Thỏa thuận lịch sử

Thứ Hai, 02/12/2013, 17:55

Thỏa thuận được mong đợi nhất về chương trình hạt nhân của Iran đã được Iran và các nước trong nhóm P5+1 ký kết vào sáng ngày 24/11 (giờ Thụy Sĩ) tại Geneva. Theo văn bản được công bố chính thức, thỏa thuận hạt nhân tạm thời chứa đựng những điều khoản mà cả Mỹ lẫn Iran đều chấp nhận được, không đến nỗi quá khắt khe.

Cụ thể, sau khi đặt bút ký vào thỏa thuận, Iran sẽ phải dừng toàn bộ hoạt động làm giàu uranium trên 5% và đóng băng kho uranium đã làm giàu đến 3,5%, vô hiệu hóa kho uranium đã làm giàu đến 20%; dừng sản xuất, lắp đặt hoặc nâng cấp thiết bị ly tâm; dừng xây dựng mới các nhà máy làm giàu uranium; dừng tất cả hoạt động tại lò phản ứng hạt nhân Arak (được phương Tây xem là có năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân nguyên liệu plutonium); cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh tra, kiểm tra rộng rãi hơn và sâu hơn, kể cả việc thanh, kiểm tra hàng ngày đối với tất cả các cơ sở hạt nhân. Đổi lại những việc làm của Iran, P5+1 đồng ý sẽ giải phóng đến 6 tỉ USD trị giá tài sản của Iran bị phong tỏa.

Trước mắt, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, các bộ trưởng EU sẽ thảo luận gỡ bỏ một phần các biện pháp cấm vận, sớm nhất có thể vào tháng 12/2013, và châu Âu cũng đang dự tính quyết định nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đã áp đặt với Iran. Tuy chỉ là thỏa thuận tạm thời, có thời hạn trong 6 tháng, nhưng là bước đi đầu tiên để hướng đến một hiệp định toàn diện hơn sẽ được Iran và P5+1 tiến hành thương lượng vào tháng tới.

Ở Iran, sự lạc quan đã tràn ngập trên mặt báo và trong dư luận dân chúng, cả trong giới kinh doanh. Người dân Iran rất quan tâm đến tiến trình thương lượng để đi đến thỏa thuận này, với niềm hy vọng lớn lao là các biện pháp cấm vận sẽ được gỡ bỏ, những khó khăn mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày sẽ không còn hoặc giảm bớt đi phần nào. Thị trường tài chính Iran đã thể hiện sự lạc quan lớn nhất: thị trường chứng khoán tăng giá, đồng tiền rial của Iran cũng tăng giá liên tục trong 2 ngày sau khi thỏa thuận được ký.

Người dân Iran quan tâm theo dõi thông tin về thỏa thuận hạt nhân.

Đi ngược với không khí lạc quan đó, Israel cùng với các đồng minh đang lên tiếng chỉ trích dữ dội việc P5+1 ký kết thỏa thuận với Iran. Các bộ trưởng diều hâu trong nội các Israel như Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, Bộ trưởng Nội vụ Naftali Bennett,… đều lên tiếng "nghi ngờ" sự thành thật của Iran, cho rằng Iran có khả năng sản xuất "không chỉ một mà là một số quả bom hạt nhân".

Trong cuộc họp nội các vào Chủ nhật hàng tuần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bực tức gọi thỏa thuận Geneva là "sai lầm lịch sử", bác bỏ những điều khoản nhượng bộ của Iran, xem đó như là "lớp mỹ phẩm tạm thời mà người Iran có thể gạt bỏ bất cứ lúc nào".

Sự phản ứng gay gắt của Israel là tình hình chung ở các nước đồng minh của phương Tây ở khu vực Trung Đông đối nghịch với Iran, như Arập Xêút, Qatar. Quan điểm chung của nhóm quốc gia này là Iran phải dẹp bỏ hoàn toàn tất cả các lò phản ứng hạt nhân và cấm Iran làm giàu uranium. Thách thức có vẻ khó khăn nhất chính là khi Chính phủ Mỹ trình Quốc hội thông qua thỏa thuận này.

Ngay trong tiến trình đàm phán với Iran tại Geneva, Quốc hội Mỹ đã rục rịch đòi thông qua nghị quyết gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran nhằm buộc nước này phải dừng hoàn toàn các hoạt động nghiên cứu hạt nhân (kể cả trong y học) chứ không chỉ là các lò phản ứng, làm giàu uranium. Từ những thách thức, khó khăn đó, các bộ trưởng Ngoại giao EU đã lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch ngoại giao để thuyết phục Israel và các nước đồng minh còn hoài nghi về tính nghiêm túc của Iran. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch để thuyết phục Quốc hội nước này phê chuẩn thỏa thuận.

Trên thực tế, sự hoài nghi của Israel và thành phần thân Israel cũng như các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông là không cần thiết. Như tờ Slate đã viết, thỏa thuận có quy định thời hạn hiệu lực trong 6 tháng. Trong khoảng thời gian đó, nếu các bên không đạt được hiệp định thì coi như mọi điều khoản trong thỏa thuận sẽ còn ràng buộc các bên.

Đồng thời, những việc mà Iran và P5+1 phải làm đều được thể hiện cụ thể, rõ ràng, không có ngôn từ nào mờ ám hoặc gây hiểu lầm, do đó cũng không có kẽ hở cho sự "lừa dối" hay "lật lọng" như Israel hoài nghi. Như Sadegh Zibakalam, một giáo sư đại học ở Tehran, phát biểu trên tờ nhật báo Bahar News rằng "các chi tiết trong thỏa thuận không quan trọng bằng điều cơ bản là Iran đã gạt sang bên quan điểm hằn học đối với phương Tây"

An Châu (tổng hợp)
.
.