Thổ Nhĩ Kỳ: Bạo loạn "té nước theo mưa"

Thứ Sáu, 21/06/2013, 13:35

Chiến dịch càn quét của Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ở quảng trường Taksim (Istabul) ngày 11/6 vừa qua đã đánh dấu ngày thứ 11 Thổ Nhĩ Kỳ chìm trong làn sóng biểu tình, tuần hành phản đối các chính sách được coi là độc đoán và chuyên quyền của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.

Làm rung chuyển hầu hết các thành phố lớn như Istanbul, Ankara, Izmir..., các cuộc biểu tình dường như đã trở thành một hoạt động thường nhật ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khi chính phủ nước này vẫn bế tắc về đối sách. Theo Financial Times (Anh), có 3 lý do giải thích tình trạng hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Thứ nhất, ông Erdogan quá cứng rắn. Suốt tuần qua, ông khá bận rộn với chuyến công du nước ngoài tới Bắc Phi nhưng không phải vì thế mà ông quên gửi về nước những thông điệp cứng rắn. Ông cảnh báo người biểu tình nên gói ghém hành trang rồi về nhà trong trật tự. Dư luận từng hy vọng rằng khi về nước và tham vấn tình hình với giới lãnh đạo cao cấp của đảng Công lý và Phát triển (AKP), ông Erdogan sẽ thay đổi quan điểm.

Tuy nhiên, ông đã quyết định triển khai chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trong suốt ngày 9/6, đọc 6 bài phát biểu với ngôn từ cứng rắn nhằm vào người biểu tình. Sự lựa chọn của ông Erdogan dường như đã rất rõ ràng, mặc dù đến ngày 10/6, ông đã chấp nhận gặp đại diện người biểu tình. Đây được coi là nhượng bộ đầu tiên và quan trọng của ông Erdogan, nhưng dư luận vẫn hoài nghi về khả năng tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc gặp đổ vỡ do hai bên không thể xuống thang và chấp nhận điều kiện của nhau?

Thứ hai, Quảng trường Taksim chắc chắn sẽ được giải tỏa, nhưng không còn là chốn bình yên. Cho đến thời điểm này, cảnh sát đã tràn ngập quảng trường trung tâm Istanbul. Họ sử dụng hơi cay và tìm mọi cách tháo gỡ những chướng ngại vật do người biểu tình dựng lên. Nhưng không phải vì thế mà xô xát giảm đi. Vấn đề đặt ra là sau khi tái chiếm Taksim, cảnh sát làm thế nào để đảm bảo rằng không còn biểu tình quy mô lớn tại đây?

Thứ ba, chia rẽ và căng thẳng trong xã hội đang leo thang. Ông Erdogan cáo buộc người biểu tình mang bia vào thánh đường Hồi giáo và tấn công phụ nữ đeo khăn choàng đầu? Ông so sánh tình trạng đối đầu hiện nay với thời điểm 6 năm về trước, khi ông đặt câu hỏi: Liệu người dân nước này có nên chọn một tổng thống có vợ đeo khăn choàng đầu. Vào thời điểm đó, ông Erdogan tỏ ra rất mạnh mẽ và giành chiến thắng thuyết phục. Ông còn tự tin kêu gọi bầu cử sớm và nhanh chóng gia tăng số phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi. Giờ đây, AKP chịu ảnh hưởng của Hồi giáo bác bỏ mọi khả năng tổ chức bầu cử sớm. Những chia rẽ trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) đang ngày càng sâu sắc hơn, đẩy căng thẳng lên cao trào. Cuối tuần này, AKP sẽ kêu gọi những người ủng hộ tuần hành biểu dương lực lượng ở Istanbul và Ankara.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ xịt hơi cay vào người biểu tình tại quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul.

Mặc dù những gì diễn ra tại một số nước Arập lân cận trong những năm qua vẫn còn hằn sâu trong tâm trí, song giới phân tích ở TNK cho rằng "Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ" không thể diễn ra. Gokhan Bacik, giáo sư Khoa học chính trị của Trường đại học Zirve ở TNK nói: "Cách mạng tại các nước Arập bắt nguồn từ thái độ bất bình của người dân đối với chế độ độc tài và nền kinh tế ốm yếu. Tuy nhiên, ở TNK cả hai nhân tố này đều không tồn tại. Chính vì vậy, không có chuyện “Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ diễn ra".

Trong khi đó, theo nhà phân tích Bozkurt, đa số người dân TNK vẫn ủng hộ chính phủ. Ông nói: "Họ không đề nghị chính phủ từ nhiệm, chẳng ai trong số họ muốn một cuộc cách mạng hỗn loạn diễn ra, lấy đi của họ sự ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế. Hãy nhìn vào các cuộc bạo loạn đang diễn ra tại những nước láng giềng của TNK như Syria và Iraq. Hãy nhìn vào châu Âu đang bị xé nát bởi khủng hoảng kinh tế. Dân chúng TNK rất hài lòng với các nỗ lực của chính phủ đương nhiệm trong việc duy trì ổn định và tốc độ phát triển kinh tế của TNK".

Một nhà phân tích chính trị khác là Didem Akyel Collinsworth cho rằng, các cuộc biểu tình phản đối kiểu như thế này là điều phổ biến tại các nước phương Tây. Ông nói: "Cho dù người dân giơ cao các khẩu hiệu yêu cầu chính phủ phải từ nhiệm thì chẳng qua đó cũng chỉ là cách để họ bày tỏ sự giận dữ mà thôi. Đa số người dân không muốn chính phủ từ nhiệm. Chính phủ của Thủ tướng Erdogan vẫn nhận được sự ủng hộ của hơn 50% cử tri".

Nhà phân tích Bozkurt cũng chỉ ra rằng đa số người dân TNK đã nhanh chóng tránh xa các cuộc biểu tình khi họ thấy chúng trở thành các cuộc biểu tình bạo lực. Ông cho biết một số kẻ cực đoan đã trà trộn vào đám người biểu tình và chính họ mới là những kẻ phá phách và gây ra bạo loạn. Tuy nhiên, giáo sư Bacik cho rằng chính phủ đừng bao giờ đánh giá thấp các cuộc biểu tình như vậy. Erdogan là một chính trị gia thành công.

Tuy nhiên, nhượng bộ và thỏa hiệp lại không phải là thế mạnh của ông này. AKP từng chiếm được trái tim của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, tốt hơn bất kỳ đảng phái nào trong lịch sử. Sau tổng tuyển cử năm 2011, ông Erdogan đã có một bài phát biểu khá ấn tượng, rằng ông sẽ trở thành thủ tướng của cả những người ủng hộ và phản đối. Người ta gọi đây là bài phát biểu từ ban công. Và giờ đây, cũng từ ban công, người biểu tình căng khẩu hiệu phản đối ông.

Không thể phủ nhận một thực tế là làn sóng biểu tình bạo loạn hiện nay chính là tiếng chuông cảnh báo đối với AKP. Rõ ràng, họ sẽ phải nhượng bộ với người biểu tình và điều chỉnh chính sách về lâu dài. Tuy nhiên, theo dự báo của EIU, AKP sẽ tiếp tục nắm quyền cho tới cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào giữa năm 2015. Nếu kịp thời thay đổi đường hướng và ổn định tình hình, AKP còn có khả năng giành chiến thắng tại cuộc tổng tuyển cử này. Mặc dù đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình, nhưng AKP vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ của lực lượng cử tri trung thành.

Tại Quốc hội, AKP vẫn duy trì lợi thế đa số với 327 ghế trên tổng số 550 ghế trong bối cảnh phe đối lập bị chia rẽ và tê liệt. Trong những ngày tới, có thể tình hình ở TNK diễn biến phức tạp và xấu đi khi làn sóng biểu tình, tuần hành, bãi công và bạo lực lan rộng. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Erdogan có thể sẽ vượt qua thử thách để trụ lại cho đến cuộc tổng tuyển cử năm 2015

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.