Ankara rúng động sau vụ đánh bom ngày 13-3:

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chìm vào bất ổn

Thứ Sáu, 18/03/2016, 15:00
Lại thêm một vụ đánh bom khủng bố xảy ra ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ gây thương vong cao. Đây là vụ tấn công thứ ba trong năm tháng gần đây, và là hành động mới nhất của thành phần người Kurd ở vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả các hành động của Chính phủ nước này.

Vụ đánh bom xe mới nhất xảy vào lúc 6 giờ 43 phút (giờ địa phương) chiều tối ngày Chủ nhật 13-3 tại khu vực bến xe buýt trung tâm Ankara. Xung quanh khu vực đánh bom có nhiều tòa nhà trụ sở cơ quan nhà nước như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Tòa án và một đồn cảnh sát. Đài truyền hình địa phương TRT cho biết, thời điểm xảy ra vụ đánh bom, khu vực này có rất đông người qua lại.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Muezzinoglu cho biết, tính đến sáng ngày 14-3, con số người chết đã lên đến 37, số bị thương là trên 70 người. Nhiều chiếc xe buýt cháy rụi. Chiếc xe bom bị cháy rụi, biến dạng hoàn toàn. Xác hung thủ được tìm thấy ngay cạnh đó.

Không có tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ đánh bom, nhưng theo cơ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, một trong các nghi phạm được xác định danh tính là một phụ nữ trẻ, sinh năm 1992 tại thành phố Kars, thuộc miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, gia nhập đảng Công nhân người Kurd (PKK) từ năm 2013. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quy trách nhiệm cho Các đơn vị Bảo vệ nhân dân (YPG) do Mỹ ủng hộ và có liên hệ mật thiết với PKK.

Hiện trường vụ nổ bom ngày 13-3 ở Ankara.

Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã lên án mạnh mẽ hành động khủng bố. Ông Erdogan tuyên bố: “Những vụ tấn công này đe dọa sự toàn vẹn quốc gia, thống nhất và đoàn kết của dân tộc chúng ta, nhưng không làm suy yếu mà ngược lại còn làm mạnh mẽ thêm quyết tâm của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Vụ khủng bố bằng bom xe hôm 13-3 là vụ thứ 5 trong vòng 9 tháng qua xảy ra tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Và cuộc chiến mà Ankara đang đối mặt không chỉ diễn ra với PKK mà còn cả với IS, và ít nhất có hai nhóm người Kurd vũ trang cũng tham gia thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước vụ này, một vụ đánh bom khác xảy ra vào ngày 17-2, cũng tại khu vực trung tâm thủ đô Ankara, chỉ cách vụ này vài dãy phố. Vụ đó, nhóm phiến quân Kurdistan Freedom Hawks (TAK) đã nhận trách nhiệm. Mục tiêu của vụ tấn công là đoàn xe chở binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều chiếc xe cháy rụi, làm 29 người chết và hơn 100 người bị thương, trong đó chủ yếu là quân nhân. Vụ nổ bom xảy ra trong khu vực có các tòa nhà Phủ Thủ tướng, trụ sở Quốc hội, Bộ Quốc phòng, và trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội.

Trước đó nữa, một vụ tấn công làm chết 11 du khách người Đức và 1 người Peru vào tháng 1-2016. IS bị quy trách nhiệm. Tháng 10-2015, Ankara đã phải báo động khủng bố cao độ sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại một cuộc tập hợp biểu tình của người Kurd làm chết 103 người và 250 người bị thương. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đổ lỗi cho IS là thủ phạm vụ này mặc dù tổ chức này không lên tiếng nhận trách nhiệm.

Vụ này khiến người ta liên tưởng đến vụ khủng bố hồi tháng 7-2015 tại thị trấn Turuc, sát biên giới với Syria, làm chết 33 người hoạt động xã hội cả Kurd lẫn Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã cố đổ lỗi cho người Kurd, nhưng dư luận và giới quan sát đã nhanh chóng chỉ ra chính Ankara là kẻ đứng đằng sau giật dây vụ này nhằm tạo cớ triển khai các chiến dịch quân sự chống người Kurd nói chung, và nhất là đảng PKK đang theo đuổi tham vọng thành lập Nhà nước Kurdistan.

Như một cái vòng luẩn quẩn, ngay sau vụ tấn công, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại mở những đợt truy kích lực lượng PKK ở khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Iraq. Cứ sau những vụ đánh bom trước đây, là các đợt oanh kích khốc liệt nhằm vào các mục tiêu PKK ở các thị trấn vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Iraq. Lần này cũng thế.

Sáng thứ Hai 14-3, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều máy bay chiến đấu thực hiện đợt không kích vào các mục tiêu của PKK. Hãng thông tấn nhà nước Anatolia nói rằng, các máy bay chiến đấu tấn công các kho vũ khí và nơi trú ẩn của các phần tử PKK ở vùng rừng núi Qandil và Gara ở miền Bắc Iraq, nơi đặt trụ sở chỉ huy cấp cao của PKK. Trong khi đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành các đợt truy quét ở thành phố miền Nam Adana, bắt giữ 36 người thuộc đảng PKK.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố quét sạch khủng bố.

Song song đó, cảnh sát phối hợp quân đội cũng mở cuộc truy quét phiến quân người Kurd ở thị trấn Yuksekova, giáp viên giới với Iran và Iraq. Rất nhiều xe tăng và xe bọc thép đã được triển khai tại hai thị trấn này khiến nhiều người dân phải bỏ nhà cửa chạy trốn.

Ngoài hai thị trấn này, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số thành phố ở miền đông nam, thẳng tay đàn áp các phiến quân người Kurd đang đào hào, gài mìn và dựng chướng ngại vật nhằm chiến đấu chống truy quét. Các tổ chức nhân đạo thế giới quan ngại về những hành động quân sự quá mức của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào thành phần người Kurd.

Những hành động quân sự trả đũa PKK của Ankara không chỉ gây ra thương vong cho các tay súng PKK mà điều quan trọng hơn là đã gây ra cái chết cho hàng trăm dân thường bị kẹt giữa hai làn đạn. Chưa kể hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người khác phải bỏ nhà chạy nạn để tránh sự giao tranh giữa quân đội chính phủ và PKK.

YPG là tổ chức người Kurd chống IS ở miền Bắc Syria, và Ankara cũng từng cho máy bay ném bom và bắn tên lửa sang Bắc Syria vài tháng trước đây, gây nên căng thẳng cao độ, khiến Ankara có nguy cơ lún sâu vào cuộc chiến Syria. Nó khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “gánh nặng” về an ninh cho cả NATO và Liên minh châu Âu, nhưng cả hai tổ chức này đều không thể nào từ bỏ được.

An Châu (tổng hợp)
.
.