Thổ Nhĩ Kỳ đang trả giá cho chính sách đối với Syria

Thứ Ba, 19/01/2016, 13:30
Vụ tấn công diễn ra ngày 12-1 vừa qua trên Quảng trường Sultanahmet - trung tâm lịch sử của Istanbul làm chết 10 người và 15 người bị thương. Đó là nơi mà hầu hết du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ đều phải ghé qua tham quan.


Lúc 10 giờ 20 phút, một tên khủng bố đã cho nổ bom tự sát ngay giữa đám đông du khách. Trong số 10 người chết có 8 du khách Đức. Kẻ khủng bố là một người đàn ông Syria 28 tuổi có dính líu đến IS.  Ngay hôm sau, giới truyền thông đã chỉ trích thái độ mập mờ của chính phủ đối với tổ chức khủng bố IS. Ngược lại, báo chí chính phủ lên án IS cũng như người Kurd đã muốn chia rẽ đất nước.

Nhà bình luận Mehmet Yilmaz của tờ Hurriyet nhận định: "Vụ khủng bố này cho thấy rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trả giá cho chính sách sai lầm đối với Syria, với cách nhắm mắt làm ngơ về bản chất của các nhóm khủng bố, miễn là chúng tiếp tay vào việc lật đổ chính quyền Bashar Al-Assad. Ngoài ra, vụ tấn công nhắm vào du khách tại Istanbul còn tiếp thêm cho sự tẩy chay mà Nga đưa ra và sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước nhà".

Trước vụ tấn công ngày 12-1 vừa qua còn có vụ khủng bố tại Ankara ngày 10-10-2015 và một vụ tại Suruc ngày 20-7,  đều do IS nhận trách nhiệm. Hai thảm kịch này khiến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải nhắc đến cuộc chiến chống khủng bố, tức là chống IS và nhất là cộng đồng thiểu số người Kurd. Ngoài ra, khi mở chiến dịch trấn áp người Kurd, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã bóp chết tiến trình hòa đàm với phe nổi dậy người Kurd độc lập PKK (đảng Công nhân Kurdistan).

Vì sao trong thời gian gần đây Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với sự gia tăng các cuộc tấn công của IS ngay trên lãnh thổ? Trước tiên bởi vì sự hỗn độn đã tạo nên những điều kiện thuận lợi cho IS. Giữa hai cuộc bầu cử ngày 7-6 và 1-11-2015 (do lần đầu không có được đa số), đất nước Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình trạng thiếu chính quyền và trong bối cảnh đối đầu với PKK. Sau chiến thắng của đảng AKP bảo thủ của Recep Tayyip Erdogan, vấn đề lỗ hổng trong chính quyền đã được giải quyết nhưng sự đối đầu với PKK lại không ngừng mạnh lên.

Tình trạng này đã tạo nên bối cảnh thích hợp cho các hoạt động khủng bố của IS. Chuyên gia Fuat Keyman thắc mắc: "Vì sự đối đầu giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và PKK chỉ có lợi cho IS, phải chăng đã đến lúc tiến hành những cuộc đàm phán với đảng thân Kurd HDP và tái khởi động lại tiến trình giải quyết vấn đề người Kurd?".

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ khủng bố.

Còn nhật báo thân chính phủ Yeni Safak khẳng định: "Người ta không thể phân biệt được các hành động của IS với PKK. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang hứng chịu một sự tấn công có hệ thống nhằm mục đích làm mất ổn định đất nước. Do vậy người ta không thể phân biệt được vụ khủng bố tại Quảng trường Sultanahmet với cuộc chiến thành thị ở miền đông nam". Khu vực này đang có sự đối đầu giữa các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và những dân quân Kurd dính líu đến phong trào thanh niên PKK vốn định thành lập một dạng tự trị tại đấy.

Và tờ báo kết luận: "Giống như những gì đang xảy ra tại Iraq và Syria, các vụ khủng bố nhắm vào chúng ta nhằm mục đích phân rã đất nước và khiến chúng ta rơi vào bẫy". Tờ báo cũng gạt bỏ những lời cáo buộc động thái mập mờ của Ankara đối với IS và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia vào cuộc chiến chống IS. "Thổ Nhĩ Kỳ muốn tạo ra một vùng đệm ở miền Bắc Syria bằng cách kết hợp người Arập và Turkmen rồi đẩy lui IS, nhưng đồng minh Mỹ của chúng ta không nhiệt tình lắm với ý định này. Thế nhưng, chúng ta đã mở căn cứ không quân Incirlik cho họ và rất tích cực trong liên minh chống IS. Cuối cùng IS đã tấn công khủng bố trên lãnh thổ chúng ta, đã bắt giữ vị lãnh sự và phái bộ ngoại giao của chúng ta tại Mossul. Có lẽ chúng ta là đất nước chịu thiệt hại nặng nề nhất trước những hành động của tổ chức khủng bố đó, nhưng chúng ta lại bị cáo buộc là trợ giúp cho IS. Thật không thể hiểu nổi".

Vụ khủng bố ngày 12-1 tại Sultanahmet còn khiến giới quan sát nghi vấn rằng, phải chăng các nạn nhân đó bị nhắm đến vì quốc tịch Đức của họ? Giả thuyết đó không thể bị bỏ qua vì trong thời gian gần đây Đức bị đe dọa khủng bố ngày càng nhiều. Tuy tạm thời Đức chưa hứng chịu nạn khủng bố nhưng cũng phải quen với tình trạng báo động và mối đe dọa khủng bố với nhiều vụ tấn công bị phá vỡ trong năm 2015.

Chỉ vài ngày sau vụ khủng bố tại Paris vào tháng 11-2015, chính quyền Đức được thông báo về một mối đe dọa tại nhiều nhà ga nên đã ngăn cấm mọi cuộc tụ tập đông người hay biểu tình tại thành phố Dresden trong vòng 1 ngày. Ba tháng sau, Cảnh sát Đức cho biết đã phá vỡ được một âm mưu khủng bố khi bắt giữ đôi vợ chồng Hồi giáo tại nhà riêng gần Francfort. Tại đấy cảnh sát còn tịch thu được một quả bom tự tạo, đạn 9mm và những viên đạn bazooka tập luyện.

Nhưng chính việc hủy bỏ trận bóng đá Đức-Hà Lan ngày 17-11-2015, được xem như là "biểu tượng tự do" sau vụ khủng bố tại Paris và chính Thủ tướng Merkel cũng đến dự, đã soi rọi về mối đe dọa khủng bố đang bao trùm trong nước. Nỗi lo sợ mới đây nhất là vào đêm giao thừa khi 2 nhà ga trong vùng Munich đã được sơ tán sau nhiều thông tin từ "các nước bạn" thông báo nguy cơ khủng bố do một nhóm "từ 5 đến 7 người" sẽ được thực hiện vào nửa đêm, lúc chào đón năm mới.  

Các mối đe dọa này có thể có một phần nguyên do là sự tham gia ngày càng tích cực của chính quyền Đức trong cuộc chiến chống IS. Từ mùa thu 2014, Đức đã tham gia vào liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu nhưng từ chối oanh kích Iraq hay Syria mà chỉ cung cấp vũ khí và huấn luyện viên. Tuy nhiên, vị thế đã này đã thay đổi sau vụ khủng bố tại Paris ngày 13-11-2015. Quốc hội Đức cũng đã chấp thuận triển khai 1.200 binh sĩ và 6 phi cơ để tham gia vào các chiến dịch quốc tế chống IS.

Mặt khác, Đức còn phải đối mặt với mối đe dọa trong nước do ngày càng có nhiều công dân Đức sang Iraq và Syria để gia nhập hàng ngũ IS rồi đôi khi lại trở về, khiến cho Đức càng dễ nằm trong tầm ngắm của IS. Theo giới truyền thông Đức, có hơn 600 người Đức đã sang Syria và gần 200 người quay trở về.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.