Thoả thuận về Syria có dấu hiệu bị "lật kèo"

Thứ Ba, 24/09/2013, 16:05

Phương Tây đang lợi dụng báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vũ khí hóa học ở Syria để gây sức ép với chính quyền Damascus, trong khi Nga cho rằng các nước nên "công minh" chứ đừng nói lý của kẻ mạnh mà "cả vú lấp miệng em"!

Ngày 16/9, bản báo cáo của LHQ xác định rằng, ngày 21/8, ở Ghouta, ngoại ô Damascus, đã được sử dụng khí độc thần kinh sarin. Phải nói rõ ràng rằng, phái đoàn thanh sát của LHQ đến Syria để điều tra sự hiện hữu của việc sử dụng vũ khí hóa học chứ không có trách nhiệm xác định là phe nào sử dụng chúng.

Tuy nhiên, phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, Anh và Pháp lại mặc nhiên cho rằng bản báo cáo chỉ rõ: quân đội Syria đã sử dụng chất sarin. Trong khi phía Nga khẳng định tài liệu này đề cập đến những sự kiện tạo cơ sở để nghi ngờ phe đối lập vũ trang đã thực hiện hành động đó.

40 trang tài liệu của LHQ không có lời khẳng định nào về việc quân đội chính phủ đã sử dụng chất độc hóa học chống phe đối lập và dân thường. Mặt khác, bản báo cáo có một số đoạn rất đáng lo ngại. Phụ lục 5 của báo cáo đề cập đến các phương tiện mang chất độc hóa học cho biết, khẩu M14 có thể được trang bị đầu đạn như ban đầu cũng như đầu đạn tự chế (thủ công). Thực tiễn cho thấy rằng, các phần tử vũ trang của phe đối lập có đầu đạn như vậy.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước cuộc họp bàn về Syria ở Moskva, Nga.

Khi phái đoàn LHQ làm việc ở Syria, những người nào đó đã cố gắng cấp những bằng chứng chống quân đội Chính phủ Syria. Báo cáo cho biết: "Trong thời gian chúng tôi thực hiện cuộc điều tra thực địa, thường xuyên có những người nào đó đến địa bàn và mang theo những bằng chứng mới. Điều này cho thấy rằng, các bằng chứng đã được di chuyển và có thể bị tác động”.

Khi giới thiệu bản báo cáo, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng không rút ra kết luận rõ ràng. Ông chỉ gọi việc sử dụng chất độc hóa học là "tội ác chiến tranh".

Các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiến hành cuộc điều tra kể từ ngày 26/8. Trong số những bằng chứng khác, họ phát hiện ra rằng, trong đợt bắn phá đã sử dụng viên đạn của pháo phản lực RPU-14 sản xuất ở Liên Xô cũ. Hệ thống này đã được cung cấp cho Syria trước năm 1969, và đã từ lâu không được sử dụng. Nhưng, theo dữ liệu năm 2010, pháo phản lực này vẫn phục vụ cho quân đội Afghanistan, Ai Cập và Yemen. Ở tất cả các quốc gia này đều có những nhóm Al -Qaeda hành động ráo riết, và đang chiến đấu ở Syria. Đối với chúng, không có gì khó khăn tung đạn pháo dưới dạng bằng chứng.

Trong tình hình này, Nga kêu gọi các đối tác tham gia chuẩn bị hội nghị mới về Syria không nên rút ra kết luận vội vàng và tập trung vào vấn đề chuyển giao vũ khí hóa học ở Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói về điều này sau cuộc gặp ở Moskva với Ngoại trưởng Ai Cập.

Ông Lavrov nói: "Chúng ta cần phải hiểu rằng, nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề thủ tiêu vũ khí hóa học ở Syria thì bản đồ lộ trình Nga - Mỹ mở ra con đường thực tế đến mục tiêu này. Nếu có ai đó muốn thường xuyên tìm lý do để tấn công, thì bằng cách này chỉ xúi giục các "đối thủ không đội trời chung" của chế độ Syria tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích. Con đường này chỉ có thể dẫn đến việc phá hoại hoàn toàn triển vọng triệu tập Geneva lần 2.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cam kết từ bỏ vũ khí hóa học trong một cuộc phỏng vấn với Fox News tại Damas, ngày 19/9/2013.

Ngày 18/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serguei Riabkov đã tới Damascus và tố cáo tính thiên vị của bản báo cáo của các chuyên gia LHQ về việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ngày 21/8. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga khẳng định là các chuyên gia quốc tế đã bỏ qua nhiều chỉ dấu mà chính quyền Syria đã đưa ra nhằm chứng minh rằng chính các lực lượng nổi dậy - chứ không phải quân đội Syria - đã sử dụng vũ khí hóa học.

Ông Riabkov khẳng định: đã nhận được từ phía Damascus những thông tin có thể làm thay đổi tiến trình đàm phán trong tương lai. Các bằng chứng về sự dính líu của phe đối lập trong vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học sẽ được đại diện ngoại giao của Nga trình bày tại Hội đồng Bảo an.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga tỏ ra nghi ngờ về công việc của các chuyên gia LHQ, bởi vì họ đã không quan tâm đến những chỉ dấu mà chính quyền Syria đưa ra. Do vậy, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, các kết luận của bản báo cáo chỉ là sơ khởi và không đủ. Vẫn theo quan chức này, chắc chắn là Chính phủ Syria sẽ giữ lời hứa tôn trọng thời hạn một tuần phải cung cấp thông tin đầy đủ về hệ thống vũ khí hóa học của nước này.

Một số chuyên gia Nga tin tưởng rằng "cuộc tấn công hóa học" mới chống Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ đang ẩn chứa nỗ lực của Mỹ, Paris và London nhằm quay trở lại với kế hoạch tấn công Syria. Simon Baghdasarov, chuyên gia hàng đầu của Nga về Trung Đông, bình luận: "Tôi nghĩ rằng, tới đây, Syria có thể phải chịu rất nhiều hành động khiêu khích hơn nữa. Với vũ khí hóa học, cũng như trong các lĩnh vực khác.

Phe đối lập Syria định kỳ tổ chức các vụ thảm sát tín đồ Kitô, người Kurd và Alevis. Mai đây họ có thể sắp xếp một số hành động khiêu khích rồi sau đó buộc tội Damascus. Phương Tây sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội quay trở lại can thiệp vũ trang. Bởi vì nếu không có sự can thiệp vũ trang của phương Tây, phe đối lập Syria sẽ không thể giải quyết được bất kỳ nhiệm vụ nào đặt ra cho họ".

Kết luận của chuyên gia Nga về nguyện vọng của phương Tây muốn "kéo dài chiến tranh" được Tổng thống Mỹ Barack Obama gián tiếp xác nhận gần đây khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Tây Ban Nha Telemundo. Tổng thống Mỹ cho rằng, kết quả cuối cùng của thỏa thuận loại bỏ vũ khí hóa học Syria sẽ làm thay đổi chế độ ở Syria. Về phần mình, Tổng thống Bashar al-Assad đã nhiều lần nói rằng chỉ có nhân dân Syria mới được quyền giải quyết vấn đề này, chứ không phải phe đối lập được hỗ trợ bởi nước ngoài, và chắc chắn càng không phải là Washington.

Trong một cuộc phỏng vấn Đài Truyền hình Fox News của Mỹ ngày 19/9, ông Assad hứa tuân thủ một thỏa thuận giữa Mỹ và Nga nhằm tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, ông Assad mô tả tình hình hiện nay là "phức tạp" và cho biết việc tiêu hủy các vũ khí này sẽ tốn khoảng 1 tỉ USD và mất hơn một năm.

Như vậy từ mấy ngày qua, trung tâm đối đầu xung quanh Syria đã chuyển qua Hội đồng Bảo an LHQ. Washington, Paris và London đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống Damas nếu Syria không chấp hành ít nhất một điểm trong kế hoạch Nga - Mỹ về đặt vũ khí hóa học Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Nga và Trung Quốc phản đối việc đưa ra một lời đe dọa như vậy. Dự thảo nghị quyết này dự kiến sẽ được đệ trình Hội đồng Bảo an vào cuối tuần này

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.