Khai mạc khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 61 tại New York:

Thời cuộc mới, thách thức mới

Thứ Tư, 20/09/2006, 15:00
Khóa họp có tầm quan trọng lớn không những đối với Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), người chuẩn bị nghỉ vào tháng 12 tới, mà còn đối với cả những ứng cử viên thay thế ông Kofi Annan.

Ngày 19/9, khóa họp thường niên lần thứ 61 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức khai mạc trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng An ninh và Cảnh sát Mỹ. Tham dự hội nghị có gần 90 Tổng thống và Thủ tướng cùng hàng chục Ngoại trưởng các nước thành viên Liên hợp quốc.

Hội nghị thường niên lần thứ 61 Đại hội đồng LHQ diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và hiểm nguy sinh tử. Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang trở thành mối đe dọa đẫm máu không chỉ đối với riêng một quốc gia hay một dân tộc nào.

LHQ với tư cách là tổ chức quốc tế lớn nhất trên hành tinh chúng ta đã buộc phải dấn thân vào tiến trình cải tổ để xác lập vị thế xứng đáng với nhiệm vụ của mình là nhân tố mang tính quyết định trong tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề chung của nhân loại.

Rõ nhất là việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo vệ độc lập chủ quyền của các nước thành viên. ở một hoàn cảnh nào đó, tuy không hoàn toàn ngăn chặn được những cuộc chiến tranh nhưng LHQ cũng có tiếng nói góp phần giúp cho các cuộc chiến tranh không hoàn toàn diễn ra theo ý muốn chủ quan của một vài nước. Trong một chừng mực nhất định, LHQ đã trở thành niềm tin, sự hi vọng của nhân dân các dân tộc trên thế giới.

Nước Việt Nam ta, từ khi trở thành thành viên của LHQ, chúng ta đã được hưởng những quyền lợi chính đáng của một nước thành viên và cũng luôn tích cực hoàn thành trách nhiệm đối với tổ chức này, tức là hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trong thời đại mới.

Quyền lợi mà nước ta được hưởng rõ nhất ấy là Việt Nam trên nguyên tắc luôn được tất cả các nước tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng quyền tự quyết của chúng ta trong mọi chính sách đối nội và đối ngoại, được các tổ chức quốc tế và các nước giúp đỡ, hợp tác để phát triển.

29 năm qua, nước ta đã từng bước thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, trở thành một nước đang phát triển với một tốc độ tiến bộ khá cao, ngày càng xác lập vị thế của mình trên trường quốc tế. Cùng với quyền lợi được hưởng, Việt Nam cũng luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với Liên hợp quốc.

Ngoài những nghĩa vụ phải đóng góp theo quy định, Việt Nam luôn tỏ ra là một đất nước quan tâm đến các dân tộc khác. Chúng ta luôn lên tiếng đúng thời điểm cần thiết về các vấn đề của quốc tế như lên án chiến tranh, bảo vệ hòa bình, chống khủng bố và lợi dụng chống khủng bố, ủng hộ trợ giúp các nước bị thiên tai, đói nghèo bằng cả tinh thần và vật chất.

Nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhất, ấy là việc gần 3 thập kỷ qua, nước ta đã duy trì được sự ổn định về chính trị, kinh tế phát triển với tốc độ khá cao ở tốp hàng đầu thế giới, văn hóa có những tiến bộ và biến đổi sâu sắc, đời sống vật chất và tinh thần của hơn tám chục triệu dân ngày càng được nâng cao.

Việt Nam hôm nay đang ở một vị thế mới. Thế và lực của nước ta đã khác nhiều so với khi chúng ta mới trở thành thành viên của LHQ. Sắp tới Việt Nam là nơi được tin tưởng tổ chức đăng cai Hội nghị quốc tế nguyên thủ các nước APEC, và chuẩn bị trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam cũng đang được nhiều nước ủng hộ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Thật tự hào khi Việt Nam là bạn với tất cả các nước, đang từng bước hội nhập, nhịp bước cùng nhân loại, cùng tất cả các dân tộc trên thế giới xây dựng ngôi nhà chung trái đất hòa bình, ổn định và phát triển. Thật tự hào khi mong ước của Bác Hồ từ sáu thập niên trước: "Non sông Việt Nam có được vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không?" đang trở thành hiện thực

Đinh Quang Tốn - Quốc Trung
.
.