Thoả thuận lịch sử giữa Serbia và Kosovo

Thứ Sáu, 26/04/2013, 07:45

Cộng hòa Serbia và Kosovo vừa đạt được một thỏa thuận hòa giải mang tính lịch sử với sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận đạt được giúp 2 bên bình thường hóa quan hệ, là một bước tiến mới trên con đường độc lập của quốc gia non trẻ Kosovo, đồng thời tạo điều kiện để Serbia khởi sự tiến trình đàm phán gia nhập EU. Tuy nhiên, đa số người Serbia ở Bắc Kosovo thì không nghĩ như vậy.

Thỏa thuận được ký kết hôm 19-4 giữa Thủ tướng Serbia Ivica Dacic và Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci tại Brussels trước sự chứng kiến của Ủy viên đối ngoại EU Catherin Ashton, đã giúp giải quyết được vấn đề gút mắc lớn cuối cùng trong vấn đề "độc lập cho Kosovo" vốn là điều mà Serbia kịch liệt phản đối hơn 5 năm qua.

Theo giới quan sát ở Brussels, thỏa thuận đã đưa ra một giải pháp mang tính nhượng bộ giữa 2 bên, trong đó 40.000 người gốc Serbia ở Bắc Kosovo được trao nhiều quyền tự trị hơn. Chi tiết nội dung của thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng một phiên bản không chính thức được báo chí Serbia đăng tải tiết lộ rằng: Người Serbia ở Bắc Kosovo sẽ được trao cho một số vị trí quyền lực trong ngành cảnh sát và tòa án ở các đô thị do người Serbia chiếm đa số, nhưng hoạt động trong khuôn khổ luật pháp Kosovo. Tuy nhiên, những người gốc Serbia sinh sống tại Kosovo không hài lòng, và họ đã nói với báo chí rằng, mình cảm thấy bị chính quyền ở Belgrade "phản bội" khi ký kết thỏa thuận như thế với Kosovo.

Ủy viên đối ngoại EU Catherine Ashton (giữa) xúc tiến thỏa thuận giữa Thủ tướng Serbia Ivica Dacic (trái) và Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci.

Thực ra thì việc trao cho người gốc Serbia một số vị trí công việc trong hệ thống công quyền như nêu trong thỏa thuận không làm cho người Serbia cảm thấy được tự do hơn hay có nhiều quyền hành hơn. Đa số trong cộng đồng người Serbia ở Kosovo (hơn 100.000 người) đều không đồng tình với cách giải quyết như trong thỏa thuận, vì họ cảm thấy nó làm cho họ càng xa cách hơn với "mẫu quốc" Serbia. Điều người Serbia ở Kosovo mong muốn là họ tiếp tục là "một phần của Serbia".

Kosovo từng là một tỉnh của Serbia. Ngày 17/2/2008, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, với sự chống lưng của thế lực hùng hậu gồm Mỹ và một phần EU cùng một số quốc gia thân Mỹ hoặc có lợi ích với Mỹ. Đa số các quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm Nga và Trung Quốc và 5 nước EU (gồm Tây Ban Nha, Hy Lạp, Síp, Romania và Slovakia), cho đến nay vẫn không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập, dù Mỹ và các đồng minh ở châu Âu tìm mọi cách vận động. Nga thậm chí còn trả đũa việc Mỹ công nhận Kosovo độc lập bằng việc công nhận độc lập 2 vùng lãnh thổ tự trị thuộc Gruzia là Abkhazia (miền Tây Gruzia) và Nam Ossetia (miền Bắc Gruzia).

Mặc dù được Mỹ và EU công nhận, nhưng về mặt chính thức, Kosovo vẫn chưa thể là một quốc gia độc lập đúng nghĩa, bởi lãnh thổ này hiện nay vẫn hoạt động trong cơ chế giám sát của EU, được Mỹ và EU "nuôi" bằng nguồn tài trợ có giới hạn như một dự án chính trị chưa được nghiệm thu. Để "dự án" Kosovo được hoàn thiện và được "nghiệm thu" trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi lãnh thổ này phải được công nhận và là thành viên của các tổ chức, định chế quốc tế cấp châu lục và trên phạm vi toàn cầu.

Vì vậy, EU đặt ra điều kiện buộc Serbia phải thừa nhận Kosovo như một quốc gia độc lập, tức là phải thiết lập quan hệ bang giao đồng đẳng chứ không được coi Kosovo như một tỉnh cũ như trước. Vì nhu cầu hội nhập quốc tế, vì mong muốn trở thành thành viên EU để được hưởng những quyền lợi nhất định, Belgrade đành phải bấm bụng chấp nhận điều kiện của EU - tiến hành đàm phán các điều kiện bang giao với Kosovo, sau khi đã cắn răng chịu đau bị cắt mất tỉnh Kosovo.

Người Serbia ở Bắc Kosovo biểu tình phản đối thoả thuận.

Hiện tại, cùng với Serbia còn có thêm khoảng 7 quốc gia khác (không kể Kosovo) cũng đang ngấp nghé chuẩn bị xin gia nhập EU, khiến cho tiến trình mở rộng của khối này được quan tâm trở lại. Các quốc gia mới xin gia nhập EU bao gồm Albania, Bosnia-Hercegovina, Croatia, Iceland, Macedonia, Motenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Có những quốc gia đã xin gia nhập từ nhiều năm trước, như Thổ Nhĩ Kỳ, là quốc gia đã tiến hành đàm phán gia nhập từ rất lâu (năm 1987) nhưng do vấn đề tôn giáo - quốc gia đạo Hồi lớn nhất châu Âu - khiến cho nước này bị nhiều thành viên khác trong EU "kỳ thị" buộc phải hoãn đàm phán vô thời hạn. Hay như Macedonia (xin gia nhập năm 2004), do những trục trặc trong vấn đề tranh chấp tên gọi lãnh thổ với Hy Lạp đã buộc phải đình lại cho đến khi giải quyết xong tranh chấp mới tiếp tục đàm phán.

Ngay sau khi Chính phủ Serbia chính thức phê chuẩn thỏa thuận với Kosovo hôm thứ hai 22/4, EU đã nhanh chóng thông báo khởi động tiến trình đàm phán thành viên với Serbia như một hành động "đáp lễ" đối với việc Serbia chịu ký kết thỏa thuận lịch sử với Kosovo, tạo bước đệm đầy ý nghĩa cho Serbia tiến đến việc gia nhập EU.

Trong thông báo của mình, EU đã "khen ngợi" Serbia đã tham gia đàm phán với Kosovo "một cách chủ động và xây dựng", đã tích cực hợp tác với EULEX - Cơ quan giám sát điều hành của EU tại Kosovo. Đó không phải là một thắng lợi của Serbia như một số báo chí châu Âu tô vẽ, mà thực sự là một bước lùi mà Serbia buộc phải chấp nhận để tạo những bước tiến mới trên trường quốc tế.

Lãnh đạo Serbia giờ đây có vẻ như đã nhìn nhận rằng, mình không thể và cũng không nên vì "sĩ diện" mà cố níu kéo thứ mà mình không còn khả năng giành lại được nữa. Chi bằng trước mắt hòa hoãn vẫn có lợi hơn

Văn Trương (tổng hợp)
.
.