Thỏa ước mong manh về di dân giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Năm, 23/03/2017, 16:05
Những bãi rác toàn áo phao bị phế bỏ đã ngừng tăng thêm tại các hòn đảo Hy Lạp gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ như Lesbos, Chios hay Kos. Cách đây đúng 1 năm, sau khi thỏa ước được ký kết, dòng suối di dân liên tục giờ chỉ còn là một con lạch nhỏ.

Cơ quan Frontex đảm trách về biên giới bên ngoài EU đã báo cáo có hơn 1.000 người di dân bất hợp pháp qua biển Egée đến các hòn đảo Hy Lạp  trong tháng 1 vừa qua. Vào tháng 2, con số này đã tăng lên đến 57.000 người. Để ngăn những người di dân mới, EU đã thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc trục xuất tất cả những người di dân đến Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện những cuộc kiểm tra để ngăn cản những người muốn rời khỏi bờ biển nước này” - Yves Pascouau, Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu và chuyên gia về vấn đề di dân, xác nhận. Thêm vào đó là việc khóa chặt biên giới với các nước vùng Balkans, nhất là Serbia. Kết quả là hàng ngàn người di dân, đặc biệt là các gia đình, hiện đang bị kẹt lại.

Việc Đức và Hà Lan không chấp nhận những cuộc mít tinh trên lãnh thổ để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-4-2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia tăng quyền lực của Tổng thống Erdogan đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Từ đó Ankara đã cho thấy ý định sẽ hủy bỏ thỏa ước di dân. Chỉ cần một chỉ thị của Tổng thống Erdogan cũng đủ để mở lại biên giới cho người di dân Syria rời khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

“Chúng tôi có thể đơn phương chấm dứt thỏa ước. Nếu muốn, chúng tôi có thể mở đường cho 15.000 người di dân mỗi tháng và quý vị sẽ nhọc nhằn đấy” - Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuyên bố.

Tuy nhiên mọi điều kiện để duy trì thỏa ước như đã được quy định ngày 18-3-2016 lại không được đáp ứng. Trong bối cảnh cuộc đảo chính và sự lệch hướng quyền hành của chế độ, việc cấp visa ngắn hạn cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu vẫn chưa được thực hiện cũng như việc nối lại những cuộc thương thảo cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Người di dân đến đảo Lesbos (Hy Lạp).

“Dường như chúng ta không xem trọng điều đó, bởi vì thỏa ước vẫn tiếp tục có hiệu lực. Bởi vì phần tài chính hoạt động tốt. Trong số 3 tỉ euro đã hứa, có 2,2 tỉ đã được chi ra hay sắp sửa chi ra” - Yves Pascouau cho biết. Phần tiền đó dùng để tài trợ cho các trại tị nạn Syria trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa ước cũng dự trù người di dân bị EU đưa trở về Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bù trừ bằng số dân Syria xin nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ. Vào cuối tháng 2 có 3.565 người tị nạn được chấp nhận tại 9 quốc gia EU. Con số này cao hơn số người bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ.

“Vào ngày 10-3-2017 chỉ có 916 người từ Hy Lạp bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Về mặt pháp lý, người ta không thể đưa người Syria về Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này không được xem như là một “đất nước thứ ba an toàn” xét theo nghĩa tiếp nhận. Nước này đã ký và phê chuẩn hiệp định về người tị nạn năm 1951 mà không dỡ bỏ hạn chế địa lý cho châu Âu” - Yves Pascouau giải thích.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 16-3, nhiều tổ chức phi chính phủ lấy làm tiếc về một thỏa ước đã “làm hại đến các giá trị châu Âu về nhân quyền và phẩm giá”. Các tổ chức này cũng nhắc đến những điều kiện “hạ nhân phẩm” của người di dân bị kẹt trên những hòn đảo của Hy Lạp, ước tính từ 9.000 đến 14.000 người.

“Châu Âu đã không đảm đương trách nhiệm bảo vệ mọi người đang tìm kiếm sự an toàn trên lãnh thổ châu Âu” - một báo cáo của Ủy ban Cứu trợ quốc tế, Hội đồng Tị nạn Na Uy và Oxfam đã cho biết.

Chuyên gia về các tình huống khẩn cấp của Quỹ LHQ cho trẻ em là Lucio Melandri nhấn mạnh rằng, một trong các điểm mấu chốt của thỏa ước dự trù EU sẽ tiếp nhận ít nhất 120.000 người di dân từ Hy Lạp và Ý. “Chúng ta đang đối mặt với điều mà chúng ta gọi là lời hứa không được giữ” - ông nói và nhắc lại rằng chỉ có 14.412 người được tiếp nhận vào ngày 15-3, trong đó chỉ có vài chục trẻ em không có người thân đi kèm.

Mê Linh (theo LExpress)
.
.