Thổ Nhĩ Kỳ: Thực hiện dự án đô thị bằng... lựu đạn cay và vòi rồng

Thứ Tư, 12/06/2013, 18:35

Việc quy hoạch một công viên thành trung tâm thương mại là nguồn căn những sự chống đối của nhiều người dân tại Istanbul, và nhân đó phe đối lập dựa theo để chống lại Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ (TNK).

Không ai ngờ sự xuất hiện của những chiếc xe ủi đầu tiên hôm 27/5 đã gây ra nhiều vụ xung đột giữa cảnh sát và người dân địa phương đang trấn giữ quanh công viên, có sự ủng hộ của nhiều dân biểu đối lập. Dự án do thành phố đề ra và được chính phủ Hồi giáo bảo thủ chấp thuận sẽ bứng 600 cây cổ thụ trong công viên gần quảng trường Taksim để tái thiết một doanh trại quân đội đã bị phá hủy năm 1940.

Tại địa điểm mới sẽ có thêm một trung tâm thương mại, các cửa hiệu, quán cà phê và các ngôi nhà sang trọng. Quảng trường Taksim sẽ biến thành khu đi bộ, bên cạnh đó sẽ là một đền thờ. Dự án này nằm trong chương trình cải tạo quy mô khu Taksim nhưng đã bị các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, nhà môi trường, phe đối lập và cả một số thành viên thuộc đảng cầm quyền phản đối vì cho rằng công viên Gezi là một nơi mang những giá trị tinh thần thuộc về lịch sử.

Hàng ngàn người đổ vào quảng trường Taksim sau khi cảnh sát rút đi.

Gezi là một trong những địa điểm xanh của thành phố với 17 triệu dân. "Thế mà chính quyền định đốn hàng trăm cây cổ thụ, thật không hiểu nổi. Đó là quả tim biểu tượng của đất nước" - anh hướng dẫn viên du lịch Mehmet tâm sự. Công viên này chiếm một vị thế quan trọng trong lòng người dân. Nhưng Thủ tướng đã thẳng thừng gạt bỏ các chỉ trích: "Họ muốn làm gì cũng được, dự án của chúng tôi đã được quyết". 

Nói rộng hơn, chính sách quy hoạch đô thị do chính phủ đề ra đã bị phê phán mạnh mẽ. Chính phủ TNK đã thực hiện nhiều công trình quy mô, chẳng hạn như xây dựng một phi trường lớn nhất thế giới để tiếp đón 150 triệu lượt khách mỗi năm. Phi trường mới này sẽ vượt qua phi trường Atlanta của Mỹ (90 triệu lượt khách/năm). Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ đã được nhượng quyền khai thác trong 25 năm với gói thầu 22,1 tỉ euro.

Dự án xây dựng chiếc cầu thứ ba bắc qua eo biển Bosphore và đền thờ Camlica khổng lồ cũng bị chỉ trích gắt gao. Các dự án tầm cỡ đó đã gắn kết mối oán hận của người dân TNK, nhưng chính toàn bộ chính sách của Thủ tướng Erdogan đã thúc đẩy hàng chục ngàn người dân xuống đường. Đất nước TNK đã đạt được một số thành công về kinh tế dưới thời Thủ tướng Erdogan với mức tăng trưởng hàng năm bình quân 5% nhờ kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhưng Thủ tướng lại bị chỉ trích là chuyên chế.

Mới đây việc Quốc hội phê chuẩn sắc luật siết chặt việc bán rượu lẻ, chính quyền gây áp lực lên giới truyền thông và sa thải nhiều phóng viên đối lập đã khiến rất nhiều người dân cho rằng đó là sự xâm phạm thêm nữa vào nếp sống của cá nhân. Nhưng chính dự tính bứng các cây cổ thụ đã gắn kết những người có chính kiến khác nhau lại.

"Lúc đầu chúng tôi ủng hộ AKP (đảng Công lý và Phát triển đang cầm quyền) vì họ chống lại quân đội, họ là hy vọng cho một nền dân chủ. Nhưng giờ đây họ thay thế quân đội bằng cảnh sát" - nữ giáo viên Irem Inceoglu bày tỏ.

Người biểu tình tại quảng trường Taksim.

Một làn sóng nổi dậy đã tràn qua thành phố Istanbul khi người dân xuống đường đổ ra quảng trường Taksim, và sự giận dữ của mọi người lại càng tăng thêm khi cảnh sát chống bạo động thẳng tay đàn áp. Hôm 1/6, đám khói hơi cay bao trùm lên quảng trường sau 2 ngày bạo động liên tiếp.

"Cảnh sát bắn lựu đạn cay trực tiếp, nhiều người bị thương ở đầu" - du khách Billur Dokur kể lại. Ông phân phát thuốc xịt mắt chống cay cho bạn bè. Màn đêm chưa kịp xuống cảnh sát đã mở cuộc truy bắt những người biểu tình tại công viên Gezi sát bên quảng trường Taksim, đốt cháy lều của những người "đóng quân" tại đấy.

Việc triển khai của lực lượng công quyền đã khiến nhiều khu vực giống như đang bị phong tỏa. Các con đường lớn dẫn đến quảng trường Taksim đều bị cảnh sát chặn lại. Đường phố chỉ còn người đi bộ và du khách. Nhiều cửa hiệu bị đập vỡ cửa kính, đóng cửa im ỉm nghỉ bán.

Từ chiều tối ngày 31/5, cuộc bạo loạn đã lan sang những thành phố khác như Izmir, Antalya hay thủ đô Ankara. Đến chiều ngày 1/6, Thủ tướng Erdogan ra lệnh cho cảnh sát rút khỏi quảng trường Taksim và công viên Gezi. Lập tức hàng ngàn người cầm cờ TNK đã xông vào chiếm lĩnh trong tiếng hò reo chiến thắng, có vài phát pháo hoa phụ họa.

Trước đó, Tổng thống Abdullah Gul đã kêu gọi người dân: "Trong một nền dân chủ, mọi phản ứng đều phải được bày tỏ với ý thức, bình tĩnh, và ngược lại nhà chức trách phải nỗ lực hơn nữa để lắng nghe ý kiến và nỗi âu lo của quần chúng". Thủ tướng Erdogan cũng thừa nhận rằng trong một số trường hợp quả thật đã có nhiều sai lầm và các hành động cực đoan từ phía cảnh sát; ông cũng cho biết rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành theo lệnh của Bộ Nội vụ.

Nhưng chiều ngày 2/6, cảnh sát lại can thiệp tại Ankara bằng lựu đạn cay và vòi rồng để ngăn chặn hàng ngàn người biểu tình kéo đến dinh Thủ tướng. Trong đêm đó đã diễn ra nhiều cuộc xung đột dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình. Và như một lời thách thức, Thủ tướng khẳng định sẽ thực hiện dự án quy hoạch đến cùng

Minh Luân (tổng hợp)
.
.