Thời luận: Cốt ở yên dân

Thứ Năm, 13/03/2014, 16:35

Trong bản "Tuyên ngôn Độc lập" do Bác Hồ đọc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, những từ được nhắc tới thường xuyên nhất là "đồng bào ta", "dân ta", "nhân dân ta" và "toàn dân Việt Nam"... Trong không chỉ một bài viết ở giai đoạn sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù với bút danh gì Bác cũng đều nhấn mạnh tới nguyên tắc "Việc gì có lợi cho dân thì phải làm. Việc gì có hại cho dân là phải tránh" (ý tưởng này được lần đầu nhắc tới trong bài "Chính phủ là công bộc của dân" in với bút danh Chiến Thắng trên Báo Cứu quốc số 46, ngày 19/9/1945).

Chính nhờ biết xây dựng khối đoàn kết toàn dân, "lực lượng vĩ đại hơn hết" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, nên những người Cộng sản đã lãnh đạo thành công đất nước đứng lên đánh đổ các ách thống trị ngoại bang thực dân và phát xít, giành lại độc lập  tự do cho dân tộc, xây dựng xã hội mới trên nền tảng của những tư tưởng cách mạng, dân chủ và xã hội chủ nghĩa kết hợp nhuần nhuyễn với các giá trị nhân văn tinh túy trong quan niệm "dân vi bản" của phương Đông.

Cũng chính vì nhân dân là cái gốc của mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản nên mọi hoạt động của chính quyền mới đều xuất phát từ tình yêu nhân dân sâu sắc và nhằm mục đích vì hạnh phúc của nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Làm cho nhân dân được tự do hạnh phúc mới là mục đích cuối cùng của cách mạng và của những người Cộng sản Việt Nam.

Mô hình xã hội tốt nhất phải là mô hình mà trong đó, mọi cơ chế và chế độ đều nhằm mục đích tạo điều kiện để cho người dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình, của Tổ quốc mình. Khác đi tức là đã chệch hướng, đã như "cây lìa cội". Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân nhưng luôn là một bộ phận khăng khít của dân tộc và ở trong nhân dân chứ không phải ở trên dân tộc hay nhân dân. Có thế, Đảng mới thực sự là sự chọn lựa tốt nhất của dân tộc, của nhân dân....

Lễ hội xuân. Ảnh: Duy Tường.

Điều này đã được Bác Hồ quán triệt ngay từ những ngày đầu tiên của chế độ mới. Và để đất nước có thể phát triển lành mạnh, nhân dân được hưởng những quyền tự do dân chủ, yếu tố quan trọng nhất là phải xây dựng và thực hiện bằng được hiến pháp dân chủ.

Một ngày sau Quốc khánh 2/9/1945, trong bài nói "Những nhiệm vụ cấp bách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", Bác Hồ đã nhấn mạnh rằng: "Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ!".

Và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp mang dấu ấn lịch sử với tư cách là "bản Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông" như Bác Hồ nhận xét, được thông qua ngày 9/11/1946 ngay từ những dòng đầu tiên đã ghi rõ: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo".

Trong bài phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi đã thông qua Hiến pháp, Bác Hồ còn nhấn mạnh: "Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế… Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam có hoàn toàn đủ mọi quyền  tự do… Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp…".

Tinh thần lấy toàn dân làm gốc này đã tiếp tục được thể hiện rõ nét trong các bản Hiến pháp  1958, 1980 và 1992. Và cũng với tinh thần đó mà ngày 28/11/2013, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.  Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, bản Hiến pháp mới đã nói lên tiếng nói của 90 triệu đồng bào, trong đó nhiều vấn đề hệ trọng từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, quyền con người, quyền công dân…

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá, việc Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) "là một sự kiện chính trị - pháp lý có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta". Đó là kết quả của một quá trình làm việc hết sức công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ với sự tham gia sâu rộng hiếm thấy của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Một bản Hiến pháp đã được xây dựng, nói theo cách của Bác Hồ, "theo một hoàn cảnh thực tế"…

Nhờ thế nên "Hiến pháp đã phản ảnh được ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân", hòa quyện ý Đảng lòng dân. Quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp sửa đổi là "thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ XHCN và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân".

Hiến pháp mới đã bổ sung đầy đủ các hình thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như trước đây mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Đồng thời, Hiến pháp cũng tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, từng do lịch sử giao phó, nhân dân thừa nhận và được xác nhận trong các bản Hiến pháp từ sau Cách mạng Tháng Tám….

Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi từng viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…". Phương châm này cũng đang là kim chỉ nam cho mọi hành động của bộ máy quản lý xã hội chúng ta trên cơ sở Hiến pháp và Pháp luật. Thực tế cho thấy, chỉ có một xã hội ổn định và bình an mới có thể có cơ hội phát triển một cách bền vững và thịnh vượng…

ANTG Xuân Giáp Ngọ
.
.