Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phải trả giá?

Thứ Năm, 13/08/2015, 13:10
Các vụ tấn công khủng bố đã bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ trong mấy ngày qua. Đây là những bất ổn an ninh mới nhất tại quốc gia này sau một thời gian dài yên ắng. Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ cho mở cùng lúc hai mặt trận chống IS và PKK tại Iraq và Syria, các chuyên gia đã dự báo rằng những tính toán của chính quyền Ankara sẽ phải trả giá.

Các cuộc tấn công IS và PKK ở Iraq sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ phải hứng chịu thêm các cuộc tấn công nữa của IS và khuấy động thêm bạo lực giữa người Kurd thiểu số có cảm tình với PKK.

Chỉ trong ngày 10/8, hai vụ tấn công đã xảy ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ làm 3 người chết. Đầu tiên là vụ đánh bom một đồn cảnh sát  vào nửa đêm 10-8. Một kẻ đánh bom tự sát đã làm nổ một chiếc xe hơi cài bom đậu trước một đồn cảnh sát tại khu phố Sultanbeyli nằm bên bờ sông Bosphore ở Istanbul. Theo Anatolia, cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, 10 người bị thương, trong đó có 3 nhân viên cảnh sát.

Các cuộc đụng độ với cảnh sát diễn ra suốt đêm hôm đó tới rạng sáng hôm sau, rất nhiều chiến binh đã nổ súng về phía đồn cảnh sát. Theo Anatolia, vào sáng 10/8, 2 chiến binh đã bị cảnh sát bắn chết và hiện chưa biết được họ thuộc đảng phái nào. Kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một nhân viên cảnh sát đã bị thiệt mạng trong cuộc đấu súng.

Tuy nhiên, thông tin trên chưa được chính thức công nhận. Còn một nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng đảng Lao động người Kurdistan (PKK) là người chịu trách nhiệm về vụ tấn công-tự sát nhắm vào đồn cảnh sát trên.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa hiện trường vụ đánh bom đồn cảnh sát ở quận Sultanbeyli, Istanbul, ngày 10/8.

Theo các đài truyền hình CNN-Turk và NTV, cùng lúc với vụ tấn công trên, vào sáng sớm hôm 10/8, hai người khác có vũ trang, trong đó có một phụ nữ, đã nổ súng vào Lãnh sự quán Mỹ, được bảo vệ nghiêm ngặt, nằm ở khu Istinye, bên bờ sông Bosphore. Người phụ nữ bị thương và bị cảnh sát bắt giữ. Ngày 11/8, nhóm cực tả Mặt trận/đảng Cách mạng Giải phóng nhân dân (DHKP-C), đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công trên.

Trong bản thông cáo trên website của mình, nhóm này còn hứa “cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục cho tới khi chủ nghĩa đế quốc và các đồng minh phải rời khỏi đất nước và để mỗi mảnh đất Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi các căn cứ quân sự của Mỹ”. Hiện vẫn chưa rõ động cơ của các vụ tấn công trên nhưng cả hai vụ diễn ra đúng lúc căng thẳng đang tăng cao, với việc chính phủ tăng cường chiến dịch chống lực lượng ly khai PKK.

Ngoài hai vụ tấn công trên tại Istanbul, 4 cảnh sát khác cũng bị giết hại vào sáng 10/8 do trúng một quả mìn được cài bên đường. Theo truyền thông địa phương, quân ly khai người Kurdistan bị cáo buộc là thủ phạm vụ tấn công này. Một cuộc tấn công khác cũng đã xảy ra tại quận Silopi, tỉnh Sirnak, một tỉnh biên giới với Iraq và Syria.

Ngoài ra, theo Hãng tin tư nhân Dogan, một quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị chiến binh người Kurdistan giết hại vì trúng rocket bắn từ một chiếc trực thăng quân sự. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trả đũa bằng cách dội bom xuống khu vực này.

Như vậy có thể thấy tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên bất ổn sau một thời gian dài yên ổn, sau khi chính quyền Ankara ký thỏa thuận hòa bình với PKK. Nguyên nhân dễ thấy nhất dẫn đến tình trạng này là quyết định tấn công PKK và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)  của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước sau một thời gian lưỡng lự.

Việc chính quyền Ankara cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Incirlik ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ để không kích quân IS ở Syria cũng là một nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị trả đũa. Trước hôm xảy ra vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố Mỹ đã triển khai 6 máy bay chiến đấu F-16 và 300 quân lính tới căn cứ Incirlik để hỗ trợ chiến dịch chống IS.

Ngày 9/8, Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã có gần 400 thành viên của lực lượng PKK bị tiêu diệt và hàng trăm người khác bị thương trong cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 2 tuần qua tại miền Bắc Iraq. Theo tin trên, trong số những người thiệt mạng có ít nhất 4 thủ lĩnh và 30 nữ chiến binh của PKK.

Những vụ không kích của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 tuần qua đã giết chết khoảng 400 thành viên PKK ở Iraq.

Trước đó ngày 6/8, lãnh đạo đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) Selahattin Demirtas, thủ lĩnh chính trị của cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã kêu gọi thế giới lên án "cuộc chiến phi lý" của chính quyền Ankara nhằm vào phiến quân người Kurd, đồng thời yêu cầu Liên minh châu Âu nỗ lực một cách rõ ràng trong việc thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn.

Ngày 8/8, Đức đã lên tiếng. Trả lời phỏng vấn báo Bưu điện sông Rhein của Đức, Ngoại trưởng Steinmeier nói: "Sẽ là thảm họa cho Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực nếu trong những cuộc xung đột ở Trung Đông, tiến trình hòa bình với người Kurd đi vào ngõ cụt. Điều đó không được phép xảy ra".

Ngoại trưởng Đức cũng cho biết lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết sẽ duy trì tiến trình hòa bình với PKK, song phải trên cơ sở các lực lượng đảng này cũng phải ngừng hành động tấn công vào các đơn vị an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà ngoại giao Đức, điều quan trọng hiện nay là phải ngăn chặn vòng xoáy bạo lực và các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau giữa hai bên.

Ông Steinmeier cho rằng những tiến triển đạt được trong đàm phán với PKK không thể bị hủy hoại và chỉ có đàm phán mới có thể ngăn chặn được sự tái diễn của các vụ đụng độ đẫm máu vào những năm 90 thế kỷ trước, điều nếu xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho toàn bộ khu vực.

Phát biểu trên báo Thế giới Chủ nhật của Đức ngày 9/8, Chủ tịch nhóm nghị sĩ của đảng Cánh tả trong Quốc hội Đức Dietmar Bartsch đã yêu cầu chính quyền Berlin rút toàn bộ tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng sự can thiệp về quân sự là "thảm họa".

Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ cho mở cùng lúc hai mặt trận chống IS và PKK tại Iraq và Syria, các chuyên gia đã dự báo rằng những tính toán của chính quyền Ankara sẽ phải trả giá. Các cuộc tấn công IS và PKK ở Iraq sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ phải hứng chịu thêm các cuộc tấn công nữa của IS và khuấy động thêm bạo lực giữa người Kurd thiểu số có cảm tình với PKK. Những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy những cảnh báo trên đã đúng.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.