Thêm một cô gái biến thành bà lão: Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai mắc nhiều chứng bệnh?

Thứ Hai, 31/10/2011, 14:30
Những ngày vừa qua, trong khi dư luận xã hội đang quan tâm đến trường hợp của chị Nguyễn Thị Phượng (26 tuổi), quê ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, sau khi mắc một chứng bệnh lạ đã biến thành một bà già, thì báo giới lại thu hút sự chú ý bởi thông tin ở khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, Tp Hội An (Quảng Nam) cũng xuất hiện một trường hợp tương tự...

Điều làm dư luận bất ngờ hơn là ở tuổi 27, không chỉ gương mặt mà toàn thân cô gái đều bị lão hóa như người 60 tuổi. Nhìn thấy cô gái ngồi co ro trước rất nhiều người lạ, ai cũng thấy nghẹn lòng. Cô gái bất hạnh ấy có cái tên thật đẹp: Nguyễn Thị Ngọc Mai, sinh ngày 28/2/1984.

Mấy hôm nay, gia đình Mai liên tục tiếp các nhà báo và đoàn bác sĩ của Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng đến để chia sẻ và thăm khám cho Mai. Hơn thế nữa, cả khu phố nơi nhiều năm qua gia đình Mai sinh sống cũng vui hẳn lên khi mọi người biết được rằng sau khi báo chí phản ánh hoàn cảnh của Mai, lãnh đạo và đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng đã nhận Mai đến để kiểm tra, chẩn đoán và chữa trị miễn phí. Những người thân của Mai vô cùng xúc động đến không thể nói thành lời.

Bà Nguyễn Thị Mứt (50 tuổi - mẹ ruột Mai) bảo rằng, mấy hôm nay, Mai như người được uống thuốc tiên, vui vẻ hẳn ra và rất hay cười. Hỏi sự tình vì sao Mai ra nông nỗi thế này, bà Mứt tay bồng đứa con gái lớn của Mai, rơm rớm nước mắt kể: Khi Mai đang học học kỳ 2 của lớp 5 ở Trường tiểu học Lý Tự Trọng - Hội An thì bỗng dưng ngã bệnh. Lúc đầu chỉ là những nốt mẩn đỏ trên da, sau giờ học về nhà Mai thường kêu ngứa ngáy khó chịu, rồi tiếp đó các nốt mẩn đỏ mọc tràn ra toàn thân. Một thời gian sau, khuôn mặt Mai cứ mỗi ngày thêm biến dạng, sưng tấy và xuất hiện những vết nhăn nheo.

Gia đình chạy vạy đưa Mai đến khám ở Khoa Da liễu Bệnh viện Hội An, rồi Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng rất nhiều lần. Sau mỗi lần  khám bệnh, bác sĩ bảo rằng Mai bị… phong ngứa mề đay, cứ uống thuốc rồi sẽ khỏi. Mua thuốc uống theo toa, nhưng càng uống tình hình càng thêm bi đát, cơ thể Mai bị lão hóa rất nhanh và sức khỏe cứ mỗi ngày thêm suy kiệt. Ai chỉ uống thuốc gì gia đình cũng tìm mua cho Mai, thuốc Bắc có, thuốc Nam có, nhưng tất thảy đều không mang lại kết quả. Từ đó, bạn bè cùng trường, lớp dù thân hay không đều xa lánh và càng oái oăm hơn khi từ trường học đến nơi cư ngụ bắt đầu xuất hiện tin đồn: Mai bị nhiễm HIV/AIDS! Không thể chịu đựng nổi trước những tin đồn và sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, Mai đã nghỉ học.

Chứng minh nhân dân của Nguyễn Thị Ngọc Mai.

Mai kể rằng, sau khi nghỉ học ở nhà để chữa bệnh một thời gian, Mai đã xin đi học nghề may, rồi sau đó đến làm công cho một cửa hiệu chuyên may đồ cho khách du lịch. Suốt 7 năm làm việc ở đó, chủ hiệu may đều mua bảo hiểm cho nhân viên rất đàng hoàng, nhưng mỗi lần đi khám bệnh là các nhân viên bệnh viện lại nghi ngờ em mượn bảo hiểm của người khác chứ làm chi có chuyện mới ngoài 20 tuổi mà nhìn người như bà lão 60 tuổi thế này. Hơn một năm nay, chủ cửa hiệu cho Mai thôi việc, bảo hiểm cũng bị cắt, nên Mai chỉ biết quanh quẩn với những công việc lặt vặt trong nhà để chống chọi với bệnh tật. Mai bảo, đã hơn hai năm rồi, em chưa một lần dám soi gương để ngắm gương mặt của mình vì bệnh của em ngày càng nặng.

Năm 22 tuổi, nghe nhiều người nói rằng bị bệnh như Mai đôi khi lấy chồng, sinh con để thay máu là khỏi bệnh. Qua sự mai mối của người quen, Mai tìm hiểu rồi nên duyên chồng vợ với một người cùng quê là anh Trần Thanh Thương (35 tuổi). Chồng Mai là một người có tiền sử bệnh tâm thần, lúc nhớ lúc quên, không có nghề nghiệp ổn định, khi khỏe thì chạy xe ôm để kiếm tiền đỡ đần giúp vợ, nhưng khi bệnh tình tái phát thì chỉ ở nhà sống nhờ vào gia đình hai bên nội ngoại. Cũng may, vợ chồng cảnh ngộ như vậy nhưng năm 2007 Mai sinh được một bé gái, đến năm 2009 lại có thêm một bé trai, cả hai cháu đến nay đều rất khỏe mạnh. Mai kể, có nhiều khi uống thuốc vào là người bị phù lên rất khó chịu, các khớp xương đau nhức không đi được mà phải di chuyển bằng cách bò lê dưới đất. Mai buồn lắm.

Dường như, trời biết chiều lòng người. Sau khi một số cơ quan truyền thông đưa vấn đề của Mai ra công luận, bác sĩ Trần Văn Long - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng đã triệu tập một cuộc họp chuyên môn và đi đến thống nhất bệnh viện sẽ cử một đoàn cán bộ của mình đến tận nơi để thăm khám cho Mai và đưa cô về Đà Nẵng để các chuyên gia về da liễu, nội tiết tiếp tục khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Ngay sau khi Mai nhập viện, các bác sĩ của Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng đã lấy hàng chục mẫu xét nghiệm về công thức máu, chức năng gan thận, nội tiết, sinh thiết da, sinh thiết tủy, xét nghiệm đánh giá xương tủy… Các mẫu bệnh phẩm này đã được gửi đến các đơn vị y tế trong và ngoài nước xét nghiệm.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG vào sáng 24/10, TS.BS  Trần Bá Thoại - Trưởng khoa Điều trị tổng hợp - Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng cho hay: Bước đầu có thể xác định thể trạng của bệnh nhân Mai hiện bị suy kiệt nghiêm trọng, Mai còn bị viêm phổi, viêm phế quản dạng tắc nghẽn (COPD), rối loạn điện giải, thiếu đạm trong máu, thiếu protein calo, hen phế quản kéo dài, viêm dạ dày... Điều quan trọng nhất là bây giờ chúng ta phải tìm cho ra đúng căn bệnh của Mai.

Đón một bệnh nhân với căn bệnh như Mai, các bác sĩ của Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng ngoài việc trực tiếp khám, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm còn hội chẩn từ xa với các bác sĩ đồng nghiệp khác. Những nhận định quanh căn bệnh của Mai được các chuyên gia bước đầu cho rằng:

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường - Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội: "Không trực tiếp khám, nhìn những tổn thương của da nên theo tôi nhiều khả năng là do bệnh lý, hậu quả để lại do các bệnh dị ứng không được chữa đúng cách, dùng các thuốc đông y, tây y nguồn gốc không rõ ràng, không tránh nắng tốt. Các tổ chức liên kết dưới da bị vỡ, mất lớp mỡ dưới da khiến da bị teo, khô, nhăn nheo lại. Với các bệnh nhân bị viêm da dị ứng mãn tính, da cũng bị teo, nhăn nheo lại, nhưng chỉ một vùng nào đó, trường hợp này lạ vì teo da nhiều. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng bị nhiễm độc da do các thuốc, hóa chất, dẫn đến đỏ da, sưng nề, bong tróc, nguy cơ gây dị ứng nặng nề trên da”.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lượng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Viện Bỏng quốc gia Hà Nội, lại thiên nhiều về khả năng có thể những thuốc mà bệnh nhân đã dùng chứa corticoid. Loại thuốc này là "con dao 2 lưỡi" vì có nhiều tác dụng phụ. Mới đầu người bệnh thấy da nổi mụn đỏ, mụn nước, sau đó rỉ nước, ngứa ngáy. Các mao mạch dưới da bị giãn, da trở nên cực kỳ mẫn cảm, dễ kích thích khi bôi bất kỳ loại thuốc, kem nào lên da... Đặc biệt, thuốc khiến da bị teo, nhăn nheo lại, có trường hợp da xám, thâm lại như bị nám do mất các tổ chức collagen dưới da. Đây được gọi là tình trạng suy da do tổn thương corticoid. Nếu đúng là tác dụng phụ của corticoid thì việc chữa trị sẽ phức tạp tùy vì bệnh càng nặng thì càng khó chữa, chữa càng lâu

Bùi Phan
.
.