Thủ tướng Salam Fayyad từ chức: Tin vui cho người Palestine

Thứ Tư, 18/03/2009, 15:15
Thủ tướng Palestine do phong trào Fatah chỉ định, Salam Fayyad, hôm 7/3 vừa qua đã đệ đơn từ chức, một quyết định được coi là để mở đường cho việc thành lập một chính phủ quốc gia thống nhất giữa Fatah ôn hòa và Hamas quá khích. Giới quan sát cho rằng quyết định trên của ông Salam Fayyad chưa thể coi là tin vui cho người Palestine nói chung nhưng cũng là một tín hiệu đáng mừng.

“Huynh đệ tương tàn” đến bao giờ?

Sau nhiều năm đấu tranh vũ trang, tháng 2/2006, Hamas khiến cả thế giới kinh ngạc với chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestin. Tuy nhiên, cuộc “hôn nhân” chóng vánh giữa Hamas và phong trào Fatah tại Quốc hội đã tan vỡ hồi tháng 6/2007 dẫn đến việc Palestine bị chia làm đôi, Hamas kiểm soát Dải Gaza bằng sức mạnh quân sự, Fatah kiểm soát bờ Tây.

Ngay sau đó, phong trào Fatah đã không còn công nhận Chính phủ của Hamas nữa mà tự đứng ra thành lập một chính phủ riêng. Và ông Salam Fayyad đã được Tổng thống Mahmoud Abbas, bổ nhiệm vào chức vụ Thủ tướng, tháng 6/2007.

Từ đó đến nay, hai bên đã nhiều lần tiến hành đàm phán thông qua trung gian nhiều nước nhưng Hamas và Fatah vẫn không thể đi tới chung sống hòa bình. Có 4 mâu thuẫn chủ yếu mà cả Fatah và Hamas đều chưa thể giải quyết qua nhiều vòng đàm phán trước đây.

Thứ nhất, phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas muốn tiến hành các kỳ bầu cử (Tổng thống và Quốc hội) với hy vọng trả được "mối hận" cách đây 3 năm trước phe Hamas. Trong khi Hamas cho rằng Luật Thành lập chính quyền Palestine quy định 4 năm đối với nhiệm kỳ của vị Tổng thống. Ông Abbas được bầu ngày 8/1/2005. Như vậy, sau ngày 8/1/2009, Hamas không còn coi ông Abbas là Chủ tịch chính quyền Palestine nữa. Trong khi Quốc hội Palestine hiện nay do phe Hamas kiểm soát được bầu lên hồi tháng 1/2006 cho nhiệm kỳ 4 năm.

Mâu thuẫn thứ hai liên quan tới việc cải cách Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Hamas cho rằng cơ quan này (Hamas không phải là thành viên) không còn đại diện trên bàn cờ chính trị Palestine và yêu cầu cải tổ. Ngược lại, Fatah, chiếm đại đa số trong PLO, lại không sẵn sàng nhượng bộ.

Thứ ba, Fatah và Hamas tố cáo việc bắt giữ tù binh giữa hai bên và đều yêu cầu phe này thả tù binh của phe kia trước khi bàn tới chuyện thành lập một chính phủ quốc gia thống nhất.

Mâu thuẫn cuối cùng liên quan tới thành phần và nhiệm kỳ của một chính phủ hợp nhất. Fatah cho rằng, Hamas một khi gia nhập vào các định chế luật pháp Palestin, phải chấp nhận Tổng thống Abbas có toàn quyền trên lĩnh vực ngoại giao. Vì chính quyền Palestine của ông Abbas được cộng đồng quốc tế công nhận và chấp nhận tiến hành đàm phán hòa bình với Israel. Điều này thì Hamas không hề muốn. Chính vì vậy, việc ký kết một hiệp ước hòa bình giữa Palestine và Israel từ năm 2007 đến nay vẫn còn quá xa vời.

Chính phủ thống nhất dân tộc: khó khăn trăm bề

Quá trình đàm phán hòa giải giữa Fatah và Hamas chỉ thực sự được đẩy mạnh kể từ sau cuộc tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza từ 27/12/2008 đến 18/1/2009. Sau cuộc chiến này, nhu cầu tái thiết Dải Gaza cấp bách hơn bao giờ hết.

Ngày 2/3 vừa qua, hội nghị các nhà tài trợ quốc tế tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, nhằm tái thiết dải đất này đã hứa viện trợ cho Palestine 4,5 tỉ USD. Nhưng phần lớn các nước tài trợ từ chối đàm phán với Hamas chứ đừng nói tới chuyện họ đưa tiền cho Hamas.

Tái thiết Dải Gaza trong khi vùng đất này lại đang thuộc quyền kiểm soát của Hamas. Chính điều này đã khiến Fatah và Hamas đi tới thỏa thuận thành lập một chính phủ thống nhất. Chính phủ chuyển tiếp này ngoài việc lo quản lý nguồn vốn tái thiết Dải Gaza còn chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Palestine vào tháng 1/2010.

Quyết định của ông Fayyad được coi là một hành động nhằm tạo sự tin tưởng cho phía Hamas trước khi cuộc họp hòa giải chính thức bắt đầu ngày 10-3 tại Cairo, Ai Cập. Ông Fayyad, 57 tuổi, cho hay ông sẽ từ chức sau khi chính phủ mới được thành lập, nhưng sẽ không quá cuối tháng 3 này. Tuy nhiên, phụ tá của Tổng thống Abbas là Nabil Abu Rdeneh nói rằng, ông Abbas có thể tái bổ nhiệm ông Fayyad nếu cuộc thương thảo hiện nay bất thành.

Ông Fayyad, một kinh tế gia được nhiều người kính nể và là một chính trị gia độc lập, đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của thế giới. Ông đã thực hiện nhiều kế hoạch cải cách, kể cả công bố rõ ràng hơn sự chi tiêu của chính phủ và bố trí lực lượng an ninh Chính phủ Palestine ở những nơi từng là cứ địa của thành phần quá khích tại vùng bờ Tây. Năm 2007, thế giới đã hứa viện trợ khoảng 7,7 tỉ USD trong ba năm cho Chính phủ Fayyad.

Hơn ai hết, các phe phái ở Palestine hiểu rằng một chính phủ thống nhất sẽ là đối tác thích hợp nhất trong mọi khuôn khổ hoặc diễn đàn đàm phán hòa bình cho Trung Đông. Bởi việc quan trọng và cần thiết là đạt được giải pháp hòa bình, nhưng điều còn quan trọng và cần thiết hơn là việc thực hiện giải pháp đó, mà thực tiễn đã cho thấy một khi không có sự đồng thuận giữa Fatah và Hamas thì sẽ chẳng thể thực hiện được bất cứ thỏa thuận hay giải pháp gì một cách bền vững.

Trước đây và bây giờ cũng vậy, Mỹ và châu Âu coi Hamas là tổ chức khủng bố và cự tuyệt đối thoại. Quan điểm của Mỹ và EU giờ còn kiên định hơn khi đòi hỏi Hamas phải công nhận Israel và những thỏa thuận được ký trước đây. Trong khi Hamas không chấp nhận điều này. Vì thế, sự hiện diện của Hamas trong một chính phủ thống nhất Palestine sẽ làm cho chính phủ ấy khó xử trong quan hệ với Israel, Mỹ và EU, nhất là khi đó việc xin viện trợ sẽ rất khó khăn.

Hơn nữa, Chính phủ Israel sau cuộc bầu cử ngày 10/2 vừa qua với đa phần cánh hữu lại càng tỏ ra cứng rắn hơn với việc đàm phán với một Chính phủ Palestine có sự tham gia của Hamas. Chính phủ thống nhất ấy dưới con mắt của Mỹ và EU là "bỏ thì thương, vương thì tội" vì họ vừa không thể phản đối việc thành lập chính phủ này ở Palestine lại vừa không muốn tiếp xúc, đối thoại và càng không muốn đi tới thỏa thuận nào với Hamas.

Chính vì vậy, việc Thủ tướng Salam Fayyad từ chức để mở đường cho một chính phủ thống nhất quốc gia không biết nên hiểu là tin xấu hay tin tốt cho người Palestine

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.