Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan muốn làm tổng thống

Thứ Năm, 17/07/2014, 15:35

Sau gần 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, giờ đây ông Recep Tayyip Erdogan lại muốn tiếp tục kéo dài thời gian nắm quyền lực bằng cách ra ứng cử chức Tổng thống. Nếu ông Erdogan thắng cử, đây sẽ là bước ngoặt trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Tham vọng lên ngồi ghế tổng thống được ông Erdogan thông báo vào hôm 1/7, trong khi cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8/2014. Tham vọng ứng cử của ông Erdogan được dư luận đón nhận với thái độ không mấy thiện cảm.

Người ta cho rằng, Erdogan đang đạo diễn một sự thay đổi cơ bản trong hệ thống chính trị vốn đã tồn tại nhiều năm nay. Erdogan nhắm đến việc nắm quyền lực cao nhất với ghế tổng thống, nhằm thâu tóm toàn bộ quyền hành trong tay.

Bước đầu tiên là thay đổi Hiến pháp để tổ chức cuộc bầu cử, trong đó người dân Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp bầu tổng thống. Còn bước thứ hai là gia tăng quyền hạn cho tổng thống. Nếu Erdogan giành thắng lợi, đây sẽ là cơ hội cực tốt để ông thực hiện tham vọng của mình.

Tuy nhiên, Erdogan chỉ mới thực hiện thành công bước đầu, còn bước thứ hai thì không thành do Erdogan không thể xây dựng được một liên minh đủ mạnh trong Quốc hội để thúc đẩy thông qua những điều khoản sửa đổi quan trọng này.

Erdogan đã cho thấy ông có ý định kết hợp giữa sứ mệnh tổng thống với quyền lực cá nhân của ông, cho dù chức tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chưa thể nắm toàn quyền như mong muốn. Nhưng ông muốn sử dụng nó trong một số trường hợp cần thiết, như là có thể can thiệp vào việc điều hành các cuộc họp nội các, nhất là khi Thủ tướng không đủ khả năng đưa ra các quyết định quan trọng.

Nếu Erdogan thắng cử, đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông sẽ chọn một thủ tướng lâm thời điều hành nội các chính phủ trong thời gian từ nay cho đến cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới. Erdogan chắc chắn sẽ chọn một thủ tướng thân thiện để ông có thể kiểm soát Quốc hội từ xa. Một người mà Erdogan có thể mời ra làm thủ tướng lâm thời là đương kim Tổng thống Abdullah Gul, nhưng ông Gul lại không muốn làm người giúp việc để Erdogan củng cố quyền lực cho nên khả năng hợp tác này hầu như không xảy ra.

Erdogan hy vọng rằng, đảng AKP sẽ giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử năm tới để có thể giúp ông thực hiện nốt những thay đổi trong Hiến pháp nhằm giúp ông củng cố quyền lực tổng thống. Nhưng một vấn đề đặt ra là, một Thủ tướng quyền lực mạnh mới có thể dẫn dắt thành công trong cuộc bầu cử nhằm thực hiện được các thay đổi đó, nhưng đồng thời cũng sẽ khẳng định quyền lãnh đạo độc lập.

Với gút mắc khó giải quyết này, Erdogan không thể trông cậy vào việc thay đổi Hiến pháp để thâu tóm quyền hành. Trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ đã từng có 2 thủ tướng muốn tiếp tục thâu tóm quyền hành theo cách này. Đó là Thủ tướng Suleyman Demirel và Thủ tướng Turgut Ozal. Hai người này cũng tìm cho mình một người thân tín nắm chức thủ tướng nhằm thực hiện tham vọng, nhưng rốt cuộc phải chứng kiến đảng của mình sụp đổ dưới tay vị thủ tướng mà mình trông cậy.

Erdogan có vẻ kiểm soát đảng của mình tốt hơn 2 người tiền nhiệm Demirel và Ozal. Nhưng khi chuyển sang chức vụ tổng thống, Erdogan sẽ phải chấp nhận mất đi một số quyền hạn quan trọng mà ông từng có được khi còn làm thủ tướng. Cụ thể, quan trọng nhất là ông sẽ không còn kiểm soát được Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp vốn là những công cụ vừa giúp ông vượt qua vận hạn bị cáo buộc tham nhũng.

Erdogan cho rằng, cáo buộc tham nhũng đó là một phần trong âm mưu đảo chính của thành phần đối lập, chống đối ông trong hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ do nhà truyền giáo Fethullah Gulen kiểm soát. Gulen từng là một đồng minh thân cận của Thủ tướng Erdogan, nhưng gần đây giữa 2 bên đã nảy sinh mâu thuẫn, xuất phát từ chính sách điều hành đất nước của Thủ tướng Erdogan.

Numan Kurtumus thường xuyên xuất hiện như một người bảo vệ hình ảnh Erdogan quyết liệt nhất trong dư luận công chúng Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc đối đầu giữa Gulen và Erdogan từng làm phát sinh nhiều vụ việc ồn ào trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, với những màn tấn công gián tiếp của Gulen thông qua các môn đệ của ông ta trong hệ thống chính quyền và trong lực lượng an ninh, và ngay sau đó là màn đáp trả không kém phần quyết liệt của Thủ tướng Erdogan.

Đòn tấn công gần đây nhất của Gulen nhắm vào Thủ tướng Erdogan chính là cáo buộc tham nhũng và làn sóng biểu tình phản đối bạo lực diễn ra ở thành phố Istanbul, nhưng đã bị dập tắt ngay sau đó. Chưa bên nào thắng bên nào, chỉ có những người theo phe phái của Gulen và Erdogan bị thiệt thòi.

Hiện nay, có một người mà Erdogan có thể mời ra làm thủ tướng lâm thời. Đó là Numan Kurtumus, một quan chức cấp cao của đảng AKP. Ông này thường xuyên xuất hiện như một người bảo vệ hình ảnh Erdogan quyết liệt nhất trong dư luận công chúng Thổ Nhĩ Kỳ mỗi khi báo chí, truyền thông đặt vấn đề liên quan đến các chính sách, quyết định gây tranh cãi của ông Erdogan.

Mặt khác, Kurtumus còn là người thường xuyên đứng ra bảo vệ ông Erdogan trước các mũi dùi chỉ trích liên quan đến chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông. Đây rõ ràng là người mà Erdogan sẽ cần đến khi ông muốn thực hiện cuộc chuyển tiếp quyền lực nội các.

Hiện tại, giới quan sát cho rằng không có mấy người có khả năng ngăn cản bước tiến quyền lực của ông Erdogan. Chỉ có Tòa án Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ là cơ quan duy nhất có thể làm được điều đó. Tòa án này từng là đối trọng quan trọng khi ra lệnh thu hồi quyết định cấm trang mạng xã hội Twitter của Chính phủ do ông Erdogan lãnh đạo, vì thế các lực lượng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng tòa án này sẽ tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình là ngăn chặn các nỗ lực mở rộng quyền hạn tổng thống của ông Erdogan, và như thế sẽ phá hỏng tham vọng thay đổi hệ thống chính trị của ông Erdogan

An Châu (tổng hợp)
.
.