Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng và phòng không mới trên biển Hoa Đông:

Thêm sóng trên vùng biển động

Thứ Hai, 02/12/2013, 20:00

Việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng và phòng không mới (ADIZ) trên biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản đã tức khắc gây ra phản ứng của nhiều nước trên thế giới. Sau những phản đối ngoại giao, sự phớt lờ của các nước trước lệnh mới này đang xói mòn hình ảnh của quân đội Trung Quốc. Phải chăng Bắc Kinh đã quá coi nhẹ phản ứng của các nước liên quan?

Như Chuyên đề ANTG đã đưa tin, ngày 21/11, Trung Quốc thông báo thiết lập một khu vực nhận dạng và phòng không mới trong vùng biển Hoa Đông, kéo dài khoảng 900 km từ bắc xuống nam, theo một bản đồ do Trung Quốc công bố, trong đó bao gồm cả quần đảo Senkaku. Mặc cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra những lời giải thích bài bản rằng, đây là hành động phòng vệ để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ trên vùng trời của họ, hành động này được xem là tạo thêm áp lực lên cuộc tranh trấp biển đảo trên quần đảo Senkaku với Nhật Bản, một đồng minh thân thiết của Mỹ.

Trung Quốc cũng cảnh báo: từ ngày 23/11, tất cả máy bay bay qua khu vực phòng không này phải thông báo lý lịch và tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh, “nếu không sẽ chịu các biện pháp can thiệp”.

Trong không đầy 24 tiếng đồng hồ, Trung Quốc đã "thành công" khiến cho tất cả các thủ đô lớn khu vực châu Á - Thái Bình Dương chống lại mình sau thông báo trên. Mỹ ngay lập tức trực tiếp thách thức Trung Quốc khi cử 2 máy bay ném bom B-52 đi vào không phận này, mà không thèm thông báo cho Bắc Kinh.

"Quân đội Trung Quốc đã theo dõi toàn bộ quá trình bay (của hai chiếc B-52), đã thực hiện trong một thời hạn hợp lý việc nhận dạng và xác định rõ đó là loại máy bay Mỹ nào". Đây là nội dung thông cáo hôm 27/11/2013 của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, liên quan đến sự kiện hai pháo đài bay B-52 của Mỹ đã đột nhập mà không hề báo trước vào vùng phòng không mà Bắc Kinh vừa thành lập.

Phản ứng này được coi là một lời thừa nhận hành động mạnh mồm của Bắc Kinh trong việc buộc nước khác công nhận hành vi đơn phương mở rộng ADIZ  của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên một vùng cho đến nay vẫn được coi là không phận quốc tế.

Theo giới quan sát, dù không nói ra, nhưng khi quyết định cử 2 chiếc B-52 thâm nhập vào vùng phòng không mà Trung Quốc đơn phương quy định trên biển Hoa Đông, Mỹ đã muốn truyền đạt thông điệp ngầm rằng Washington hoàn toàn không có ý định để cho Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang muốn tăng cường ảnh hưởng.

Trong cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh ngày hôm 27/11, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc giải thích rằng những chiếc phi cơ xâm nhập vào không phận của Trung Quốc sẽ giải quyết theo từng trường hợp. Vấn đề đặt ra là quy định vùng phòng không mở rộng là một chuyện, nhưng có phương tiện để buộc nước khác tôn trọng vùng đó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Cần phải có đến nào là máy bay radar, nào là máy bay chiến đấu có khả năng phản ứng nhanh chóng và bay trên một hành trình dài để ngăn chặn bất kỳ kẻ xâm nhập nào, hay để buộc đối tượng thay đổi đường bay và áp tải máy bay lạ ra khỏi vùng phòng không.

Thông thường, các biện pháp cưỡng chế như trên - mà tột cùng là việc bắn hạ phi cơ lạ - chỉ áp dụng trên không phận của nước có liên quan. Sự kiện 2 chiếc B-52 của Mỹ thâm nhập vùng phòng không do Trung Quốc áp đặt trên biển Hoa Đông mà không hề gặp phản ứng, câu hỏi đặt ra là phải chăng Bắc Kinh đã xem thường phản ứng của Mỹ, và của cộng đồng quốc tế khi tự động mở rộng vùng phòng không ra ngoài biển Hoa Đông.

Vài ngày sau khi Mỹ thách thức Trung Quốc, đến lượt Nhật Bản và Hàn Quốc phớt lờ quy định mới của Trung Quốc.

AFP hôm 28/11 dẫn lời người phát ngôn lực lượng tuần duyên Nhật Bản Yasutaka Nonaka nói: "Chúng tôi vẫn tuần tra ở khu vực Trung Quốc vừa tuyên bố lập khu vực ADIZ mới mà không cần thông báo. Chúng tôi cũng không gặp phản ứng nào từ máy bay Trung Quốc".

Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc cho biết một máy bay chiến đấu của nước này đã bay qua vùng quy định mới của Trung Quốc mà không cần thông báo với Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, chuyến bay trên là một phần trong hoạt động tuần tra quân sự thường lệ quanh bãi đá ngầm Ieodo mà Hàn Quốc đang kiểm soát và chuyến bay này cũng không gặp trở ngại gì từ phía Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Australia  vẫn giữ thái độ kiên quyết. Hôm 28/11, Bộ Ngoại giao Australia từ chối rút lại những chỉ trích về việc Trung Quốc lập ADIZ mới trên biển Hoa Đông. Canberra cũng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc cho rằng, Australia đã đi quá giới hạn khi đưa ra bình luận trên.

Thông qua các phản ứng trên, các chuyên viên phân tích và quan sát tình hình thế giới cho rằng, đây là hành động "không khôn ngoan" của Trung Quốc. Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: Quyết định của Trung Quốc tạo ảnh hưởng bất lợi cho chính họ trong khu vực. Trong khi đó, Michael Mazza, một thành viên của Viện nghiên cứu tại American Enterprise Institute, lên tiếng cảnh báo, sự kiện này sẽ tạo ra nhiều diễn tiến khiến Trung Quốc sau này có thể sẽ hối hận.

Theo ông Mazza, Trung Quốc có thể sẽ hối hận không chỉ vì việc tuyên bố khu vực phòng không mới tạo thêm nguy cơ có những đụng chạm nảy lửa ở biển Hoa Đông, mà là có những ảnh hưởng tới chính sách lâu dài của những nước liên quan. Chuyên gia nghiên cứu Mazza cho rằng, trước hết khu vực phòng không tạo ra những "mâu thuẫn không cần có với Đài Loan và Hàn Quốc", tạo một nếp nhăn vào quan hệ đang không mấy phẳng lặng tại một eo biển đang xảy ra nhiều tranh chấp, vì hiện Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần của đảo Senkaku (được gọi là Diaoyutai ở Đài Loan), và giờ đây Đài Loan có khu vực phòng không chồng chéo với Trung Quốc.

Thay vì triển khai máy bay ngăn chặn sự xâm nhập của máy bay Mỹ, Hàn, Nhật vào vùng ADIZ mới thiết lập ở biển Hoa Đông, Trung Quốc vào hôm 28/11 chỉ điều động một số chiến đấu cơ cùng một máy bay cảnh báo sớm tuần tra vùng này.

Trong bối cảnh quan hệ hiện đang rất ấm áp giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, theo Mazza thì khu vực phòng không mới của Trung Quốc còn đáng ngạc nhiên hơn. Gần đây Hàn Quốc có những tranh cãi kịch liệt với Nhật Bản, và Bắc Kinh chính là người khơi lên ngọn lửa căng thẳng đó.

Khu vực phòng không mới của Trung Quốc chồng chéo với khu vực phòng không của Hàn Quốc, vì bao phủ cả vùng tranh chấp Socotra Rock (mà cả hai nước tuyên bố là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình), và có thể kéo dài quá gần đến quần đảo Jeju, nơi Hàn Quốc đang thiết lập một căn cứ hải quân lớn. Chỉ trong một lời tuyên bố ngắn ngủi, Bắc Kinh vô tình nhắc nhở Seoul rằng, Hàn Quốc có nhiều điểm chung với Nhật Bản hơn những gì nước này muốn thừa nhận.

Nguy hiểm hơn, vẫn theo nhà nghiên cứu Mazza, thay vì để yên cho Washington ở trạng thái e ngại không muốn dính vào tranh chấp biển Hoa Đông, ADIZ mới của Trung Quốc được xem là một thách thức với việc Mỹ hỗ trợ Nhật Bản, và quyền tự do hoạt động của Mỹ trong không phận quốc tế trên vùng biển đầy tranh chấp này.

Trong khi đó, mô tả hành động của Trung Quốc là "gây bất ổn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cảm thấy cần phải khẳng định rằng, việc thiết lập khu vực phòng không "sẽ không ảnh hưởng gì đến việc Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực" và "tái khẳng định" "Điều V của Hiệp ước Quốc phòng giữa Nhật Bản và Mỹ áp dụng cả lên quần đảo Senkaku".

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lưu ý Trung Quốc: "Chúng tôi không hỗ trợ những nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào áp dụng thủ tục khu vực phòng không của mình cho máy bay nước ngoài không có ý định nhập không phận quốc gia của họ".

Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị: Nếu máy bay Mỹ hoạt động trong vùng lân cận của quần đảo Senkaku, và từ chối yêu cầu phải thông báo lý lịch của Trung Quốc, thì hành động này có được xem là một sự ngầm phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này không?

Đối với Nhật Bản, chính sách của Mỹ liên quan đến quần đảo Senkaku trước đến giờ hơi khó hiểu: Mỹ một mặt công nhận quyền quản trị của Nhật Bản trên các hòn đảo ở quần đảo Senkaku, nhưng không có ý kiến gì về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng lại xem việc bảo vệ những hòn đảo này là một nghĩa vụ theo tinh thần hiệp ước giữa Mỹ và Nhật Bản.

Lập luận bênh vực cho việc duy trì chính sách mơ hồ này đang yếu dần. Một chính quyền Obama hiện đang ngày càng mệt mỏi trước những thách thức của Trung Quốc, có thể sẽ phải tìm cách để cho Trung Quốc biết một cách rõ ràng rằng liên minh Mỹ - Nhật là một điều không thể lay chuyển.

Đa số giới quan sát đồng ý với nhau rằng, khu vực phòng không mới của Trung Quốc có thể là một sai lầm chiến lược, một động thái gây nhiều bất lợi cho chính họ, và gây hậu quả lâu dài trong sự ổn định tình hình ở châu Á

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.