Thủ tướng Anh thăm Nga: Băng vẫn chưa tan

Thứ Sáu, 16/09/2011, 19:25

Chuyến thăm Nga vỏn vẹn trong vòng 1 ngày của Thủ tướng Anh David Cameron được dư luận chú ý theo dõi bởi tính chất quan trọng của nó cùng với những nội dung hội đàm cấp cao liên quan không chỉ các vấn đề kinh tế mà cả những vấn đề nhạy cảm từng gây căng thẳng giữa 2 nước. Đa số dư luận rất thận trọng khi đánh giá mức độ "thành công" của chuyến thăm, vì giữa 2 bên vẫn còn rất nhiều rào cản và việc "phá băng" chưa thể thực hiện được.

Với chuyến thăm được xem là "phá băng" quan hệ 2 nước Nga - Anh, Thủ tướng David Cameron, Thủ tướng Anh đầu tiên thăm Nga kể từ khi ông Tony Blair dự Hội nghị G-8 tại St. Petersburg vào tháng 7/2006.

Trước chuyến thăm này, ông Cameron đã 4 lần gặp mặt Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, tuy nhiên cuộc gặp tại Moskva vẫn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hàng loạt vấn đề đã được mang ra đặt lên bàn hội đàm. Trên hết, chuyến thăm mang ý nghĩa "khởi động lại" quan hệ 2 nước mang khá nhiều kỳ vọng trong hoàn cảnh của một châu âu và nước Anh nói riêng đang gặp quá nhiều khó khăn về kinh tế, với cơn "hồng thủy" khủng hoảng nợ công đang ngày đêm khiến cho các lãnh đạo châu lục này "mất ăn mất ngủ". Ngay cả bản thân nước Anh cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với khủng hoảng, và đã có nhiều tiếng nói cảnh báo được cất lên.

Mặt khác, tình trạng các mối quan hệ giữa Nga và Anh trong gần 5 năm qua hoàn toàn không tốt, đã được gọi là "đóng băng" do xảy ra nhiều bất đồng, sự cố chính trị lẫn an ninh. Vụ ám sát cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko ở London tháng 11/2006 đã châm ngòi cho hàng loạt tranh cãi giữa 2 nước, là mấu chốt dẫn đến nhiều sự kiện căng thẳng khác làm "đóng băng" quan hệ 2 nước. Mức độ "đóng băng" nghiêm trọng đến độ, trong suốt thời gian gần 5 năm qua, không một quan chức nào của Anh từng nói chuyện với Thủ tướng Nga Vladimir Putin dù không thiếu cơ hội tiếp xúc giữa 2 bên.

Trong bối cảnh đó, trọng tâm của chuyến đi đương nhiên phải đặt nặng vào việc củng cố các mối quan hệ làm ăn kinh tế nhằm bảo đảm tương lai đầu tư kinh doanh của các công ty Anh tại Nga. Hơn nữa, Anh đang tính tham gia mạng lưới tuyến ống dẫn khí Nord Stream từ Nga sang Tây âu, đồng thời các công ty dầu khí của Anh cũng đang muốn tìm kiếm chút ưu đãi sau khi bị mất hợp đồng hợp tác khai thác dầu khí với Nga ở Bắc Cực về tay Hãng Exxon Mobil của Mỹ (và cũng vì thế mà trong phái đoàn tháp tùng Thủ tướng Cameron còn có cả vị Tổng giám đốc Tập đoàn BP, vì vậy chuyến thăm này cũng là dịp để thảo luận nhằm thúc đẩy thêm tiến trình hợp tác đó, đảm bảo an ninh năng lượng về lâu dài cho nước Anh và cả châu âu.

Phát biểu tại Moskva ngay sau các cuộc hội đàm với lãnh đạo Nga, Thủ tướng Cameron nói rằng "Anh và Nga phải xây dựng lại quan hệ" sau thời gian "đóng băng". Cameron nói, ông muốn một "giải pháp mới dựa trên sự hợp tác" để "tái khởi động" quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Tuy nhiên, đằng sau những ngôn từ mang khí thế hùng hồn đó, dư luận lại tỏ ra bi quan về khả năng cải thiện quan hệ song phương trong tương lai. Nói tóm lại, "băng" vẫn chưa thật sự bắt đầu "tan" sau chuyến thăm của ông Cameron như hy vọng ban đầu đặt ra cho dù quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp có thể được thúc đẩy một chút, vì nhiều lý do. Ngay từ trước chuyến thăm, ông Cameron đã gặp áp lực lớn từ trong nội bộ nước Anh đòi ông phải "đối đầu" với Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin liên quan tới một số vấn đề nhạy cảm, mà nổi bật nhất là vụ điệp viên Litvinenko.

Thủ tướng Anh đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh Xôviết.

Nhìn chung, nước Anh vẫn chưa thể bỏ qua những chuyện cũ, và thời gian 5 năm là "quá ít" để người Anh thôi bị ám ảnh bởi những trục trặc do mình tạo ra với nước Nga. Đó là vụ Litvinenko. Nước Anh trước sau vẫn một mực cho rằng Đại biểu Duma quốc gia Nga Andrei Lugovoi là "thủ phạm" gây ra cái chết của Litvinenko và nằng nặc đòi Nga phải dẫn độ ông này sang Anh mặc dù không có bằng chứng cụ thể.

Mới đây, trang WikiLeaks đã tiết lộ các bức điện ngoại giao của Mỹ ở Paris, Madrid và Brussels cho thấy bóng dáng thủ phạm giết chết Litvinenko là người khác, thuộc thành phần mafia ở Tây Ban Nha. Sau vụ Litvinenko, lại có thêm vụ việc cái chết của luật sư Sergei Magnitsky trong khi đang bị cảnh sát tạm giam hồi năm 2009; vụ xét cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Yukos Mikhail Khodorkovsky; và kỳ bầu cử Duma quốc gia sắp tới cũng khiến người Anh quan tâm, bàn ra nói vào, đòi hỏi "công bằng".

Đối với nước Nga, những vụ việc như thế là chuyện nội bộ, và sự "quan tâm" thái quá của người Anh vào chuyện nội bộ của Nga là điều không thể chấp nhận được. Nga có bao giờ can thiệp vào những trường hợp trong đó cảnh sát Anh bắt bớ và bắn giết bừa bãi những người da màu mà họ nghi là "khủng bố" đâu? Nga có bao giờ lên tiếng chuyện ngay tại London vẫn còn cách đối xử kỳ thị người Hồi giáo gốc châu á, người da đen gốc Phi?

Tờ Thời báo Moskva của Nga hôm 12/9 đã trích lời ông Sergei Prikhodko, cố vấn đối ngoại cao cấp của Tổng thống Nga Medvedev nói rằng "khó có hy vọng" chuyến thăm của ông Cameron sẽ mang lại một sự tái khởi động quan hệ 2 nước, vì còn quá nhiều bất đồng chưa được giải quyết và cũng vì chính người Anh chưa thật sự sẵn sàng cho việc đó. Quan hệ song phương giữa 2 nước không thể tái khởi động được khi mà người Anh vẫn luôn chăm chăm các gút mắc và tìm cách can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.