Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: “Ý thức bảo vệ môi trường phải được nâng lên”

Thứ Năm, 25/08/2011, 10:30

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cho rằng, bên cạnh ràng buộc về luật pháp thì nếu muốn một cuộc sống tốt đẹp thì ý thức bảo vệ môi trường phải được nâng lên. Từ người dân cho đến những người có trách nhiệm trong xã hội, lãnh đạo địa phương, các bộ ngành đều phải có ý thức mới mong được chuyển biến.

Chuyên đề ANTG xin chia sẻ với bạn đọc cuộc trò chuyện thẳng thắn về vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường với Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý.

Phóng viên (PV): Qua một loạt vụ phát hiện vi phạm các quy định về xả thải - bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp - khu chế xuất vừa qua, với chức năng của cơ quan bảo vệ pháp luật về môi trường, xin Thiếu tướng cho biết những nhận định của Lực lượng Cảnh sát Môi trường?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: 6 tháng đầu năm 2011, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, nghiêm trọng, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện tổng cộng 2.962 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chuyển cơ quan CSĐT khởi tố 86 vụ án, 103 đối tượng, phạt tiền 43 tỉ 259 triệu đồng.

Tuy nhiên, các vụ khởi tố cho tới nay mới chỉ chủ yếu tập trung vào các vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã hay tẩu tán tài nguyên khoáng sản. Còn một mảng lớn là chất thải gây ô nhiễm từ các KCN - KCX đang ngày đêm đầu độc, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì lại chưa xử lý được nhiều. Hiện nay chúng ta có trên 200 KCN - KCX toàn quốc. Tài liệu giám sát của Quốc hội là hơn 90% có vi phạm, còn tài liệu của Cảnh sát môi trường là trên 70% có vi phạm. Nhưng trên thực tế phải nói rằng đụng đâu là vi phạm đấy. KCN nào cũng thế, từ những khu tập trung lớn ở thủ đô, ở các thành phố lớn như TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh… cứ "sờ" đến là thấy vi phạm!

PV: Vi phạm xảy ra như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Vi phạm được phát hiện cho đến nay, nói là thủ đoạn thì cũng không sai, thường tập trung ở mấy dạng: Các KCN không có nhà máy, hệ thống xử lý tập trung. Mạnh ai nấy làm. Thì như báo đã đăng về KCN Sài Đồng B đấy, rồi thì KCN Quang Minh…

Tuy nhiên, loại vi phạm ở trên thường xảy ra ở các KCN cũ (đã đi vào hoạt động từ lâu - PV). Đối với các KCN mới đều có hệ thống xử lý tập trung - điều này đã trở thành chỉ tiêu bắt buộc của các chủ đầu tư - thì lại xảy ra tình trạng có nhưng không vận hành, hoặc chỉ vận hành khi nhận được tin có đoàn thanh tra, kiểm tra đến.

Một dạng thứ 3 nữa của hành vi đối phó với sự kiểm soát của các cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường, đó là doanh nghiệp làm hợp đồng xử lý chất thải với một số doanh nghiệp mà nhìn bề ngoài thì đó là đơn vị xử lý chất thải, nhưng đi sâu vào điều tra thì họ không được phép xử lý một số loại chất thải nguy hại nhất định. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các loại chất thải nguy hại đều có giấy phép và mã số riêng. Không phải anh cứ có giấy phép xử lý chất thải là anh xử lý được tất… Qua thực tế cho thấy đa phần các doanh nghiệp này không đủ phương tiện, kỹ thuật, công nghệ và cả mặt bằng để thực hiện các phần công việc mà họ được thuê làm. Như vậy đây cũng chỉ là một cách xử lý đối phó của các doanh nghiệp xả thải (đơn vị thuê) trước sự kiểm soát của lực lượng chức năng…

PV: Thật là vô trách nhiệm và tùy tiện hết chỗ nói…

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Đúng vậy! Và cuối cùng là loại các doanh nghiệp bất chấp mọi thủ đoạn xả thải một cách trắng trợn ra môi trường. Như việc tạo ra 2 đến 3 hệ thống xả thải, trong đó đường ống công khai thì ra khu xử lý tập trung. Còn đường ống ngầm ra thẳng môi trường, ra sông suối. Cá biệt có trường hợp như báo chí đã đăng. Họ lắp đặt những chiếc van xả thải, chỉ cần nhấn nút một cái là điều chỉnh dòng chảy, che mắt cơ quan chức năng rất là tinh vi. Điều đáng nói ở chỗ là những hệ thống "ma" này doanh nghiệp đã xây dựng ngay từ khi bắt đầu hoạt động đầu tư, từ khi xây nhà máy. Tức là sự gian dối nhằm hủy hoại môi trường đã có ngay từ khi mới bắt đầu cơ.

Hay như trường hợp mới bị phát hiện của Công ty Sonadezi trực thuộc Tổng Công ty Sonadezi là một ví dụ. Đây là nhà máy có nhiệm vụ gom nước thải của 42 công ty trong KCN Long Thành để xử lý. Tuy nhiên, thay vì xử lý nước thải thì chỉ trong đêm có mặt tại hiện trường, lực lượng chức năng đã đo được hơn 9.000m3 nước thải chưa xử lý từ nhà máy này tống thẳng ra rạch Bà Chèo thông với sông Đồng Nai. Kiểm tra sơ đồ vận hành nhà máy, các trinh sát đã khai quật nhiều điểm có đường cống ngầm xả thải "ma", có những chỗ sâu từ 2-3m.

PV: Thưa Thiếu tướng, rõ ràng là những vi phạm kiểu này doanh nghiệp không còn có thể đổ cho lý do khách quan được?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Đến năm 1993 mới có Luật Bảo vệ môi trường. Trước đó vấn đề này đúng là ít được quan tâm, kể cả từ cơ quan quản lý nhà nước xuống đến các doanh nghiệp và cả nhân dân, là những người trực tiếp phải chịu ảnh hưởng… Phải lo làm kinh tế trước đã.

Nhưng về sau này, thì rõ ràng là có yếu tố lợi nhuận. Như trường hợp xảy ra đối với Công ty Tung Kuang đấy. Chính họ khai nếu không qua hệ thống xả thải công khai thì mỗi tháng họ tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng. Lợi nhuận như thế, vi phạm hàng năm trời mà rồi chỉ bị phạt cho tồn tại thì khó mà có tính răn đe cao được.

Rồi thì nói khách quan cũng có, là bởi đầu tư như thế nào, giấy phép dễ hay khó còn đôi khi mang tính địa phương nữa. Hiện nay thì đỡ rồi, nhưng cả một giai đoạn các địa phương đua nhau trải thảm đỏ, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế địa phương, thì các vấn đề khác bị coi nhẹ là đương nhiên. Rồi thì trách nhiệm quản lý môi trường của ngành Tài nguyên - Môi trường ở nhiều nơi còn bộc lộ yếu kém. Đơn giản như từ trước năm 2006, khi chưa có Cảnh sát môi trường thì gần như chẳng có vụ việc nào được đưa ra xử lý, phát hiện ngoài những vụ mà người dân ở tại nơi ấy quá bức xúc mà phanh phui ra.

Xác định vị trí chôn cống ngầm của Sonadezi thải lén ra sông Đồng Nai.

PV: Thiếu tướng muốn nói đến năng lực quản lý lãnh thổ của cả chính quyền địa phương?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Một biểu hiện hết sức rõ thế này: Trong quản lý nhà nước về môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường - báo cáo DTM - do cơ quan quản lý nhà nước về môi trường lập dưới sự "hợp tác" - mà thực chất là doanh nghiệp thuê luôn cơ quan này làm - rồi họ lại phê duyệt luôn, thì tính xác thực đến đâu? Họ có lợi ích trong đấy, thì tính trung thực của nó có thể chấp nhận được không? Hơn nữa, báo cáo DTM thường rất hay, nhưng thực chất các anh có làm đúng điều đó không thì lại thiếu sự giám sát. Đã có trường hợp Cảnh sát Môi trường phát hiện ra 3 nhà máy sản xuất sắt, giấy, dệt nhuộm dùng chung một bản báo cáo tác động môi trường. Họ chỉ sửa tên. Thậm chí có những trang còn chưa kịp sửa giấy thành sắt… Việc này đang có chiều hướng tăng xấu. Chúng tôi đã có báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường rồi.

Vụ phá rừng phòng hộ làm thủy điện mới đây ở Đồng Nai cũng là một ví dụ rất rõ ràng đấy thôi. Hay như vừa rồi có địa phương phía Nam đang khoe là nhà máy giấy lớn nhất Đông Nam á. Tôi lo lắm. Đã nhà máy giấy thì khó mà không ô nhiễm. Mà giữa chín con rồng ấy (vùng đồng bằng sông Cửu Long) với một nhà máy giấy cỡ đó nó ô nhiễm cho thì hậu quả không lường được đâu. Trước đây vì sự nghiệp phát triển kinh tế, vì miếng cơm manh áo thì thôi không nói. Nhưng bây giờ, đã đến lúc phải xem lại những cái tư duy lớn nhất Đông Nam Á, nhất thế giới kiểu đó rồi…

PV: Đã đến lúc phải xem lại cái gọi là ý thức bảo vệ môi trường rồi…

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Lại là vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng vẫn phải nói. ý thức bảo vệ môi trường phải được nâng lên. Chắc chắn thế nếu muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ người dân cho đến những người có trách nhiệm trong xã hội, lãnh đạo địa phương, các bộ ngành đều phải có ý thức mới mong được chuyển biến.

Bên cạnh đó là phải có luật. Luật phải đủ mạnh. Như hôm vừa rồi Cục tổ chức một cuộc hội thảo, nhiều tham luận cũng đã bàn đến việc này. Với Cảnh sát Môi trường hiện nay thẩm quyền, chức danh tố tụng chưa có, thẩm quyền tạm giữ người, tang vật, phương tiện cũng chưa được bổ sung nên lực lượng Cảnh sát Môi trường phải phụ thuộc nhiều vào các lực lượng điều tra khác, dẫn đến sự hạn chế hiệu quả trong đấu tranh. Các văn bản luật như Bộ Luật hình sự, Luật Hải quan, Luật Thương mại… quy định chưa thống nhất nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát Môi trường trong ngăn chặn, xử lý. Nói tóm lại, việc không có đủ chỗ dựa pháp lý đối với Lực lượng Cảnh sát Môi trường như là phát cho súng mà không cho đạn để bắn vậy.

PV: Thế nhưng bên ngoài không hiểu hết, nhiều khi thấy vụ việc không xử lý thích đáng lại tưởng lực lượng chức năng có vấn đề?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Vừa rồi phía Cảnh sát Môi trường cũng đã xây dựng một bản kiến nghị, đề xuất lên trên, yêu cầu tăng thêm yếu tố pháp lý cũng như những vấn đề cần cụ thể hơn cho hoạt động bảo vệ môi trường có hiệu quả. Ví dụ như với KCN, cần thiết phải có quy định về chịu trách nhiệm môi trường vào cá nhân cụ thể. Chẳng hạn như một doanh nghiệp tham gia đầu tư, thì phải có một phó giám đốc chịu trách nhiệm an toàn môi trường. Với KCN thì là phó giám đốc KCN, KCX để khi có vụ việc xảy ra có đầu mối mà xử lý, mà cũng là buộc những người lãnh đạo đơn vị ấy phải có trách nhiệm hơn…

Rồi thì các vấn đề về chỉ số, tiêu chuẩn môi trường cũng phải rõ. Hàm lượng kim loại nặng trong nước bao nhiêu là nghiêm trọng, bao nhiêu là đặc biệt nghiêm trọng? Hay với thủy ngân thì thế nào? Luật Hình (Bộ Luật Hình sự) không cụ thể được thế thì các văn bản dưới luật khác phải có đủ. Hiện giờ là chưa đủ.

Như vụ rùa tai đỏ, tại sao chúng tôi không khởi tố được? Là bởi vì  lúc đó không có ở đâu quy định nó là động vật ngoại lai cả. Như với ôtô, xe máy nếu sản xuất trước 5 năm là không được nhập. Vậy thì rõ, cứ nhập vào là tôi bắt. Nhưng lại ngay chính với các loại máy móc khác thì lại có quy định đâu? Thế nên mới có chuyện bữa trước có 31 cái máy biến thế sản xuất từ năm 1967 mà vẫn nhập vào được nước ta. Đến khi bị phát hiện ra thì nó có tổng cộng tới 41 - 42 năm tuổi thọ rồi, mà vẫn phải chuyển hướng điều tra khác…

PV: Như vậy là hệ thống Luật Bảo vệ môi trường hiện nay chưa đủ mạnh, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Vừa phải đủ sự ràng buộc và vừa phải nâng mức độ hình phạt lên nhiều nữa mới được. Bên cạnh đó là phải xem xét lại nghiêm túc và quy hoạch lại tổng thể các KCN, KCX. Không thể giữ mãi tư duy như thế này được. Tội phạm hình sự thì thấy hậu quả ngay nên người ta quan tâm nhiều. Còn tội phạm về môi trường, có khi nó giết chết cả một thế hệ thì lại dửng dưng là không được. Phạt vài ba trăm triệu thì cũng đâu có nghĩa lý gì?

PV: Thiếu tướng vừa nói các KCN mới đều có khu xử lý tập trung cả. Nhưng việc các doanh nghiệp không xả thải vào đấy là do tự ý doanh nghiệp, hay là có sự thông đồng của các KCN?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Đó chính là việc ta thiếu chế tài đấy. Như khi vào kiểm tra tại KCN Quang Minh, chúng ta mới phát hiện ra rằng mặc dù KCN có khu xử lý tập trung nhưng doanh nghiệp bên trong không chịu đấu nối vào thì cũng không có cách nào xử lý được. Ta chưa có quy định chặt chẽ về việc này. Còn thì không đấu nối vào đấy, doanh nghiệp có lợi. Thế nên nếu chế tài không đủ mạnh, họ bất chấp để có lợi là điều dễ hiểu thôi.

PV: Vậy đã có trường hợp nào phát hiện KCN lơ đi cho doanh nghiệp làm thế chưa, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Hiện nay thì chưa phát hiện ra

Việt Ba (thực hiện)
.
.