem ra áp dụng trong thời gian tới, nếu Moskva không tuân thủ theo thỏa thuận đạt được ở Geneve hôm 17/4 và gia tăng áp lực với chính quyền Kiev.

Nhằm trấn an các nước đồng minh NATO trong thời điểm căng thẳng Nga - Ukraina đang leo thang, ngày 23/4, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết 600 binh sĩ của nước này đã và đang được gửi tới Ba Lan và vùng Baltic. Theo AFP, khoảng 150 binh sĩ thuộc Lữ đoàn lính dù 173 của quân đội Mỹ đóng ở Vicenza (Italia) đã đến Ba Lan trong ngày 23/4. Khoảng 450 binh sĩ khác sẽ đến đóng ở Estonia, Lithuania và Latvia trong vài ngày tới để tham gia các cuộc tập trận từ nay tới cuối năm.

Kể từ khi khủng hoảng Ukraina nổ ra, Mỹ đã triển khai 12 máy bay chiến đấu F-16 đến Ba Lan. Lầu Năm Góc cho biết không loại trừ khả năng sẽ tổ chức các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự tại những nước NATO khác trong khu vực. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, việc triển khai binh sĩ là sự thể hiện cam kết của Mỹ tại châu Âu.

Ông Kirby cũng mô tả đây là "thông điệp" mà Washington muốn gửi đến Moskva. Đó là "Mỹ rất nghiêm túc trong việc thực hiện các nghĩa vụ an ninh tại châu Âu".

Cũng trong ngày 23/4, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định điều 5 tàu phá mìn tới khu vực biển Baltic. Một động thái được cho là thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của NATO giữa cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Đội 5 tàu phá mìn của NATO được điều đến từ các nước thành viên là Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Estonia. Các tàu phá mìn này sẽ tiến hành các cuộc tập trên dưới sự chỉ huy của Na Uy cho tới cuối tháng 5, sau đó Đức sẽ tham gia và nắm quyền chỉ huy các hoạt động tiếp theo của đội chiến hạm này.

Đại tá Arian Minderhoud, Bộ chỉ huy Các chiến dịch Hải quân NATO, cho biết: "Những gì chúng tôi đang làm là một phần của một gói các hành động để cho thấy giải pháp của NATO, cũng như cho thấy sự sẵn sàng của NATO trong việc hỗ trợ các thành viên NATO.

Nga chuẩn bị mọi phương án đáp trả phương Tây

Dường như ý thức được "mưu đồ" của phương Tây, liên tiếp trong những ngày qua, Nga đã tiến hành chuẩn bị trên mọi mặt trận.

Hôm 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành phiên họp thảo luận về các vấn đề hiện tại của nền kinh tế đất nước. Ông Putin nhấn mạnh rằng, bất kể sự trì trệ tại các nước phương Tây, Nga vẫn thành công với xu thế năng động tích cực. Tổng thống Nga tuyên bố, Moskva đủ khả năng giảm thiểu ảnh hưởng của lệnh cấm vận này và sẽ hỗ trợ cho những khu vực công nghiệp nào của Nga phải lệ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài.

Ông Putin trấn an: Các biện pháp cấm vận ấy là dịp để Nga cắt giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu và những ưu tiên kinh tế của Nga vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, nguyên thủ Nga cũng cho biết Moskva sẽ không từ bỏ việc hợp tác với những công ty ngoại quốc, kể cả các nước phương Tây.

Cùng ngày, phát biểu với báo cáo thường niên tại Duma Quốc gia, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết tổ hợp vũ khí Liên bang Nga sẽ không bị ảnh hưởng vì các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ; Nga sẽ tăng xuất khẩu vũ khí cho các quốc gia ở châu Phi và Mỹ Latinh. Ông Medvedev cũng nói rằng, Nga có quan hệ thương mại dầu khí tốt với châu Âu. Nhưng Moskva cho rằng, giao thương hướng châu Á - Thái Bình Dương cũng rất có lợi, đặc biệt là với Trung Quốc và Nhật Bản. Nga là một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU. Khí đốt của Nga sang châu Âu có quá cảnh qua Ukraina.

Ngày 17/4, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi các nhà chức trách EU ngay lập tức áp đặt biện pháp trừng phạt với các công ty năng lượng của Nga hoạt động tại thị trường châu Âu, để ngăn chặn việc xây dựng đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Nam", xem xét lại và có thể đình chỉ mọi thỏa thuận với Nga.

Về mặt quân sự, hôm 23/4, Bộ Quốc phòng Nga đã bất ngờ kiểm tra trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tàu tại Đội Caspi trong cuộc diễn tập tác chiến kéo dài 7 ngày. Những đợt kiểm tra đột xuất về trình độ sẵn sàng chiến đấu của tàu hải quân cũng tiến hành trong phạm vi các khu vực đầu mối giao thông hàng hải của Nga.

Trên mặt trận ngoại giao, tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kết thúc một vòng công du châu Á. Ngoại trưởng Nga đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Putin vào tháng tới. Đây là một trong những động thái của Moskva nhằm thúc đẩy trở lại việc mở rộng hợp tác và thắt chặt quan hệ với toàn khu vực châu Á, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam, Malaysia.

Cuối cùng, Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đưa ra các đe dọa mới buộc Kiev phải trả tiền trước mới nhận được khí đốt. "Việc Ukraina không trả tiền là không thể chấp nhận được" - thông báo của Gazprom. Dù đây vẫn là các đe dọa bằng lời, nhưng chúng ngày càng trở nên cụ thể hơn.

Nước Nga đã và đang chuẩn bị để đón nhận một đợt trừng phạt mới của phương Tây mà như lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ sẽ rất khắc nghiệt và dai dẳng

M.T. - Đan Kô (tổng hợp)
.
.