Thủ tướng Israel ra điều kiện bất khả thi cho Palestine

Thứ Tư, 24/06/2009, 17:45
Dưới sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đồng minh quan trọng Mỹ, ngày 14/6 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou đã phải chấp nhận nguyên tắc về một Nhà nước Palestine. Tuy nhiên, điều kiện mà vị Thủ tướng Israel theo đường lối bảo thủ này đưa ra cho lãnh đạo Palestine lại không hề dễ chịu chút nào, nếu không muốn nói là bất khả thi.

Trong một bài diễn văn được cả thế giới mong đợi về chính sách ngoại giao của Nhà nước Do Thái, hôm 14/6, Thủ tướng Benjamin Netanyahou đã đưa ra những điều kiện khắt khe nhất cho việc thành lập một Nhà nước Palestine bên cạnh một Nhà nước Israel. Thứ nhất là Palestine phải phi quân sự hóa toàn bộ và thứ hai là phải thừa nhận Israel như một nhà nước của người dân Do Thái. "Nếu chúng tôi nhận được những cam kết trên từ phía lãnh đạo Nhà nước Palestine, chúng tôi sẽ tiến hành vòng đàm phán để có thể thành lập hai nhà nước song song cùng tồn tại" - ông Netanyahou cho biết.

"Phần đất được giao cho người Palestine sẽ không có quân đội, không có kiểm soát không lưu, không đưa vũ khí vào và không có khả năng móc nối liên minh với Iran hay Hezbollah Liban" - Thủ tướng Netanyahou nhấn mạnh.

Cũng trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao kể từ khi lên nắm chức Thủ tướng hồi tháng 2/2009, ông Netanyahou từ chối ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Việc Israel tiếp tục mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây là phá hoại triển vọng về một Nhà nước Palestine.

Đề xuất này ngay lập tức bị phía Palestine từ chối và bị coi là nhằm mục đích phá hoại ngầm tiến trình hòa bình tại Trung Đông. Phát biểu với Hãng Thông tấn Pháp AFP, Nabil Abou Roudeina, phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, tuyên bố: "Bài diễn văn của ông Netanyahou đã làm tiêu tan mọi sáng kiến hòa bình cho khu vực. Nó phá vỡ mọi cố gắng nhằm cứu vãn nền hòa bình tại Trung Đông của cộng đồng quốc tế, trong đó có chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama".

Ông Roudeina còn cho biết thêm: "Thủ tướng Netanyahou đã nói tới một Nhà nước Palestine nhưng lại loại bỏ khả năng dỡ bỏ các khu định cư. Yêu cầu thừa nhận tính chất Do Thái của Nhà nước Israel, ông Netanyahou đồng nghĩa muốn người Palestine tham gia vào phong trào Chủ nghĩa người Do Thái tự trị (Sionisme) toàn cầu".

Theo các nhà quan sát, Thủ tướng Israel muốn áp đặt một nguyên tắc mà không tính tới quyền của người tị nạn Palestine. "Ông ta (Thủ tướng Netanyahou) sử dụng những từ “Nhà nước Palestine” nhưng lại muốn biến nó thành một xứ bảo hộ của Israel. Ông ta có nói đến những cuộc đàm phán nhưng chẳng để lại gì cho người Palestine đàm phán vì thực tế ông ta đã lấy đi toàn bộ hồ sơ về việc đàm phán giữa hai bên"- Saeb Erakat, Trưởng đoàn đàm phán Palestine, bình luận trước khi cho biết thêm rằng, Thủ tướng Israel không thừa nhận một Nhà nước Palestine nhưng lại đặt ra một loạt các điều kiện gần như bất khả thi đối với việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền.

Phong trào Hamas Hồi giáo, vốn phản đối mọi sự thừa nhận Nhà nước Israel, cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Netanyahou phản ánh tư tưởng phân biệt chủng tộc và cực đoan của ông Netanyahou và coi thường mọi quyền của nhân dân Palestine.

Trong bài diễn văn mang tính hòa giải với thế giới Hồi giáo ngày 4-6 tại thủ đô Cairo, Ai Cập, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc giục Israel phải chấp nhận nguyên tắc 2 nhà nước cho 2 dân tộc và kêu gọi Israel ngưng toàn bộ việc xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, nơi hiện có gần 300.000 người Israel sinh sống. Từ trước đến nay, Thủ tướng Netanyahou luôn từ chối mọi sáng kiến về việc thành lập một Nhà nước Palestine vì cho rằng tâm điểm của cuộc xung đột Trung Đông hiện nay nằm ở sự từ chối thừa nhận Nhà nước Do Thái của các nước Arập.

Năm 1947, khi xung đột vũ trang ngày càng gia tăng với các nhóm quân sự Do Thái và những nỗ lực hòa giải không thành công giữa người Do Thái và người Arập, Chính phủ Anh quyết định rút khỏi lãnh thổ ủy trị Palestine của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Sau đó, Đại hội đồng LHQ thông qua kế hoạch phân chia lãnh thổ đó làm hai quốc gia, với vùng Do Thái chiếm khoảng 55% diện tích và vùng Arập khoảng 45%. Theo kế hoạch, Jerusalem sẽ trở thành một vùng do LHQ quản lý để tránh xung đột.

Kế hoạch phân chia này của LHQ đã không được cả Israel và Liên đoàn Arập chấp nhận. Nhiều cuộc tấn công của người Arập vào người Do Thái nhanh chóng biến thành xung đột khắp nơi giữa người Arập và người Do Thái. Các xung đột này là giai đoạn đầu tiên của chiến tranh giành độc lập năm 1948.

Chính quyền Palestine chưa bao giờ công nhận Israel như một Nhà nước Do Thái vì theo họ việc này đồng nghĩa với sự từ bỏ quyền quay lại của người tị nạn Palestine. Theo một điều luật cơ bản, Israel được xác định như một Nhà nước Do Thái và dân chủ, bao gồm cả 1,3 triệu công dân Arập. Những người này buộc phải di dời khi Israel thành lập năm 1948.

Số phận của những người tị nạn Palestine tại Israel và con cháu của họ, tổng cộng khoảng 4,5 triệu người, là vấn đề nan giải nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel từ chối việc cho những người Palestine này hồi hương. Ông Netanyahou cũng tái khẳng định sẽ không chia sẻ Jérusalem với người Palestine.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Netanyahou đã bị mắc kẹt giữa những đòi hỏi của Mỹ để khởi sự những cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine và kiềm chế liên minh gồm những người có chủ trương cứng rắn. Với bài diễn văn này, ông Netanyahou có vẻ như thiên về mối quan hệ với Mỹ có tầm mức quan trọng đối với Israel trong khi có thể làm cho chính phủ của ông mất ổn định.

Và để “giảm tông” cứng rắn, ông Netanyahou cũng kêu gọi người dân và giới lãnh đạo Palestine ngay lập tức ngồi vào bàn đàm phán về tiến trình hòa bình mà không được đưa ra bất cứ điều kiện nào

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.