Thị trường ghép nội tạng ở Mỹ

Thứ Bảy, 09/04/2005, 07:20

Ghép nội tạng đã trở thành "việc thường ngày ở huyện" đối với xã hội Mỹ. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có tới hàng nghìn người Mỹ phải chết vì không chờ được tới lúc tìm ra cơ quan nội tạng thích ứng thay thế cho mình. Nhiều người Mỹ đã lách luật, đến các nước thứ 3 để tìm mua nội tạng thay thế.

Theo mạng Washington Profile, mỗi năm tại Mỹ thực hiện tới 20 nghìn ca thay thế hay ghép tim, gan, thận, tụy, mô... Tỉ lệ sống sót sau khi ghép thận là 95%, sau khi ghép gan là 87%, còn sau khi thay tim là 86%... Tuy nhiên, nguồn cho nội tạng đang là vấn đề ngày càng gay gắt đối với Mỹ. Theo Hệ thống liên hiệp phân phối nội tạng (UNOS), hiện vẫn còn tới 87 nghìn người đang nóng lòng chờ đến lượt mình được thay thế nội tạng. Trong số này có 61 nghìn người cần được ghép thận; 17 nghìn người chờ được ghép gan, 4 nghìn chờ thay phổi và gần 3 nghìn người đang chờ thay không chỉ một cơ quan nội tạng (thí dụ như cả tim lẫn phổi)...

Nhìn chung, từ khi vào xếp hàng cho tới lúc được lên bàn phẫu thuật, thường là trôi qua ít nhất 3 năm. Chính vì thời gian chờ đợi chẳng ngắn ngủi này đối với các căn bệnh hiểm nên mỗi ngày có tới 17 người phải "thiên thu vĩnh biệt" vì không đủ sức chờ đến lượt mình. Trong khi đó cứ 13 phút lại có thêm một bệnh nhân Mỹ ghi tên vào danh sách xếp hàng chờ có cơ quan nội tạng thích ứng để được thay thế.

Theo đánh giá của Tổ chức những người thay thế nội tạng New York, khoảng cách giữa cho và nhận cơ quan nội tạng đang ngày một trở nên xa xôi hơn. Các con số thống kê cho thấy, một người cho có thể cứu mạng sống của 8 người nhận bằng cách biếu các cơ quan nội tạng của mình, hoặc cứu sống hay cải thiện đời sống của 50 người bằng cách hiến mô của mình. Năm 2004, tại Mỹ đã tìm ra được gần 12 nghìn người (sống hoặc đã chết) cung cấp cơ quan nội tạng và mô và nhờ thế, các bác sĩ Mỹ đã thực hiện được 22,5 nghìn ca ghép nội tạng, tức là cứu được ít nhất khoảng 30% số những người đang cần cấp cứu. Trong số 2,4 triệu người Mỹ chết mỗi năm chỉ có khoảng từ 10 tới 14 nghìn người đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt đối với những ai được quyền hiến cơ quan nội tạng hay mô. Tuổi tác của người hiến cơ quan nội tạng không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng cơ thể và các cơ quan nội tạng của họ phải hoàn toàn khỏe mạnh và có sức sống.

Theo luật pháp Mỹ, các cơ quan nội tạng của người chỉ được sử dụng vào việc ghép nếu có sự đồng ý của cá nhân người cho hay những thân nhân gần gũi nhất. Tại đại đa số các bang ở Mỹ, những ai nhận bằng lái xe đều được đề nghị cho lại các cơ quan nội tạng của mình nếu không may xảy ra những tai nạn bất ngờ không thể tránh khỏi tử vong. Nếu nhận được sự đồng ý, cơ quan chức năng sẽ đánh một ký hiệu thích ứng vào bằng lái xe. Những câu hỏi tương tự cũng được đặt ra khi trao các giấy tờ khác liên quan tới nhân thân con người. Người Mỹ có thể thông báo ý muốn hiến cơ quan nội tạng của mình tới những cơ quan chuyên môn. Mọi chi phí để lấy các cơ quan nội tạng được cho, việc bảo quản chúng cũng như các chi phí y tế để làm việc này đều được thanh toán nhờ các hãng bảo hiểm đặc biệt.

Trong nhiều năm nay, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có khoảng 85% số người Mỹ ủng hộ việc hiến các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, chỉ có 28% số người Mỹ thực hiện việc đăng ký này. Hơn nữa, việc đăng ký như thế hoàn toàn chưa bảo đảm là các cơ quan nội tạng của tình nguyện viên sẽ được cung cấp cho những ai cần, vì đại đa số các bệnh viện đều "khoanh tay thúc thủ" cho tới khi nhận được sự đồng ý bằng văn bản của thân nhân "tình nguyện viên".

Tình trạng thiếu cơ quan nội tạng thay thế đã buộc không ít người Mỹ phải tìm cách lách luật để tự cứu sống mình. Việc mua và bán các cơ quan nội tạng bị pháp luật Mỹ cấm nghiêm khắc. Tuy nhiên, tổ chức xã hội Organs Watch đã thống kê được rằng, mỗi năm có tới hàng nghìn bệnh nhân từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Israel đi du lịch sang những vùng kém phát triển hơn để tìm cơ hội sống cho mình bằng cách "mua chui" các cơ quan nội tạng cần thay thế. Những thị trường chủ yếu trong lĩnh vực này là Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Peru, Mexico, Moldova và Rumania. Không ít người nghèo ở các quốc gia đó sẵn sàng bán cơ quan nội tạng của mình với giá từ 1 tới 20 nghìn USD

Nguyễn Mạnh Thường
.
.